Wednesday, December 14, 2022

It doesn't rain it pours

Dạo tháng 10 trường thông báo sẽ không thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Mình đã liên lạc ngay với thầy hiệu trưởng và bảo giải pháp tốt nhất là trường liên kết với 1 trường quốc tế ở nước ngoài để học sinh tiếp tục học ở đây nhưng sang đó thi. Nếu thầy muốn liên kết với một trường quốc tế ở Italy thì chồng tôi sẽ lo visa cho cả đoàn, còn tôi sẽ giúp lo việc ăn uống, khách sạn, đi lại, phiên dịch. Thầy hiệu trưởng gật gù bảo sẽ cân nhắc.

Gần 3 tuần trước, mình tá hỏa nhận ra rằng thầy chẳng làm cái mịe gì và cũng chẳng thèm báo mình tôi không làm gì đâu chị tự lo cho con chị đi. 3 trong số 4 gia đình nước ngoài vì có kinh nghiệm với thầy hơn mình nên đã tự lo đào thoát, tìm đường cho con họ du học. Có mỗi mình ngây thơ cứ tin thầy sẽ làm một cái gì đó để giúp cho việc học hành của gần 30 học sinh sau 13 năm đèn sách khỏi dang dở, nhất là khi mình đã cam kết sẽ giúp nhiều như thế.

Thế là khi chỉ còn 3 tuần nữa là các trường đóng cửa nghỉ giáng sinh, và đầu tháng 1 là hạn nhập học cuối cùng, lỡ  lần này thì con mình sẽ phải học lại một năm, mình cuống cuồng tìm trường nội trú ở nước ngoài. Ý, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Scotland, England, mình thử tất. Trường nào dạy tốt học tốt, cơ sở vật chất tốt, chứng chỉ A level, mà phút cuối lại còn chỗ, mà nhất là lại chấp nhận học sinh vào muộn như này, thì số lượng còn đếm trên đầu ngón tay. Một số trường dù còn chỗ nhưng cũng từ chối vì sợ học sinh vào muộn không theo được chương trình học nặng, rồi học không ra gì lại kéo thành tích của họ xuống. Thằng con mình lại còn không có đủ các điểm thi IGCSE.

Thế chưa hết, đúng lúc nước sôi lửa bỏng, nó lăn ra ốm. Mình lây ốm của nó. Con Lila đang thi. Events dí. Và con Anna phải đi nhổ răng. Mình đã bảo bác sĩ nhổ 2 cái thôi không sợ nó sốc, bác sĩ cứ khăng khăng bảo răng hàm nhưng là răng sữa, không còn chân, giật nhẹ cái là ra, chị yên tâm. Mình đang rối bời chuyện trường lớp của thằng con nên thành thụ động chứ không cương quyết như mọi lần. Cuối cùng con mình nhổ xong 4 cái răng hàm, có cái sâu quá nhổ xong phải lấy cả chỉ để khâu, mặt ngáo ngơ luôn. Càng ngày mình càng chỉ gặp các bác sĩ chỉ muốn đại tiện cho bản thân, chẳng thấy ông bà bác sĩ nào vì bệnh nhân. Suốt mấy ngày con mình không nhai được nên ăn uống cầm hơi, lại thêm lây ốm của thằng anh, sau 2 ngày sốt 40 độ, đến ngày thứ ba nó tái xanh như tàu lá chuối, ngã ngất trong nhà vệ sinh, đi không nổi, ngồi cũng ngã dúi dụi. Để cho nó ăn, mình phải ngồi sau lưng đỡ cho nó dựa vào ngực mình và vòng tay ra đằng trước bón từng thìa.

Trong vòng 1 tuần, cấp tập liên hệ với công ty tư vấn du học, họp online, ký hợp đồng, trả tiền phí tư vấn, làm thủ tục đăng ký với mấy trường mà họ tìm được, thanh toán phí xét tuyển. Thằng con vừa ốm lê lết 4 hôm, hôm trước vẫn còn chưa biết trường nào sẽ nhận đơn, hôm sau phải làm bài kiểm tra luôn, mặt nghệt như ngỗng ỉa.

Tin nhắn lúc 3.35 “Mẹ ơi con làm hỏng bài kiểm tra sáng nay. Con không trả lời được câu hỏi nào cả”. Đọc tin nhắn, tim mẹ thắt lại. Tan học lúc 3.30, chắc ra khỏi lớp được dùng điện thoại một cái là nhắn mẹ ngay. He must have suffered all day. 

Mẹ đau lòng thấy con trai mẹ về nhà mặt mày tái sạm, mắt ngấn nước, đi thẳng vào phòng nằm trùm chăn, bỏ ăn. Bình thường đi học về là đói lắm, mẹ cho bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Ăn no xong là hát rống lên và hôn hít chòng ghẹo em.

Giá mà được học hành ổn định thì giờ chắc con mẹ chả có gì phải lo lắng. Đây 2 năm ở 3 nước, 3 trường, 2 chương trình học khác nhau, chuyển 4 lớp học khác nhau, phải đuổi hết môn này đến môn kia, cứ vừa ổn định quen trường quen lớp một tý thì lại chuyển lại liểng xiểng loạng choạng. Càu nhàu tí rồi lại ngồi cặm cụi học. Mẹ thương.

Chiều thứ năm gặp thầy hiệu trưởng sống-chết-mặc-bay xong, mình về nhà ngay lập tức lên mạng tìm trường. Thế mà đức ông chồng, tối thứ năm ngồi ngây ngất xem bóng đá. Tối thứ sáu vẫn ngồi ngây ngất xem bóng đá. Cả ngày thì đã lấy lý do bận làm việc. Bảo gấp quá rồi anh giúp em tìm trường cho con thì bị lão gạt phắt “Cuối tuần có thời gian anh làm” trong khi thừa biết cuối tuần đã bận đi đá bóng. Mình từng nói lúc giận dữ thì phải rất xinh đẹp mới hiệu nghiệm, kiểu phải áo ren đen mắt mèo tóe lửa. Nhưng lần này gấp quá, mình gào lên trong bộ dạng vô cùng xấu xí, quần áo lôi thôi, tóc búi tó rối bời, mặt như con nghê đá.

Lại thêm bố lái xe, đến đón muộn, làm con mình vừa chơi thể thao xong người mướt mồ hôi, và vừa ốm dậy hôm trước, phải đứng chờ nửa tiếng trong tiết trời lạnh âm 10 độ. Một lần nữa tôi sẽ đuổi việc cậu.

Mẹ chỉ muốn là một người đàn bà trồng hoa và chơi với mèo, tảng lờ cả thế giới. Nhưng cứ lần nào mẹ hiền từ lãng đãng là con mẹ khổ.

Kỳ nghỉ giáng sinh 3 tuần đã đặt từ lâu, thứ 6 này khởi hành mà đến hôm nay vẫn không biết có đi được không hay phút cuối phải bỏ hết để ở nhà làm các thủ tục nhập học cho ông con. Đời có bao giờ thong thả được.

Thursday, November 24, 2022

Đời cơ bản là buồn

Mình rất quý bà nông dân Ada hàng xóm của mình ở Salento. Đợt vừa rồi mình ở đấy đúng dịp bà Ada làm thịt một con lợn. Lúc cạo sạch lông đi rồi mới thấy da lợn có những nốt mẩn đỏ. Bà Ada nghi ngờ mới gọi điện hỏi bác sĩ thú y, bác sĩ bảo phải tiêu hủy. Bà Ada mang con lợn đi chôn lập tức. Thế là tiền mua lợn con, công cho ăn uống tắm rửa chuồng trại suốt nửa năm, thành công cốc. Bà Ada ngồi thừ ra mất một lúc. Bà Ada mà cứ xát gia vị rồi mang con lợn đi nướng rồi bán thịt theo lạng cho khách thì cũng chả ai biết đấy là đâu, thu về cũng phải đến tiền nghìn, hơn nhiều so với việc bán cả cân rau chỉ được có 2e. 

Mình quý bà Ada ở tính trung thực, còn tại sao bà Ada lại quý mình thì mình chẳng biết. Mỗi lần có mình ở đấy, bà Ada đi vắt sữa dê hay cho gia súc gia cầm ăn là đều rủ mình, rồi cứ kể chuyện rủ rà rủ rỉ. Biết mình bận và hay bỏ bữa nên nấu món gì ngon cũng múc cho mình một bát. Có hôm mình phải chạy đi làm mấy việc vặt, bát mỳ bà Ada giúi vào tay bắt cầm mình để trong xe, mỗi lần mình đánh tay lái là nó lại trượt qua trượt lại, thơm phức cả lên trong khi mình thì đang đói cồn cào. Biết mình muốn trồng cây, bà Ada bỏ việc nhà nông vốn bận bịu, dẫn mình đi mua để mình không bị mua đắt. Cửa hàng hẹn giao cây lúc 7h mà trời mùa đông nhanh tối, 5h chiều đã thấy nhá nhem, bà Ada đã xuống khỏi xe mình rồi còn quay lại hỏi cô có muốn tôi đến nhận cây cùng cô không, chứ trời tối mà cô có một mình sợ nguy hiểm.

Mỗi lần mình đến mua rau và trứng, bà Ada sẽ dành cho mình những đọt rau non nhất và những quả trứng gà tươi nhất, mặc dù mình không yêu cầu. Có lần bà Ada giúi vào tay mình một quả trứng gà sạch bong nóng hổi, bảo cho cô đấy, gà vừa đẻ. Mình cầm một hồi bỏ tọt vào túi, rồi sợ vỡ lại rút từ túi để lên bàn. Lúc sau nghe cái bép, bà Ada lại phải trút trứng vỡ vào một cái hộp. Thế chưa hết, mình tu lác mang có cái túi rau mà thay vì cầm như người thường thì lại văng nó lên lưng khoác cho nhẹ. Kết quả là hộp trứng mở toang, trứng đổ tóe loe lẫn vào rau. Bà Ada rên lên vì chán đời.

Nhà bà Ada có một con chó vô cùng thân thiện. Nhiều khi nghe tiếng xe mình từ xa nó đã chạy ra tận cổng đít ngoáy lên vì mừng. Nó chuyên có trò chạy ra xa, rồi từ xa lấy đà lao như bay tới mình loẻo khoẻo mà không cố trụ cho vững thì có khi bị nó xô ngã lăn chiêng. Rồi lúc mình theo bà Ada ra ruộng hái rau nó cũng ngoáy đít chạy theo. Cùng với nó là một con mèo, mình mải việc gì không chơi với con chó thì thôi chứ mình mà dừng lại chơi với con chó là con mèo ở đâu phi nước đại ra lập tức, chen vào giữa tranh giành bắt mình chơi với nó và đẩy con chó ra rìa. Là con mèo chuyên ngồi ngoài hàng rào chọc cho lũ dê bên trong nổi điên lên. Có lần một con dê điên quá húc cái binh vào hàng rào, làm con mèo chạy bán sống bán chết.

Bà nông dân Ada cho lũ mèo ăn nên chúng nó suốt ngày quanh quẩn trong sân nhà bà ấy nhưng cơ bản vẫn là mèo hoang. Vì là mèo hoang nên tai nạn cũng xảy ra liên hoàn, mỗi lần đến thăm là một lần thấy chúng nó đổi khác. Con thì mất tai, con thì cụt đuôi, con thì gẫy chân, con thì chột mắt, chả mấy khi thấy con nào lành lặn. Còn chuyện oánh nhau cào mặt nhau chảy máu thì là chuyện cơm bữa.

Lần này trong đám mèo béo mượt có một con mèo con gầy guộc lông lá xơ xác. Đặc biệt hai mắt bị viêm nhiễm thế nào đó mà ruồi bu kín. Nó thấy mình đến chơi mới đầu thì sợ sệt nhưng sau đó thì cứ xán lại gần kêu gừ gừ đòi mình vuốt ve. Nhìn hai mắt nó thấy thương, mình ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt cho nó. Lần thứ nhất, nó chỉ dám chống cự nhè nhẹ, ngoảy mặt tránh không cho mình tra thuốc. Lần thứ hai, nó bắt đầu chống cự quyết liệt hơn, thậm chí còn cào vào tay mình sau đó trốn tuốt vào một góc vườn. Lần thứ ba, rút kinh nghiệm bị cào, mình mang găng tay đến và lại chuẩn bị nhỏ thuốc cho nó, nhưng tìm mãi chả thấy nó đâu mặc dù ngày thường nó chỉ quanh quẩn bên cái ghế gỗ trước hiên nhà. Ngày hôm sau đến cũng không thấy nó đâu. Chồng bà Ada bảo tối hôm trước đi làm về thấy một con mèo đen bị xe cán chết ngoài đường, nếu mấy hôm nữa mà vẫn không thấy nó thì nó chính là con mèo đen kia. Và mấy hôm sau cũng vẫn không thấy nó thật.

