Thursday, September 27, 2018

Lan man


Kobi là một thằng bé người Phi có vẻ hiếu động. Năm nó hơn 2 tuổi, chỉ vì dám lấy trộm 1 miếng thịt trên đĩa của bố nó, mà thằng bố túm bàn tay con dí thẳng vào chảo dầu đang sôi. Bàn tay thằng bé từ đó co quắp lại, các ngón tay gập dính vào nhau. Tệ hơn, mẹ nó sau đó kiên quyết bảo vệ chồng chứ không bảo vệ con, liên tục khẳng định bố nó không làm chuyện đó. Chính quyền chịu thua, mà thực ra là cũng chẳng quan tâm. Ở đây, những chuyện như vậy cũng không lấy gì làm xa lạ. Ngoài thằng bé Kobi ra thì còn có cả một con bé con, chỉ vì dám lấy trộm của mẹ có vài xu đi mua quà ăn vì quá đói, mà bị mẹ áp cả cái bàn là nóng lên bụng.
Lại trở lại chuyện thằng bé Kobi, mọi chuyện chưa dừng ở đấy. Bố mẹ nó sau đó chuyển sang nơi khác sinh sống, bỏ thằng bé lại, tức là vứt nó ra đường theo đúng nghĩa đen. Suốt hơn 1 năm, thằng bé Kobi hơn 2 tuổi lang thang vạ vật ngoài đường, bới rác ăn, gặp gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy. Lúc nó được một trại trẻ mồ côi của một cặp vợ chồng người Ý đón về nuôi, nó suy dinh dưỡng nặng và bụng đầy giun sán. Giờ thì Kobi khá hơn nhiều rồi. Nó vẫn bé so với tuổi nhưng khỏe mạnh vui vẻ.
Và tất cả những đứa trẻ ở cái trại trẻ mồ côi ấy đều ít nhiều có hoàn cảnh tương tự. Nhiều đứa không phải là trẻ mồ côi, chỉ là sinh ra khuyết tật nên bố mẹ không chịu nuôi vì sợ xui xẻo. Vì trải qua thời gian dài bị đói khát nên giờ chúng nó ăn rất khỏe và luôn mồm kêu đói. Kobi cũng không ngoại lệ. Nhìn chúng nó ăn mà mình suýt chết ngất. Nhìn chúng nó thường không đoán được tuổi vì hoặc bị dị tật hoặc từng suy dinh dưỡng nên không có chiều cao đạt chuẩn. Chỉ biết là cao chưa tới 1m mà ăn 2 đĩa cơm to tướng, có đứa còn ăn hẳn 3 đĩa ăn xong bụng như con cá nóc, trong khi mình có 1/3 đĩa là đủ no roài. Cũng vì trải qua thời gian dài bị hắt hủi, xa lánh, bỏ rơi, nên giờ cứ thấy ai dịu dàng thân thiện là chúng nó bám như sam. Kobi cũng không ngoại lệ, cười cười trèo lên lòng người khác ngồi như đúng rồi.
Từ trước hè mình đã tham gia vào một buổi gây quỹ cho Kobi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tách và duỗi những ngón tay của nó ra, lấy da từ bụng để ghép và hy vọng dùng vật lý trị liệu để khôi phục một phần chức năng tay cho nó. Cuối tuần vừa rồi mình mới có thời gian đến thăm trại trẻ mồ côi đó. Và hôm qua Kobi đã trải qua ca phẫu thuật đầu tiên kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Kobi cần 3 ca phẫu thuật như thế.
Nhiều khi lên mạng thấy nhiều người cứ hô hào dân chủ dân chủ nói thật mình chả hào hứng tẹo nào. Dân chủ cũng tùy người thôi. Ở những xã hội dân trí phát triển cao và đồng đều, nơi người dân có ý thức tự giác cao, chăm chỉ, tự trọng, thì dân chủ mới phát huy được hết lợi ích của nó. Mà thực ra một xã hội với những công dân như thế thì ngay cả mô hình xã hội chủ nghĩa vốn được coi là không tưởng, cũng tốt. Vì người dân họ chăm chỉ, tự giác và đủ tự trọng để không lợi dụng hệ thống và do đó xã hội có thể duy trì sự bình đẳng bác ái được lâu dài. Chứ với những xã hội vẫn còn những công dân không hơn thú vật là bao như bố mẹ thằng Kobi, thì một độc tài giỏi giang sáng suốt lại là tốt nhất. Cứ vớ vẩn là ăn nện ra trò, thì có khi thú vật lại trở thành người nhanh hơn. Chứ cứ hô hào dân chủ bình đẳng bác ái, rồi đổ tiền của vào để cảm hóa thú vật một cách nhân văn, sau bao năm nhìn lại, tốn bao nhiêu tiền của, thú vật vẫn hoàn thú vật. Tệ hơn, vì đã học được thói dân chủ, thú vật lại còn mắng ngược lại người vì không cho thú vật được duy trì những thói quen của thú vật.
Ở những xã hội dân chủ châu Âu, với tình trạng nhập cư bừa bãi như hiện nay, cứ thử tưởng tượng những nhân vật kiểu như bố mẹ thằng Kobi, lại xin được tấm thẻ thường trú ở một nước phát triển nhân văn các màu da tôn giáo phải chung sống trong hòa bình tôn trọng khác biệt và dung thứ các giá trị của nhao nào đó, rồi vì được ở xứ dân chủ nên cũng phát ngôn ầm ĩ như ai, thì chả mấy chốc mà dân chủ xuống hố cả nút. Mà thôi, dân chủ hâm thì xuống hố cũng đáng.
Ngài nhà mình hồi trước cũng hâm có số má, suốt ngày hung hăng chê mình nọ kia, thế mà giờ sau 4 năm ở nước hồi giáo và 2 năm ở châu Phi, thì đỡ hẳn.

