Sunday, June 28, 2020

28/6/2020

Mỗi lần chuyển nhà là một lần mình gần chết, lần này tưởng nhẹ nhàng mà cuối cùng cũng không ngoại lệ. Đang mùa covid phải giảm thiểu tiếp xúc với người ngoài, mình phải tự tay đóng hết quần áo giày dép sách vở và các đồ gọn nhẹ khác, chỉ để lại đồ gỗ to nặng cho công ty chuyển nhà.
Và hỡi ôi ai mở một cái tủ to vật và cao quá đầu người xếp đầy ặc hàng trăm món khăn trải bàn khăn ăn chăn ga gối đồ trải giường các loại, cái nảo cái nào cũng gấp vuông chằn chặn y hệt nhau toàn một màu trắng tinh khôi, mà lại phải phân chia cái nào của tui cái nào của tư dinh đại sứ, tức là phải đích thân mở từng cái một ra kiểm tra rồi gấp lại, thì mới hiểu nỗi khổ gạo đỗ trộn lẫn phải ngồi nhặt của tui.
Từ cả năm trước mình đã bảo ông loại bớt đồ, suốt cả năm thỉnh thoảng lại nhắc, khi còn 1 tháng cũng nhắc, còn 1 tuần cũng nhắc, ông đều ừ hữ chả làm. Đến lúc chỉ còn vài ngày nữa là công ty vận chuyển đến đóng đồ, ông bảo cuối tuần này anh làm. Bảo làm mà thứ 7 ăn xong ngồi nghịch điện thoại rồi ăn tiếp rồi đi ngủ rồi dậy lại ăn ăn xong lại nghịch điện thoại rồi lại đi ngủ, chủ nhật cũng ăn xong ngồi nghịch điện thoại rồi lại ăn tiếp rồi… tưởng bắt đầu làm việc thì lại tặc lưỡi đi ngủ tiếp. Ngủ dậy trời đã nhá nhem tưởng cuối cùng cũng bắt đầu động chân động tay, thì lại bắt đầu nghịch điện thoại. Mình buộc phải làm toáng lên một trận ông mới hoảng hồn quăng điện thoại lật đật chạy ra mở tủ loại đồ. Loại được đúng… 3 món. Toàn chổi cùn giẻ rách và sách nhảm mà nhìn cái gì cũng tiếc cũng muốn giữ lại. Bảo container sẽ bị đầy, anh giữ lại toàn đồ vớ vẩn thì sẽ không có chỗ cho những món đồ giá trị, ông bỏ ngoài tai. Đến lúc thấy không còn chỗ để chen chân và khả năng container thiếu chỗ là có thực, ông hoang mang cau có chống nạnh nhìn quanh vẻ suy nghĩ, rồi bảo « Chúng ta có thể bỏ lại con gấu bông của con Anna». Éo gì lắm nữa.
Toàn đồ vớ vẩn nên không phân loại được, thùng nảo thùng nào của ông ông cũng đề Miscellaneous, tức là Đồ linh tinh. Lúc kiểm kê để đưa vào container, thằng bé kiểm kê rụt rè bảo mình « Madame, hải quan Ghana không chấp nhận thùng mang tên Đồ linh tinh ». Mình bảo « Nhưng mà là đồ linh tinh thật mà ». Điệu bộ nó ngại ngùng khổ sở « Nhưng hải quan họ sẽ không chấp nhận. Thôi madame cứ cho tôi một cái tên bất kỳ cũng được ». Thế là đành phải mở hết các thùng Đồ linh tinh của ông để kiểm tra xem có gì trong đó đặng nghĩ ra một cái tên hợp lý.