Vậy là tại mình. Đang yên đang lành lại giở trò chữa bệnh cho mèo hoang. Lũ mèo hoang đến ở một nhà nào đó vì cảm thấy yên ổn an toàn. Việc mình cứ cố nhỏ thuốc vào mắt cho nó khiến nó cảm thấy nơi đó không còn là nơi an toàn, do vậy nó bỏ đi. Đi ra ruộng không đi lại đi ra đường xe chạy.

Haiz, đời cơ bản là buồn.

Ảnh: một hôm quăng hết mọi việc sang bên để đi ngủ, ngủ say không biết con mèo Fufu đã lẻn vào phòng ghé đầu ngủ ké từ lúc nào. Nó bẩn như ma nhưng sofa gối đệm, cứ chỗ nào trắng nhất sạch nhất là nó nằm 

Saturday, November 19, 2022

19/11/2022


 -          Why are you leaving Moscow?

-          What else can I do. I have to be where you are.

-          Stop. That’s enough. Go back to Kitty

-          No.

-          This is wrong.

-          It makes no difference.

-          You have no right…

-          It makes no difference.

-          You must forget me. If you are a good man, you will forget everything.

-          And you, will you forget?....

Lên tàu đi Saint Petersburg. Ngồi cạnh cụ già Ludmila tốt bụng. Cụ Ludmila lên Moscow thăm con trai và giờ đang trở về Saint Petersburg. Mình mời cụ ăn bánh mỳ kẹp chả, cụ từ chối. Mình đang đói chả khách khí gì ăn hết luôn một cái bánh mỳ to tướng. Cụ Ludmila lác mắt, mình ăn xong cụ xoa lưng mình trầm trồ “ăn tốt quá”. Ăn xong, đã ra đến ngoại ô. Tàu đang chạy qua những cánh rừng bạch dương và những ngôi làng nhỏ toàn những ngôi nhà gỗ bé tí xíu sơn màu vui nhộn, xung quanh là một mảnh vườn be bé trồng mấy cây ăn quả và mấy luống rau. Mình reo lên “dacia này cụ”. Cụ Ludmila cười lắc đầu, đây là nhà bình thường, không phải dacia. À, vậy chắc là nhà của các bác mu-dích. Hồi bé đọc truyện Kiến và Chim bồ câu hay có các bác mu-dích.

Háo hức được 3 phút, mình lăn quay ra ngủ. Mình ngủ suốt chuyến đi trong khi cụ Ludmila mải mê ngồi giải đố chữ. Chắc cụ giải đố chữ suốt chuyến đi vì lúc mình bắt đầu ngủ là cụ bắt đầu giải đố chữ. Mình mở mắt một lần thấy cụ đang mải mê giải đố chữ, và lúc tàu vào ga mình thức dậy cụ vẫn đang giải đố chữ. Cụ thấy mình thức dậy thì xoa xoa lưng mình trầm trồ “ngủ tốt quá”. Chắc ấn tượng của cụ về mình là một người bạn đồng hành ăn tốt ngủ tốt tính tình chắc vô tư hời hợt lắm đây. Cụ hơi bị nhầm nhóe, cụ Ludmila.

Lúc đi, Moscow đang độ cuối thu. Những hàng cây còn xao xác lá vàng. Lúc về, trời đất đã vào đông. Lên tàu lại lăn quay ra ngủ. Tỉnh dậy giữa chừng, tàu đang chạy qua một cánh rừng bạch dương ngập tuyết, lá vàng đã rụng hết chỉ còn lại những cành đen khẳng khiu làm thân cây lại càng trắng lóa lên. Mình phải chớp mắt mấy lần vì tưởng đang mơ ngủ. Chưa cài mode mùa đông, chưa chịu xỏ giày đi tuyết, về được 2 ngày đã ngã dập mông hai lần cái tội vắt vẻo trên giày cao gót đế da. Lão chồng vừa lôi con vợ đang khóc hic hic đứng dậy vừa càu nhàu tại sao đồ mùa đông tao mua cho mày mày không chịu dùng. Bảo ôi mặc vào vừa lùn vừa béo nhìn như quả bóng đi events xấu lắm không mặc được đâu. Lão thở ngắn thở dài.

Mới ngày hôm trước còn đang đạp xe như bay giữa ruộng đồng xứ Salento. Trời vẫn chưa lạnh lắm và ánh nắng mùa đông hồng hồng vẫn đủ ấm để mặc được áo lụa. Lụa xám, xuyên thấu, bình thường đeo đồ trang sức ngọc trai là mặc đi events được. Còn không đeo đồ trang sức thì mặc đi đạp xe chào hỏi mèo chó gặp trên đường như này thôi.

Đợt này về Salento mình giảm cỏ và trồng thêm được hơn 60 cây ăn quả và cây cho bóng mát. 3 năm nữa may ra mới hy vọng mấy cái cây con con này bói những quả đầu tiên. Lại làm thêm được cả một cái giàn hoành tráng để trồng bí và mướp. Lão chồng ngồi ở Moscow vừa đi làm vừa chăm con vừa rên lên vì con vợ suốt ngày nảy ra đủ loại ý tưởng làm nhà cửa suốt ngày tanh bành không phút nào yên. Tuy nhiên, sau chục ngày kỳ cạch đào bới xây trát cuốc thuổng kìm búa bay và thậm chí cả rìu thì cuối cùng con vợ lão nó cũng phát chán lên với chính bản thân. Có đời thủa nhà ai đàn bà mà có hai bàn tay xấu xí như tay tuôi. Nó tuyên bố em đã chán làm nông dân, giờ em trở về Moscow làm người đàn bà phù phiếm, có events nào anh báo em. Lão nghe xong mừng húm. Bình thường lão sợ nhất vụ con vợ đỏng đảnh của lão nó chê events chán nó không thèm đi.

Ảnh 1: đi chợ tỉnh lẻ cùng cô giúp việc và chị gái cô ấy là thợ may để tìm vải may một chiếc váy dạ hội thật mềm thật rủ màu xanh nước biển. Không tìm được loại vải như ý nhưng cũng không buồn lâu vì đã kịp đổi ý. Giờ lại đang ấp ủ dự định may một chiếc váy dạ hội kim tuyến lệch vai màu đỏ phượng vĩ, ý tưởng váy xanh nước biển hiện đã xếp xó. 

Ảnh 2: trong lúc hai ông thợ bắc giàn thì mình xây chậu. Mua một cái chậu tàm tạm để trồng cây tầm này cũng phải 100e, 4 chậu thành 400e tiền đâu. Thế là đi mua hố xi măng, là loại hố kỹ thuật thợ điện thợ nước hay dùng, 5e một cái. Chồng 3 cái lên dùng xi măng gắn lại rồi đục lỗ thoát nước. Trong khi cái giàn của hai ông thợ làm xong gia cố đủ kiểu mà vẫn đu đưa như răng bà lão thì mấy cái chậu của mình mông tút sơn trắng vào thì nhìn cũng không đến nỗi tệ. Năm sau chán màu trắng thì đổi sang ghi, đỏ, xanh da trời, xanh lá cây, toàn màu trong kho có sẵn. Đã bảo chân tay không lúc nào yên.

Wednesday, November 2, 2022

Hoạt cảnh gia đình

Con Na rất thích một loại bánh mẹ nó làm. Thỉnh thoảng nó lại yêu cầu mẹ nó làm cho nó ăn.

Lần này cũng thế. Nó năn nỉ ỉ ôi mamma làm cho Na cái bánh Na thích. Mẹ nó chiều lòng nó, có một tiếng buổi chiều định lấy sách vở ra học thì lại lấy khuôn lấy khay ra làm bánh cho nó. Bánh làm xong, mẹ nó cất vào tủ lạnh, dặn dò kỹ lưỡng rồi mới tất tả đi event.

Tối muộn về, cái bánh đã bị ăn mất gần nửa. Thằng con đi về lại làm một miếng to. Nó đi tập về đói, gặp gì cũng ăn sạch bách, như vòi rồng cuốn sạch mọi thứ trên đường đi. Vỏ trái cây cuộng rau mà để đấy có khi nó cũng ăn luôn.

Trưa hôm sau con Na mở tủ thấy cái bánh nó định ăn dè giờ còn đúng một miếng teo héo nó đã càu nhàu và cảnh cáo con chị rằng hôm trước mài đã ăn một miếng to bự nên giờ mài không được ăn nữa. Thế mà chỉ đầu giờ chiều, con chị lại lẻn vào bếp, hấp tấp cắt một miếng bánh rồi nhanh như cắt bê cái đĩa lẻn đi mất. Con Na vào nhìn thấy cái bánh còn đúng một mẩu thảm thương, thì òa lên khóc. Rồi nó vừa ăn vừa khóc huhu và từ mồm nó tuôn ra hàng tràng chửi rủa con chị ăn tham. Eo ôi nó chửi y như một bà cô già bất đắc chí với cuộc đời ô trọc.

Bình thường con La đừng hòng ai thắng được nó vụ đấu khẩu, thế mà hôm đấy thấy im re. Mình chạy đi tìm, thấy cô con gái tuổi teen tóc thẳng tắp của mình đang ngồi ở chỗ ngồi đọc sách lướt net yêu thích của nó trên bậu cửa sổ, nấp sau tấm rèm cửa, đít kê các loại gối mềm, bên ngoài là một tán cây lá đã ngả vàng ối, và đang phồng mang trợn mắt chú mục ăn bánh, mặt lì ra trong tiếng con em chửi rủa từ bếp đang vọng ra rõ mồn một :-)))))). Điệu bộ rõ ràng chịu đấm ăn xôi. Lại làm mình nhớ một lần mình đang ở trong bếp, nó lẻn vào mở tủ lạnh. Mình đang mải nấu nướng không để ý nó mở tủ lạnh làm gì, chỉ thấy nó đi chân đất thì càu nhàu bắt nó đi lấy dép nếu không thì cấm đi vào bếp. Bình thường nó cãi lập tức, tự dưng hôm đó lại thấy nó im re mình mới sinh nghi ngẩng lên nhìn. Thấy cái mặt nó mọng vo ra, mồm phúm phím. Là nó đã kịp mở tủ lạnh xúc đầy mồm bát kem tươi mình vừa trộn. Con gái mẹ có khi đường ăn uống vất vả con ạ, giống con mèo của mẹ hồi bé thích ăn rau muống và mỗi lần thấy đĩa rau muống luộc là nhắm mắt cúp tai lao vào cạp một mồm đầy.

Vụ ăn uống có mỗi miếng bánh mà em rủa chị không ra gì vẫn chưa ngã ngũ thì thằng bố trong bữa tối lại đủng đỉnh bồi thêm “Đứa nào dùng mật khẩu của tao mở Netflix giả vờ là người lớn để xem phim trên 18 tuổi, đứa nào?”. Lũ con cười hề hề tôi mà khai tuổi thật thì Netflix nó chỉ cho tôi xem phim Dora.

Một ngày thứ 7 trời đầy mây xám, lão nấu món súp đậu hạt cho cả nhà ăn. Bao nhiêu món không nấu lại nấu đậu hạt à cơ. Nhưng thôi có mà ăn không phải nấu là tốt rồi. Lũ con thì đang cãi nhau loạn xạ vì một việc cỏn con cái máy tính casio thuộc về đứa nào mới là hợp nhẽ như nào đó. Lão vừa múc súp mang ra bàn vừa cố gắng phân xử và lúc phân xử không được thì suỵt lấy suỵt để vì sợ ầm ĩ quá hàng xóm lại than phiền. Còn mình, vừa chống cằm ăn súp đậu hạt vừa mơ màng ngó ra ngoài trời, nhìn lên nóc tòa nhà đối diện và tự hỏi làm thế nào để vẽ được cái mái ngói rêu phong trên nền bầu trời mây xám kia. Cãi nhau nữa đi các con ạ, cãi cho nở phổi, giảm cân, lại rèn luyện kỹ năng hùng biện, miễn đừng cãi tao là được dồi. 

