Friday, September 30, 2016

Nhất đẳng huyền đai





Hôm nọ, ở siêu thị, mình tự dưng nhìn thấy một chiếc xe nôi xinh xinh, trong đó có thằng bé con tầm 3, 4 tháng tuổi nằm ngủ say sưa, mặt phị ra, cái mũi bé tí,và đôi bàn chân cũng bé tí xíu đỏ hồng. Nó có cái trán vuông vức, và một vệt tóc sơ sinh vàng hoe trên trán như bị bò liếm. Thằng bé giống hệt chú Bình Nguyên thuở chú cũng bé tí xíu như thế. Mình nói với chị mẹ rằng con trai tôi hồi bé giống hệt thế này, thì chị ý nhìn mình ngỡ ngàng như kiểu mài tóc đen da vàng mũi tẹt mơ sảng à mà lại nhận vơ con mài giống con tao hehe.
Mình đứng ngắm nó một hồi, nhớ chú Bình Nguyên đến mức chỉ muốn đến trường rủ chú trốn học đi chơi, như hồi ở New York hai mẹ con hay tung tăng đi chơi, những ngày gió reo, nắng reo, giữa những âm thanh sôi ầm ì không ngớt của New York.
Năm ngoái, ông con trai được cử đi thi toán học sinh giỏi. Có 12 trường, mỗi trường cử hai đội mỗi đội 4 đứa. Vậy là 24 đội đấu lẫn nhau. Đội của ông con mình về nhì. Ngày xưa mẹ cũng hay đi thi học sinh giỏi. Thi chỉ là phụ, lĩnh tiền bồi dưỡng cả lũ đi ăn bánh chuối rán với nhau mới là chính. Có lần thi chả nhớ môn gì, vào giờ thi đến nơi rồi mà vẫn đang mải chui rúc hái dâu dại đút túi, thi thì thi chả thi thì đừng.

 Lại nói chuyện ông con, toán ông giỏi nhất lớp đã đành, đi thi đấu bóng đá ông cũng là chủ lực ghi bàn mang huy chương và cúp về cho trường. Mẹ cứ đến trường là huấn luyện viên chạy ra kể thành tích của ông và chúc mừng rối rít. Các bạn ông, Ấn độ thì giỏi toán nhưng yếu thể thao, Tây thì giỏi thể thao nhưng yếu toán. Mỗi ông VN của mẹ thì giỏi tất. Bao giờ có thời gian mẹ phải chỉnh đốn cả kỹ năng viết của ông. Dạo này mẹ thấy ông viết không tốt như trước.
Cô con gái thì học giỏi đến mức lớp 3 đã giải toán lên tận bậc của lớp 5. Họp phụ huynh cô giáo bảo tôi xin lỗi phải thú nhận với chị một bí mật là tôi cố tình cho nó điểm 9 để giữ nó ở bậc 4. Cô cũng chỉ cố tình đánh tụt điểm của nó được vài lần, cuối cùng nó vẫn đủ 3 điểm 10 liên tiếp để lên bậc toán 5. Nó thông minh quá, mấy con tính và suy luận logics đơn giản này không ăn thua với nó.  Cứ thỉnh thoảng mẹ lại thấy mang các thể loại giấy khen và cúp vô địch cái nọ cái kia về bày ở trong nhà, nhiều đến mức con chả buồn khoe mẹ, mẹ cũng chả buồn hỏi con. Mẹ bảo con cứ cố gắng trong khả năng của con là được, mấy cái giấy khen cúp kiếc này có cũng được không có cũng chẳng sao.
Mẹ rút con mẹ ra, trường mất đi hai học sinh ưu tú chứ đùa à. Được cái trường chắc cũng thở phào nhẹ nhõm vì thoát được một học sinh cá biệt. Về vụ học sinh cá biệt thì tui sẽ rầu rĩ kể ở entry sau.

