Saturday, November 25, 2017

Oliver Twist



Đức Tổng giám mục, gặp mình mấy ngày sau event từ thiện của mình, vẫn bảo “Tôi ấn tượng với chị quá”. Chị Trưởng đại diện Liên hiệp quốc ở đây, là một trong những người có mặt tại event của mình, cũng bảo “Chị đã thuyết phục được tất cả mọi người”.
Trước sự kiện, nhà báo liên lạc muốn đến dự. Mình bảo các anh có thể đến dự, nhưng tôi sẽ không chi tiền để viết bài. Thợ ảnh chụp event cũng không có. Tiền phong bì cho nhà báo và trả công thợ ảnh, mình thà để dùng vào việc từ thiện. Mình có tổ chức event để lấy tiếng đâu mà cần báo chí với ảnh ọt lăng xê.
Mình nhớ hồi ở Dubai, thỉnh thoảng các phu nhân Tổng lãnh sự cũng hay tổ chức các chuyến thăm từ thiện nọ kia. Nhưng nhiều người muốn mang theo thật nhiều báo chí để chụp ảnh viết bài rầm rộ, chứ đi thầm lặng là không chịu đi. Gặp những đoàn từ thiện thế là mình không đi. Quần là áo lượt mang một đoàn tiền hô hậu ủng theo, tiền bao nhiêu chi cho báo chí hết, số tiền thực sự đến được tay người cần chẳng còn được là bao. Chưa kể còn phải tạo dáng săn sóc đối tượng ra vẻ ân cần để còn chụp ảnh lên báo. Lố bỏ cha. Có lần, hội các phu nhân muốn làm từ thiện bằng cách tặng quà nhân dịp gì đó cho trẻ em bị ốm trong một bệnh viện. Mình nhìn danh sách quà bệnh viện gửi sang cho bọn mình mua, thấy trẻ em đòi đồng hồ và Ipad một cái là mình từ chối luôn. Chắc chắn mình làm những người trong hội khó chịu lắm nhưng mình chả quan tâm. Mình tiền không có nhiều, thời gian rất thiếu và không cần nổi tiếng, do đó không buộc phải làm từ thiện bằng mọi giá. Mình chỉ làm khi thấy nó thực sự có ý nghĩa.
Mình dự nhiều sự kiện từ thiện. Nói thật, nhìn qua là biết người tổ chức có thực tâm từ thiện hay chỉ dùng từ thiện để làm đồ trang sức, để lấy tiếng, lấy danh, để hút tài trợ. Nhiều sự kiện, chỉ cần liếc mắt nhìn là biết đây là kiểu từ thiện trăm voi chả được bát nước sáo.
Trong các kiểu làm từ thiện, mình quan tâm nhất đến việc trợ giúp xây cơ sở hạ tầng và giúp cho người nghèo có công ăn việc làm. Mình đặc biệt không hào hứng với việc phát quà phát đồ ăn. Những hình thức phát nọ phát kia này chỉ nên dùng 1 lần trong tình huống khẩn cấp, chứ thành thói quen thì hại nhiều hơn lợi. Ở châu Phi này, nơi ai đến cũng hăm hở muốn làm từ thiện, đã hình thành nên một tâm lý ỷ y vào sự trợ giúp từ bên ngoài rất khó bỏ, và nhất là tạo nên một thế giới ngầm phức tạp. Những món đồ từ thiện đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới sẽ được tuồn ngay ra chợ đen bán kiếm lời, làm giàu cho các thể loại môi giới, trung gian, cò từ thiện, chứ nào có đến được tay người nghèo.
 Hôm mình hứa đến thăm trung tâm của cha F, mình đã định bụng dặn cậu liên lạc là dặn cha đừng chuẩn bị gì để đón tiếp mình, đồ ăn trưa của mình mình đã tự mang theo. Nhưng rồi con mình ốm nên mình phải hủy lần thứ nhất, và sau đó nhiều việc quá nên mình quên. Lúc đến giờ ăn trưa, cha mời cả đoàn vào canteen ăn cùng bọn trẻ con. Bọn trẻ con cầm đĩa xếp hàng, mỗi đứa đến lượt là được múc cho một nắm gì to tướng nhìn như ngô giã nhuyễn, rưới lên trên một ít nước sốt cà chua. Bữa trưa chỉ có thế. Đứa nào đứa nấy bê đĩa về chỗ ngồi ăn rất ngoan. Ăn xong điệu bộ có vẻ thèm thuồng ngó nghiêng nhưng không đứa nào xin thêm. Không thấy ông nào nổi loạn như Oliver Twist. Hồi bé, đọc Oliver Twist và nghe nhà văn bơm thổi, thấy cậu bé Oliver thật dũng cảm, thật cách mạng, dám chống lại cả dàn quản lý hà khắc của trại trẻ mồ côi. Giờ già, hiểu rằng những trại trẻ thế này thường hoạt động với kinh phí rất hạn hẹp, thậm chí toàn bằng tiền hảo tâm của xã hội chứ chẳng có nguồn nào chính thức. Việc duy trì được bữa ăn hàng ngày cho trẻ con cũng đã là cố gắng lắm. Ông nào cũng như ông Oliver thì chắc cả trại treo niêu sớm.
Lại trở về bữa ăn trưa ở canteen, bàn của mình cha bảo dọn đồ ăn riêng. Có mỳ Ý và liễn súp rau. Mình múc mỗi tí súp rau ở trên nên không để ý ở dưới đáy liễn. Lúc chị đi cùng đoàn nhờ mình múc cho chị ý súp rau thì mình mới cầm cái muôi xúc sâu xuống, và mới phát hiện dưới đáy liễn toàn đùi gà nằm san sát. Mình quay sang bảo cha “Nếu có đồ ăn ngon, cha hãy giữ cho bọn trẻ”.
Lúc mình về, đúng giờ ngủ trưa của bọn trẻ con. Nhưng chúng nó không ngủ mà cứ ở trong phòng thập thò nhìn ra, thấy mình nhìn lại là hò reo vẫy tay rối rít. Được, cứ vui thế là tốt.
Trẻ con vui thì còn được, chứ người lớn vui là bị ghen sấp ghen ngửa đới hehe.
Ảnh: ai thích biển những ngày nắng đẹp, tui chỉ thích biển những lúc trời nổi giông bão.