Sunday, October 23, 2022

23/10/2022


Dân tình hay phải chuyển nhà thường nói rằng khi nào treo bức tranh cuối cùng lên tường tức là công cuộc chuyển nhà coi như hoàn tất. Là nói thế thôi chứ treo tranh lên rồi thì vẫn còn xa mới hoàn tất. Vì còn trường lớp, còn phải sắp xếp các hoạt động ngoại khóa cho trẻ con. Rồi hỏi han nhờ vả bao người mới tìm được thầy, nhắn qua nhắn lại mãi mới xếp được lớp, nhưng đến gặp thầy lần đầu tiên đã thấy có vẻ không ổn, y như rằng con học xong một buổi khóc rưng rức, thế là mẹ lại sấp ngửa lo lắng đi tìm thầy khác. Rồi còn lịch tiêm chủng cũng đã đến hạn, rồi playdate, rồi tìm bác sĩ chuyên khoa nọ chuyên khoa kia, rồi còn cái nhà ở miền Nam vẫn còn khách, rồi lại đã đến mùa events. Đủ thứ việc dí cho từ sáng sớm tới nửa đêm. Mà events thời chiến cũng phức tạp hơn thời bình. Có những lúc mình quần áo trang điểm xong xuôi chuẩn bị bước chân ra khỏi nhà thì lại nhận được lệnh phải hủy. Lý do chỉ vì ở events đó sẽ xuất hiện ai đó mà mình nhất định không được xuất hiện cùng với họ, nhất là khi bị vào cùng một khuôn hình, vv và vv.

Lại còn thêm lão kia hăm hở rủ thằng con đi đá bóng. Đá bóng về vứt ra một đống quần áo cho mình giặt, còn lão thì gọi điện khắp nơi khoe lão ghi hai bàn thằng con lão ghi một bàn. Từ lúc lão đá bóng về đến tối đi ngủ mình nghe lão khoe với ít nhất 4 người tài đá bóng thiện xạ của lão. Đêm, mình đang ngủ say sưa tự dưng nghe lão kêu ầm lên. Mình ngồi nhỏm dậy tim đập thình thịch, tưởng lão ngủ mê ngã khỏi giường lại gẫy cái gì rồi, hóa ra là đau lưng. Đau lưng đến mức không xoay được, không ngồi được, không đứng thẳng được, và đang nằm muốn ngồi dậy mà vật lộn nửa tiếng vẫn không ngồi dậy được. Mình loay hoay mà không biết làm cách nào, vì đẩy thì lão kêu đau, kéo lão cũng kêu đau, nâng lão cũng kêu đau, đứng tấn khom lưng xuống cho lão vịn lão cũng kêu đau, bế thì không được vì lão nặng quá. Có đêm, hơn 1h sáng lão đòi đi dạo trong nhà để “tập luyện cho cơ thể mềm dẻo”. Mịe đi lẫm chẫm thế này mà cơ thể lại mềm dẻo được thì mình có mà đi đầu xuống đất. Khổ đời mình gần 2h sáng ngáp ngắn ngáp dài thất thểu đi theo lão từ phòng nọ sang phòng kia. Buồn ngủ gần chết mà không dám đi ngủ sợ lão đi một mình ngã hay bị làm sao mà mình ngủ say không biết. Mấy đêm liền như thế, mặt mũi mình hốc hác, mắt thâm quầng. Lại thêm đang sụt cân thảm hại. Thế mà mình bảo lão “Anh thừa biết rằng bất cứ ai có đầu óc bình thường đá bóng xong mà bị như này thì sẽ không dám đá bóng nữa, phải không?” thì bị lão gân cổ “đây không phải tại đá bóng”.

Sau đợt hạn hán khốc liệt mùa hè vừa qua ở châu Âu cộng với vật giá mọi thứ đều tăng, mình tự cảm thấy duy trì cả hectare cỏ chỉ để ngắm thực sự quá phí phạm, thà trồng cây mặc dù cây ra nhõn một quả còn hơn. Thế là lại lên kế hoạch cắt bớt diện tích cỏ để trồng cây. Tranh thủ khắc phục luôn nhược điểm của hệ thống tưới mình phát hiện từ lâu mà không có dịp sửa. Lão chồng thiên tài của mình hồi trước cứ bọn thợ làm xong gọi điện đòi tiền là lão trả tắp lự mà không hề hỏi han chúng nó làm ra sao, có hợp lý không, đã xong thật chưa, sơ đồ đường ống chạy ngầm như nào, các van tự động ở đâu. Vì lão thanh toán rồi nên sau đó mình có đòi sơ đồ bàn giao đến đâu chúng nó cũng lờ. Thậm chí nhiều lúc mới xong có 80% mà lão đã nhanh nhảu trả hết, còn 20% nữa gần như phải nài nỉ chúng nó đến làm nốt. Mấy lần liền như thế, đến lúc mình điên quá bảo nếu lần sau lão còn tự động trả tiền thợ mà không hỏi mình trước thì mình bỏ luôn cho lão tự làm, mà không chỉ bỏ làm, mình bỏ luôn lão cho rảnh nợ. Phải làm căng đến mức đó lão mới chịu thua, chứ trước đó thì cứ gân cổ “Chúng nó làm xong thì phải trả tiền chúng nó chứ”, thậm chí viện dẫn cả ông thân sinh “Bố anh bảo nợ ai là phải trả ngay lập tức”.

Bây giờ muốn chỉnh sửa lại hệ thống tưới, bản vẽ kỹ thuật không có, lại phải mò lại từ đầu. Thôi hệ thống điện lão làm trực tiếp với thợ ra một hệ thống chằng chịt bật tắt muốn phát điên mà không bật trúng được cái đèn cần bật mình đã phải làm lại rồi. Hệ thống nước nóng lão làm trực tiếp với thợ không đủ nước nóng khách kêu ca mình cũng phải làm lại rồi. Hệ thống camera lão làm trực tiếp với thợ hơi tí là tắt ngúm mình cũng phải sửa lại rồi. Hệ thống điều hòa làm xong lão chả hiểu cái mô tê gì, hỏi lịch bảo dưỡng ai bảo dưỡng lúc gặp vấn đề gọi ai lão bảo “làm sao anh biết được” mình cũng phải tự mày mò tìm hiểu liên hệ rồi. Còn hệ thống tưới mình làm lại nốt cho đủ bộ.

Còn ai bảo tui nợ tiền kiếp là không có thật nữa thôi.

Video của Mary Quincy, nhiếp ảnh gia và blogger nghe nói khá nổi tiếng. Bạn nào ở Pháp có khi biết cô ý. Nhạc lồng trong video là một bài hát cực hay của Ornella Vanoni, bài L’appuntamento. 

Ho sbagliato tante volte ormai che lo so già

e oggi quasì certamente sto sbagliando su di te

ma un'altra volta in più che cosa può cambiare nella mia vita...

Monday, October 17, 2022

17/10/2022

Một hôm, thằng bố thấy tình hình trong nhà có vẻ loạn quá bèn quyết ra tay thiết lập lại trật tự. Trong bữa tối, thằng bố khề khà “Ở cái nhà này mẹ mày là hoàng hậu, còn tao là vua. Chúng mày chỉ là thần dân thôi”. Không để thằng bố nói tiếp, lũ đầu trâu mặt ngựa đốp lại ngay “Bà ý thì đúng là hoàng hậu, còn ông cũng chỉ là thần dân giống chúng tôi mà thôi”. Thằng bố phản đối “Không có tao là vua thì mẹ mày làm hoàng hậu với ai”. Lũ kia lại nhâu nhâu “Ông là vua sao bà ấy nói gì ông cũng nghe???”. Thằng bố chống chế “Nói đúng thì tao nghe”. Lũ con lại dồn tiếp “Thế bà ấy nói cái gì cũng đúng hả?”. Thằng bố ngắc ngứ. Mình lúc này mới bảo “Chồng tao nói đúng chúng mài phản đối cái gì. Không có vua thì làm gì có hoàng hậu, quá đúng. Nào đứa nào muốn cãi nữa?”. Thằng con trai đang định ngoạc mồm cãi tiếp thì con em gái ghé sang « you want more mackerel? ». Thế là thằng anh im bặt.

Vụ more mackerel này xuất phát từ việc con mẹ luôn cho rằng đi đến đâu thì nên ăn đồ ăn ở đó và mùa nào ăn thức đó, vừa rẻ, vừa thân thiện môi trường, vừa tươi ngon hơn đồ trái vụ hoặc đồ nhập khẩu ở tít xứ mù căng chải nào. Ở Dubai thì ăn chà là, ở Ghana thì ăn đu đủ, xoài, dứa. Về Ý mùa hè thì mơ mận lê đào, mùa đông thì ăn gì quên mất rồi. Và điều đó có nghĩa là đến Nga thì phải ăn bắp cải, dưa chuột và cá muối. Lũ con nhìn cá muối thì dĩ nhiên lè lưỡi la ó phản đối. Đang nghĩ cách bắt chúng nó ăn chưa được, thì thằng con cứ mẹ nói một câu nó cãi một câu, mình tức mình xúc luôn cho nó một thìa, kèm theo một câu chắc nịch “đứa nào cãi một câu tao xúc cho thêm một thìa cá muối. Nào cãi nữa đi, cãi càng nhiều càng tốt, cá này rất tốt cho sức khỏe”. Cả lũ xanh mắt, ngồi im thít. Từ đó trong bữa ăn, cứ thấy hũ cá muối là chúng nó tự bảo nhau đừng có cãi. Đứa nào trót quên thì đứa bên cạnh nhắc ngay « mài không định ăn thêm cá muối nữa đấy chứ ». Gọi là cá mackerel nhưng thực ra đó là cá herring, một loại cá trích nhỏ chuyên sống thành đàn ở các vùng nước băng giá. Ăn cá nhỏ và sống theo đàn cho đỡ hại sức khỏe và môi trường, con mẹ bảo thế.

Trở lại với chuyện đang kể dở ở trên, công cuộc thiết lập trật tự dừng lại ở đó. Lũ con đầu trâu mặt ngựa vẫn hoàn đầu trâu mặt ngựa. Thằng bố khiếp lũ con quá, sáng ăn sáng nhanh nhanh rồi chuồn đến chỗ làm. Trưa chỉ về nhà ăn trưa rồi lại chuồn khẩn trương đến chỗ làm. Tối về ăn tối rồi lại rủ vợ đi dạo, tức là lại chuồn tiếp. Mình cả ngày cân bọn nó. Có hôm thấy mặt lão chồng ló về, con vợ rít lên ành ạch “Hè năm sau bằng giá nào ông cũng phải cho lũ này vào trại hè”…

Cơ mà đấy là chuyện của gần 2 tháng trước rồi. Tự dưng hôm nay nhớ ra vì từ ngày 1/9 chúng nó bắt đầu đi học, mình chưa kịp hoàn hồn thì thời gian thấm thoắt thoi đưa, chúng nó đã lại được nghỉ giữa kỳ. Học chả thấy học chỉ thấy nghỉ, mà nghỉ chục ngày chứ ít đâu. Tối qua bố với con gái vặc nhau loạn xạ mấy tiếng đồng hồ, mặt lão nhăn như bị rách và sáng nay lão lại chuồn khẩn trương đến chỗ làm, để lại mình mình chiến đấu. Chưa hết nửa buổi sáng mà chị em đã cãi nhau loạn xạ, con chị thì hét váng nhà, con em thì vừa hét lại không kém cạnh vừa khóc rưng rức. Toán thì đang khó nó tick bừa phứa mà vẫn sai nó đang điên, con chị lại còn tranh chỗ máy tính và đuổi nó đi chỗ khác.

Con gái út ít của tôi nó 12 tuổi rồi, học cấp 2 rồi, mà nó vẫn mở toán ra không nghĩ ngợi gì, đọc câu hỏi chả hiểu mô tê gì, cứ tick trả lời bừa phứa, trúng thì trúng chả trúng thì trật, rồi 36 cộng 8 là bao nhiêu nó cũng đực mặt nghĩ mãi mới ra, tôi cũng chả biết phải làm sao.

Thật sự mình không hiểu những nhà đông con hơn làm thế nào họ có thể sống sót được???

