Friday, July 29, 2011

Khả ố đàn ông (cuối)

Mình có đọc ở đâu đó vụ dân tình la ó bạn người mẫu Hà Anh, cái tội tự ca ngợi bản thân trong một sự kiện nào đó với đại sứ quán Hà lan, hay Đan Mạch?. Mình nghĩ nói sự thật thì có gì mà phải la ó, nói dối thì mới là lố bịch. Mà nhìn hình thức bạn HA thì chắc những gì bạn ý nói là thật. Theo như quan sát của mình, những người biết yêu hình hài của họ là những người sống hiền hơn những người ko hài lòng với hình hài của họ do đó căm ghét cả hình hài của người khác.
So với các ngôi sao hoặc các giả-vờ-ngôi-sao trong nước thì bạn HA thế là được lắm rồi. Tức là lao động nghiêm túc, ko có scandals bấu víu đại gia, và nhất là ko cố gắng đi đâu cũng giơ giơ ra mấy món đồ hàng hiệu trông quỷnh chết đi được, là điều mà đến 99% giới showbiz ở nhà luôn cố làm.
Nhưng mình định nói ở đây là chi tiết khi có người của sứ quán “đẩy” bạn HA ra phía trước cho mọi người nhìn rõ hơn. Bạn HA là hiền, hoặc chưa quen với các phép tắc ứng xử ở cấp trang trọng, nên mới cười, chứ gặp mình thì mình chả cười. Nhẹ nhất, ngoại giao nhất thì mình cũng phải đứng xích ra nghiêng đầu một cái ra dấu cho họ giữ khoảng cách. Nhẹ vừa thì cũng phải giơ tay ngăn cái tay đang ẩy ẩy của nó lại “Please. Xin hãy để tôi tự bước lên”. Mình cũng tò mò ko hiểu vị nào trong đại sứ quán lại có hành vi thân thiện suồng sã ko phải lối ko phải chỗ, muốn bảo người ta đứng ra phía trước ko biết chìa tay ra mời người ta vịn rồi dắt người ta lên cho ra dáng gentleman hay sao mà lại phải cười cười ẩy ẩy người ta cái kiểu thế. Chả hiểu ông nào trong đại sứ quán cử cái vị quê mấy cục đấy ra điều phối trong một sự kiện có mặt hoàng gia. Trừ khi các vị ngầm hiểu với nhau là hoàng gia cái khỉ khô gì, mấy thằng tay chơi, trình gái đẹp cho nó xem cho nó chết thèm?
Lần về Hà nội vừa rồi, mình hẹn một người bạn trước cổng công viên Lenin. Không phải chính trước cổng mà hơi chếch chếch ra một chút. Đứng đó chưa đầy 10 phút mà có đến 4, 5 anh lượn vào, “Em là Kim Anh à?”, “Hồng à”, “Minh à”, “Hương phải không?”. Mới đầu mình ngây thơ lại cứ tưởng mình trông giống các cô bạn của các anh ấy thật. Nhưng đến anh thứ 3 lượn vào thì mình chợt hiểu ra là có khi các anh tưởng mình là cave đứng đón khách giờ trưa. Chưa kể có ông xe ôm còn cứ ra lải nhải “bà xã ơi, bà xã ơi, đi đâu để đây chở, đẹp thế đứng một mình làm gì. Bà xã ơi, bà xã ơi, người ở đâu đến mà đẹp thế”. Nghe phát hốt hoảng. Mình phải chạy ra ngồi tọt vào giữa mấy cô học sinh áo trắng đồng phục đang ngồi đợi xe bus cạnh đấy cho yên cái thân.
Dạo này có anh hay gửi tin nhắn vào hòm thư cho mình. Mệt cả người. Chưa thấy trang nào vô duyên và thiếu riêng tư như Facebook, nhất cử nhất động của mình người ko phải trong friendlist cũng biết hết. Anh này chỉ là quen chồng mình mà mò ra được mình. Tin nhắn nào anh cũng ký tên Nô lệ của em. Anh mà biết số mình ko vượng cung nô bộc thì chắc anh chả dám tự tấn phong bản thân vào cái vị trí đấy đâu nhỉ.
PS: không tiếp tục series Khả ố đàn ông này được nữa vì chiều nay cún béo lại đi ra ngoài biển rồi. Để từ từ rồi cún béo ra tiếp series Vớ vẩn đàn bà. Mỗi tội cứ đứt mạch một cái lúc viết lại là lại ngồi sờ mó bàn phím, ko nghĩ ra cái gì để mà viết.