PS: có lần, hồi còn ở xứ Hồi giáo, mình không nhớ buổi tụ tập gì, có một chị người bản xứ nói đại loại “Các vị cứ muốn đến giải phóng chúng tôi, nhưng chúng tôi có cần giải phóng đâu? Phụ nữ phương tây các chị lau nhà, đi chợ, nấu ăn, lái xe chở con đi học, làm đủ thứ thậm chí còn phải làm việc kiếm tiền. Trong khi phụ nữ Hồi giáo chúng tôi không phải đi làm, nhà lại có người hầu”. Mình nghe thấy rất chí lý. Một mẹ phương tây quần áo xoàng xĩnh tóc tai phật phờ, về nhà chân năm tay mười làm việc nhà bỏ mợ ra, lại cứ hô hào đòi giải phóng phụ nữ Hồi giáo suốt ngày ăn diện trang điểm móng tay móng chân đỏ chót đi bước khoan bước nhặt váy áo thướt tha. Thôi các chị lo việc của các chị, các chị tạnh hô hào cấp tiến nhân quyền mới chả nam nữ bình đẳng đi cho tôi nhờ.

Thursday, September 20, 2018

Gia đình


Ngài mò đến cạnh vợ, thủ thỉ “Chúng ta là hai thiên thần mỗi người chỉ có 1 cánh. Chúng ta phải ở bên nhau thì mới có thể bay cao”. Đáp lại câu nói sến súa của ngài, con vợ tỉnh táo của ngài nó nhìn ngài một cách nghi ngờ “Ông lại vừa học được câu sến này ở đâu?”. Ngài huênh hoang “Con ơi, bố biết câu này từ hồi bố bằng tuổi thằng Ale cơ con ạ”. Suốt ngày cậy lớn tuổi hơn vợ. Giờ còn đỡ chứ hồi trước cứ dăm ba ngày mình lại được nghe “Con ơi, lúc con còn đóng bỉm thì bố đã biết đi hôn gái ngoài đường”. Cho đến lúc con giun oắn lắm cũng xèo, mình bật lại “Nài, tôi chả việc gì phải ngại vì ít tuổi hơn ông. Thực ra chính ông phải ngại vì nhiều tuổi hơn tôi, muốn trẻ như tôi chả được, nhé”. Thì ông mới chịu tắt cái loa rè bố bố con con của ông đi.
Lại quay lại chuyện gái gú, quả thật thằng bố trong chuyện tán gái thì có vẻ không ngáo ngơ như thằng con. Thằng con có lần mình bắt gặp lửng khửng đến gần một đứa con gái Lebanon lai đen rất xinh. Đi làm quen gái mà mắt nhìn hướng khác, mặt mũi vô cảm và hỏi bằng cái giọng cũng vô cảm nốt “Hè này ấy đi nghỉ ở đâu?”. Đứa con gái kia mắt tròn xoe trả lời kiểu “Lebanon chứ đâu”. Thằng con mình đến đó thì tắc tị chả biết hỏi gì thêm, đứng đực ra, mặt vẫn vô cảm và mắt nhìn hướng khác như cũ. Mà đó là lần duy nhất mình thấy nó chủ động bắt chuyện với bạn gái, ngoài ra thì bạn gái hỏi gì nó cũng chỉ trả lời nhát gừng. Khác với bố nó chỉ thích phụ nữ tóc sẫm màu, da nâu càng tốt, nó lại có vẻ thích con gái da trắng bóc tóc vàng óng. Mà ở đây thì kiếm đâu ra con gái da trắng tóc vàng hả giời. Có lần mình hỏi nó “Ông ơi, tại sao ông không thích bạn nào trong trường?”. Nó trả lời như rên lên “Tại vì nó shấu quá”. Xấu đâu mà xấu, nhiều đứa con gái da đen chả xinh ngẩn ngơ. Gái tây nhìn 14, 15 tuổi thì xinh thiên thần nhưng tã nhanh báu gì hả ông.
Thằng con bắt đầu vào tuổi ăn như thuồng luồng rắn ráo, cạnh tranh khốc liệt với thằng bố. Bữa nào đồ ăn dở thì không nói chứ bữa nào đồ ăn ngon hai bố con nó tranh ăn phát mệt. Thằng con gắp nhoay nhoáy, đĩa đồ ăn vơi đi trông thấy. Thằng bố sốt ruột bắt đầu nhìn đĩa đồ ăn liên tục vẻ cảnh giác, rồi hoặc vội vã trút đồ ăn vào đĩa mình trước khi thằng con cà lảm hoặc giữ tay thằng con để phanh nó lại một tí. Có lần, cả một đĩa sushi to mà mình thằng con ăn gần hết, cuối cùng trên đĩa còn đúng một miếng, thằng con định gắp nốt cho khỏi lạc đàn thì thằng bố vội dùng đũa ghìm đũa của thằng con lại. Thằng con bị bố ghìm đũa thì nhanh như cắt thò tay kia bốc luôn miếng sushi cuối cùng cho vào mồm. Thằng bố chưng hửng hậm hực và từ đó đến cuối bữa thằng con cứ nói câu nào là thằng bố trề mồm nhại câu đấy. 

Hồi trước mình chuyên bị ông ăn hết phần. Nhiều món nấu lên, quay đi quay lại, vào bếp lấy cái gì đó, quay ra thì ông đã ăn sạch bong, đang ngồi thở. Bao lần mình đói meo còn ông thì ăn no tức cả bụng. Nhiều lúc đã ăn sạch xong ông lại còn chép miệng một câu “Món này dở, lần sau đừng nấu nữa”. Giời có mắt, giờ thằng con báo thù cho mình, nó ăn sạch sẽ trước sự chứng kiến bất lực của thằng bố có khi già rồi răng cộ không vững chãi như hồi trẻ nên ăn kiểu gì cũng không nhanh bằng nó. Mà nó có mỗi ăn hết phần bố thôi đâu, nó ăn nhiều, thừa năng lượng, ăn xong còn quay sang thụi vào sườn hoặc vồ thằng bố hôn. Không bữa nào là hai bố con không chành chọe.
Thế nên là cứ dọn đồ ăn lên là mình phải xí phần cho mình và con La con Na bên này, còn lại cho hai bố con nhà kia tự xử với nhau bên ấy. Thằng anh ăn xong còn thòm thèm thì chỉ ra xơ múi mẹ nó, chứ đụng đến hai con em thì chúng nó hét như còi. Con Na thậm chí còn tát anh tối cả mặt mày.

