Sunday, April 28, 2019

It’s now or never

Hồi tôi 17 tuổi, lúc đó bố tôi đã bỏ đi rồi. Bố bỏ đi và nhắn lại “Bố còn hơn 1 triệu một người họ hàng vay chưa trả. Lúc nào cần tiền con đến chỗ bà ấy lấy”. Mẹ tôi bán hàng bữa đực bữa cái, 3 chị em tôi còn đi học, dĩ nhiên là mẹ con tôi cần tiền. Cần đến mức một hôm, người nhút nhát chỉ biết học chưa bao giờ biết va chạm với đời như tôi phải thu hết can đảm đạp xe đi đòi tiền. Mà tôi không dám đi một mình. Tôi rủ một thằng em trai và bà chị họ đi cùng. Bà họ hàng bố tôi có hàng cơm ở một cái chợ nhỏ. Tôi cũng chưa gặp bà ta bao giờ, chỉ biết tên.
Chị em tôi đến nơi, hỏi bà bán cơm tên xyz mãi người ta mới chỉ cho cái gánh cơm là hai cái thúng trống không xỏ cái đòn gánh, người thì đi chơi đâu mất. Nhìn qua đã thấy sự chẳng lành. Đang giờ ăn trưa mà không kinh doanh túi bụi lại chạy đi chơi thế kia thì thôi, hy vọng gì đòi được tiền. Nhưng đã trót thì phải trét. Chị em tôi đợi loanh quanh một lúc mới thấy một bà to béo te tái chạy về. Một bà bán hàng trong chợ bảo tôi “Đấy, bà ấy đấy”. Tôi lễ phép giới thiệu bản thân, xong run run trình bày bố cháu bảo bác còn cầm của bố cháu 1tr, nay mẹ con cháu cần tiền bác cho cháu xin lại. Điều tôi không ngờ nhất là bà ấy nghe xong gào ầm lên giữa chợ “Ối làng nước ơi, đến đây mà xem, họ hàng khó khăn mà nó đến nó đòi tiền” rồi bà ta lu loa những gì toàn là bạc tình bạc nghĩa cháu chắt gì mà dứt tình vv và vv. Nói thật là tôi run quá, tai lùng bùng hết cả. Từ bé tới giờ tôi chỉ biết học, chẳng biết cãi nhau bao giờ, thế mà vừa ra ngõ lại gặp ngay Chí Phèo.
Em trai tôi còn bé, lại đần, đứng ngây ra. Chị họ tôi hiền, tôi nhờ thì đi cùng cho vui chứ cũng không hiểu mô tê gì, cũng đứng ngẩn ra. Thú thật tôi đã định lùi lại, ngại ngùng xấu hổ gọi cả bậu xậu rút lui. Không ngại sao được, bà ấy đang giãy đành đạch và tru tréo để cả chợ nhìn vào thế kia, đặc biệt cái điệp khúc “dứt tình dứt tình” bà ấy cứ đay đi đay lại, thần kinh không vững lại tưởng mình là hạng bạc ác dứt tình như bà ấy nói thật.
Thú thật tôi đã định đầu hàng, rút lui, tránh voi chả xấu mặt nào.
Nhưng tôi đã đứng lại. Tôi không sai, không xấu, tôi không có gì phải xấu hổ. Kẻ xấu hổ và phải im mồm là bà kia chứ không phải tôi. Nếu tôi không làm rõ mọi việc ngay bây giờ, thì tôi sẽ không bao giờ có cơ hội nữa.
Thế là tôi đã đứng thẳng giữa chợ hít một hơi dài mà nói rất rành mạch. Lâu rồi tôi không nhớ chính xác mình nói gì, chỉ nhớ đại loại “Họ hàng gì mà bác bảo dứt tình hả bác, họ hàng kiểu gì lúc có tiền là thấy đến vay nhưng lúc đói thì chả bao giờ thấy mặt. Bác vay không trả thì nói là không trả,  chứ sao lại vừa muốn quỵt vừa muốn vu khống người khác như thế”. Thế thôi, rồi tôi đi về, để lại bà họ hàng bắn đại bác không tới ngồi mặt sượng đơ. Tôi mất tiền, nhưng cái gì đúng vẫn đúng, sai vẫn sai, lũ Chí Phèo phải hiểu không nhờ mấy câu lu loa của chúng mà đúng sai lại lộn chỗ cho nhau được. To mồm thế chứ to mồm nữa cũng không thay đổi được sự thật đó.