Saturday, October 8, 2022

7/10/2022

Sáng, trẻ con đi học, mình nhìn ra ngoài trời thấy nắng đẹp, bèn bỏ hết việc đấy, vội vàng ăn sáng rồi cắp túi chuồn khỏi nhà. Mùa thu Moscow đang vào độ đẹp nhất, những tán lá đã vàng óng lên làm sáng bừng các vòm cây và các khu vườn bình thường xanh tối. Định đi ra đường Tverskaya mang cho cụ già ít tiền xu, rồi đi vào công viên gần đấy ngồi học tí tiếng Nga. Học trong công viên nắng vàng lá vàng rải thảm và đám hoa cẩm tú cầu paniculata đã ngả từ màu trắng muốt dạo mùa hè sang màu hồng nhạt mùa thu, lại chả thú hơn ngồi học trong nhà.

Nhưng không có cụ già ở đấy. Hay sớm quá cụ chưa đi tàu từ ngoại ô vào kịp. Có lần mình chạy ra siêu thị gần nhà mua bánh mỳ, thấy cụ ngồi trên vỉa hè dựa vào bức tường của lối vào tàu điện ngầm, lưng còng, hai tay để trước ngực cầm khư khư cái cốc nhựa. Cụ không nhìn người qua lại, cũng không xin. Hôm đó trời rét, lại cũng muộn rồi mà thấy cái cốc của cụ chỉ có lèo tèo vài xu, mình lấy túi tiền xu của mình trút hết vào cốc cho cụ, và bất ngờ khi thấy khuôn mặt đang bất động của cụ sáng bừng lên, cụ lắp bắp nói cám ơn, giọng như khóc. Cụ rất già nhưng có đôi mắt xanh và trong trẻo như mắt trẻ con.

Hôm nọ đi event ở nhà hát Bolshoi, trước cửa nhà hát cũng thấy mấy cụ già ăn xin nhưng mình mang ví nhỏ nên không cầm theo túi tiền xu bảo bối. Trái với những lời đồn đại rằng dân Nga giàu lắm, các cửa hàng thời trang và khách sạn cao cấp ở phương Tây toàn khách Nga, dân Nga đa phần rất nghèo. Người già có vẻ không được chính quyền chăm sóc hay sao mà đi đâu cũng thấy nhan nhản người già phải mưu sinh. Đi chợ Izmailovsky thấy rất nhiều cụ già chỉ trải cái khăn cũ ra đất rồi bày lên đấy mấy món đồng nát mỗi món chỉ vài chục rúp. Cả buổi chợ không biết các cụ có kiếm được trăm rúp không.

Moscow thì đắt đỏ vô cùng. Nghe đâu đã soán ngôi Nhật để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng phân khúc thuê nhà cao cấp thì giá có vẻ hạ. Từ hồi Nga xâm lược Ukraine, người nước ngoài chạy hết, business chạy hết, những căn hộ cao cấp và các không gian văn phòng cao cấp hầu như trống không. Mình thấy Moscow tắc đường khủng khiếp nhưng mọi người bảo như này đã là vắng lắm rồi, trước khi mọi người chạy hết thì còn đông hơn nhiều.

Lại quay lại chuyện ra công viên ngồi học, đúng là được hôm cún béo quăng nhiệm vụ sang một bên và quyết đi hưởng thụ, công viên đóng cửa. Công viên Alexander nằm ngay cạnh điện Kremlin hôm nay đóng cửa không cho khách vào vì bên trong đang diễn ra buổi lễ gì đó thấy có vòng hoa, đốt lửa, còn các chú lính thì đi đều bước cứ rầm rập rầm rập. Lại có cả đội kèn đồng thổi tò te tí. Không biết các chú lính cả ngày chỉ có ăn và đi đều bước như này có thấy chán không chứ mình đứng nhìn các chú ấy được 3 phút mình chán bỏ mợ ra. Bèn đi về. 

Trên đường về tranh thủ rẽ vào trung tâm mua sắm gần đó. Rẽ vào đi đái mất 60 rúp chứ mình từ lâu rồi chẳng có nhu cầu mua gì. Đi ngang cửa hàng của L’Occitane, đứng ngẩn ra trước một bức tranh khổ lớn. Bức tranh đồng quê nước Pháp, có ngôi nhà bằng đá nép dưới tán một cây cổ thụ, vạt hoa lavender nở tím và sau lưng ngôi nhà là đồng vàng. Tự dưng nhớ nôn nao những miền quê châu Âu xinh đẹp. Nhớ cảm giác tự do, thanh bình. Nhớ cảm giác ngồi giữa hoa cỏ, nghe tiếng gió rì rào qua vườn, tiếng ong rì rầm hút mật, tiếng lũ chim ríu rít bắt sâu nhặt cỏ, thấy những nhộn nhạo âu lo bất định của loài người thật chả liên quan.

Thôi quay về nhà, tắm gội bôi kem một chập hoành tráng. Lò sưởi bật rồi. Nóng quá. Định sấy khô nhau hay gì. Đang gầy gò, lại thêm da nhăn nheo vì không khí khô quá, có khi thành táo tàu mất. À quên trên đường về nhà nhìn thấy một chị người Á có mái tóc thẳng, bắt ánh mặt trời cả mái tóc đen óng ánh lên như một dải lụa. Tóc mình ngày xưa cũng óng ả thế. Thế mà giờ nó xơ giời ơi nó xơ. 

Sunday, October 2, 2022

Chuyện học (2)

Năm ngoái mình bảo ngài đăng ký cho con Lila vào một trường trung học rất nổi ở Rome. Dân tình đồn đại danh sách đăng ký xếp hàng rất dài, muốn vào phải có quan hệ cực mạnh và thường giới chính trị gia doanh gia gửi con học tại đây. Đấy là cửa ngách đồn đại thế chứ còn công khai thì trường sẽ công bố một danh sách các tiêu chí, mỗi tiêu chí sẽ được cho một số điểm nào đó, cộng hết điểm lại ra tổng rồi lấy từ trên xuống. Bình thường ngoài danh sách tiêu chí thì còn có thi đầu vào nhưng từ dạo covid kỳ thi này bị bỏ.

Ngài chỉ là công bộc của dân, chả phải chính trị gia doanh gia lắm quan hệ gì nên hàng dài thế nào thì con ngài cũng phải xếp. Mình còn đang nghĩ giá mà có thi đầu vào thì con mình còn có cơ hội, chứ xét tiêu chí thế này thì khó.

Lúc trường công bố danh sách trúng tuyển, mình chả biết gì. Đến tận khi một ai đó nói với mình con gái chị trúng tuyển rồi, mà đứng nhất bảng, mình mới ngớ ra chạy đi hỏi con Lila. Nó gật đầu mặt tỉnh queo, gửi cho mẹ nó danh sách trúng tuyển có tên nó đứng chễm chệ trên đầu.

Cuối cùng mình phải rút con Lila khỏi trường đó và xin cho nó vào trường nguyện vọng 2, là trường của ông con trai. Vì lúc đó nghĩ ngài đi nhiệm kỳ, mình ở Rome một mình không kham nổi 3 đứa con học ở 3 trường khác nhau. Trường của ông con trai cũng là trường có đầu vào khó, nhất là lớp quốc tế. Lớp quốc tế là một chương trình ưu tiên của chính phủ Ý trong đó học sinh vừa học chương trình Ý và tốt nghiệp như bình thường, vừa học chương trình Cambridge và có chứng chỉ quốc tế, học miễn phí không cần phải trả chi phí ngất ngưởng như trường quốc tế, chỉ cần học sinh phải đủ giỏi để trụ lại được. Chương trình này có danh sách đăng ký rất đông. Nhưng trường họ thấy bảng điểm của con Lila, và chắc là cũng biết anh nó học như nào, lại thêm bố nó bị điều đi Nga mà lúc đó chiến tranh đã nổ ra, nên họ nhận ngay.

Trái ngược với thằng anh chăm chỉ cày cuốc, con Lila hầu như không bao giờ thấy nó học. Đi học về chỉ nằm dài nghịch điện thoại. Hỏi nó sao con không học, nó bảo học ở trên lớp nhớ rồi không cần học ở nhà nữa. Bảo « con học như thế là không chịu đào sâu, cứ tiếp tục thế này thì học lên cao con sẽ kém dần ». Trả lời mấy năm trước bà cũng bảo tôi thế, từ đó đến nay điểm tôi vẫn toàn 10 bà muốn gì. Nó thi tốt nghiệp cấp 2, mình xua 3 bố con nhà kia đi nghỉ, còn mình suốt một tháng trời cơm bưng nước rót cho nó ở Rome, thế mà sĩ tử suốt ngày nằm ngủ chảy dãi trên sofa hoặc xin tiền tót đi chơi với bạn, sách nâng lên lại đặt xuống. 3 ngày trước kỳ thi mới mở sách ra, học từ sáng tới tận khuya, mặt cau có mọc đầy trứng cá. Nó thi xong, mình nhẹ cả người không phải vì mừng cho nó mà vì mình lại được đi lại sinh hoạt như người thường trong nhà chứ mấy ngày nó học thi mình cứ gây ra tiếng động nào là bị nó hét.

Thế mà các cụ ạ, điểm tốt nghiệp của nó 2 bài thi viết toán và tiếng Ý là 2 điểm 10. Còn bài thi vấn đáp tất cả các môn sử địa khoa học hội họa âm nhạc tiếng Anh tiếng Tây Ban Nha vv gộp chung lại một hội đồng hỏi thi tầm chục thầy cô giáo, là 1 điểm 10 cộng.

Ngài mỗi lần thấy kết quả học tập của con là ngồi lịm, mặt mũi lắng đọng. Nhưng đấy là hai cô cậu lớn chứ cô út thì vô cùng hỏi chấm. Bài tập về nhà làm lấy lệ, nhoắng cái là xong, nói cách gì cũng không làm nó mở vở ra lần nữa. Học chính khóa thì thờ ơ nhưng rất hăng hái những chuyện râu ria. Có đợt nó mê nghiên cứu sứa. Nhà cửa ra thấy sách về sứa vào thấy ảnh ọt về sứa. Từ sứa nó chuyển qua mê thiên văn, rất là liên quan. Bố nó con cón mua sách vở thiên văn kính viễn vọng về cho nó ngâm cứu. Còn mình, cả nhà đang đi nghỉ mà 3h sáng phải mắt nhắm mắt mở chân thấp chân cao đi như say rượu dẫn nó ra đài quan sát cho nó ngắm sao. Mỗi nó trẻ con còn lại toàn các cụ già. Sau đó một thời gian, nghe Metallica với mẹ, nó lại muốn tập guitar điện để oánh giỏi như James Hetfield, thiên văn lại xếp xó. Chỉ sau đó mấy hôm, nó lại đã nảy ra ý định học gẩy đàn harp, ý tưởng guitar lại xếp xó, chỉ vì ngồi gảy đàn harp trông kiều diễm quá hay sao đó. Tiếp tục sau đó vài hôm, đi trong phố, gặp nghệ sĩ violin  đàn đúng bài nó thích, nó xúc động mắt long lanh rơm rớm bảo sẽ học violin. Vừa vào trường mới, tiếng Nga tiếng Đức học một thứ đã đủ chết rồi đây nó đăng ký học cả hai. Harp, guitar và violin trở thành tự sản tự tiêu. Chưa được 1 tháng, tiếng Nga có vẻ cũng thành tự sản tự tiêu từ bao giờ, chỉ còn thấy nó gầm gừ tiếng Đức. Chả hiểu được mấy tuần trước khi tiếng Đức cũng thành tự sản tự tiêu nốt, chỉ biết hiện giờ nhiều khi mình đang xoay như chong chóng nấu ăn cấp tập mà nó cứ bắt phải nghe nó đọc tiếng Đức. Nhiều lúc nghĩ cũng điên ruột nhưng thấy nó giống mình quá nên cũng chẳng dám nói gì, sợ nó bật.

Mà nó bật tài tình các cụ ơi.

-          (con mẹ gằn giọng, không biết đây là lần thứ bao nhiêu chạy theo nó chưa kịp thở thì nó đã lại nảy ra ý tưởng mới) You must have a lot of nerves asking me such a thing!

-          (bật lại tắp lự) And you are getting on every one of them.

Con gái tui nó chơi chữ tài quá, mẹ nó đầu hàng không dịch được câu này.