Mình gửi sách trả lại cho trường rồi bảo lũ Lê La Na dọn đống vở viết, quyết định cái nào giữ lại, cái nào bỏ đi. Con La chọn giữ lại vài quyển vở có những kiến thức quan trọng cần nhớ, mẹ gật gù « Con gái mẹ được ». Ông Lê giữ lại cả đống vì chọn đi chọn lại cuối cùng thấy cái nào cũng quan trọng không bỏ được cái nào, mẹ làu bàu « Mày giống bố mày ». Riêng con Na không nói không rằng thẳng tay quẳng từng xấp vở, các bài kiểm tra, và từng tập tranh nó vẽ và chuyện tranh nó sáng tác, tuốt tuồn tuột vào thùng rác hết, mặt tỉnh như ruồi. Thấy nó mãi chẳng có vẻ tần ngần ngắm nghía muốn giữ lại cái gì, mình tiếc rẻ sốt ruột « thế chẳng nhẽ con không có phần kiến thức nào có lúc sẽ cần phải tra cứu lại, hoặc bài văn được điểm cao, hoặc bức tranh nào con tự hào và muốn giữ lại làm kỷ niệm à ?». Nó nhún vai gọn lỏn No, đoạn trút tuốt vào thùng rác. Mình mà nói thêm nữa thể nào cũng được những câu lý sự kinh điển kiểu « Học xong rồi thì thôi, năm mới lên lớp mới thì học cái mới chứ học cái cũ làm gì?», hoặc « cái gì cần thì phải ở trong sách của năm đó, chứ không thì có sách để làm gì », hoặc « kiến thức ở trong đầu Na hết rồi ». Nó trí nhớ cá vàng, đang nói dở còn quên « Ơ Na đang nói gì ý nhỉ ? », thế mà lúc nào cũng siêu tự tin kiến thức ở trong đầu hết như thế.
 Mở tủ dọn đồ, tần ngần ngắm nghía những món quần áo váy vóc xinh xinh của lũ con. Những món quần áo Juicy Couture, Pinko Palino, Il Gulfo, Valentino, Ralph Lauren, Gucci, Dior, Burberry, mèng ra cũng phải Petit Bateau, cái áo này con mặc trong dịp này, cái váy này con mặc trong cái ảnh kia, đôi giày kia mình mua lúc mình đang lang thang cùng nhau ở phố phường một nơi xa lạ nào đó, tất cả đều xinh xẻo quá đỗi, muốn giữ nâng niu như kỷ niệm mà không thể giữ được. Soạn ra đem cho cũng phải chọn người. Vì nhiều người không biết dùng, đưa họ đồ đắt tiền họ làm cho tả tơi rơi rụng nhàu nhĩ cháo lòng rất tiếc. 2, 3 năm trở lại đây, con La đua theo bạn, bạn mặc OVS là nó đòi OVS, bạn mặc Zara H&M Decathlon là nó cũng đòi Zara H&M Decathlon, còn con Na thì đua theo chị, nên mình mới bắt đầu mua đồ rẻ. Nhìn con Na suốt ngày quần đùi áo phông như thằng con trai, và con La quần soóc ngắn hở mông, áo ngắn hở rốn, chưa đủ ngắn thì nó cắt thêm cho ngắn, nhảy múa uốn éo các động tác khiêu khích, mồm không châu chẩu làm duyên thì cũng ông ổng hát nhạc não tình hoặc đọc rap, và lúc cười thì cười ha hả cúi gập người vừa nhảy nhót vừa vỗ tay đen đét vào đùi giống như dân ở đây, mà chán. Những em bé xinh xắn đáng yêu bẽn lẽn như những con búp bê của tôi đâu rồi ???
Thế, thế là nhà cửa đã trống trơn, container đã niêm phong, nhưng vé máy bay thì chưa có. Vậy là đồ đi người ở lại. Chuyến sắp tới là do đại sứ quán một nước châu Âu tổ chức. Dân tình tuyệt vọng tranh cướp vé, hoang mang hỗn loạn kinh khủng. Nếu muốn, ngài thừa sức cho cả gia đình lên chuyến máy bay đó. Nhưng ngài bảo « Phần cho Ý chỉ có hai chục vé, đại sứ Ý lại giành được cả 5 vé cho gia đình thì không ổn. Thôi ở lại, đợi chuyến khác ».
Ở thì ở, ở suốt 4 năm giờ ở lại thêm một chút có sao. Ngáo ngơ thì có khi bị mắng, chứ liêm khiết thì không, nhớ đấy. 