Thursday, July 28, 2011

Khả ố đàn ông (1)

Mình cứ linh tinh trên blog thế thôi chứ ngoài đời hoàn toàn ko phải là người thuộc diện đàn ông dễ làm quen. Mình ko thích cái tính chưa chi đã tít mắt cười, ngay cả khi câu pha trò của thằng đàn ông nhạt hoét ra. Nhe răng ra cười trông nó cứ thiểu năng dễ dãi làm sao. Có lần có thằng đàn ông tự tin thái quá pha trò rổn rảng, điệu bộ như một con gà trống đang vươn cổ gáy vang vỗ ngực bồm bộp. Mấy em rũ ra cười. Mình ngồi rất thờ ơ. Nó đã ko vặn bé cái loa của nó đi thì thôi, lại còn quay sang mình hỏi rất thách thức trước mặt tất cả các chị em “Don’t you find it funny?”. Mình bảo “No. But I appreciate your efforts to be funny”.
Mình lại càng đặc biệt ko thích kiểu ngả ngốn dựa dẫm. Có nhiều người đàn ông rất hay. Dựa dẫm ngả ngốn huých huých có giải quyết được cái quái gì đâu mà cứ tranh thủ làm gì cho mất thời gian hỏng tư cách. Hồi còn đi làm mình có quen mấy anh làm bên báo. Các anh hay rủ đi ăn uống. Có lần cũng đồng ý đi cho vui. Không hiểu có phải các anh quen được các em nữ tính đảm đang chiều chuộng rồi hay ko mà cứ chờ mong mình phải tiếp đồ nhắm và rót rượu cho các anh ấy uống, rồi vừa lè nhè “con gái phải thế này con gái phải thế nọ”, đồng thời rủ rê đi du lịch chỗ này chỗ nọ, đồng thời giả say tay tranh thủ vịn vịn đầu tranh thủ tựa tựa. Mình phải ngay lập tức đứng dậy phủi đít xin phép các anh em về. Không biết các anh ở lại có bàn tán rôm rả con đấy đã xấu còn đoảng còn chảnh hay ko.
Hồi mình mới chuyển sang chỗ làm mới, vị sếp mới của mình nắn gân mình ngay ngày đầu tiên “ô hôm qua tao ngồi uống ở bar, có một thằng khi biết mày từng làm trợ lý của C thì bảo tao rằng ồ vậy thì mày có thể véo mông con bé đấy”. Mình đang đi ra khỏi văn phòng sếp, nghe thấy thế thì đứng lại ngay, mặt rất thờ ơ “I don’t think so, sir”. Vị sếp vội vã lấp liếm “không không tao chỉ đùa thôi”. Lại một kiểu bị từ chối thì là đùa, ko từ chối thì là thật.
Khoảng 8 năm trước, có vị đại sứ của một đất nước tây phương, mới đến VN, dáng điệu khá khả kính. Mình gặp ông ta trong một buổi lễ rất trọng thể. Vì đã quen sơ từ trước nên mình đi qua thì có lịch sự đứng lại hỏi han vài câu xã giao. Vị đại sứ khai tồng tộc “ồ tất cả mọi thứ đều ổn, chỉ riêng có phần physical need thì hơi ko ổn”. Mình bảo luôn “too much information thưa đại sứ. Xin lỗi là tôi ko giúp gì cho ông được”. Từ đó gặp đại sứ này ở đâu là mình thậm chí còn chả buồn chào.

Wednesday, July 27, 2011

Mệnh hỏa sợ nước hay Những người đàn ông sở hữu du thuyền

Hồi trước khi từ Mỹ chuyển về Ý, tức là cách đây hai năm, chàng nịnh nọt “em ơi, vợ chồng mình mua du thuyền nhé? Cả mùa hè mình sẽ lênh đênh trên biển cùng bọn trẻ con. Em sẽ biết thế nào là cảm giác hòa mình hoàn toàn vào thiên nhiên, khi thuyền mình tắt máy, hạ buồm, giữa biển khơi không thấy bóng đất liền”. Mình rúm cả người.

Thứ nhất, nghe thì có vẻ to tát nhưng thực ra không phải cứ có nhiều tiền mới mua du thuyền được. Du thuyền có nhiều loại. Những du thuyền giá triệu đô hoặc các siêu du thuyền thì ko nói làm gì. Ngoài ra, tầm tiền nào cũng có du thuyền phù hợp đáp ứng. Do vậy vấn đề ko phải là số tiền bỏ ra ban đầu để mua du thuyền, mà là những chi phí neo đậu, xăng dầu, người phục vụ, bảo hiểm, bảo dưỡng sửa sang vv hàng năm. Một năm may ra lượn du thuyền được đôi ba lần, còn lại là ngâm nước để đấy, chưa kể nhà mình còn chủ yếu ở nước ngoài. Thế mà chi phí vào nó thì toàn tính tiền nghìn mỗi lần. Chính vì những chi phí này mà đến giờ thú chơi du thuyền vẫn là đặc quyền xa xỉ của dân nhà giàu.

Thứ hai, nội ông hầu mấy cái ô tô xe máy của ông mình đã đủ chết rồi, giờ lại hầu thêm cái du thuyền, chắc mình thành gái có chồng hẳn hoi mà chả khác nào quả phụ.