PS: điêu đứng vì ông con trai như thế, đến các bà con gái cũng chẳng khá khẩm hơn. Đợt về Ý vừa rồi mình mua đủ thứ từ hộp đồ ăn đến chai uống nước đến dụng cụ học tập, ních vào một đống vali khệ nệ lọ mọ vác về châu Phi. Thế mà vừa vào năm học mới chưa được 2 tuần, con Lila đã mất cả túi đồ ăn trưa, các thể loại hộp đồ ăn và túi cách nhiệt mất tuốt. Con mẹ điên ruột “Từ giờ cho mài ăn bốc”. Thế là từ đó đến tối nói câu nào bị nó cãi cham chảm câu đấy.
Còn con Na thì đang đánh vật với bảng cửu chương. Thực ra mình đánh vật chứ nó đánh vật gì đâu, sai bét mà vẫn tỉnh như ruồi:
-         Bé Na, 4x5 bằng mấy?
-         20
-         Thế 4x6?
-         21
-         3x7?
-         51
-         4x8?
-         70
-         3x9?
-         Fufu’s leg (chân Fufu)

Nó giở bài bựa này là mình đầu hàng. Kệ mài, học thì ấm thân mài.

Ảnh: người đã thế, mèo cũng chả chịu kém phân nào. Đời mình chưa thấy con mèo nào ngủ như Fufu.