Tuesday, September 27, 2022

Chuyện học (1)

Cuộc tranh đấu giữa phụ huynh và thầy hiệu trưởng : Tôi không hiểu sao nó lại đòi học Hóa ? Nó bảo tôi nó muốn làm kinh doanh, mà bảng điểm của nó năm trước tôi cũng không thấy có môn Hóa…Chúng tôi muốn đào tạo nên những sinh viên giỏi toàn diện chứ không phải giỏi mỗi việc học…Bình thường để thi A level chỉ cần học 3 môn là đủ rồi, 5 môn thì phải thuộc 5% những sinh viên xuất sắc nhất, 4 môn cũng là hiếm rồi…

Thưa thầy, tôi không ép gì con tôi hết. Con tôi học giỏi và rất ham học. Tôi không thấy có lý do gì mà nhà trường lại không cố hết sức để tạo điều kiện cho nó.

Phải nói đến câu đó thì thầy mới chịu thua. Thanh niên bây giờ nhiều đứa mải chơi. Gặp thằng ham học không mừng hết lớn thì thôi lại cứ bàn lùi là sao.Từ đầu cuộc nói chuyện mình đã giải thích rất ôn tồn nhưng có vẻ thầy vẫn chắc mẩm mình thuộc kiểu Asian mom ham thành tích ép con học đến phát rồ. Đây không phải lần đầu tiên. Mấy thầy cô giáo Anh Mỹ này nghe mình nói về con mình ai cũng có thái độ kiểu thôi xin chị trong nhà nhất mẹ nhì con, có người còn liếc xéo cho mình một phát. Sau thời gian chứng minh mình nói thế vẫn là rất khiêm tốn thì không thấy ai quay lại xin lỗi mình hết cả.

Nhưng thầy vẫn chưa chịu thua hẳn. Thầy bảo thằng con mình « học giỏi ở cái trường bé tí ở châu Phi đấy không có nghĩa là giỏi theo tiêu chuẩn của Anh ». Cái trường mà thầy gọi là bé tí ở châu Phi đấy lớn hơn gần chục lần trường này và mỗi kỳ thi bài làm của học sinh đều niêm phong gửi về hội đồng Cambridge ở Anh để chấm điểm chứ các thầy cô trong trường có được động tay tới đâu mà bảo là cho điểm kiểu Phi nên không bằng kiểu Anh. Thằng con mình, đang tuổi dở dở ương ương, bị chạm tự ái là tỏ thái độ bực bội chống đối. Mình bảo « Con đừng như thế. Có những thầy cô giáo không chiếm được cảm tình của học sinh lập tức, nhưng chỉ cần con thực sự ham học hỏi, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ con. Mẹ hy vọng thầy hiệu trưởng là người như vậy ».

Sau đó mấy hôm, thầy kiểm tra bất ngờ. Sau bài kiểm tra bất ngờ ngớ ngẩn, thầy gọi thằng con ngáo ngơ của mình vào. Nó về kể với mẹ thái độ của thầy thay đổi hẳn. Thầy bảo nó cậu thuộc top 10% những học sinh thông minh nhất theo tiêu chuẩn Anh, thậm chí là top 5%. Ngay sau đó, các giờ học được bố trí ngay, bao gồm cả mấy tiếng học lý thuyết vào thứ 7 cùng một giáo viên mời từ trường khác sang. Thế là đi tong ngày thứ 7 của mình đưa đón chầu chực. Nhưng tình hình khó khăn như này mà tìm được thầy đúng chuyên môn là tốt lắm rồi mình chả ước gì thêm.

P.S: Mình vẫn nhớ hồi từ châu Phi về Rome, chuyển từ trường quốc tế vào học trường công của Ý, những tuần đầu nó vật lộn vì phương pháp học khác nhau, thầy cô giáo thì nói quá nhanh nó nghe không kịp. Thế mà chỉ mấy tháng sau nó lại đã dẫn đầu lớp. Sau một năm, bố mẹ nó, vì trước đó nhầm lớp, lại xin chuyển nó sang một lớp khác, còn khó hơn lớp cũ. Để được nhận vào lớp mới này, nó phải qua bài kiểm tra tiếng Pháp. Thế là suốt mùa hè, nó giở sách tự học đuổi chương trình tiếng Pháp các bạn đã học suốt 1 năm. Lớp mới học song song chương trình Ý cộng chương trình Cambridge học như first language, cộng thêm tiếng Pháp, rất nặng. Mỗi năm đều có học sinh bị loại. Đến hết năm thứ hai một nửa số học sinh trong lớp đã bị loại. Bình thường mình vốn không muốn tranh đấu gì với đời, có thì sống kiểu có, không có thì sống kiểu không có, ai muốn hơn thì hơn, chả có gì phải xoắn. Nhưng con trai mẹ mấy năm nay việc học hành liên tục gặp thử thách mà đều nỗ lực vượt qua, mẹ thương mẹ thương. Thương nhất cái nết môn gì kém sẽ tự giác học đến khi hết kém thì thôi, cái gì biết là đúng thì sẽ làm bất kể có khó khăn đến đâu. Thế nên phải tranh đấu mẹ sẽ tranh đấu, sợ gì.

Ảnh: kết quả bài thi IGCSE

Thursday, September 22, 2022

22/9/2022

Lại nhớ hồi chiến tranh mới nổ ra, mình rẽ qua mua rau của cụ nông dân hàng xóm ở Salento. Thấy mình, cụ vồn vã níu lại tán chuyện thời sự. Cụ nhẩm tính thành tiếng ngũ cốc thịt rau tôi tự cung tự cấp được rồi, nhưng điện gas xăng dầu rồi sẽ tăng giá ra sao, giờ mà bị phóng tên lửa hạt nhân thì xong đời, cô nhỉ. Thấy cụ lo lắng quá mình phì cười, muốn nói với cụ rằng cụ ơi những người như con mới chết chứ cụ lo gì, thế giới có biến động thế nào cái góc nhỏ này cũng có xao động gì đâu, tắt TV đi là xong.

Hồi đấy mình nghĩ thế mà cũng không thực sự hình dung được chiến tranh như vậy thì có ảnh hưởng gì tới mình lắm không ngoài việc giá cả sẽ tăng chút ít, nhất là khi mình không có ý định đi đâu khỏi nước Ý.

Ai dè giá cả tăng chóng cả mặt. Giá thực phẩm đồ dùng ở siêu thị ngay lập tức tăng khoảng 30%, các dịch vụ cũng tăng giá theo, giá phân bón cũng ngay lập tức tăng gấp rưỡi. Trước giờ mình toàn cho cỏ ăn Nitrophoska gold, giờ giá lên gần gấp đôi mình đành phải để dành cho hoa ăn, còn cỏ thì dùng một loại phân bón rẻ hơn. Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi bất kể việc mình sản xuất được điện mặt trời. Ngài vốn là người bình chân như vại, nhìn thấy hóa đơn tiền điện, mấy ngày sau vẫn chưa hoàn hồn. Gas thì mình đã nạp một bình 1600 lít từ một năm trước vẫn chưa dùng hết nên mình không biết tăng thế nào. Chắc cũng không kém cạnh.

Nhưng thế vẫn chưa hết. Container đồ đạc mãi mới rời Ý được vì từ hồi cấm vận các thể loại thủ tục trở thành phức tạp nhiêu khê và tốn kém hơn. Căn hộ muốn thuê cũng trầy trật mãi mới xong thủ tục cũng vì tình hình cấm vận và phong tỏa tài sản tài khoản của giới nhà giàu Nga. Đồ đạc còn thiếu muốn đi mua cho đủ cũng té ngửa vì giá quá đắt, mà không đắt vừa, đắt gấp 3, 4 lần ở Ý. Hỏi sao đắt thế thì được giải thích là hồi tháng 2 giá lên do đồng rúp mất giá, sau đó đồng rúp lên giá lại nhưng các chủ kinh doanh sợ đồng rúp lại mất giá tiếp thì lại thua lỗ tiếp nên không chịu hạ. Tài khoản cũng loay hoay mãi mới mở được, mà mở ra cũng chỉ để cho tiền mặt vào rồi ngân hàng cấp cho cái thẻ cho đỡ phải vác tiền mặt đi lăng quăng thôi chứ cũng không chuyển tiền từ Ý sang được. Thế tức là lúc hết tiền bên này thì mình lại phải về Ý mang tiền mặt sang tiếp? Vé máy bay từ 200e giờ thành gần 3000e, mà cũng chẳng có mà đặt. Muốn rẻ hơn thì buộc phải đi đường bộ sang một nước khác rồi mới lên máy bay. Hành trình vốn chỉ có 3 tiếng máy bay giờ thành mấy chục tiếng đồng hồ đổi các thể loại phương tiện mới tới.

Thế vẫn chưa hết, thằng con hai năm cuối trung học chọn học 4 môn Toán Lý Hóa và Kinh tế, một hôm đi học về thông báo trường không có giáo viên dạy Hóa nên đến giờ Hóa là ngồi vểnh râu chơi. Từ hồi chiến tranh rồi trừng phạt cấm vận các kiểu, cuộc sống trở nên đắt đỏ và đi lại nhiêu khê khiến các thầy cô giáo bỏ về nước hết và có lẽ vì còn quá ít học sinh nên trường cũng không muốn tuyển giáo viên cho tốn kém. Thế là mình, thùng hộp đang chất như núi trong nhà bỏ đấy, đóng bộ đến trường đấu tranh với thầy hiệu trưởng « Con tôi học giỏi và muốn học. Tôi không thấy có lý do gì mà nhà trường không cố hết sức để tạo điều kiện cho nó ». Thấy mình kiên quyết, thầy hiệu trưởng đành nhượng bộ, đề xuất một số giải pháp tạm gọi là chấp nhận được trong tình hình khó khăn hiện nay.

Mình tạm yên lòng, quay về nhà với đống thùng hộp. Bàn ghế giường tủ sofa các kiểu đã để hết lại bên Ý, thế mà vẫn 200 thùng chất ngất. Nhưng thôi vấn đề này chỉ phụ thuộc vào mình nên cũng không lo. Vừa mở thùng xếp đồ vừa nghĩ thế mà lão chồng mình khi nịnh vợ đi cùng, lão ngon ngọt bảo « Em cứ để mọi việc anh lo. Anh đi trước cùng container, anh tìm nhà, xếp đồ, mọi thứ sẵn sàng em sang chỉ việc ở, không phải đụng tay vào việc gì hết ». Cũng may mình từ lâu đã có thói quen coi lời lũ đàn ông 3 đồng một mớ chỉ để nghe cho vui, nên đã chuẩn bị sẵn tinh thần lại phải trải qua một giai đoạn tàn tạ hai cẳng tay sứt sẹo vì bị thùng hộp cứa vào và hai bàn tay lại chai ráp lên. Chẳng sao, xong việc rồi thì sứt lại lành, chai lại mềm. Vừa làm vừa mơ đến lúc hoa lại nở rực rỡ trên bậu cửa sổ. Với tốc độ mở thùng xếp đồ như này thì không lâu nữa đâu. Đã nói dồi trên đời này chỉ sợ nhất những vấn đề không phụ thuộc vào mình, có cố đến đâu cũng không giải quyết được.

Tưởng thế là sắp kết thúc chuỗi ngày long đong mà cuối cùng chả phải. Trường hôm kia lại gửi email thông báo sẽ không có kỳ thi A level cho khóa của thằng con, tức là học thì cứ học nhưng sẽ không có chứng chỉ tốt nghiệp, vì chương trình Cambridge vừa thông báo sẽ rút khỏi Nga. Thế là thế nào, mẹ sang đây chỉ để con học nốt hai năm cuối và thi A level. Hai năm nay sao toàn những tin nghe xong xây xẩm mặt mày.

Chưa nghĩ ra giải pháp nào ra hồn cho cái tin xấu trên kia, buổi tối lại thêm có người đi làm về mặt ủ mày chau chứ không hát rống lên như thường lệ, rồi vừa ăn tối mắt vừa dán vào điện thoại cập nhật tin tức từ lệnh tổng động viên rồi biểu tình bắt bớ. Hỏi em có muốn xem không, bảo thôi em không muốn xem, muốn làm đà điểu rúc đầu xuống cát.

Thời oanh đã qua và liệt đã tới. Tới rồi cản không nổi.

Thôi chả cản nữa.

Đến đâu thì đến.