Thứ ba, mình ghét phơi nắng. Ở trên bờ còn vật vờ đi tìm gốc cây, mỏm đá nào tránh nắng, chứ lênh đênh ngoài biển thì trốn vào đâu. Nắng và muối biển làm cho da đen đi nhanh kinh khủng, cả năm chưa chắc đã trắng lại được.

Thứ tư, lý do quan trọng nhất, mình ghét nước. Mệnh hỏa nên rất sợ nước. Nước chỗ nào nông nông còn được. Nông nông tức là kiểu 30, 40cm ấy, chứ từ đó trở lên với mình là sâu roài. Cứ thò chân xuống nước sâu hoặc lênh đênh trên mặt nước là thấy bất ổn, cảm thấy mình ko thể kiểm soát được tình hình. Gì thì gì cứ phải đặt chân lên đất liền một cái thì mới phởn phơ trở lại. Cứ bảo thích đi biển nhưng đi biển là đi kiểu trải cái khăn nằm nhàn nhã trên bờ, dưới bóng một cái ô to lực lưỡng, gió mát mát, đọc sách, uống nước dừa nho nhã. Chứ đi biển mà lại hùng hục rửa thuyền, chăng dây, thả neo, căng buồm hạ buồm, lại thêm cảm giác bất ổn khi ngó xung quanh là nước, ngó xuống dưới là biển sâu khôn dò , có giời mới biết ở dưới đó có những con gì, thì thà ở nhà còn sướng hơn.

Vì các lý do trên mà mình ko đồng ý mua du thuyền. Giai mặt ngắn tũn nhưng nghe các phân tích của vợ (tất nhiên là mình giấu nhẹm lý do thứ hai, thứ ba và thứ tư) thì cũng gật gù thấy vợ có lý. Thế là mình thoát vụ du thuyền.

Không có du thuyền thì đi ké của anh trai chồng. Du thuyền anh trai chồng ko lớn nhưng rất đẹp, đặc biệt rất elegant. Du thuyền có tên Golightly. Mình hỏi “anh thích Audrey Hepburn à?”. Mắt anh ấy sáng lên, đầu gật lia lịa. Những ngày biển lặng, nắng đẹp, cả nhà lại rong ruổi trên biển, đến một cái vịnh xinh đẹp, khuất gió nào đó, thả neo và lên bờ chơi. Những bãi biển riêng người ngoài chỉ đến được bằng thuyền nên rất ít người, sạch và hoang sơ vô cùng, hươu nai đi lại tung tăng trên cát. Ông con trai xỏ phao vào hai cánh tay, nhảy ùm xuống nước bất kể nông sâu, bơi tùm tũm vào bờ, mồm nhắc bố ông mang theo cho ông quả bóng để ông lên bờ đá.

Ông con trai mê du thuyền đến mức mẹ phải về thành phố có việc mấy ngày mà cứ xin mẹ cho ở lại với bác, chẳng nằng nặc theo mẹ như mọi khi. Thế là hôm nay mẹ về thành phố mà ko có con trai.

PS: mình luôn nghĩ những người đàn ông khác nhau phù hợp cho những mục đích khác nhau. Ví dụ ngày xưa mình thấy một anh ở lớp học võ rất hay, nhưng cũng ý thức được rằng hay trên sân tập nhưng trong vũ trường chắc chán. Tương tự, có những người đàn ông nhìn thấy trong siêu thị thì trông dưới trung bình, nhưng thấy họ đeo kính đen chăm chú điều khiển thuyền, tóc bay, da rám nắng, hoặc bắp tay săn lên lúc họ neo thuyền, thì thấy họ kể ra cũng hay đấy chứ nhỉ.