Monday, September 10, 2018

Hồ trên núi


Hè vừa rồi nhà mình lên núi nghỉ vài ngày. Lên núi thích hơn xuống biển. Mùa hè ngoài biển đông nghẹt, và ngoài bơi, phơi nắng và đi bộ dọc bờ biển thì chẳng còn biết làm gì. Chưa kể nước mặn rồi cát rồi kem chống nắng, nói chung là cứ quần quật bôi bôi lau lau rửa rửa rũ rũ phủi phủi loanh quanh hết ngày. Lên núi thì khác. Lên núi thích nhất là được đi dạo trên những lối mòn vắng teo quanh co, xung quanh là cỏ hoa rộn ràng. Hoặc leo núi một chập tối về ăn cái gì cũng ngon ngấu nghiến, ngủ say tít đến tận sáng và thức dậy trong khí núi lành lạnh, đỉnh núi mây phủ, tĩnh lặng tuyệt đối. Mọi năm mình hầu như toàn ở ngoài biển, năm nay lên núi mới nhận thấy mùa hè, người giàu toàn lên núi chứ chả ai xuống biển chen chúc cho mệt. Với lại chính ra xuống biển thì không phải tiêu tiền. Vác cái túi có chai nước, cái khăn, chai kem chống nắng, ít đồ ăn, cái mũ, thế là có thể ra bãi biển nằm cả ngày chả tiêu một xu. Lên núi thì khác, một bước cũng phải tiêu đến tiền, và đồ trên núi cái gì cũng đắt.
Lại quay trở lại vụ toàn dân nhà giàu lên núi nghỉ hè, mình đi ngang một tiệm bán đồ trang sức toàn mác mỏ nổi tiếng, ngó vào thấy bán cả kim cương giả. Kim cương giả to đẹp lóng lánh như thật.
Nói thật các bạn chứ giờ nhìn ai đeo viên kim cương solitaire nho nhỏ từ 2, 3 carat trở xuống còn hy vọng là kim cương thật, chứ cứ một viên to đùng ngã ngửa thì khả năng rất lớn là đồ giả. Dân giàu nổi tiếng như Nga, hay dân Ả rập ở Dubai, trớ trêu thay nhìn long lanh vậy thôi nhưng thực ra cũng toàn hàng giả. Giả từ món trang sức đến cái túi hàng hiệu. Khá hơn thì họ không dùng hàng giả nhưng đi thuê hàng thật chứ không sở hữu. Dân Trung Đông có thẩm mỹ về đồ trang sức rất độc đáo. Họ không chuộng những món trang sức nhẹ nhàng tinh tế kiểu phương tây mà chỉ chuộng những món trang sức thể hiện sự hoành tráng lắm tiền của chủ nhân. Họ mà đã đeo là vàng và đá quý cứ phải lủng liểng từng chùm, từng cục, từng dải, từng chuỗi. Mình nhớ có lần đến thăm hoàng hậu của tiểu vương quốc nào đó, bà ấy gọi một bà khác tới, vén mạng che mặt của bà đó để cho bọn mình thấy bên dưới là một món trang sức toàn vàng ròng, xòe rộng che hết cả phần ngực, trông y như cái yếm dãi. Bọn mình trầm trồ còn bà kia mũi nở hết cả ra vì tự hào. Đó có vẻ là món trang sức huyền thoại trong tiểu vương quốc. Chắc chắn số vàng để làm ra nó phải tính bằng cân.