Vừa đến trường mới, ông con trai đã được chọn vào đội tuyển bơi. Tuần hai buổi ông bơi oàm oạp và bơi xong thì ăn như hùm đổ đó. Mẹ chìa cho miếng bánh mà không rụt phắt tay lại thì có khi bị ông ngoạm cả vào tay. Mẹ thú thật nhìn ông bơi vun vút lòng mẹ quả cũng có tự hào. Ông là kình ngư của mẹ đấy chứ đùa đâu. Ông có nhớ những ngày đầu mới học bơi mẹ phải bấm bụng xuống bể bơi bơi cùng để khuyến khích ông, nước lạnh đến độ móng tay mẹ tím ngắt và người thì ngứa ran lên không? Đội bóng của trường cũng xin ông nhưng mẹ từ chối vì lịch của ông đã quá dày. Nhưng mẹ biết mẹ chỉ hoãn binh được một thời gian, chứ đến lúc có giải đấu là họ sẽ mời ông của mẹ bằng được cho mà xem.

Tuần trước ông đi học về tâm sự với mẹ rằng cô giáo bảo ông phải làm một bản Power Point thuyết trình cho cả lớp phương pháp học khiến ông cái gì cũng giỏi như vậy. Mẹ chả biết ông giỏi đến cỡ nào nhưng mỗi ngày đi học về mất một món là sao? Hôm thì mất dép, hôm thì mất mũ, hôm thì mất một chiếc tất. Hôm kia thì còn mất cả túi đồ ăn trưa. Ông đói quá về nhà phải chầu chực con em ăn thừa miếng nào là ông xin luôn miếng đó. Sáng hôm qua mẹ phải bêu nắng đi khắp sân bóng tìm túi đồ của ông. Túi đồ thì chả thấy, mẹ đã đang sụt sịt sẵn, bêu nắng về thành ốm hẳn luôn. Thế mà ông không cho mẹ đi xem buổi thuyết trình về Nền văn minh La Mã của ông. Ông bảo mẹ ở nhà đừng đến vì đến cứ làm ông mất tập trung ông không thuyết trình được. Ở nhà càng tốt, đang ốm mệt gần chết, ai hơi đâu đi nghe mấy lời thuyết trình nhăng cuội của các ông.

Ảnh: nhất đẳng huyền đai karate của mẹ, bõ công hơn 3 năm mẹ kiên nhẫn ngồi đợi ông tập, có hôm mệt quá còn tựa đầu vào lan can sắt ngủ gật. Ông là tình yêu, là hy vọng, là tự hào của mẹ. Thời gian này mẹ bận, mẹ chỉ tập trung được vào ông. Hai con kia cứ ra vườn vặt hoa nấu súp thoải mái đê.