Wednesday, September 7, 2022

Nhớ vườn

Hôm nọ đi bộ ra công viên Gorky, thấy hầu như hoa nào họ trồng ở đó mình cũng biết tên và biết cách chăm sóc. Mới chợt nhận ra mấy năm nay mình mải mê nghiên cứu hoa cỏ, lưng vốn từ số 0 trồng hoa bách phát bách chết mà giờ đã thành kha khá. Ngồi thu lu ở nước ngoài, ngó cái vườn cây cối chỗ chồng chéo xiêu vẹo chỗ trọc lóc, hoa vài bông lèo tèo ngẫu hứng còn lại toàn lá là lá, mà buồn. Lại tự dưng phát hiện ra ông làm vườn mới ngay từ đầu tháng 6 lúc lũ thược dược vừa lên tươi tốt ông ấy đã lấy dây cột hết cả chúng nó lại cho khỏi đổ. Mình đang mừng rơn ôi bình thường mấy ông làm vườn cũ mình nói mỏi mồm cũng chẳng thèm làm, ông mới này chủ động quá, không cần bảo đã biết việc cần làm. Ai ngờ cột thân chính thôi thì không đây ông ý lại cột tuốt cả cành to cành nhỏ lá to lá bé thành một bó chặt như bó rau, hoa thiếu không gian nên bé tí, méo mó. Hồi đầu tháng 5 mình đi vội quá không kịp hướng dẫn, hoa thì toàn những loại ông ý chưa thấy bao giờ vì mình mua từ nước ngoài. My bad.

Giờ chỉ ước được lọ mọ trong vườn, một mình, mải mê nhổ cỏ, cắt cành khô lá úa, thấy hoa nào đói thì cho ăn, cây nào khát thì cho uống, cây nào hư mọc lung tung thì mắng, ngoan ngoãn ra nhiều hoa nhiều quả thì khen. Mình mắng và khen lũ cây cối thật đấy các cụ ạ. Nhưng đứa bạn mình bảo trò chuyện với cây cối không có vấn đề gì, bao giờ thấy cây cối trò chuyện lại với mình thì mới đáng lo. Mà mình thì chưa thấy lũ cây cối hoa hoét cãi lại mình bao giờ, thế nên là vẫn chưa đáng lo. Dọn dẹp trong vườn có rất nhiều cái thú. Lũ ong cần mẫn hút mật ngay cạnh, việc ai nấy làm ong không đốt người người không đuổi ong. Rồi đến một lúc nào đó con mèo béo đi chơi về sẽ chọn lối tắt đi tạt ngang qua vườn hoa. Giá có ngày sờ được vào cái mặt nó. Béo thế chắc mềm lắm…

Và đọc truyện cổ tích, hoặc những vần thơ nhẹ nhàng tối giản. Già rồi, rất sợ những chuyện máu hận tình thù vật vã thê thảm.

Ta phải yêu người như thế nào

Mới có thể đi qua phồn hoa

Đi qua thời gian

Không hư vọng, không cuồng điên…

Bài thơ này mình đọc ở đâu không nhớ, cứ ấn tượng cái sự da diết mà tĩnh tại sâu thẳm của nó.

P.S ngày đầu đi học, mình quay nhìn 3 cô cậu quần áo tề chỉnh mặt như ngỗng ỉa ngồi băng ghế sau và hỏi vẻ phấn khích « Chúng mình có thích được đến trường mới không ? ». Bình thường gọi với hỏi gì toàn phải gào vài lần mà chưa chắc chúng nó đã thèm trả lời, lần này cả ba cái mỏ lập tức đồng thanh « Nầu ». Nghe đã thấy điềm không lành.

Mà thôi, chúng mài không phấn khích thì tao phấn khích. Ba tháng hè liên tục chăn thả ba Tôn Ngộ Không ăn như thụi chí choé nhau như điên cãi giả láo như ranh, gia đình sứt mẻ đến nơi dồi.

Chú lái xe cuối tuần đi nghỉ ở dacha của chú ấy. Dacha ở đây nghĩa là một căn nhà ngoại ô có vườn. Sáng thứ hai chú ấy mang cho mình một túi táo thơm nức, bảo tôi có mười mấy cây táo, mới thu hoạch 3 cây, được 600kg. Đùa à, cây táo bỏ mịe của mình ở Salento, năm ngoái ra nhõn một quả, năm nay từ hồi tháng 6 thấy ra tận hai quả, không biết có chín nên hồn không hay lại rụng từ bao giờ. Chú lái xe bảo mang táo nhà trồng cho mình làm mứt táo. Chú này mới nên chưa biết mình mà lại chịu bỏ thời gian làm mứt táo thì có khi chiến tranh thế giới thứ 3 nổ ra từ lâu roài.

Ảnh : táo thì vớ vẩn nhưng mận thì có vẻ khả quan hơn. Loại mận này mình quên tên, hình như mận Stanley, quả thuôn thuôn vỏ tím ruột vàng, lúc chín ăn dẻo dẻo, rất ngon.

Wednesday, August 31, 2022

Tạm biệt mùa hè

Buổi sáng thức dậy, ngày cuối cùng của tháng 8. Nghĩ đến bạn. Giờ này năm ngoái, gần nửa đêm hai đứa vừa đi ăn về, đang tản bộ giữa một phố thị nhỏ nào đó, vừa nói chuyện vừa ôm bụng cười, thì tự dưng bạn nhìn thấy hai ông bạn hẩu đang lái xe đi tìm chỗ ăn muộn. Thế là chúng nó lại lôi mình quay lại nhà hàng mà mình và nó vừa đóng đô mấy tiếng và đóng đô thêm cả tiếng nữa.

Hai ông bạn của bạn, một là luật sư rất thành đạt, mua một bất động sản rất đẹp trong phố, 3 tầng nhà toàn đồ tạo tác như một phòng triển lãm. Anh kia là giám đốc một nhà xuất bản có tiếng ở một thành phố giàu có phía Bắc Ý. Đặc điểm chung của đàn ông đứng tuổi, thành đạt và thừa tiền là đều thoải mái cho phép bản thân gàn dở. Hai anh này lại còn độc thân nên lại càng gàn dở. Anh luật sư than thở với mình « G ơi, bọn anh tốn tiền cho gái quá em ạ. Tiền nhà, ô tô, đi nghỉ các nơi ». Gái nườm nượp là các ông muốn thế chứ ai bắt mà kêu tốn. Mà các cô cũng lạ. Trẻ, xinh, có công ăn việc làm tử tế, thế mà biết mình vừa đi khỏi là có con khác đến thế chỗ ngay, thậm chí vì con kia đến nên mình phải đi, thế mà vẫn cứ đến. Dường như được ở nhà đẹp và lai vãng những chốn sang trọng thậm chí selfie rồi đưa lên mạng có một hấp lực không cưỡng lại được đối với một số người.

Anh bạn giám đốc nhà xuất bản, tối đó mình gặp lần đầu, hỏi « G, em làm gì, công việc của em là gì ? ». Mình bảo « Em là nội trợ ». « Nội trợ tức là em làm gì ? », « Thì em dọn dẹp nhà cửa, giặt là quần áo, nấu ăn đi chợ, đưa đón con ở trường ». Anh ấy im lặng một lúc rồi bảo « Em biết không, đàn bà nhiều đứa rất sợ bị gọi là nội trợ, chúng nó sẽ nói chúng nó ở nhà làm mẹ, thế mà em nói em làm nội trợ cứ như không. Anh ấn tượng quá ». Làm mẹ nghe vẫn bình thường. Có vài chị mình biết còn gọi bản thân là homemaker, tuyệt đối kiêng từ housewife. Các chị cứ phú quý sinh lễ nghĩa, nội trợ thì cứ gọi là nội trợ cho đời đơn giản.

Không biết có phải vì ấn tượng quá khi thấy mình thản nhiên tự nhận là casalinga không mà anh kia sau khi biết sáng hôm sau mình sẽ khởi hành thì cứ nằng nặc đòi mình ở lại. Con bạn tối hôm sau sẽ tổ chức một buổi ăn tối ở nhà nó, anh ấy cứ năn nỉ em ở lại dự bữa ăn tối đấy, rồi sáng hôm sau anh lái xe chở em lên Rome. Bảo không, em có xe của em, với lại em có kế hoạch rồi. Kế hoạch là một chuyện, căn bản là phải ngồi xe cùng một người lạ trong suốt 7 tiếng không biết có hợp cạ nói chuyện hay không thì thà lái một mình nghe nhạc mình chọn và theo đuổi ý nghĩ của mình còn hơn.

Nhà con bạn có truyền thống tổ chức bữa ăn tối kết thúc mùa hè. Bố nó cả mùa hè đi câu cá, cá câu về để vào tủ đá, cuối hè lôi ra làm một món súp gia truyền mời tất cả bạn bè hội ngộ. Con bạn quyết định tiếp nối truyền thống của bố để lại. Cuối hè bao giờ cũng có buổi ăn tối tưng bừng trong đó nhất định phải có món súp gia truyền kia, tạm biệt mùa hè, ai đi đường nấy, hẹn mùa hè sau gặp lại lại ăn chơi nhảy múa tiếp.

Hè năm nay mình đã định tổ chức party ở nhà mình và thuê ban nhạc đến chơi và dạy khách mời nhảy pizzica, thế mà cuối cùng cả lũ chúng nó ăn chơi nhảy múa ở miền Nam rồi ăn tối tạm biệt mùa hè như thường lệ còn mình thì tịt ngóm. Suốt hè ngày thì chúng nó giong thuyền ra biển thăm thú hang động hoặc đổ bộ vào một bãi biển nào đó, tối thì tụ tập ăn uống hoặc party tưng bừng, thỉnh thoảng lại nhắn tin hoặc gửi ảnh cho mình chết thèm.

Một năm đã trôi qua cái vèo. Anh giám đốc nhà xuất bản một hôm hâm lên đã quyết định từ chức để « được tự do làm những gì anh muốn ». Con bạn kể thế và mình cũng không hỏi thế tóm lại là anh ấy muốn làm gì và đã làm những gì anh ấy muốn chưa ???

Còn mình thì đang ngồi đây. 1 năm trước có trong mơ cũng không nghĩ mình sẽ ngồi đây. Một năm đầy biến động. Mọi thứ ngổn ngang trước mắt. Mới hôm trước còn nắng oi, một sáng thức dậy, mùa thu đã về. Bầu trời mây xám, gió lộng, cây trút lá…

Ảnh: chụp từ dạo xuân chớm về, hai vợ chồng đang đi lượn thì gặp một vạt hoa vàng.

Saturday, August 20, 2022

Linh tinh

Buổi tối ăn tối xong hai vợ chồng rủ nhau đi dạo. Mình tưởng đi vài vòng trong cái công viên tối tối gần nhà nên quần áo bô nhếch cứ thế đi luôn. Ai dè ra khỏi nhà thì ngài lại nằng nặc đòi ra quảng trường Đỏ. Ra đến nơi, đèn đuốc sáng choang, nam thanh nữ tú đi lại nườm nượp. Mình quần pijama lụng thụng, dép lê lẹp kẹp, lại còn đang sụt cân rụng tóc, cảm thấy vừa xấu xí vừa cũ kỹ, thật quan ngại quá đi.

Trên cây cầu trước quảng trường Đỏ, từ xa tự nhiên nhìn thấy một cái xô cắm mấy bó hoa héo héo. Tưởng hoa nhà ai bán ế bỏ đấy, hóa ra là nơi Boris Nemtsov bị ám sát, người dân tự mang hoa tới tưởng niệm. Cả ngày nắng nóng nên hoa đã héo chứ sáng hôm sau ai đó đã lại mang ra rất nhiều hoa tươi. Chỉ là một tờ giấy A4 ép plastic dựa vào thành cầu, ảnh Nemtsov tươi cười và rất đẹp trai.

Nhìn thấy Nemtsov thì nhớ tới con bạn người Nga của mình. Nó không phải các cô Nga tóc vàng mảnh mai xinh đẹp hay gặp ở nước ngoài mà là gái Nga tóc đen nhánh lượn sóng bồng bềnh, da trắng hồng, to cao đẫy đà, mặt nét nào cũng cực xinh. Hôm đó cả hội ăn trưa ở nhà hàng Pierchic ngay dưới chân Burj Al Arab. Nemtsov vừa bị ám sát hôm trước. Nó bảo Giang ơi tao đang buồn và phẫn nộ quá, anh ấy là bạn của tao, của gia đình tao.