Friday, July 22, 2011

Một buổi đi bơi hoành tráng

 
Về VN mang theo vài bộ bikini vì được con bạn hứa nó sẽ cho đi bơi hoành tráng.
Tối đó, hai con đến được bể bơi lúc 9h, mình mồ hôi vẫn chưa kịp khô trên lưng sau mấy tiếng đánh vật cơm nước con cái, tóc thì rối tinh rối mù, bụng thì no óc ách, tâm trạng nào mà bơi. Thế là mới có thảm cảnh như sau diễn ra:
- (mình ỉu xìu hỏi em lễ tân) Theo em chị có nên bơi ko nhở, hay là chị massage?
- Chị massage đi chị, đang có nhân viên rỗi đấy
- Nhưng mà con kia nó ko massage, đến đây rồi chả nhẽ nó đi một đường chị đi một đường?
- Vâng thế thì chị đi bơi cũng được (hỏi lời khuyên của em này giống hỏi cái đầu gối quá)
Thế là mình lon ton đi thay quần áo để đi bơi với con bạn.
Lúc đó là hơn 9h. 10h bể bơi mới đóng cửa, vẫn còn kịp bơi lội, xông hơi thoải mái. Con bạn bảo thế rồi lội ào xuống nước, kính mũ vô cùng chuyên nghiệp. Ngày xưa mình nhớ nó toàn bơi lệch, đâm đầu cái cốp vào thành bể rồi lại cặm cụi bơi ra chứ đâu. Chính nó là đứa mà thầy thể dục đã phải ngao ngán “lại đâm đầu vào thành bể rồi. Ai cũng như em thì bể bơi nhà người ta hỏng hết còn gì”. Mặc kệ mình lảm nhảm trên bờ, nó phớt lờ, bơi rối rít. Mình tay chống nạnh đi lại ngần ngại, thò chân xuống nước thăm mấy lần. Cuối cùng tặc lưỡi “sau bao gian khổ mới đến được đây, giờ mà lại ko bơi thì hãm quá”. Thế là mình phó mặc sự đời cũng lội ào xuống bơi rối rít.
Nhưng xuống tới nước mình mới nhớ ra là từ ngày xưa mình đã ko thích cái bể bơi Sofitel Plaza này rồi, lý do là vì dưới đáy bể chúng nó lát hình mấy con cá heo rất to. Đang bơi lại cứ thấy hình con cá đen xì xì, rồi ánh đèn, sóng nước, cứ lấp la lấp loáng, cá heo ko thấy giống lại cứ thấy giống cá mập, sợ bỏ mợ đi được. Cộng thêm vụ mới về chưa quen sử dụng dao thớt ở nhà, nấu ăn có một buổi mà tay sứt sẹo hết cả, xuống nước đã thấy xót xót, khỏa nước lại càng xót hơn.
Thế là, bơi được đâu 2 hay 3 mét, mình bỏ cuộc. Con bạn mình vừa bơi hết một dọc bể, quay lại nhìn, thấy đúng thảm cảnh mình đang vật lộn đu thành bể lồm cồm bò lên bờ, nước nhỏ tong tong.
Mình bỏ mặc con bạn đang cười lăn lộn dưới nước, đi ra lễ tân, thiểu não “em ơi, thôi chị ko bơi nữa, cho chị massage”. Con bé thảng thốt “ối chị ơi bọn em lại vừa có hai vợ chồng đến massage rồi”.
Mình lại thất thểu quay lại, đi lang thang vật vờ trong khu spa, chả có chỗ kín đáo nào cho mình nằm ngủ tránh ánh mắt hiếu kỳ của mọi người, đành quyết định dùng bồn Jacuzzi. Loay hoay sờ soạng mãi quanh bồn mà chả tìm cách bật cái bồn lên được, chả hiểu nút bật ở đâu. Mình đang ngồi thu lu trong nước ngẫm nghĩ, thì một anh đi vào. Anh ấy đường hoàng giơ tay bật công tắc trên tường, bồn Jacuzzi sủi bọt, nước tuôn ầm ầm, mình giật nảy mình.
Sau đó một anh nữa vào, chắc vừa từ dưới bể bơi lên, ướt như chuột lột, điệu bộ oai phong lẫm liệt như một con gà trống. Giá mà anh ấy nói nhỏ đi một tý và mặc quần bơi thay cho quần lót thì hơn. Gặp nước, quần lót ko đỡ được, nhìn rõ mồn một hết cả các thứ.
Mình bỏ bể sục, mò vào sauna. Ngồi trong đó được hơn một phút thì lại mò ra vì nóng.
Sau đó mình mò vào steam bath, cũng lại nhấp nhổm đi ra vì sợ hơi nước làm nhem mascara trên mắt.
Nhìn đồng hồ, hay quá, hết giờ. Hùng hục đi tắm gội rồi bắt taxi về. Hết một buổi work out hoành tráng.
Tóm lại, cứ động đến thể dục thể thao là mình như thế, chứ ở ngoài đời mình cũng ko hãm đến mức ấy. Chồng mình thấy mình hay giơ bắp tay bắp chân lên than vãn thì cứ riết róng “em phải tập thể dục thể thao đi, đến tuổi này rồi mà ko tập luyện thì thân hình sẽ xuống cấp rất nhanh”. Mình biết thừa chồng mình cứ hối thúc mình thể dục để mình cho ông ấy đi đá bóng thả phanh đây mà.
Ảnh: búi tóc nhiều quá, phần tóc trước trán rụng suýt hói, phải cắt bang để che đi.