Sunday, September 25, 2016

Vật khinh hình trọng



Sau khi nhà mình chuyển ra khỏi biệt thự Jumeirah ở Dubai thì có gia đình chuyển vào ngay. Anh chồng đang làm tổng quản lý một chuỗi khách sạn hạng sang và sẽ là tổng quản lý của một khách sạn đang xây, tương lai sẽ là một trong những khách sạn xịn nhất Dubai, tọa lạc ở vị trí cũng xịn nhất Dubai. Ở được đúng một tháng, anh ấy gửi thư kêu cứu mình, cc cho cả ngài “G ơi hóa đơn điện nước nhà tao tháng trước là từng này, thế này thì có bình thường không hả G”. Hóa đơn điện nước cho 5 người cộng 2 người làm, gấp đôi nhà mình mà nhà mình còn nhiều người ở hơn.
Mỗi khi làm việc nhà, mình hay nhớ tới bà ngoại. Bà ngoại hay bảo “vật khinh hình trọng”, ý là có nhiều thứ nhìn thì xoàng xĩnh nhưng rất hữu dụng, chớ có khinh thường.
Trên sàn bếp, dưới chậu rửa mình luôn để một cái khăn. Nước văng ra là dùng ngay khăn đó lau đi. Xào rán cái gì bắn tung tóe là để cái khăn ngay đó để hứng mỡ khỏi bắn xuống sàn. Sàn bếp do vậy giữ sạch được lâu hơn. Nhiều nhà để sàn bếp ướt nhem, dầu mỡ bắn tung tóe, đi qua đi lại vài lần là bẩn nhoe nhoét. Không lau thì bẩn mà lau thì tốn sức, tốn nước, tốn xà phòng.
Lúc nào nấu ăn trên mặt bàn bếp mình cũng để một cái túi nilon. Ở Ý dùng túi biodegradable thì còn tốt nữa. Mọi thứ rác nhà bếp trong khi nấu ăn đều cho vào đó, ăn uống dọn dẹp xong xuôi mới cuộn cái túi lại và vứt vào thùng rác bên dưới chậu rửa. Làm như thế vừa gọn ghẽ vừa đỡ công phải cúi xuống mở tủ ra vứt rác vào không biết bao lần trong khi nấu ăn, khỏi làm rỏ nước bẩn xuống sàn nhà, sàn tủ và xuống cánh tủ bếp, nhất là khỏi phải đóng mở cánh tủ liên tục. Các bạn cứ để ý, nhiều nhà cánh tủ bếp bên trong có thùng rác lúc nào cũng có nước bẩn dính thành vệt, không lau chùi là lên mốc, và cánh tủ này sẽ bị xệ hoặc gỉ sớm hơn những cánh tủ khác, là vì lý do ẩm ướt và đóng mở liên tục này chứ đâu. Hơn nữa, việc rác buổi nào cuộn gọn vào túi nilon buổi đó rồi mới vứt vào thùng rác cũng giảm thiểu vụ mùi hôi và ruồi muỗi vo ve.
Sáng ngủ dậy dọn phòng ngủ xong là tắt điều hòa khóa cửa phòng lại. Phòng ngủ cả ngày không dùng, đóng lại để hạn chế diện tích nhà phải dùng điều hòa làm mát. Lúc nào cần ngủ, bật trước 10 phút là đủ mát. Động tác đơn giản vậy thôi nhưng tiết kiệm được rất nhiều điện năng, nhất là khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh nhau đến 20 độ.
Khăn tắm nhà ai giặt liên tục mình không biết, chứ khăn tắm nhà mình có khi 10 ngày mới phải thay một lần mà vẫn không bị hôi. Lý do là dùng khăn lau người xong thì ngay lập tức treo lên và phải treo banh ra cho khô thoáng. Khăn tắm dùng xong mà chỉ mắc thõng thượt lên mắc, không có động tác phơi banh ra này, thì chỉ 1, 2 ngày là có mùi hôi ẩm giặt bao nhiêu cho vừa.
Hồi ở Dubai, sau khi thấy cảnh giúp việc có 3 cái mảnh quần áo cũng ném vào máy giặt rồi bật cho chạy ầm ầm, ngày nào cũng giặt như thế, nói mãi không chuyển, và vài vụ giúp việc giặt hỏng những món đồ đắt tiền, thì mình tự giặt đồ lấy. Mẻ quần áo màu mạnh, mẻ quần áo màu nhạt, mẻ đồ trắng tinh, tuần giặt 1 lần. Ai lỡ tàu thì ráng chịu đợi tới tuần sau mới có lần giặt tiếp theo. Các loại khăn tắm và đồ trải giường giặt cùng nhau nhưng không giặt chung với quần áo, nhất là quần áo trẻ con lấm bẩn, nên không cần tốn tiền mua chất tẩy trắng mà đồ vẫn trắng tinh. Các loại thảm nhà tắm thay hàng tuần nhưng gom lại tháng giặt một lần. Các loại tạp dề, khăn lau tay, trải bàn, thay ra gom lại giặt riêng 2 tuần 1 lần. Đồ nào xịn quá thì phải giặt tay bằng xà phòng nhẹ. Và vì hạn chế giặt giũ và hạn chế hóa chất nên đồ rất ít hỏng, có sứt sẹo thủng lỗ một tí thì bỏ thời gian ra ngồi mạng lại tí là xong, rất ít khi phải mua đồ mới.
Xà phòng dầu gội dùng hạn chế. Báu gì mấy loại hóa chất mua thì hại túi tiền, bôi lên người thì hại da tóc, xuống cống thì hại môi trường.
Đồ hộp thủy tinh ăn hết rửa sạch giữ lại cái lọ. Đựng đồ ăn vào lọ thủy tinh chả tốt hơn vạn lần đồ nhựa độc hại, lại đỡ khoản tiền phải mua hộp nhựa.
Ở xứ sa mạc, xăng rẻ chứ nước lã lại đắt vô cùng. Chậu nước rửa rau xong, sao lại đổ tuột xuống cống trong khi bồn hoa ngoài cửa đang khô khỏng sau một ngày nắng nóng bốn mươi mấy độ. Chịu khó đi vài bước chân, có mất công sức gì đâu. Hoa lại được uống nước ngọt, sáng hôm sau tươi tắn hoa nở rộn ràng. 
Cứ chịu khó như thế, hóa đơn điện nước giảm đã đành, mà ngay cả hóa đơn đi chợ cũng giảm vì không phải mua nhiều xà phòng, chất tẩy rửa hay các thể loại đồ linh tinh bọn sản xuất chúng cứ vẽ ra chứ thực ra không có cũng chẳng sao.
Thế cho nên mình đảm bảo không ai có thể tưởng tượng mình có thể quản lý một căn nhà lớn với chi phí thấp như thế.