Saturday, June 20, 2020

Linh tinh


Con Na rất thích ăn đồ ăn mẹ nấu. Mẹ nó không thuộc dạng tài cán nấu nướng gì, nấu món được món không. Ngài và lũ Lê La nhiều khi chê ỏng chê eo hoặc không dám chê nhưng vừa ăn mặt vừa nhìn như bị giời hành, nhưng con Na thì khác. Món nào mẹ nấu nó cũng ăn uống nhiệt tình, vừa ăn vừa khen nức nở. Nó bảo mẹ nó nên mở nhà hàng, thế nào cũng đông khách.
À mà nó còn tín nhiệm tài năng chữa bệnh của mẹ nó. Đau đầu, đau bụng, sứt da, nóng sốt, bầm tím, ngứa chỗ nọ chỗ kia, đau chỗ này chỗ khác, thậm chí chả đau chả ngứa mà chỉ khó ở thôi mẹ nó cũng chữa được hết. Nó cũng khuyên mẹ nó nên mở phòng khám. Xong rồi nó đổi ý, nó bảo thôi mamma đừng mở, vì người ta đến đông quá rồi mamma lại không có thời gian chăm sóc Na!
Lại quay lại vụ nó thích đồ ăn mẹ nấu, trong tất cả các món thì nó đặc biệt thích món thăn bò bỏ lò. Mỗi lần mẹ nó làm món đó là nó xuýt xoa thèm thuồng vào tận trong bếp ngửi hít. Hôm kia mẹ nó làm món này, nó đã ăn ngấu nghiến. Trưa hôm sau còn thừa lại một ít, mẹ nó cắt ra cho 3 chúng nó mỗi đứa một ít. Thằng anh đang vào tuổi ăn, ăn xong phần của mình chạy ra xúc cả phần của con em ăn sạch. Nhìn thấy phần thịt bò teo hẻo chỉ một cái tợp là biến mất vào trong cái mồm cá ngão của thằng anh, con Na hét như cháy nhà. Mình đang điện thoại mà nó gào khóc chói lói làm mình phải lập tức chạy xuống nhà rã đông một khúc thịt thăn nữa, hứa mai mẹ làm lại, không cho thằng kia ăn nữa, thì nó mới chuyển từ gào khóc sang è è mè nheo. Suốt mấy tiếng liền nó cứ è è mè nheo như thế, và nhìn thấy cái gì, ngửi thấy cái gì, nó cũng liên tưởng tới phần thịt bị thằng anh ăn cướp, và mắt lại rơm rớm lên.
Mấy tiếng sau, mắt vẫn liên tục rơm rớm, nó bảo nó sắp hạ đường huyết đến nơi rồi, mình thì cũng đã chịu hết nổi tiếng nó lèo nhèo, bèn chạy xuống nhà lấy ít cơm nguội và thịt ba chỉ rang cháy cạnh còn thừa trong tủ lạnh, cũng là một món nó vô cùng yêu thích, hâm nóng lên cho nó ăn. Ăn xong có vẻ nguôi ngoai, nó bắt đầu hát. Hát một lúc nó bảo “mẹ ơi Na nhức đầu”. Hát cho lắm vào lại chả nhức. Đang nghĩ ăn cơm giữa buổi thế này rồi đến bữa tối lại ngồi gảy gót, ai ngờ nó hát nghêu ngao cho mấy tiếng liền nên đói bụng, đến tối lại ăn ngấu nghiến.  
Món thịt bò bỏ lò thì vô cùng đơn giản nhanh gọn. Thịt bò chọn khúc filet mignon, lọc sạch gân màng, thấm khô rồi cuốn chặt một lần giấy bạc và một lần cling wrap, cho vào lò, bật 50 độ C. Lò của mình là lò chuyên dụng cho events nên hơi nóng, lò bình thường có lẽ nên để 60 độ C. Để đó đi chơi, khúc thịt nào nhỏ thì 1 tiếng sau quay lại, khúc thịt nào to và dầy thì 1 tiếng rưỡi. Lấy ra khỏi lò, bỏ bọc, xoa ít muối, làm nóng bơ trong chảo rồi cho khúc thịt bò vào lăn qua lăn lại cho tái vỏ ngoài. Bơ chỉ cần đủ nóng để thịt bò cho vào kêu xèo một cái là đủ, không để lửa to quá làm cháy bơ. Quá trình lăn bơ này không quá 1 phút.
Xong rồi nhấc khúc thịt bò ra, thái thật mỏng xếp lên đĩa, rắc tiêu, rắc thêm ít muối nếu cần, và rưới dầu olive tươi lên. Dầu olive có thể cho thêm ít tỏi tươi hoặc lá thơm tùy thích. Thế, mất vài phút mà thành phẩm cực kỳ mềm, dù ăn ngay hay để tủ lạnh ăn ngày hôm sau đều rất ngon. Ngay cả thịt gà cũng thế, hai cái đùi gà xát muối chanh, cho vào lò, để 100 độ rồi đi chơi 2 tiếng, bao giờ gần đến lúc ăn mới thêm dầu olive và tăng nhiệt lò mấy phút để rám vỏ ngoài. Người ghét nấu ăn nên cứ phải thủ túi những món không mất thời gian đứng bếp. Bọn trẻ con háu đói, nhiều khi thấy 7h ăn mà 6h30 bà bô vẫn ngồi rung đùi, lo lắng chộn rộn hỏi sao mamma chưa đi nấu ăn. Bà bô nó bảo tao đi lúc nào kệ tao, miễn đúng 7h có bữa tối cho bố con mài là được chứ giề. Ngồi rung đùi nhàn tản thế thôi chứ mọi việc tính hết roài. Thịt thì đã ở trong lò cả tiếng, rau thì đã lấy ra cho thằng bé giúp việc rửa sẵn, nồi nước đã để sẵn dặn nó đến giờ thì bật bếp. Canh giờ nước sôi tui mới xuống. 3 bếp một lò, có lý gì mà vài phút không xong.  
Nhân việc nhà cửa đang tanh bành và người ngợm ê ẩm vì đóng đồ, điều mình thích nhất ở những thử thách mình buộc phải vượt qua là thử thách nào cũng có tính thời hạn. Mệt mỏi căng thẳng đến mấy, cứ tiếp tục nỗ lực thì ngày hôm sau sẽ gần đích đến hơn ngày hôm trước, và cứ đến ngày đó tháng đó, là mọi thứ sẽ xong xuôi bất kể làm có tốt hay không. Event lớn đến mấy, chuẩn bị mệt mỏi đến mấy, kết thúc events khách về là hết. Mấy trăm thùng hộp phải xếp mệt mỏi đến mấy, đến ngày công ty vận chuyển đến là sẽ bê đi hết. Một nhiệm kỳ ở một nơi chán đến mấy cũng chỉ tối đa 4 năm là hết. Nó không phải là những mệt mỏi tật bệnh hay những dày vò tinh thần, mà dù có cố gắng đến đâu ngày hôm sau cũng chưa chắc đã tốt hơn ngày hôm trước, và chỉ biết ngồi chờ số chứ không thể biết sẽ kéo dài bao lâu.
Thế nên cuối tuần lại chăm chỉ đóng đồ thôi vậy.