Tuesday, July 19, 2011

Nhảm về thời trang (cuối)

Loại thứ hai bao gồm những nhà thiết kế mang phong cách Tây phương. Những nhà thiết kế này mình ko biết nhiều ngoài mấy vụ lùm xùm nghi đạo ý tưởng của các nhà thiết kế danh tiếng ở nước ngoài thỉnh thoảng lại đọc được trên báo. Tuy nhiên, lấy ví dụ như nhà thiết kế mà mình ghé thăm ở trên, rất khó để giải thích với họ rằng mình đến là vì tò mò về chính họ chứ ko phải vì áo váy của họ có mẩu này mẩu kia làm giống tên tuổi này tên tuổi nọ, và mặc vào thì có thể làm cho người khác tưởng mình là ông này bà nọ. Thật là sai lầm khi đã mất chất xám thiết kế, và thiết kế cũng khá lắm chứ không phải không, thế mà đến khâu hoàn thiện lại cố làm sản phẩm của mình giông giống một tên tuổi đắt tiền hơn nhiều, vô hình chung tự nhiên lại biến thành quả lao động của mình thành một sản phẩm nhái vụng về. Khách quan mà nói đây là một tư duy hết sức sai lầm, mà nói theo ngôn ngữ bình dân thì là “phí của giời”.

Ngoài lề, ngay cả nhà thiết kế cũng ko hiểu tại sao mình lại muốn tháo những hạt lóng lánh trên chiếc váy, để nó trơn hoàn toàn “lóng lánh thế này mới đẹp chứ bạn?”. “Không bạn ạ, tính mình đơn giản, mình chỉ thích váy trơn thôi ”. Rất khó để giải thích rằng “lóng lánh nhờ những hạt kim cương giả này thì mình ko thích”. Và rồi nhà thiết kế bó tay hẳn khi mình yêu cầu sửa cho bớt hở ngực bởi vì theo họ “hở ngực thế này mới gợi cảm vì ngực bạn đầy”. Lại phải lý do lý trấu “mình không thuộc show business. Tính chất những nơi mình đến ko cho phép mình mặc hở thế này”. Tuy nhiên đây lại là một vấn đề chủ quan, nó chỉ liên quan đến quan niệm thẩm mỹ của riêng mình, ko phải lỗi của nhà thiết kế.

Để hôm nào có dịp mình sẽ mặc chiếc váy đó. Chắc nhiều bạn biết nó. Nó chính là chiếc váy Jennifer Phạm mặc khoe gần trọn bộ ngực tròn xoe như hai con lật đật. Sau những chỉnh sửa theo yêu cầu của mình, nó trở thành một chiếc váy trơn hoàn toàn và khá kín đáo. Rước cả chiếc váy về chỉ vì thích cái màu lụa xanh đó thôi. Mình sẽ mặc chiếc váy đó với đôi hoa tai dài thõng xuống có hai viên ngọc xanh lục nhạt và son môi màu gạch nâu. Chưa quyết định được sẽ dùng nước hoa gì.

PS: để trả lời một số câu hỏi từ các entry trước của các bạn, nhãn hiệu thời trang này có tên Kelly Bùi, cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư. Cún béo có mua mấy cái váy ở đó và nhìn chung cũng hài lòng sau các chỉnh sửa theo ý mình. Với chừng đó tiền ở nước ngoài bạn mua được một sản phẩm kém hơn nhiều.

Sunday, July 17, 2011

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 78)