Rồi đúng là tuổi trẻ lộng lẫy. Chị em tôi lọc cọc đạp xe chở nhau về. Trời nắng. Bụng đói. Tiền mất. Lại thêm trận cân não giữa chợ. Thế mà vẫn cười khúc khích vì điệp khúc “dứt tình dứt tình” của bà kia. Và còn cười mãi về sau này. 💗

Ảnh: nhìn cái ảnh quẳng cáo trên mạng mê quá, hoan hỉ đặt mua cây liền, bụng nghĩ cao 2 mét chắc cũng ngon rồi. Lúc cây chở đến, 2m thì 2m thật, cơ mà có tí ngã ngửa. 

Tuesday, April 23, 2019

Sân gà

Kỳ nghỉ, cả ngày lũ trẻ con lấy xe đạp ra đạp lòng vòng khám phá ruộng đồng làng quê xung quanh, thậm chí mò cả vào thị trấn dùng tiền tiết kiệm thậm thụt mua những món đồ văn phòng phẩm ao ước. Thỉnh thoảng mẹ sai đi ra nông trại của bà nông dân gần đó mua trứng và rau. Có hôm gà chưa chịu đẻ nên bà nông dân hẹn quá trưa quay lại. Trứng gà bé tí, lòng đỏ to và đỏ ối, tươi xoắn cả lại, có vài xu một quả. Từ hồi làm quen được với bà nông dân ở cái trang trại gần đó, thì một ngày chúng nó xách xe đến chơi với mèo gà chó vịt dê ngỗng thỏ rùa của bà ấy mấy bận, ngay cả khi chả có nhu cầu mua gì. Trong khi mẹ túi bụi việc nhà còn bố thì túi bụi sửa xe. Ông sửa xe hăng đến nỗi có khách của mình đến nhà, ông chạy ra chào hỏi xã giao mấy câu trước khi tút mất mà mặt ông nhem nhuốc từ trán tới cằm. Mình kệ, chả nhắc, cho ông vác cái mặt hề đi khắp xóm cho đẹp.

Có hôm, thấy lũ trẻ con tíu tít mang về đồ vừa mua đựng trong một cái túi nylon, mình bảo “Lần sau các con mang giỏ mây hoặc túi nylon của nhà mình đi, đừng lấy túi của bà”. Ai sống ở các nước phát triển đều biết rác thải nhựa nhiều kinh khủng. Gạo, mỳ, các loại hạt, sữa, pho mát, nước uống, thịt, cá, rau củ quả, đồ đông lạnh, tất cả đều trong túi nhựa chai nhựa vỉ nhựa. Mấy quả trứng của bà nông dân, vào siêu thị một cái là vào vỉ nhựa hoành tráng ngay. Dân châu Phi dùng túi nhựa xong vứt ra đường nên có cảm giác họ lạm dụng đồ nhựa, nhưng thực ra lượng đồ nhựa họ tiêu thụ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với xã hội tư bản. Hàng ngày, nhìn thấy túi rác nhựa to tướng thải ra, lòng cảm thấy rất băn khoăn mà không biết giải quyết cách nào ngoài chăm chỉ tái chế và mang làn đi mua của bà nông dân được cái gì hay cái đấy.
Tái chế thì tốt thôi, nhưng bản thân tái chế cũng hại môi trường chứ không phải hoàn toàn vô hại. Túm cái quần lại là phải giảm nhu cầu không cần thiết, chứ cứ dùng tẹt ga rồi lại mang đi tái chế thì có khác gì... vô tư ị bậy rồi rủ nhau đi hót. Trong số các thói quen và tiện ích của xã hội hiện đại, sợ nhất là những món dùng một lần rồi bỏ. Hồi ở Dubai mình còn thấy cả sạc điện thoại dùng một lần. Không còn gì là không nghĩ ra được.