Nhiệm vụ đầu tiên, sau khi ổn định trường lớp và các khóa học thêm cho con, là giảm chi phí cho tư dinh đại sứ ở đây. Nhà khá lớn, cộng vườn khá rộng, lại nhiều người làm, chi phí nhiều khủng khiếp. Lại một đống việc chất lên bàn. Đời chả bao giờ thong thả được đâu.

 Trở lại vụ email ở trên, mình bảo ngài “Giờ mà tháng nào cũng phải trả từng này tiền điện nước thì chắc anh chẳng bao giờ dám bảo vợ anh “cứ thư giãn đi, học cách tận hưởng cuộc sống đi” đâu anh nhỉ”. Ngài im thít. Ngài thường chê vợ ngài không biết tận hưởng cuộc sống khi thấy con vợ ngài thay vì ngồi vểnh râu cho ra dáng phu nhân thì lại cứ luôn tay luôn chân sát sao quản lý mọi thứ trong nhà rồi nhiều việc quá làm không xuể nó còn sai ngài chạy như con lật đật.

PS: Mình gặp nhiều phụ nữ, tiền không làm ra mà lãng phí phát kinh. Có cặp vợ chồng mình biết, chồng kiếm tiền cũng khó, nhiều lúc tiền kiếm chẳng ra lo sốt vó phải vay chỗ nọ đập vào chỗ kia. Thế mà vợ thì chuyên đời để đồ ăn mốc meo trong tủ lạnh. Mua toàn đồ ngon, đồ gì cũng chỉ ăn một lần rồi bỏ xó. Bỏ xó đến lúc nào tủ lạnh đầy ặc, đồ mới mua về hết chỗ để, thì mới lôi đồ cũ ra thẳng tay vứt vào thùng rác. Vừa vứt vừa chửi chồng không vứt để cho nó phải động tay vào. Sợ quá. Thôi ông Ale ạ, lớn lên có ế thì về ở với mẹ, chứ đừng rước một con tây vừa lười vừa hỗn vào nhà mình ông nhóe, mẹ xin ông. 

Wednesday, September 21, 2016

Một buổi ngủ chung hoành tráng


Hồi còn đi học, mình nhớ có lần đọc được mẩu truyện Cuộc phiêu lưu của chú Johnny như sau: một hôm chú Johnny quyết rằng cuộc sống này quá ấm êm và an toàn với chú, đàn ông như chú phải sống cuộc đời phiêu lưu và thử thách hơn. Chú rón rén vào phòng ngủ lấy túi và bộ quần áo, để lại bức thư dặn dò tạm biệt, bụng rất thương mẹ chú rồi sẽ khóc hết nước mắt, nhưng ý chú đã quyết. Chú rón rén đi ngang qua phòng khách để lẻn ra cửa. Lúc đó là 8h tối, mẹ chú đang nấu bữa tối trong bếp, bố chú đang ngồi đọc báo trong phòng khách, dưới chân là con mèo đang nghịch đồ chơi. Johnny đi ra ngoài sân. Chú hăm hở băng qua sân, có mấy đống gì đen đen nhìn rất sợ. Chú đi ra đến đường. Trời tối đen, chẳng có bóng người, gió lạnh thổi ù ù. Chú lưỡng lự, rồi chú quyết định phiêu lưu thế là đủ rồi, chú đi thế là cũng lâu lắm rồi, chú nhớ nhà, chú nhớ mẹ, chú đói. Chú ù té chạy qua sân vào nhà, băng qua phòng khách, bố chú vẫn đang ngồi đọc báo, và con mèo vẫn đang chơi dưới chân. Đồng hồ chỉ 8h10….

