Monday, February 25, 2019

Linh tinh

Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Đường xanh, hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều,
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo…

Mình rất thích ca từ bài này của Trịnh Công Sơn. Thuở thanh mai trúc mã, lòng còn tinh khôi như khăn mới thêu. Và thuở sau khi đã lưu lạc phong trần, tinh khôi đã phai, tình chói chang quay quắt tưởng đốt người khác thành tro được, mà hóa ra lại nguội tàn tan biến phai nhạt vào thinh không ngay. Dữ dội mà ngắn ngủi như nắng qua đèo. Tự dưng mấy hôm nay lại cứ lẩn thẩn nghĩ về tình yêu. What is love?

Ngày xưa có một anh, hè về quê nhà của anh ấy nghỉ, nhắn tin cho mình “Anh đang đi dạo trong rừng. Anh nhớ em. Anh nhớ tóc em”. Mình vẫn nhớ lúc đó mình có tí gãi đầu băn khoăn, tây lại đi nhớ tóc, điêng à. Lúc đó mình vẫn nghĩ chỉ đàn ông Việt Nam mới thích tóc. Sau này mình mới hiểu bọn nước ngoài vừa thoáng vừa thực dụng mà nhớ tóc, nhất là lại nhớ một mái tóc chân phương không sexy kiểu cách, tức là lòng chúng có sự rung động tinh khôi. Cơ mà khổ cho cái sự tha thiết ấy. Mình chuối cả nải nhắn tin tỉnh bơ hỏi lại “Trong rừng có rắn không?”, tuyệt chả ỏ ê gì vụ tóc tai. 

Sau này, hóa ra anh nào cũng thích tóc. Có anh nhắn tin “Anh không tập trung làm việc được. Anh cứ tưởng tượng đang đi trên một cánh đồng nhiều gió, và tóc em bay chạm vào mặt anh”. Đọc tin nhắn xong mình chỉ nghĩ ông hâm, sến súa vớ vẩn. Phải lâu lắm sau này mình mới hiểu rằng người lạnh như anh ý mà nói ra những câu như thế tức là hồi đó anh ấy rất yêu mình. Nhưng hồi đó mình rất nhiều anh theo đuổi, và các anh toàn nói những câu gan ruột như thế cả, nên mình nhờn, lời các anh vào tai mình chả khác gì nước đổ đầu vịt.
Entry trước có em nhắc tới tóc, tự dưng mình hơi buồn buồn. 4 năm ở Dubai mặt trời thiêu đốt và nước toàn hóa chất, gần 3 năm ở châu Phi cũng chẳng khá hơn gì, mái tóc óng ánh đổ xuống vai như lụa ngày xưa giờ nhìn hẻo phát thương. Mọi người gặp thì vẫn khen tóc. Nhưng ai mà biết tóc mình ngày xưa thì mới hiểu mình bị xuống cấp như nào.
Có một anh, cứ thỉnh thoảng lại thấy nhắn tin khoe “Anh đang yêu”, và kèm theo đó là mô tả các cảm xúc lâng lâng toẹt vời muốn che chở, bảo vệ cho người yêu thế nào, nghe xong chắc ai cũng phải ghen tỵ với người được anh ấy yêu. Mình thường chỉ nói “Em mừng cho anh”. Ngặt nỗi, tình yêu lồng nhiệt trời nong đất nở chả hiểu sao cứ được một thời gian là tan đàn xẻ nghé, và anh ấy lại quay lại quấy mình tiếp. Nói là “quấy” vì bạn bè đơn thuần thì không ai cứ liên tục nhắn tin không được trả lời mà vẫn cứ tiếp tục bền bỉ dai dẳng như thế cả. Gần đây, lại thấy anh ấy nhắn “Anh đang yêu”. Lạy chúa tôi, ông lại đang yêu. Mình nhắn lại “Em rất mừng cho anh”. Định nói thế xong rồi biến luôn thì anh ấy lại nhắn tiếp “Bao giờ mình gặp nhau uống cà phê được không?”. Đây là lần thứ bao nhiêu ông xin gặp, mình khó chịu quá bảo “Anh có thực sự đang yêu không đấy? Người đang yêu không ai mất thời giờ với người chả liên quan như thế cả. Em có cảm giác anh cứ muốn chứng tỏ với em một điều gì đó”. Chỉ đợi có thế, anh ấy bảo luôn “Có thể. Anh cũng không hiểu nổi chính mình nữa. Anh muốn gặp em. Muốn nhìn thấy mắt em”. Mình nói luôn “Em không thuộc thể loại đàn bà có chồng mà vẫn thích phiêu lưu tình ái. Anh tập trung vào người yêu của anh đi. Thế tốt cho anh hơn đấy”. Không biết đuổi thế ông biến đi được bao lâu.
Còn có anh khác, lần nào gặp cũng rổn rảng bạn gái anh thế nọ bạn gái anh thế kia, cứ như cố tình để cho mình thấy anh ấy đang yêu đương nồng nhiệt nghiêm túc thế nào. Thế mà mình đứng ngồi ở đâu cũng thấy anh ấy nhìn. Có lần mình ngồi đằng trước tình cờ quay ra cũng thấy anh ấy ngồi tít phía sau đang nhìn mình chăm chắm, mặt buồn ơi là buồn. Men, why this charade?
Gần đây mình gặp ở event một đại gia. Đại gia còn khá trẻ, cao to đẹp trai chứ không phải diện đại gia bụng ỏng đít beo. Cũng có màn hỏi “Em là người mẫu à”, rồi “Bao giờ công ty anh cần gương mặt quảng cáo em làm người mẫu cho anh được không”. Nhận giấy mời trên đó có ghi đại sứ Ý và Ms. Favilli còn cố nhắn tin hỏi mình “Như vậy là em cưới chưa? Anh thấy trên giấy mời ghi là Ms”. Mới đầu còn ngày nào cũng gọi điện. Thấy mình không trả lời thì chuyển sang nhắn tin. Nhắn tin mình cũng không trả lời nốt thì bắt đầu nhắn từng đoạn trong kinh thánh (mình đoán là kinh thánh) và chúc một ngày tốt lành. Mình cũng chẳng buồn trả lời nốt. Mấy tháng rồi mà không thoát nổi ông.