Mình ngồi xem ông con trai đá bóng với các bạn. Bé loắt choắt, bé nhất lớp, thế mà chạy ra trò, hò hét cũng ra trò. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ như gà chọi, chạy qua hỏi mẹ “mamma có mang nước cho Lê không thế?”.
Mấy đứa nhà này ăn như hùm đổ đó thế mà đứa thì bé tẹo đứa thì gầy nhom. Ông con trai bé hơn các bạn cùng lớp có đứa cả cái đầu. Bà con gái 3 tuổi 3 tháng mặc vừa quần cho những đứa 18 tháng tuổi. Cởi quần áo ra nhìn người con như tiêu bản mẫu. Xương chân, xương tay, xương hông, xương sườn, xương bả vai, xương bánh chè, đốt xương sống cổ, cái nào cái nấy nổi rõ mồn một.
Lại trở về việc ông con trai mê bóng đá. Bắt đầu từ việc bố ông đăng ký cho ông theo khóa bóng đá sau giờ học. Tuần nào ông con trai cũng mong mỏi đến ngày được đá bóng. Ở nhà thì sáng trước khi đi học cũng lôi bố dậy làm vài đường chuyền rồi đi đâu thì mới đi, tối cũng sút vài đường rồi ngủ gì thì mới ngủ. Hai ngày nay lại có thêm trò mới, tức là cả bố cả con giở Youtube ra xem mấy màn biểu diễn ngoạn mục của các danh thủ bóng đá để lấy thêm khí thế đá cho xung, bình luận hăng hái lắm.
Mẹ ngồi ngắm thấy ông con trai được phết. Tức là dù thấp bé hơn các bạn rất nhiều, bị xô ngã nhìn mặt thì biết rất đau nhưng ko khóc. Có mấy bạn lớn lúc tranh bóng rất xấu, cứ xô vào người khác như một con bò mộng, con trai ko hề xô lại mà trái lại vẫn tranh bóng rất kỷ luật và sút quả nào ra quả nấy. Chú huấn luyện viên Angelo luôn miệng khen ngợi.
Mỗi tội bố con gì mà giống nhau, cứ chạy quắng lên như hóa rồ. Rõ ràng bóng có ở chân mình đâu mà cứ chạy qua chạy lại như ma đuổi hò hét điều khiển người này người nọ. Hăng đến mức là thủ môn mà bỏ cả khung thành để chạy lên trên tranh bóng, rồi chạy ngược trở lại, chạy xuyên qua cả khung thành ko có lưới để tranh bóng tiếp. Rồi hét vào mặt nhau, vặc nhau cũng ra trò. Chơi xong mẹ dẫn độ ông con ra xe. Trông con nhem nhuốc nhễ nhại như vừa móc dưới cống lên. Đúng là một môn thể thao “mấy chục con lợn chạy theo một quả bí ngô”.
Bóng đá thì mê mẩn thế nhưng học thì có lẽ dốt. Năm sau vào lớp 1 mà giờ này vẫn còn chưa biết đếm, chưa biết đọc, viết thì ngược một cách tai hại, hồi đầu chỉ ngược từ trái sang phải, bây giờ lại còn ngược cả từ đít lên đầu. Bố nhăn nhó “bằng tuổi này anh đã biết cộng trừ nhân chia”. Mẹ cười phe phé “bằng tuổi này em chỉ muốn con chơi và khám phá thế giới. Đọc viết cộng trừ nhân chia ai chả biết, ko biết trước thì biết sau”.
Sự chăm học nghe lời tỷ lệ nghịch với sự nghịch ngợm. Mẹ gầy gò yếu ớt cứ phải nghĩ cách thì mới chịu nổi nhiệt con. Ví dụ, ị xong, con định co cẳng chạy, mẹ vội giữ chặt lấy mông con. Con tiến bước nào là mẹ lê theo bước nấy. Con ko chạy được thì bắt đầu bò nhoay nhoáy như nhện bằng 4 chân, cái chim đung đưa, mồm hát vang. Mẹ nghề lắm rồi, con bò cứ bò, mẹ chùi cứ chùi, rất thiện nghệ. Không thế thì con ị xong chẳng chùi đít nhảy phóc lên sofa ngồi đọc sách thì mẹ chết mất.
Ngồi trên toilet ị, mồm cũng hát vang, tay cầm món đồ chơi tí toáy. Tí toáy thế nào món đồ chơi rơi tõm một cái xuống bồn cầu. Mẹ ngồi phịch xuống đất. Mẹ chỉ muốn khóc. Mẹ mệt lắm rồi mà vẫn còn phải nấu xong bữa tối, cho con ăn, cho con đánh răng, rửa mặt thay quần áo, cho con đi ngủ, giờ lại còn thêm việc khều cái món đồ chơi đấy ra và kỳ cọ nó thật sạch sẽ bằng mấy lần xà phòng và bàn chải.
Mẹ đau dạ dày gần hai tháng nay rồi, sụt cân thảm hại, người gần giống một bộ xương. Hôm qua vừa cảm thấy đỡ đỡ một tý, ông con đầu trọc chạy xô từ xa lại, đánh đầu vào bụng mẹ một cái rõ mạnh, lại đau nôn nao hết cả người. Mẹ giận lắm. Vào xe mẹ bảo “con trai, con có biết nhiều lúc mẹ cáu con lắm không?”. Không có tiếng trả lời, đơn giản là vì ông con trai đã đang bận kéo tóc con em gái ngồi cạnh cho nó kêu óe lên.
Con trai ạ, học dốt mấy thì dốt nhất định con phải biết đọc tiếng việt, để về sau con đọc được những entry này…

Nhảm về thời trang (1)

Đợt về Hà nội, ko định mua gì ngoài sách, nhưng nghe chị bạn giới thiệu, lại tò tò đến cửa hiệu của một nhà thiết kế thời trang.

Đến đó thì quả thật cũng ưng ý. Ưng ý vì thứ nhất thiết kế của nhà thiết kế này phù hợp với dáng mình, tức là những thiết kế rất tôn eo. Mình thì nói thật chả có cái gì ngoài eo. Chân thì ngắn, ngực thì nhỏ. Cũng may có cái eo nhỏ kéo lại chứ ko thì nhìn như khúc bánh mỳ cháy choằn choằn từ trên xuống dưới.

Ưng ý thứ hai là chất liệu nhà thiết kế này dùng thuộc loại bền, có thể cho phép mình mặc nó lê la khắp chốn mà ko lo hỏng. Những bộ váy áo bằng lụa made in Italy rất kén dịp và khi dùng cứ phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Nhiều khi người còn chả tiếc mà cứ phải tiếc váy.