Wednesday, June 10, 2020

Bòng bong cứ đợi đi

Năm ngoái làm một con đường nhỏ vắt ngang bãi cỏ cho xe đi xuống dưới garage. Thấy còn chừa lại một rẻo đất xiên xẹo bèn tặc lưỡi bảo thôi để làm cái vườn hoa nho nhỏ, nơi mình tự do thử nghiệm trồng các loại hoa mình thích, nhất là các loại hoa đồng nội. Mùa xuân đến, ngồi co cẳng ở châu Phi mình nhờ ông làm vườn đi mua các loại hoa trồng vào đó cho mình, sao cho hoa ra từ đầu xuân tới hết mùa thu mới thôi. Ai dè trồng cúc, hồng, loa kèn, oải hương, thủy tiên, mỗi loại đều từ mấy cây đến mấy chục cây mà nhìn lại thấy vườn vẫn còn trống tới 2/3. Bèn lọ mọ đi đo đạc lại. Hóa ra cái rẻo đất thừa thẹo ấy không bé như mình tưởng ban đầu. Thế là lại phải lên mạng nghiên cứu các loại hoa để mua về trồng. Mà châu Âu hè rồi nên nghiên cứu thì nghiên cứu thôi chứ ít nhất phải đến mùa thu mới bắt đầu trồng được. Thế là lỡ mất 1 mùa hè hoa thơm rung rinh bướm lượn rập rình.