Lại nói chuyện sân gà, tranh thủ cuộc hẹn này xong rồi mà cuộc hẹn sau chưa tới, mình đạp xe tới làm quen với bà nông dân ở trang trại. Gần lắm, qua một vườn olive và một quãng ruộng là tới. Đứng nhìn từng luống rau mơn mởn, hàng cây ăn quả đang mùa ra hoa, và bò dê lợn gà vịt ngỗng chung sống náo nhiệt nhưng hòa bình với nhau trong một khoảnh sân, lũ mèo thì chơi trên đồng, và chó thì canh cổng, tự dưng thấy những bon chen tham vọng thị thành rất mệt mỏi và vô nghĩa. Càng kiếm ra tiền càng thêm nhu cầu phải tiêu, càng kiếm ra lại càng thấy chưa đủ, lại càng thấy mình phải kiếm nữa.

P.S: một hôm mình đang đứng hóng ngoài cổng, thực ra cũng không hẳn là hóng vì mình đang tranh thủ tỉa cây hoa giấy, thì tự dưng thấy một con chó đi ngang. Mình chú ý đến nó ngay vì nó rất khác với những con chó nhí nhảnh hay lôi chủ xềnh xệch đi dạo. Nó đi từng bước rất thong dong, đầu ngẩng cao, điệu bộ oách xà lách. Mình đang tự hỏi đi bộ ngoài đường thì làm gì phải làm quá thế hả chú chó, thì nghe tiếng leng keng. Ô, hóa ra là chó chăn cừu, một đàn cừu hơn trăm con cổ leo lục lạc đi lúp xúp. Đằng trước là con chó oai phong lẫm liệt như đại vương kia, còn đằng sau là một con chó khác tất bật, len lỏi, lùa trở lại hàng tất cả những con cừu cứ định rẽ ngang. Còn anh chàng chăn cừu thì đạp xe đủng đỉnh giữa đàn cừu. Nhìn tất cả bọn họ thật đáng yêu, chỉ tiếc lũ cừu không con nào đủ can đảm bứt hàng chạy vào nhà mình chơi.

Ảnh: Chui rúc trong vườn cũng khám phá được ối thứ thú vị. Hôm nay thấy cây này ra hoa, ngày mai thấy cây kia đậu quả, ngày kia tìm được một vạt hoa dại. Có cây ở một xó vườn bỏ quên, một ngày đi ngang, thấy trĩu trịt quả mà quả nào quả nấy cứ ngọt lịm. Cây mơ già năm nay mới đầu xuân mà đã thấy cành chi chít quả non bằng đốt tay. Mình vừa trồng thêm một loạt cây ăn quả trong vườn. Giá mà có thêm cây mít dai và cây phượng vĩ nữa thì thích quá. Tưởng tượng nhìn lên tán phượng vĩ tìm bọ ngựa, rồi mệt thì nằm gối đầu lên quả mít ngủ, còn gì bằng.

Wednesday, April 17, 2019

Tạm biệt thiên đường

Đại lý cho thuê nhà của mình, cực xịn và rất chuyên nghiệp, mỗi tội rất lắm yêu cầu. Mình vừa về tới nơi họ đã quăng cho một danh sách 13 việc phải hoàn thành trước khi khách vào. Mình nhận 12 việc, chỉ nhờ chồng đúng một việc. Ông thấy lời quá ok liền.

Ngày 1 ông sửa xe đạp. Mua một đống xe đạp cà tàng về ngồi sửa như đúng rồi.
Ngày 2 ông sửa xe đạp.
Ngày 3 ông tiếp tục sửa xe đạp. Con hăng hái lấy xe đi, xe gẫy cổ con ngã lăn quay ra đường.
Sau 3 ngày cặm cụi, xe đạp hỏng vẫn hoàn hỏng, ông gọi người đến chở lũ xe đạp cà tàng ra tiệm sửa, còn ông quay sang sửa xe máy. Thế tức là ngày 4 ông sửa xe máy.
Ngày 5 ông vẫn sửa xe máy.
Ngày 6 ông mang xe máy ra tiệm sửa. Cả ngày ông tíu tít điều phối xe đưa xe đón.
Ngày 7 ông đi lấy xe máy về rồi chở từng đứa con đi lồng lộn trong phố.
Ngày 8 ông lên Rome để chạy vài việc vặt.
Ngày 9 ông đi dạo trong vườn tâm sự chuyện đời với một thằng bạn là chuyên gia thực vật học mới quen.
Ngày 10 ông biến đi cả ngày với thằng bạn thực vật học để đi xin cây. Cây to quá xin được nhưng không nhổ lên được và cũng không vác về được nên thôi bỏ. Vợ đã bảo ngay từ đầu là không khả thi đâu nhưng vì vợ không phải chuyên gia thực vật học nên ông bỏ ngoài tai.
Ngày 11 ông dọn kho toàn đồ đồng nát. Dọn nhưng không vứt đi mà cứ bê từ góc này chạy qua góc khác, đến năm sau lại bê từ góc khác chạy qua góc này.