Nhưng cô bé bán hàng thì ko hiểu dụng ý của mình. Cô ấy vội vã kéo mình đến trước một thiết kế “chị mặc thử cái váy này đi, sang lắm”. Mình lắc đầu “cái nơ thắt lưng này nhà thiết kế làm giống F…”. Chưa kịp nói hết câu thì cô bán hàng đã cướp lời vẻ rất tự hào “vâng, đúng rồi đó chị, cái nơ này làm giống Ferragamo”.

Tương tự, cô ấy còn cố gắng thuyết phục mình thử mấy cái váy dài có phần dây vai làm giống hệt xích vàng luồn da đen của Chanel.

Cực chẳng đã mình phải bảo cô ấy “em ạ, chị thích cái váy nhưng ko thích phần bắt chước. Chị mặc vào người ta lại tưởng chị mặc đồ Ferragamo chị ko thích”. Cô ấy có vẻ ngỡ ngàng kiểu như “người ta tưởng thế là tốt chứ sao chị lại ko thích”.

Nhảm về thời trang (2)

Theo mình các nhà thiết kế VN có thể chia ra làm hai loại:

Loại các nhà thiết kế đậm phong cách dân tộc: tức là khuếch trương áo dài, áo tứ thân, dùng tích cực các chất liệu bản xứ. Loại này thú thật là mình ko thích. Không phải vì mình ko thích áo dài mà là mình ko thích khi người ta cứ biến tướng và lạm dụng nó. Theo mình, áo dài ko thể lộng lẫy. Áo dài đẹp vì nó giản dị, trong trắng. Cố làm nó lộng lẫy chỉ tổ phí công. Muốn lộng lẫy đi thửa luôn một cái váy dạ hội theo phong cách Tây phương cho xong. Chẳng hiểu sao VN ta cái gỉ cái gì cũng lôi áo dài ra diện mặc dù áo dài thuộc dạng rất kén dáng. Các bậc phu nhân của các quan chức VN trong các buổi tiếp kiến hoặc các chuyến công du, chắc chắn sẽ thanh lịch sang trọng hơn rất nhiều nếu mặc tây phục, thay vì cứ tương luôn một bộ áo dài lịch kịch lộ hết cả những nhược điểm cơ thể, cơ thể của một thời khốn khó, đã lão hóa trước khi chế độ ăn và tập luyện giữ dáng kịp trở thành một khái niệm phổ biến ở VN.

Gần đây các nghệ sĩ Việt Nam nhà ta chẳng hiểu nghĩ sao mà diện áo dài lên thảm đỏ Cannes. Thế là trong khi diễn viên các nước trông kiêu sa lộng lẫy thì các nghệ sĩ nhà ta túa ra một đoàn toàn áo dài là áo dài đen đen đỏ đỏ trông giản dị đến mức quê mùa.

Đợt này em Hoàng My đi thi hoa hậu. Em Hoàng My theo mình có khuôn mặt khá đẹp, hoặc nói chính xác ra là mặt không có nhược điểm nào lớn ví dụ như răng quá to như Mai Phương Thúy, tai quá vểnh và nhọn và sống mũi lệch như Hoàng Yến, mặt quá dài như Ngô Phương Lan, hoặc thậm chí còn không được nét nào như Ngọc Hân. Chỉ hy vọng nếu em mặc áo dài, thôi thì áo dài vốn đã nhạt nhòa, em nhân cơ hội đó nhạt nhòa luôn thể. Tức là tạo dựng hình ảnh trong trắng giản dị trong một chiếc áo dài đơn sơ, có khi lại thành đáng chú ý trong rừng người đẹp cô nảo cô nào cũng muốn bốc lửa. Chứ mặc áo dài mà lại cứ cố gắng ưỡn mông ưỡn ngực ánh mắt phê phê cho sexy hoặc đính rõ nhiều cườm đá lông chim thêm đuôi thêm cánh cho lộng lẫy thì trông thật là éo le.