Thế thì, để đeo được những món trang sức đó trong khi tiền không nhiều đến thế, thì rất nhiều người trong số họ tìm ra một giải pháp, đó là thuê đồ trang sức. Tiền thuê đồ trang sức không rẻ, nhưng họ quan niệm thế này: nếu họ thuê một món trang sức có giá cả triệu usd và do đó làm người khác lác mắt tưởng họ sở hữu món trang sức đó, thì 6000usd tiền thuê là quá rẻ. 1 triệu usd thì họ không có chứ 6000usd là chuyện đơn giản. Hãng trang sức thì vớ bở, mang món trang sức cho thuê vài ngày, có sứt sẹo tí nào đâu mà lại bỏ túi được 6000usd.
À nhân vụ này cũng nói luôn, dân VN mua kim cương hơi nhiều. Cậu người quen của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu trang sức nổi tiếng của Dubai, bảo với mình rằng cậu ấy cứ thỉnh thoảng lại mang một vali kim cương solitaire đi xuyên rừng gặp gỡ với khách VN ở biên giới Thailand. Khách VN mua cả vali, trả toàn bằng tiền mặt. Có lần mình ăn tối cùng cậu ta, cậu ta bảo vừa lấy được danh sách khách hàng của một ngân hàng có tiếng ở một quốc gia chuyên giúp trốn thuế rửa tiền. Mình hỏi “Có tên người VN nào không cậu?”. Cậu ý bảo “Để tôi mang danh sách cho chị xem”. Dĩ nhiên là cậu ta nói thế thôi chứ mình chả bao giờ có dịp được nghía cái danh sách kia. Những đại gia buôn đồ trang sức kiểu này có những mối quan hệ ngầm rất khủng. Họ có thể lấy được danh sách khách hàng tuyệt mật của các ngân hàng nơi giới nhà giàu thường giấu tiền, và chủ động tiếp cận các khách hàng này để chào bán đồ trang sức hoặc kim cương đá quý. Những khách hàng này mới là mối khủng chứ nhiều khi cửa hàng mở chỉ để lấy tiếng, khách lẻ lợi nhuận chả bao nhiêu.
Lan man quá giờ quay về chủ điểm dân nhà giàu nghỉ hè trên núi. Mô hình gia đình của dân có tiền ở Ý giờ là chỉ đẻ 1 con, cho học trường quốc tế, nuôi thêm con chó cho làm bạn với con. Cả nhà ăn bận sang chảnh, cả chó cũng ăn bận sang chảnh luôn. Vợ chồng chăm chỉ tập gym giữ dáng. Đi nghỉ thường xuyên và chỉ đặt khách sạn hạng sang, đi ăn ở những nhà hàng hạng sang, và chủ đề nói chuyện toàn du thuyền và những địa điểm du lịch có tiếng trên thế giới. Mô hình như này quá hay. Nhìn họ sống thảnh thơi sang chảnh, mới thấy mình vất vả quá, ôm đồm nhiều thứ quá. Đời có dài đâu mà lúc nào cũng cứ hàng núi việc phải lo. Mình mà kể ra những việc mình phải lo hàng ngày thì chắc chắn cái lũ đàn bà sang chảnh mặt chích botox từ trán xuống tận cằm nói toàn chuyện bay bổng này chúng nó đột quỵ quá.
Ảnh: đẹp nhất là hồ trên núi, nước lúc nào cũng xanh như lục bảo. Giá mà cứ được ngồi mãi ở đây thôi. 