 Bố mới đến. Tình bố con thắm thiết yêu mến cứ gọi là. Con gái bé một hôm rủ bố “Papa tối nay sang ngủ với Ang na”. Ông bố tâm lý gật đầu cái rụp.
Mình bảo “Hai bố con nằm trên cái giường một chật lắm anh ạ”. Ông chạy sang phòng con bé kiểm tra rồi chạy về kiên quyết “Không chật, anh nằm được”, đoạn cắp bộ pijama đi mất, dáng vẻ rất anh dũng khẳng khái.
Không biết bao lâu sau, mình đang ngủ say sưa thì choàng tỉnh vì ông vừa mò về chẳng nói chẳng rằng gieo tấm thân non 1 tạ cái uỵch xuống giường. Mình hỏi “Sao thế anh?”, ông càu nhàu “Anh chả ngủ được”. Chuyện, người quen nằm giường êm đệm ấm, giang tay xoạc cẳng thoải mái, làm gì có chuyện nằm né cạnh con trên cái giường một mà lại ngủ được. Mình chả nói gì, lăn ra ngủ tiếp. Vừa thiếp đi một cái thì đến lượt con Na mò sang kêu ngứa chân ngứa tay quá không ngủ được. Kiểm tra thì hóa ra con đã bị muỗi đốt tả tơi. Mình lại phải vào nhà tắm lấy tuýp chống ngứa bôi cho nó rồi dẫn nó quay về phòng. Mình chui hẳn vào màn tìm muỗi. Tìm được một con muỗi to đen xì bụng phình toàn máu bay không nổi. Mình đập con muỗi, bảo con bé nằm xuống ngủ lại, giắt màn cẩn thận, rồi về phòng chìa tay cho ông xem “Đây nhé không anh lại bảo em toàn tưởng tượng”. Mình bảo ông bao lần phải giắt màn cẩn thận không muỗi vào mà ông cứ bảo mình hoang tưởng màn buông xuống rồi muỗi nào chui vào được. Giờ bị mình chìa bàn tay có xác con muỗi máu be bét ra trước mặt, ông mở một mắt ngó lấy lệ rồi tảng lờ ngủ tiếp. Nhìn đồng hồ, 3h sáng, và mình thì đã tỉnh như sáo không ngủ lại được nữa.
Sáng hôm sau, con gái bé gõ cửa cộc cộc mang cho bố bộ quần áo bố thay rồi vứt đấy. Con gái lớn gõ cửa cộc cộc mang cho bố đồng hồ và lọ kem Prep bố mang sang rồi vứt đấy. Hóa ra bố cũng bị muỗi đốt te tua nên đã lén lút tự chữa ngứa bằng cách lẻn về phòng lấy lọ kem mang sang mà không dám gọi vợ. Xong rồi ngứa vẫn hoàn ngứa, lại thêm nóng, lại thêm chật, thế là thôi kệ con nằm muỗi đấy, bỏ về phòng mình ngủ. Hết một buổi ngủ chung hoành tráng. Kết quả: nhà 5 người thì 3 người mất ngủ, và cả bố lẫn con đều bị muỗi đốt te tua.  
Tối hôm sau, con gái lớn, không biết gì vụ đêm trước, bảo bố “Tối nay đến lượt papa phải ngủ với Lila”. Con gái bé nghe xong can luôn, còn người bố tâm lý thì nghe xong cũng thoái thác luôn.

“Người đi một bước phải mấy người phục vụ còn chưa hết hậu quả, thế mà lúc nào cũng tưởng tượng bản thân là một người đàn ông phong trần, sương gió, dạn dày kinh nghiệm, chịu được gian khó. Em cứ tưởng anh là người đàn ông duy nhất em biết vừa khiêm tốn vừa không có ảo tưởng về bản thân, hóa ra tất cả đàn ông trên đời này đều như nhau”. Vợ than xong, bèn kể cho chồng nghe cuộc phiêu lưu của chú Johnny. Chồng dỗi luôn.

Hồi mình còn bé, thằng em út mình thuộc diện bướng bỉnh bất trị, một hôm cũng quyết chí bỏ nhà ra đi như vậy. Tưởng bỏ nhà ra đi là đi xa thế nào lâu ra sao, hóa ra bỏ đi có vài tiếng, và núp ngay bụi cây gần nhà.

Giang hồ ta là giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

Ảnh: kéo lưới cùng các cô chú dân chài. Được một mẻ cá rất to. Lê La Na lác hết cả mắt. Chúng quyết rằng đánh cá là một nghtoẹt vời, vì được nhiều cá bán được nhiều tiền, lại được bao nhiêu người giúp kéo lưới hộ không phải trả công xu teng nào