Chính ra mình chỉ thích một người yêu mình chân thành bền bỉ để mình xác định cưới làm chồng, còn những người khác, cứ nắng qua đèo cho mình nhờ. 

Ảnh: tóc của 15 năm trước

Tuesday, February 19, 2019

Họp với chả hành


Đi họp. Tháng một lần mà mình cũng thường viện lý do để không đến. Nhưng lần này nể chủ nhà nên vác xác đến. Lại còn đến đúng giờ mới kinh.

Họp hành ba lăng nhăng xong thì đến phần cưỡng bức nghệ thuật. Một chị bắt đầu đứng lên đọc thơ do chị ấy làm. Chúa ơi, thơ thẩn thì mình cũng chả phản đối cơ mà bài này chị ấy đã đọc đây là lần thứ bao nhiêu rồi. Lần này, để tạo không khí đổi mới, chị ấy bắt mọi người phải ngâm theo chị ấy đoạn điệp khúc viết bằng tiếng thổ dân bộ lạc. Thế là dân tình chả hiểu cái mẹ gì cũng phải ê a đọc theo. Bọn tư bản tỏ vẻ rất hứng thú và say mê, mặt nghếch lên, mắt long lanh, mồm há. Nhưng bọn này giả tạo bỏ mợ, mình chả tin.
Trong lúc chị ấy đọc thơ trầm bổng, mình nhìn chị ấy chăm chú, bụng nghĩ về nhà nhất định phải đọc lại “Một tấn kịch” của Sê khốp. Chuyện kể về nhà văn Paven nổi tiếng một ngày nóng muốn nhảy cầu còn bị nữ văn sĩ Muraskina béo phát ngốt bắt ngồi nghe bà ấy đọc bản thảo một vở kịch lê thê bà ấy viết. Muraskina ngồi đọc, Paven nhìn lom lom, khổ sở vô cùng mà không dám tống cổ bà ta đi.