Tuesday, September 4, 2018

4/9/2018


Cuối tháng, làm lương cho người làm ở đây, làm lương cho người làm ở Ý, đường ống nước thủng hóa đơn tiền nước tăng 4 lần thợ phải đến đào tường dỡ trần tanh bành hết cả để kiểm tra, có nhóm khách thuê nhà chuẩn bị vào nên phải làm việc trên điện thoại hàng tiếng đồng hồ hướng dẫn hội người làm từng chi tiết một, rồi trả lời email tin nhắn của khách thuê nhà, đi chợ, nấu ăn, phỏng vấn ứng cử viên cho vị trí đầu bếp, chồng ới ới trên điện thoại em ơi event nọ event kia, con gái lớn con gái bé phải đi nhảy zumba ơi ới mẹ ơi đưa tiền mẹ ơi mặc gì, con trai phải đi bơi cũng ơi ới mẹ ơi đưa tiền mẹ ơi Lê ăn gì trước khi đi bơi mẹ ơi mang cái khăn này có được không. Quay như chong chóng suốt từ 6h sáng đến 5h chiều, tranh thủ trẻ con đã đi vắng hết mà chưa đến giờ nấu cơm tối, bèn lăn quay ra ngủ. Ngủ 1 tiếng xong lồm cồm bò dậy nấu cơm. Mình chả biết ở tuổi mình ai nằm mãi không ngủ được chứ mình cứ đặt lưng xuống giường là ngủ tít.