Buổi sáng, lũ con ăn xong vào ngồi học ngay ngắn, mình giở báo lên đọc. Đập ngay vào mắt khuôn mặt phẫu thuật hỏng của Nancy Pelosi, lại còn cận cảnh, mắt trợn, mồm tô son dày bệt lại còn đang há ra. Khiếp hãi quá phải đóng lại ngay.
Mở facebook lên, chưa mô tê răng rứa được gì lại thấy ngay một đứa bạn post ảnh tượng nữ thần tự do trắng muốt bị đè cổ dưới hai đầu gối đen đúa, mô phỏng vụ cảnh sát chẹn cổ gây nên cái chết của một nghi phạm da đen. Tự dưng cảm thấy lợm giọng với thói sến súa, thổi phồng và drama xuyên tạc của người đời. Chỉ là một ca trấn áp bạo lực quá mức cần thiết của một cảnh sát đối với một người có lẽ lúc đó đang lên một cơn đột quỵ cần cấp cứu, chứ đen vàng trắng đỏ gì ở đây.  

Thế là, trốn đời, vào phòng, đóng cửa, ngồi vào chiếc ghế bành êm ái cạnh cửa sổ xanh rì cây lá, gác chân lên cái đôn, và say mê nghiên cứu hoa. Trồng hoa nào vào góc nào trong rẻo vườn quê có vài cây hoa èo uột còn lại đen xì toàn đất là đất kia. Ở đây chả có gì, niềm vui chỉ bé tẹo thế thôi. Bé tẹo thế mà cũng không trọn vẹn vì được hai ngày thì trước mặt đã sừng sững hai cái hộp to đùng chắn cả cửa sổ. Là loại hộp trong vận chuyển gọi là wardrobe, để treo váy dài và suits.
Buổi sáng thức dậy, cảm thấy hơi hoảng loạn vì quá nhiều việc phải làm. Cái nhà ở Salento phải sửa sang chuẩn bị cho khách vào, sửa nhà ở Rome để chuyển vào, chuyển đồ từ Salento lên Rome và từ Rome xuống Salento, tỉ việc phải làm xong ở đây trước khi rời đi, thùng carton chất thành dãy đợi mình đích thân xếp vì đang dịch Covid phải giảm thiểu tiếp xúc với người ngoài, con thì ngày nào cũng phải học hành và ăn mấy bữa cãi nhau mấy trận, chuyến bay thì đã bị huỷ nên không biết ngày nào bay được. Tất cả như một mớ bòng bong, không biết phải bắt đầu từ đâu???
Mà thôi, cũng không thể lo quá. Kiểu gì tháng sau mọi việc cũng sẽ sáng tỏ hơn tháng này. Lại ngồi gỡ từng chút một, nhìn thấy gì gỡ nấy. Gỡ được thì tốt mà chả gỡ được thì...cuộc sống chỉ kém hoàn hảo đi một chút thôi, có sao.
Tiện thể rửa hộp sữa để tái chế, bèn mang ra vườn tưới cho mấy em rau húng. Buổi sáng trời vừa mưa, mà chỉ mưa có nửa cơn nên nửa hửng hửng nửa xầm xì như muốn mưa tiếp. Có chút mưa nên không khí trong lành mát mẻ hẳn, còn cây lá trong vườn lại xanh rượi lên. Lại cảm thấy lòng vui lên một tẹo. Ông thì đã vừa nghêu ngao hát vừa xuống nhà ăn sáng, và giờ ăn sáng xong đã cắp cặp lồng cơm trưa té đi làm. Tí nữa cho lũ đười ươi tuổi teen kia ăn bữa phụ buổi sáng xong là mình sẽ lại vào phòng đóng cửa nghiên cứu hoa tiếp. Bòng bong cứ đợi đi.