Friday, July 15, 2011

15/7/2011

 
Đợt về Hà nội vừa rồi, mấy ngày đầu chưa quen khí hậu, đồ ăn, quang cảnh đường xá nhộn nhịp, Lê La khóc như ri. Buổi sáng dẫn đi ăn sáng, tưởng nghe thấy Phở là thích lắm, dẫn vào hàng phở gần nhà, ông con trai nhìn ngó xung quanh rồi bảo “Lê thích cái đồ ăn nhưng Lê không thích cái chỗ này”. Cả nhà lại lục tục kéo nhau đi ra.
Ra sân chơi, mấy thằng bé xúm vào hỏi “cậu là Tây à”, chú Bình Nguyên mặt ngẩn ra ko thấy trả lời. Lúc về nhà mới thủ thỉ hỏi mẹ “mamma ơi có phải tất cả các cái người sinh ra ở New York thì là Tây đúng không mamma”.
Ra vào cổng chung cư có bảo vệ mặc đồng phục, chú Bình Nguyên lại hỏi “mamma ơi tại sao các cái công an ở Việt Nam ko có súng giống các cái công an ở Roma?”. Trả lời được hết các câu hỏi tại sao của chú thì mẹ chú cũng đủ ốm đòn.
Tiếng Việt của chú Bình Nguyên càng ngày càng chệch choạc. Ngồi trong xe, ông em họ thì bảo “máy bay chiến đấu”. Chú Bình Nguyên thì cãi “phải gọi là máy bay chiến đuối”. Cãi nhau một hồi hai thằng suýt xông vào nhau. Lại làm mình nhớ tới con bạn mình. Hồi trước TV VN hay chiếu phim Nga. Hết phim thì bao giờ cũng có chữ Hết phim bằng tiếng Nga. Con bạn mình bảo “phải đọc là cô nhét”, con bé hàng xóm cãi “phải đọc là cô hêu”: Tranh cãi một hồi con bạn mình hằm hằm về nhà vác chổi. Má nó hỏi “mày mang chổi đi đâu?”, “con phải đánh con kia cái tội nó cứ bảo cô nhétcô hêu”:
Dẫn con ra ngoài, mọi người nhìn thấy Lê La mặt lai lai thì thích lắm, cứ xúm vào đòi ôm đòi hôn. Chú Bình Nguyên ai bảo gì làm nấy. Mẹ chú cho rằng chẳng phải chú thân thiện gì cho cam, chẳng qua chú sợ quá nên thành nghe lời răm rắp. Lila thì khó hơn. Sau khi bị ôm bị hôn bị túm lại đến lần thứ ba thứ tư thì Lila phát cuồng. Cứ ai đến gần là hét, hoặc quắc mắt “khôông, La khôông shing, La khôông thíc”.
Ngày nóng kỷ lục, bà ngoại ốm từ sáng mà nói kiểu gì xế chiều cũng quyết đi bán xổ số “không thì tao mất khách”. Dẫn Lê La ra chỗ bà ngoại bán hàng, Lê La nóng quá khóc lóc. Mình dẫn hai đứa vào công viên, gần 5h chiều mà vẫn nóng như chảo rang. Lê la đòi uống nước liên tục, mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, mẹ phải mua nước tưới lên người cho mát. Lê La ngẩn người nhìn các cô các bà tập thể dục trong công viên, luôn miệng hỏi “mamma ơi các cái bà đấy đang làm gì thế”. Công nhận có nhiều động tác kỳ cục thế mà các cô các bà cũng tập, lại còn tập hăng như ở chốn không người. Mình dẫn con đi qua, còn nghe các cô bình luận “eo ôi con lai xinh quá này, giống bố”. Ở tây thì bọn nó lại bình luận “con bé thằng bé xinh quá, giống mẹ”.
Dẫn Lê La đi xem xiếc. Lê La gần xỉu vì phấn khích khi nhìn thấy voi, trăn, khỉ, và các diễn viên nhào lộn. Cả đời đã được xem xiếc bao giờ đâu. Mỗi tội khán giả hơi chán. Kết thúc buổi biểu diễn, khán giả chả ai buồn vỗ tay vì đang mải đứng lên lục tục đi về, khổ thân các diễn viên cứ cúi chào tưng bừng mặt (phải) tươi như hoa. Khổ thân nhất là một cô diễn viên nhào lộn, chả ai nhìn thấy cô ấy vẫn bị treo lơ lửng trên cao ko xuống được. Mãi sau có người phát hiện ra mọi người mới xúm vào tìm cách hạ cô ấy xuống.
Ngoài ra thì Lê La còn được đi bờ hồ. Chú Bình Nguyên thích bờ hồ và cái cầu màu đỏ đến mức hôm sau chú hỏi “mamma ơi hôm nay mình có đi ra cái bờ nữa không”. Mẹ chú nghĩ mãi mới ra ý chú là có đi ra bờ hồ nữa không. Mẹ chú e rằng tiếp xúc với thứ tiếng Việt tây dở của chú Bình Nguyên lâu đâm ra tiếng việt của mẹ chú cũng thành kỳ quặc.
Ngoài ra thì Lê La còn được đi xem các chú đổi gác ở lăng Bác. Các chú cả ngày chỉ ăn rồi đi duyệt binh có khác, đi đều ơi là đều. Về nhà chú Bình Nguyên và hai ông em họ bắt đầu đi duyệt binh với một ngón tay giơ giơ giả làm súng. Chú Bình Nguyên tuyên bố chú rất thích Việt Nam, chú có thể về Ý để chào bố chú rồi lại quay lại VN tiếp.
Trước giờ máy bay cất cánh, mẹ chú gọi điện xem bà ngoại thế nào. Bà ngoại đang ngồi trong căn nhà rộng một mình, vừa ăn cơm nguội vừa khóc.
Ảnh: buổi sáng Lila giúp bà ngoại tưới cây tưới hoa.