Nghĩ đến Sê khốp một cái mình suýt cười phì, cố lắm mới ngồi nghiêm túc được. Để đỡ buồn cười, mình không dám nhìn nữ thi sĩ đang ê a đọc thơ nữa mà chuyển hướng ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, mắt mơ màng. Mấy hôm phải liên tục dùng máy tính và cả ngày chúi mũi vào điện thoại nên mắt mờ tịt hẳn đi. Thế nên giờ tranh thủ đang ngồi không bèn nhìn ra xa để thư giãn cặp mắt thong manh một tí. Thấy anh ngồi đối diện, thành viên mới đến, cứ nhìn mình lấm lét. Chắc anh ấy tưởng mình đang thưởng thức thơ ở cấp độ mơ màng sâu sắc nhất. Ở đời cứ thấy vậy mà chẳng phải vậy là như thế. Cuối buổi anh ấy ra hỏi mình “Chị là người mẫu à?”. Đây là câu hỏi gặp thường xuyên, chỉ sau câu “Chị người nước nào?” một tí. Và sau câu trả lời “Mẫu gì 1m50 như tôi”, thì luôn luôn là câu tiếp “Không phải mẫu catwalk nhưng là mẫu ảnh ý”.


Về nhà, mở sách ra đọc lại, cười té ghế:
“...đến cảnh thứ XVI thì Paven ngáp dài, hàm răng ông vô tình lập cập đánh vào nhau làm phát ra âm thanh như khi chó đớp ruồi. Paven phát hoảng vì cái âm thanh bất lịch sự ấy nên cố gắng ngồi thẳng lên và làm một vẻ lắng nghe chăm chú và dịu dàng nhất...”.
“Hình dáng Muraskina mờ đi, lung liêng trong mắt ông, trông thành ra có ba đầu, một đầu gối lên trần nhà... Hình Muraskina dần dần to lên phình ra thành một khối đồ sộ và hòa lẫn với bầu không khí xam xám, oi nồng trong căn phòng, chỉ còn nhìn thấy mồm bà ta đang động đậy, sau đó bất ngờ bà ta bỗng thu bé lại như cái chai, chao qua chao lại rồi lùi xa tít vào trong góc phòng cùng với chiếc bàn...”.
Ai đã từng chán muốn chết mà vẫn phải ngồi nhìn người khác lom lom, giả vờ chăm chú hứng thú và tỉnh táo, thì sẽ hiểu được những dòng mô tả trên kia đúng là tuyệt đỉnh văn chương :-)))))))).

Ảnh: vừa được ngồi thiền lại vừa được ngắm 3 con cá con bơi loăng quăng trước mặt, thích thặc.

Wednesday, February 6, 2019

Happy Old Year!

Đã 8 năm tôi không về nhà. Mọi người hay hỏi “Có nhớ nhà không?”, Tôi thường trả lời “Không”, rồi khi thấy người đối diện tròn mắt, thì chỉ ngắn gọn “ Tôi bận, con nhỏ, chuyển nhà suốt, mấy năm nay kỳ nghỉ nào cũng phải về Salento làm nhà”. Lôi cái cớ tiện nhất ra để không phải giải thích thêm.

Nhưng sự thật là tôi đã nhớ nhà hết cả tuổi thơ của mình.