Lưới chống muỗi cửa sổ bị thủng. Gọi thợ đến sửa. Thay vì giữ nguyên kết cấu cửa trượt và chỉ thay phần lưới thủng, thì chúng nó tự ý làm luôn hai tấm chống muỗi khung nhôm mới tinh ốp lên che béng cái cửa sổ cũ và lấn mất một nửa bậu cửa sổ. Mình điên quá “Khách hàng đã bỏ tiền thuê các anh sửa tức là họ muốn cải thiện tình hình, chứ sửa mà làm mọi thứ tệ đi thì các anh sửa làm gì? Làm như thế này là hỏng cái cửa sổ của tôi rồi”. Thằng thợ mắt láo liêng nói ráo hoảnh “Tại vì cái cửa này khác các cửa còn lại trong nhà”. Toàn bộ cửa sổ trong tư dinh đại sứ đều được làm giống nhau, mà nó lại dám nói bừa là cửa này khác các cửa còn lại. Mình gọi nó tới một cái cửa sổ khác, nhẹ nhàng hỏi nó “Anh nói cho tôi biết cái cửa kia khác cái cửa này và tất cả các cửa sổ còn lại trong nhà ở chỗ nào?”, thì cái mặt nó bí rị ra và mồm mới thôi liến thoắng. Cuối cùng thì nó đành tháo khung nhôm của nó xuống và làm lại cửa như cũ, nhưng tường trắng của mình đã bị tay bẩn của chúng nó sờ lem luốc hết cả và bậu cửa sổ gỗ bị mấy vết cắt sâu hoắm do cái khung nhôm thần thánh của chúng nó cắt vào. Thợ ở đây sáng dạ nhất quả đất, sửa được một thứ thì làm hỏng vài thứ khác, trăm lần sáng dạ cả trăm không trệch lần nào.
Tháng 9, cũng chẳng thấy đời sáng sủa lên mấy. Sáng, dậy từ 5 rưỡi sáng chuẩn bị đồ ăn trưa cho bọn Lê La Na và ăn sáng cho cả nhà. 7h con vác cặp lồng cơm đi học thì xoay qua giải quyết các việc tồn đọng. Madame ơi ứng tiền đi lại, madame ơi tiền rác, madame ơi tiền rau quả, madame ơi tiền mua bình gas, madame ơi tiền cám gà, madame ơi máy bơm vẫn bật không ngừng (tức là đường ống nước vẫn còn chỗ thủng). Xong việc, lên nhà, chưa kịp thở thì lại nhìn thấy một đống rác dưới vườn, lại phải chạy xuống. Chỗ mình gom lá và cành cây để làm compost không hiểu đứa nào đã vứt một đống hộp bánh pizza, chai nhựa và vỏ bao thuốc lá vào đấy. Dân ở đây ý thức về rác cực kém. Rác cứ thẳng tay vứt khắp nơi, ngồi trên đống rác, ngủ trên đống rác cả ngày mà họ vẫn thấy bình thường.
Còn chưa kể ông thợ may gọi đến để may đồng phục cho bọn trẻ con, hôm hẹn 7h sáng thì 6h chiều mới thấy lẫm chẫm đến. Hôm nay đã hẹn 5h chiều vì bọn trẻ con đi học rồi, thì đúng 6h sáng đã ôm gói đồng phục đứng thù lù trước cổng. Dân Phi có khái niệm thời gian quả không giống người thường.
Hết việc nọ đến việc kia, ngẩng lên đã 11h trưa. Quanh quẩn việc vặt thế là toi cả buổi sáng. Kinh nghiệm của mình là nếu muốn đọc vài trang sách, nghe vài bản nhạc, thì cứ bỏ hết việc nhà đấy để mà đi nghe nhạc đọc sách, chứ lại cứ bảo đợi làm hết việc nhà rồi mới thảnh thơi nghe nhạc đọc sách thì chả bao giờ hết.
Ngôi nhà ở miền nam Ý được lên tạp chí kiến trúc hàng đầu của Ý, Architectural Digest (AD) Italy, số tháng 7 và lên cả Elle Decoration Việt Nam số mới nhất. Mình đang đi nghỉ thì văn phòng nhiếp ảnh Mads Mogensen họ thông báo. Các nhiếp ảnh gia quốc tế như cậu Mads thường sẽ đi khắp nơi, săn lùng các ngôi nhà đẹp, liên hệ với chủ nhà để xin chụp ảnh và phỏng vấn để viết bài rồi tự liên hệ với các tạp chí trên thế giới để đăng bài. Các tạp chí trả tiền mua bài và ảnh của họ chứ vợ chồng mình chả mất đồng nào. Mà mình nghĩ những tạp chí uy tín kiểu AD và Elle Décor họ lựa bài đạt tiêu chí của họ để đăng chứ không thuộc diện báo chỉ cần bỏ tiền là lên.
Hôm chụp đợt ảnh này, mình mới đến nơi hôm trước mà hôm sau vợ chồng cậu ấy đã đến chụp ngay. Nhìn trong ảnh thì không thấy nhưng trên thực tế thì nhà cửa lúc đó đang tanh bành hết cả ra, một mình mình làm việc với mười mấy thợ một lúc và 3 trong số 6 phòng ngủ vẫn còn tan hoang. Ảnh cậu ấy chụp rất đẹp nhưng nếu cậu ấy đến chậm 2 ngày thôi thì ngôi nhà sẽ hoàn thiện và sinh động hơn rất nhiều. Mình thấy ngài mon men lại gần cái máy ảnh với cái ống kính 30.000 euro của cậu ấy thì lo sốt vó lên. Ngài mà nổi cơn mê nhiếp ảnh thì mình lại khốn đốn. Đã đang sống dở chết dở với sở thích ô tô và sở thích Ebay của ngài lâu nay. May quá từ dạo đó tức là tháng 4 đến giờ không thấy ngài nhắc đến cái máy ảnh đó với vẻ thèm thuồng rỏ dãi nữa. Thôi, cứ dùng điện thoại chụp ảnh vợ là được rồi, chứ máy ảnh xịn quá bao nhiêu nếp nhăn lại hiện ra rõ mồn một thì nói chuyện gì.