Nhớ tới con bạn thì lại nhớ ra cậu con trai nó. Mình mới đến Dubai, nó mời ăn trưa ở nhà nó. Cả hội đang ngồi tán chuyện rôm rả thì con trai nó đi học về. Mình thấy thằng bé cứ nhìn nhìn nhưng cũng không để ý. Mấy hôm sau gặp nhau tại event, con bạn bảo “Con trai tao phải lòng mày rồi G ạ, nó cứ hỏi tao mẹ ơi cô ấy người nước nào, con chưa từng gặp người nào xinh đẹp như thế”. Rồi lâu lâu sau, mình lại đến một event do vợ chồng nó tổ chức. Thằng bé vẫn nhìn nhìn, còn mẹ nó thì cứ cười tủm tỉm rồi lúc sau ra bảo G mày có thể chụp cùng con trai tao một kiểu ảnh được không.

Thế mà đã gần 10 năm rồi. Cậu bé 14 tuổi ngày xưa giờ chắc đã thành một người đàn ông trưởng thành.

Hồi còn bé bọn mình hay gọi những đứa sinh sau mấy năm là “bọn sinh năm 80”, gọi kiểu hơi có ý kỳ thị bọn trẻ nhãi. Còn bọn sinh năm 90 thì thôi, không thèm để ý cho nhanh. Thời gian sầm sập, nhìn lại, “bọn sinh năm 80” đã thành những người đàn ông đàn bà trung niên từ bao giờ. Cả những đứa trẻ sinh năm 90, cũng đã trở thành những người đàn ông đàn bà trưởng thành từ khi nào. Đi ngoài đường ai chặn lại xin Instagram thì có thể chắc chắn phải là bọn sinh năm 80 trở đi chứ 70s như mình cố được cái tài khoản facebook là hết hơi rồi.

Cuối tuần trước ngài rủ lượn chợ đồ cũ Izmailovsky. Hăm hở đi ngay, định tìm mua một con lật đật và cuốn sách Mít đặc và các bạn, các cô chú tí hon ở thành phố hoa xinh đẹp. Cuối cùng nhìn thấy một cái nồi men cũ giá 200 rúp có thể dùng cắm hoa thích quá mua luôn. Dùng google translate hỏi cụ bán hàng cái nồi này có nấu trên lửa được không cụ, cụ cứ ka nhiết ka nhiết gì đấy và giải thích một tràng bất tận, thấy mặt mình ngẩn ra bạn cụ từ đâu cũng chạy tới giải thích nhiệt tình. Hai cụ cứ níu mình lại líu la líu lo một hồi mình đành phải viết vào google Cháu chả hiểu các cụ nói gì thì các cụ mới thôi, cười hihi. Bọn trẻ con vào học là mình sẽ phải đi học tiếng Nga. Xưa giờ toàn đi các nước nói tiếng Anh, không gặp rào cản gì về ngôn ngữ, mình đã nghĩ có thời gian thì đi học lại tiếng Pháp rồi học thêm tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Ả rập. Đời không thể ngờ lại phải bỏ thời gian học tiếng Nga. Nhưng không học thì ngang mù câm điếc ở xứ sở này, ra chợ nhìn rau tưởng thịt nhìn thịt gà tưởng thịt bò muốn mua sữa tươi vác nhầm về nhà hai chai sữa chua uống vật vã mấy ngày nịnh cả lũ kia cùng uống mà vẫn không hết.

Ăn phở có 2 lần, cho hơi nhiều tương ớt vì mãi chẳng thấy cay, thế mà da mặt lại thô sần lên. Viễn cảnh phải bỏ ăn ớt là có thật, nhất là ở đây thì tìm đâu ra rau má. Cuối tuần có khi phải đi tìm chợ Việt nam tìm mua các loại rau xanh, chứ ăn bắp cải riết tui suýt phát khùng lên roài. 

Monday, August 15, 2022

15/8/2022

Lão chồng mình là người thích thiết kế, nghe chữ kiến trúc sư nổi tiếng với lại thiết kế một cái là mắt cứ sáng lên như đèn pha. Sống cùng người thích thiết kế bao năm, mình thành ra cứ nghe chữ thiết kế là sợ vãi tè, nhất là khi lão tự tay thiết kế. Toàn thiết kế nhảm nhí tự sản tự tiêu chứ nào có được thiết kế ra hồn nào thành hiện thực. Lâu lâu có vụ thiết kế giá sách, thấy lão tay bút tay thước rầm rầm rộ rộ mình cứ tưởng mấy mối thợ mộc sắp sửa có dịp trổ tài và phòng khách sắp có cái giá sách hoành tráng tha hồ bày biện. Cuối cùng lão tặc lưỡi đi mua giá sách cũ 100 ơ. Chả thiết kế thì đừng.

Nhớ hồi đi tìm nhà ở Dubai đúng chục năm trước, lão chân xoắn quẩy lập tức khi thằng môi giới dẫn hai vợ chồng đến một ngôi nhà và bảo ngôi nhà này do kiến trúc sư rất nổi tiếng thiết kế. Lão vào xem nhà, mân mê cái tay nắm cửa, ôi chao sao mà đẹp thế trang nhã thế, và khăng khăng đòi ký hợp đồng thuê. Vợ bảo nhà có con nhỏ mà toàn kính từ trần xuống tận sàn thế này, lau một ngày bao nhiêu lần cho vừa. Lão bảo thì người giúp việc lau chứ mình có phải lau đâu. Vợ bảo nhà đông người phải nấu nướng nhiều mà bếp mở thế này rồi mùi bay khắp nhà ai mà chịu được. Lão bảo thì chúng ta có thể ăn toàn salad hoặc rau luộc. Vợ bảo anh muốn giảm cân ăn toàn salad được chứ trẻ con phải ăn phải lớn, làm sao ăn như thế được, chưa kể nhà để tiếp khách mà muốn vào nhà lại phải đi qua garage như này nhìn không nghiêm túc. Thế mà lão vẫn cứ khăng khăng bám vào cái danh “do kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế” như chết đuối bám cọc. Cuối cùng mình chẳng buồn cãi lý với lão nữa, chỉ nói lạnh lẽo ngắn gọn “Chúng ta sẽ không thuê cái nhà này”. Nghe vợ nói thế là lão biết vụ này coi như không xuôi. Lão lăn ra đình công, không chịu đi xem các nhà khác, thậm chí còn cay đắng dọa đổi vợ. Mấy ngày liền thấy vợ cứ tỉnh bơ không suy chuyển, cuối cùng lão đành phải mon men “thôi em dẫn anh đi xem lại cái nhà kia”. Cái nhà kia là cái nhà vợ lão muốn thuê, biệt thự màu trắng có mảnh vườn khá rộng. Sau khi cơn say cái tay nắm cửa trang nhã của ngôi nhà được kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế đã lắng xuống, lão có vẻ giống người bình thường hơn một chút. Đi xem lại cái nhà vợ thích, lão trầm trồ ôi cái nhà này đẹp thế, chúng mình đã quyết định vô cùng đúng đắn. Chúng mình nào ơ kìa.

Lần này cũng thế. Vừa bước vào căn hộ đó, nhìn thấy cái bếp rộng rãi sáng choang màu đỏ cờ là mình biết ngay sự chẳng lành. Y như rằng, lão chồng mê thiết kế của mình lại rồ dại lên, đi phăm phăm từ phòng này sang phòng khác, trầm trồ, tắc lưỡi thán phục. Lại thêm mợ môi giới bơm thổi đây là tòa nhà do kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế, là một trong những tòa nhà đẹp nhất Moscow, mắt lão lại càng lác quệch ra. Rồi tối về, mở vài quyển hướng dẫn du lịch ra xem, lão tóc tai dựng đứng chạy ra thông báo với vợ đang đầu chổng vào đít chổng ra trong bếp “Em ơi tòa nhà này nằm trên con phố được mệnh danh là đẹp nhất Moscow đấy em ạ”. Ăn tối xong, mình cả ngày đi rạc cẳng lại còn phải cơm nước dọn dẹp đã mệt rũ ra muốn đi ngủ còn bị lão lôi cổ ra khỏi nhà vì lão muốn đi từ đầu đến cuối con phố đẹp nhất Moscow, chắc để cảm nhận không khí. Đi đến cuối con phố, vợ mệt quá ngồi bệt xuống nghỉ, lão ngồi xuống cạnh vợ giọng vừa tư lự vừa quyết đoán “Thôi thế là chúng ta phải thuê căn hộ này rồi”. Vợ bảo “căn hộ trên phố R được hơn chứ”. Nghe vợ nói thế, lão đã chuẩn bị xù lông nhím lên để bảo vệ quan điểm. Cũng may cho mình, sau khi đi sang khu phố R xem, lão có vẻ xuôi xuôi. Và hôm sau khi đi xem lại căn hộ phố R, lão đồng ý cái rụp. Căn hộ phố R mặc dù có một số chi tiết kém hơn, nằm trong tòa nhà trông không lộng lẫy bằng tòa nhà do kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế kia, nhưng rộng hơn và đặc biệt tọa lạc ở vị trí rất đẹp, lại còn rất tiện đường lão đi làm và con đi học. Vợ bảo “lần này không thấy anh dọa đổi vợ nhỉ. Chứ dọa lần nữa là đổi thật luôn cho biết’. Lão im re.

Trong một diễn biến khác, tối muộn mình rủ các cậu ấm cô chiêu và ông chồng đói mặt dài như cái bơm đi ăn ở một nhà hàng VN gần nhà. Lũ con mình ăn như chết đói, vừa ăn phồng tôm vừa ăn nem vừa ăn phở cùng một lúc vì sợ để đấy thì những đứa khác ăn mất phần. Ông con trai bảo mẹ cô bé bán hàng cứ nhìn ông rồi thì thào với hai cậu khác ông nghe được chữ đẹp đẹp. Mình đang đứng nói chuyện với anh chủ nhà hàng, tự dưng thấy ông con trai bỏ kính cận, tay xốc lại mái tóc nó bảo là thời thượng mà mình nhìn thì thấy như cái tổ cò, mặt lấy một vẻ thờ ơ nguy hiểm tay chân khuỳnh khuỳnh, thì mình biết ngay là cô bé VN kia lại đang nhìn. Trên đường về, có hai cô bé người Nga đi qua một cô cũng liếc thằng bé muốn đứt đuôi mắt. Giời ơi, con trai tôi đang ở tuổi gà trống choai đời là cái đinh tình là cái que, các cô nhìn ít thôi không đầu óc nó lại cứ chót vót trên ngọn cây không hạ xuống được. Tui có ông chồng thích thiết kế đầu óc lơ lửng ngọn cây tui đã đủ gần chết dồi. 

Ảnh: selfie suốt ngày không sao nhưng mẹ chụp thì lại không cho.

Sunday, August 7, 2022

Cho nghe bước rộn vui


S gọi điện. G tao vừa gặp chồng và con trai mày đi đá bóng ở câu lạc bộ, chúc mừng nhiệm kỳ mới nhé. Mình lúng túng “Chồng tao thì chắc chắn sẽ đi nhưng tao thì vẫn chưa chắc. Quan hệ hai nước đang phức tạp…”. S nghe xong giãy nảy “Không, G, mày phải đi chứ. Mày biết đấy, công việc ở đấy sẽ rất khó khăn. Sau một ngày làm việc vất vả, chồng mày về nhà mà có gia đình bên cạnh thì sẽ đỡ hơn rất nhiều so với việc phải cô đơn một mình. Tao phải ở Rome chăm con chứ nếu không nhất định tao sẽ ở bên chồng tao lúc này…”. Chồng S đang làm đại sứ ở một nước cực kỳ gian khổ. S buộc phải ở lại Rome với con. Đứa con gái của S không phát triển bình thường 100% vì lúc sinh bị hẹp van tim sao đó nên ảnh hưởng tới sự phát triển của não.

S tóc vàng xinh đẹp, dịu hiền, giọng nói du dương như hát. Đàn bà Đông Âu vẫn còn truyền thống chứ chưa kêu gào nữ quyền lấn lướt đàn ông như đàn bà Tây Âu.

Đến giai đoạn như chồng mình, chồng S và các nhà ngoại giao cùng khóa, việc chồng đi nhiệm kỳ vợ con ở lại Rome là chuyện rất bình thường. Nhiệm kỳ khó khăn, con sắp tốt nghiệp, thậm chí vợ con đang ổn định không muốn đi cùng, rất nhiều lý do. Mấy đứa bạn mình ở lại Rome, hàng ngày con đi học, người giúp việc làm việc nhà, chúng nó đi làm đẹp hoặc đến câu lạc bộ tập thể thao phơi nắng ăn uống tán gẫu, lúc nào cũng óng ả xinh đẹp sành điệu. Thỉnh thoảng bay đến thăm chồng khi có dịp nào đó trọng đại, váy áo son phấn ngất trời, tiệc tùng bắt tay bắt chân đèn flash máy ảnh nháy lia lịa, mặt vênh như bánh đa vừng. Xong phần tiệc long lanh là chuồn, phần hậu cần vất vả để người khác lo.