Tôi không sinh ra ở Hà nội. Quê tôi ở Phủ Lý. Tôi lên Hà nội lúc còn rất bé, có lẽ khoảng năm 83, 84. Bác trai tôi về đón, tôi lon ton sợ sệt đi cạnh bác lên dốc, ra đường cái bắt xe. Sau lưng tôi, mẹ tôi mắt rưng rưng và hai đứa em khóc gọi chị Giang chị Giang. Tôi không khóc, cũng không ngoảnh lại. Tôi lờ mờ hiểu rằng mình có một trọng trách lớn hơn. Hồi bé tôi rất nghe lời, lớn lên mới bướng.
Lúc mới lên, tôi buồn lắm, nhất là vào giờ cơm gia đình bác trai tôi quây quần bát đũa lách cách. Tôi thường trốn vào sau cánh cửa, khóc một mình, mọi người phải đi tìm. Cái cảm giác bơ vơ như người lạ đó cứ nguôi ngoai, rồi lại quay lại, nhiều lần, suốt tuổi thơ.
Hàng năm, khoảng thời gian khó khăn nhất là mỗi sau Tết. Tết tôi về nhà chơi, đến mùng 3 là cả nhà lên Hà nội để mẹ tôi chúc tết bà. Mẹ và em tôi chỉ ở đến mùng 5 tết là phải về.
Tôi còn nhớ hồi đó ga Hàng Cỏ còn tiêu điều lắm. Mà hồi đó xã hội còn hiền. Còn đủ hiền để một con bé con như tôi tiễn mẹ và em ra tàu rồi đi bộ về nhà một mình lúc trời vẫn còn tối đen. Tôi thường dặn hai thằng em tôi “Nhớ ngồi ở bên phải”, rồi vừa đi vừa chạy thật nhanh về chỗ chắn tàu ở Khâm Thiên, đợi ở đấy, bên phía sẽ nhìn được em tôi. Gió mùa đông rét căm, nhiều lúc còn mưa mưa, nhưng tôi cứ đợi. Đợi đến lúc mờ mờ sáng, nghe tiếng còi tàu rúc lên từ ga, và con tàu xình xịch tới. Mới ra khỏi ga nên nó chưa chạy nhanh lắm đâu. Tôi vội trèo lên thanh chắn, rướn cổ nhìn chăm chăm, đợi để nghe thấy tiếng em tôi reo lên lanh lảnh “Chị Giang, chị Giang”. Thế thôi, rồi con tàu chạy tuốt đi, năm nào cũng thế.
Mẹ và em về rồi, tôi ngơ ngác mấy tuần mới bình tĩnh lại được. Nhớ đến mức cổ họng lúc nào cũng nghẹn nghẹn, mắt lúc nào cũng rân rấn nước. Đến lúc không chịu được thì lẻn ra ngoài hàng điện tử, lí nhí giải thích với bà trông hàng rằng cháu muốn cái máy kia, máy bận thì cháu đợi, không muốn dùng máy khác. Phải chọn đúng cái máy em ngồi chơi cách đó không lâu, chơi lại đúng cái trò em chơi, tưởng tượng như em vẫn đang ở đó. Không biết chơi nên chơi tí là chết. Game over nhưng vẫn còn giờ, thế là cứ ngồi nhìn vào màn hình, và cố để bà trông hàng lẫn những thằng đang chơi bên cạnh không thấy mình đang khóc. Hết giờ thì đứng lên, chùi nước mắt rồi đi về. Năm nào cũng thế.

Tôi vẽ cái nhà của mình, vẽ đi vẽ lại, vẽ con mèo, vẽ cây đu đủ bên cửa sổ, vẽ cây trứng gà góc sân, vẽ cái hiên lát đá hoa. Vẽ bên ngoài. Vẽ cả vào bên trong. Bộ bàn ghế uống nước, cái tủ buýp phê, cái giường, sàn lát gạch hoa. Vẽ tất cả những gì nhắm mắt lại là tưởng tượng ra. Vẽ để không cần nhắm mắt vẫn được nhìn thấy.

Thế, tôi đã nhớ nhà suốt cả tuổi thơ của mình, có lẽ đã nhớ hết định mức một người phải nhớ trong đời. Giờ, đi xa bao lâu cũng không nhớ; có đứng ở thành phố xa lạ đến mấy cũng không lạ lẫm, không bơ vơ, chẳng quyến luyến, không cảm thấy mình nhất thiết phải thuộc về nơi đâu.

PS: Bác trai tôi thương em gái, là mẹ tôi. Bác tôi tính nếu mang tôi lên Hà nội từ khi còn nhỏ, cho tôi làm con nuôi của bác gái tôi, tức là chị gái mẹ tôi, sau này lớn tôi sẽ tách khẩu và đón được mẹ lên ở cùng. Hồi đó, hộ khẩu quý ngang sinh mạng. Không có hộ khẩu tức là không có tem phiếu, tức là không được phát gạo thịt mắm muối và cả vải may quần áo. Ai cũng sợ bị gạt ra ngoài rìa xã hội, ai cũng sợ không được vào biên chế. Với cả nhà tôi, từ hồi bị đánh tư sản, thì nỗi sợ đó còn lớn hơn người thường rất nhiều.
Nhưng cuối cùng, mọi sự tính toán của người lớn lại thành thừa. Vì sau đó chính phủ bỏ chế độ tem phiếu. Hộ khẩu giờ cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng ở thời điểm đó, ai biết thế sự sẽ xoay vần như thế. Bây giờ nghe đến chuyện phải xa con thì xót lắm, chứ hồi đó cuộc sống khó khăn, con người phải tính toán hy sinh lắm mới sống được, tình cảm không phải là vấn đề trọng yếu. Sinh vào thời điểm đó thì phải chịu.

Vả lại, tôi vẫn nghĩ, nếu đó là con đường mình phải đi, thì mình đi. Có sao đâu.
Happy Old Year.