Mãi mà không thấy ông có động tĩnh gì với cái việc duy nhất được giao, mình bắt đầu sốt ruột nhắc nhở. Nhắc mãi ông vẫn cứ ỳ ra. Lúc chỉ còn đúng 1 tuần nữa là đến ngày bay về châu Phi, mình bảo “Không bắt đầu làm đi thì tối nay không đi ăn tối tán phét gì hết”. Tối đó cả nhà đã có hẹn đi ăn tối với cả nhà thằng bạn thực vật học. Kỳ nghỉ ngắn, có bao nhiêu việc phải làm, mà phải gặp nhau 3 lần mới chịu.
Nghe thế, ông vội vàng đi đăng ký gói thuê bao truyền hình. Sau 3 ngày thẻ thuê bao chuyển đến nơi. Mình mừng quá vừa làm việc của mình vừa cơm bưng nước rót tận miệng cho ông loay hoay lắp ráp. Kết quả: ra một chương trình chả liên quan. Hóa ra ông đã đăng ký thuê bao nhầm. Mà thời gian còn lại quá ngắn nên không kịp đổi thuê bao và dẫn dây. Mình lại phải gọi điện muối mặt nhờ vả một người khác tuần sau đến trông thợ hộ. Cái danh sách đại lý đưa có 13 việc, mình đã nhận làm 12 việc, cộng thêm vô số việc không có trong danh sách, chỉ dám nhờ chồng có đúng một việc mà làm còn không nên. Khỏi phải nói ông bị mình xạc cho một trận thế nào.

Ngày 15, 10h30 sáng phải ra sân bay, thì đúng 8h30 sáng mới thấy ông mang quần áo ra sân phơi. Riêng vụ quần áo này cũng có thể thành giai thoại. Mỗi lần về ông đều mang quần áo cất trong tủ ra sân phơi. Vấn đề là sáng mang ra tối quên mang vào, mười lần quên cả mười. Quần áo bị sương đâm ra còn ướt hơn lúc chưa phơi. Lần nào cũng thế. Lần này cũng thế. Nhưng còn 2 tiếng nữa là ra sân bay, thấy trời nắng ráo, ông quyết phục thù mang quần áo ra phơi lần chót. Lái xe đến đón, đứng chân chùng chân duỗi đợi. Vợ con đứng ngoài cửa đợi. Còn ông chạy cong đít bê quần áo vào nhà gấp, vừa gấp vừa hò lũ con chúng mày ơi vào giúp bố.
Ghi lại để về sau rủi có sugar you you go sugar I I go, sẽ đọc lại để không hối tiếc.
Đang ở mùa xuân Salento trời xanh cỏ xanh rau non quả ngọt và hoa nở huy hoàng, về lại châu Phi, đứng ngẩn ra ở siêu thị một lúc mới định thần lại được. Hoa héo rũ, rau thâm xì, thịt dai, sữa nhạt, pho mát chả có mùi vị. Hóa đơn tính tiền gần 300 euro làm mình phải dụi mắt tưởng nhìn nhầm vì có mua cái gì đâu mà chừng ấy tiền. Chả bù cho ở chỗ kia, xe đẩy đầy có ngọn, cả nhà ăn uống ngon lành mệt nghỉ cả tuần, mà hóa đơn chỉ bằng nửa.
Ảnh 1: các em bé vệ sinh bể bơi giúp bố mẹ
Ảnh 2: mấy mẹ con lấy xe đạp đi lượn. Nhà của bác nông dân hàng xóm rêu phong cũ kỹ, lối vào toàn hoa là hoa, lũ mèo nằm lim dim sưởi nắng dưới hoa dưới cỏ, còn những dây đậu thì đang trổ quả xanh mướt trên đồng. Bình yên quá đỗi. Chỉ muốn ở mãi đây thôi.