Nếu mình ở lại Rome, chắc mình cũng lại giống mấy đứa kia, phù phiếm hưởng thụ, phần khó phần khổ đẩy cho người khác. Thanh thản đi chơi, cuộc sống ổn định thoải mái, con cái học hành giỏi giang, ở nhà đẹp, thỉnh thoảng để con cho người giúp việc và tót xuống miền Nam chơi với hoa cỏ một mình. Già rồi, muốn nhàn, muốn vui, muốn tận hưởng thành quả sau bao nhiêu vất vả, nhất là muốn đẹp lâu được chừng nào hay chừng ấy


.

Hoặc mình sẽ giống S, sẵn sàng through thick and thin đồng cam cộng khổ. S không đi được theo chồng vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Còn mình, lũ con mình muốn quay lại trường Anh học để đi học đại học ở nước ngoài. Ở đây phần lớn thanh niên lười biếng an phận không có chí tiến thủ, con mình muốn học, chẳng nhẽ mình không cố thêm được một lần nữa?

Từ cuối tháng 5 đến giờ, hoa cỏ bị mình bỏ bê, cộng thêm nắng hạn, cộng thêm người làm vườn mới chưa có kinh nghiệm cỏ dại không nhổ cứ nhè hoa mình trồng mà nhổ và cũng không biết điều chỉnh nước tưới hay bón phân, vườn mình ngon lành được mỗi vụ hoa hồng do mình đã chăm từ trước còn lại kém sắc hẳn so với năm ngoái. Bao nhiêu công sức đổ xuống, đi thế này là vườn mình lại thành vườn hoang, lúc về lại phải làm lại từ đầu. Đời tuôi sẽ phải làm lại bao lần???

Mà thôi, em đi cùng người sau 20 năm vẫn làm mọi cách để có em bên mình. Tương lai chả biết sao, chỉ biết hiện tại như thế…

Xin trên những đường dài

Cho nghe bước rộn vui…

Tuesday, August 2, 2022

2/8/2022

Hè này mình phải ngồi dính ở Rome. Bọn trẻ con được nghỉ hè hôm nào không có đứa nào được ai đó rủ đi đâu thì thôi, đời mình đúng là đen bạc. Mỗi sáng chúng nó oánh điện tử, gào thét, cãi vã, nhảy tưng tưng, hét lạc giọng vào mặt nhau, đứa thắng cười rú lên, đứa thua khóc rú lên, thậm chí bức xúc quá còn đấm nhau tát nhau cấu đít nhau luôn. Mình phải nghe có một lúc mà thấy đau nhức cả hai màng nhĩ và huyết áp chắc lên quá 200. Chưa kể điều hòa 3 cái hỏng 2. Tủ lạnh hỏng. Toàn nước Ý nắng hạn, thành Rome nóng như ngày tận thế. Căn hộ phía trên không biết sửa gì mà khoan đục ầm ầm đinh tai nhức óc suốt ngày. Vừa đứng là một núi quần áo vừa phải cố hết sức để không mất bình tĩnh.

Chỉ có một từ để mô tả : kinh hoàng.

Mà thôi, cũng không mong năm học mới đến. Chúng nó đi học là mình coi như cũng đi học cùng chúng nó luôn. Một ngày riêng đọc emails trường gửi, tin nhắn các phụ huynh gửi trong nhóm whatsapp của từng đứa, ghi chép những việc phải làm cho từng đứa, cũng đủ hết hơi. Nhiều khi còn lẫn lộn lớp nọ với lớp kia đứa này với đứa khác. Chưa kể còn đưa đón chơi thể thao và play date với bạn, cứ chạy như đèn cù cả ngày.

Trong một diễn biến khác : em ơi chúng mình hãy cùng nhau đi Saint Petersburg. Thành phố đó đẹp lắm, mệnh danh Venice phương Bắc, đẹp hơn Moscow nhiều, cũng không bị tắc đường như Moscow, chi phí không đắt đỏ như Moscow, tư dinh tổng lãnh sự cũng đã có sẵn mình sẽ không phải đi tìm nhà, người giúp việc cũng có sẵn hết rồi, mà em ạ, từ SP lái xe 2 tiếng là đến biên giới Phần Lan chứ không bị xa xôi như Moscow, ở tuổi này anh chỉ muốn sống vui vẻ đi du lịch cùng em không muốn phấn đấu sự nghiệp nữa blah blah blah.

Sau mấy tháng vật vã, trốn tránh, trì hoãn, cuối cùng thì mình cũng phải bắt đầu nghiên cứu trường lớp và nhìn ngó đến căn hộ mới để trang bị đồ đạc, chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Venice phương Bắc.

Một ngày tháng 5, hôm trước Nga vừa trục xuất hơn 20 nhân viên ngoại giao Ý trong một động thái trả đũa hành vi tương tự chính phủ Ý đã làm trước đó, ngài về nhà, em ơi, đại sứ muốn anh đến Moscow mà anh cũng muốn chấp thuận lời đề nghị đó, nó tốt cho sự nghiệp của anh.

Ôi mẹ ơi, trường con đã xin, đủ thứ thủ tục nhiêu khê giục giã và các bài kiểm tra lên kiểm tra xuống đã gần xong, đồ đạc đã sắm sửa gần hết cho căn hộ rộng tênh ở Saint Petersburg. Lại còn cẩn thận chuẩn bị 300 cái đĩa để dùng cho event buffet tại nhà. Nói thật nghe cái tin sét đánh ngang tai kia, mình chỉ muốn ngã vật xuống đất rồi từ đó nằm luôn khỏi dậy nữa.

Trước đòi đi SP thì SP hơn Moscow mọi bề. Giờ muốn đi Moscow thì Moscow lại hơn SP mọi nhẽ. Muốn tử tế yên ấm hay gì.

Chỉ còn chục ngày nữa là phải lên máy bay mà đến giờ visa vẫn chưa thấy tăm hơi, đồ đạc trong nhà vẫn tanh bành chưa biết mang cái gì để lại cái gì, xe vẫn chưa bán, nhà mới vẫn chưa thuê, trường mới vẫn chưa làm thủ tục gì. Lũ con tuổi teen nói mỏi mồm mới động đậy tay chân tí ti. Chồng thì cần phải viết hẳn tuyển tập chứ một entry này tả không hết. Lại thêm cowshit 19 làm cả nhà sẽ phải làm xét nghiệm trước khi lên máy bay. Ngài đã cảnh báo trước nếu ai dương tính thì em sẽ phải ở lại chăm còn việc anh đi là anh cứ đi. Éo giề, cứ làm như bà muốn đi lắm.

Bình thường mình là người vô cùng chính xác, thế mà từ hơn tuần nay mình đã làm rơi, đánh vỡ, đứt tay, không cắt vào tay thì cũng xẻo sứt mấy cái móng tay, rồi quên nhớ lẫn lộn không biết bao lần. Vụ này xong xuôi là lại làm mình già xọm cho xem, nếu như mình không đột quỵ nửa chừng.

Friday, July 22, 2022

22/7/2022

...Đường dốc xuống núi. Núi dốc xuống biển. Biển xanh lam thiên đường. Những con đường ra biển thơm thơm mùi thông. Và những bờ biển cát trắng hoang vu sực nức mùi của những bụi hương thảo và cúc tần.

Căn nhà gỗ bé xíu nhìn ra biển, ngồi trên giường một bước là ra được đến cửa, với tay là chạm cửa sổ. Hiên nhà bé xíu chỉ để vừa hai cái ghế, tán thông trên đầu, biển xanh trước mặt, xung quanh um tùm cây cối. Nhà gỗ nhỏ đồ đạc tối thiểu. Hiên nhà vắng không ai đi qua. Nhà nhỏ và giản dị thế mà lại có tấm gương rất to, thật là phù hợp với người theo chủ nghĩa tối thiểu và thích soi gương như mình.

Phòng nhỏ và hiên nhà không ai qua nên cửa không cần đóng, quần áo có khi không cần mặc mà cũng không thấy thiếu.

Buổi trưa ăn xong, quăng quần áo gò bó vướng víu, mặc một chiếc váy lụa mát rượi, đọc Hoàng tử bé rồi lăn ra ngủ trưa trong tiếng sóng biển và tiếng thông reo rì rào. Hoàng tử bé yêu bông hoa, nhưng tình yêu làm cậu mệt mỏi, sự phức tạp khó hiểu của bông hoa làm cậu mệt mỏi, như đàn ông hay mệt mỏi hoang mang vì đàn bà. Cậu bỏ đi. Cậu đi rất xa, nhìn thấy rất nhiều, hiểu ra rất nhiều… Cuối cùng, cậu phải chọn cách cho con rắn độc cắn chết mình, để quay trở lại chăm sóc che chở cho bông hoa mà dẫu đi xa đến đâu đầu óc cậu vẫn không thể ngừng nghĩ về nó.

Khi buồn, tôi hay ngắm hoàng hôn. Ở hành tinh bé xíu của tôi có thể ngắm hoàng hôn nhiều lần trong một ngày. Khi mặt trời lặn hẳn chỉ cần dịch cái ghế một chút là lại được ngắm hoàng hôn lần nữa. Có lần chỉ trong một ngày tôi đã ngắm hoàng hôn cả thảy bốn mươi ba lần...

Vậy ngày hôm đó chắc cậu phải buồn lắm lắm?...

-          Vâng, em yêu anh. Anh không biết điều đó, là lỗi tại em không nói. Điều đó giờ cũng không quan trọng nữa. Cả anh và em, chúng ta đều ngốc nghếch quá đỗi. Chúc anh hạnh phúc. Anh cất cái chụp thủy tinh kia đi. Em không cần nó nữa.

-          Nhưng gió sẽ làm em lạnh rồi ốm...

-          Em không dễ ốm thế đâu. Em là một bông hoa, gió mát cũng tốt cho em.

-          Thế nhỡ có con gì đến ăn em…

-          Vài con sâu em chịu được, nhất là nếu em muốn được chiêm ngưỡng chúng nở thành những con bướm. Em nghe nói những con bướm đẹp lộng lẫy lắm. Nếu không có chúng thì ai sẽ đến thăm em ? Anh thì sẽ ở rất xa. Còn nếu có con gì to hơn định đến ăn em thì em cũng không sợ. Em có gai cơ mà.

Nói đoạn bông hoa ngây thơ chìa ra những chiếc gai nhọn mà nó có, tất cả chỉ có 4 cái. Rồi nó nói thêm :

-          Thôi, cứ chần chừ thế này khó chịu lắm. Anh đã quyết ra đi, vậy thì anh cứ đi đi.

Vì bông hoa không muốn hoàng tử bé nhìn thấy nó khóc. Nó là một bông hoa kiêu hãnh như thế…

P.S: hồi còn trẻ đọc thì chỉ biết là hoàng tử bé sẽ trở về với bông hoa của cậu. Bây giờ đọc lại lại tự hỏi trên đời này có bao nhiêu hoàng tử bé, khi quyết định trở về, thì bông hoa đã không còn ở đó nữa...

Tuesday, July 12, 2022

12/7/2022

 

Ngài bảo nhà gỗ, nhìn ra biển. Mình bèn vác theo máy tính. Kế hoạch là ngài và bọn trẻ con thoải mái đi chơi thể thao, bơi lội, tắm nắng, còn mình ngồi bên song cửa sổ biển xanh rì rào trước mặt và viết blog hoành tráng, bõ công cả tháng trời thành Rome nóng như nung chẳng có hứng viết lách gì. Ai ngờ nơi đảo xa heo hút, sóng điện thoại không vào được tận phòng. Con laptop cà khổ của mình thì cứ rút phích cắm là nó tắt cái bụp nên cũng chẳng mơ vác nó đi chỗ khác ngồi viết. Mà viết blog phải đánh máy loách choách mới có không khí chứ mổ cò trên điện thoại mất hứng. Thôi vậy. Mình phải đi chèo thuyền kẻo chỉ ăn với ngủ lại béo ra. Chúc các cụ nghỉ hè vui vẻ. 
P.S: ở bài trước mình cho hiện lên 2 bình luận. Các cụ đọc cho vui, không cần nói gì ;-)