Sunday, November 19, 2017

19/11/2017



Ngay từ dạo tháng 9 mình đã bảo ông “Tháng 11 vợ chồng mình sẽ cực kỳ bận, lại có khả năng phải đón chuyến thăm của Thủ tướng. Thế nên việc gì làm được thì phải làm trước đi”. Dĩ nhiên là ông chả thèm cho vào tai. Trên đời có 2 kiểu người bình chân như vại: kiểu một bình chân như vại vì đã trù bị mọi thứ. Kiểu hai bình chân như vại vì chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Ông thuộc kiểu thứ hai.
Y như mình dự đoán, cách đây chục ngày, Thủ tướng Ý quyết định sẽ đến Ghana vào cuối tháng 11. Từ đó, cứ mình bảo ông làm gì ông đều nại lý do “Anh phải chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng” để từ chối. Mình cứng họng. Chuyến thăm của Thủ tướng thành kim bài miễn tử của ông.
Thế tức là toàn bộ events phải host trong tuần lễ ẩm thực Ý, vẫn trong tình trạng bát nháo tùng phèo, ông thảy hết cho mình vào phút cuối. Event đầu tiên mời toàn đại sứ và các VIP khác, đúng tháng cao điểm phải mời trước cả tháng mà còn chưa ăn thua, thì đây mình còn 5 ngày nữa là tới event mà giục giã mãi ông chồng quý hóa vẫn không buồn gửi thư mời vì “Ưu tiên của anh là chuyến thăm của Thủ tướng”. Mình biết thân phận vội vàng lên danh sách khách mời rồi gửi email cho các phu nhân đại sứ mời trước. Đến lúc thư mời chính thức từ văn phòng ông gửi ra, đợi 2 ngày, nhõn một đại sứ trả lời. Mình lại gọi điện cho từng người một, và ngay hôm sau mang danh sách confirmed lên văn phòng cho cô trợ lý của ông chỉ việc copy vào. Cậu tổng quản lý Kempinski tấm tắc khi thấy tất cả những người được mời đều có mặt, ngồi kín các bàn. Event ẩm thực sao Michelin, cộng thêm màn biểu diễn opera của các nghệ sĩ Ghana, thành công rực rỡ. Giới social elite ở Accra xôn xao. Người được mời thì trầm trồ, người không được mời thì ghen tỵ. Anh hàng xóm bảo “Everybody is talking about your event”.
Sau event đó, chưa kịp thở thì 2 hôm sau là event ăn tối sit-down tại nhà cho 50 người, mời Phó tổng thống và mấy Bộ trưởng, và giới siêu giàu ở Ghana. Ăn tối ngoài hiên mà cảnh vệ khoác súng máy lượn vè vè, và vệ sĩ đứng vòng trong vòng ngoài. Ngoài cổng thì xe chống đạn chắn và cảnh sát đứng dày đặc. Nói thật xong một buổi ăn tối như thế, mình mệt phờ mấy ngày liền.
Nhưng không được nghỉ ngơi, vì ngay 3 hôm sau đó là đến buổi ăn tối từ thiện mà mình tự host chứ ông thì ngồi vểnh râu không liên quan gì. 1 tuần trước buổi ăn tối từ thiện này, mình mới nhận ra rằng số vé bán ra chỉ được 1/3 và đã chững lại từ lâu. Mình trước giờ không chú ý tới việc bán vé vì tưởng phần mình chỉ là đi xin tài trợ, nhiệm vụ bán vé là của những người còn lại trong nhóm, mà họ cũng bảo rằng vé dễ bán lắm. Hóa ra là vé chả dễ bán như các con giời tưởng, thế nên các con giời trông đợi hoàn toàn vào mình vừa đi tìm tài trợ và vừa đi tìm cả người mua vé. Teamwork thế này thì chết tôi.
Thế là trong tuần qua, ngoài việc cong đít lo cho events của ngài, thì mình còn phải cong đít đi bán vé và tổ chức event của mình. May quá mình chưa đột quỵ và cuối cùng mọi việc diễn ra tốt đẹp. Event của mình kín chỗ, phải tuyên bố hết vé trước ngày diễn ra. Số tiền thu về từ việc bán vé sau khi trừ chi phí vốn rất ít vì xin được nhiều tài trợ, đã đủ làm dự án từ thiện của mình nên mình hoàn toàn không bị sức ép tài chính, phần bán vé rút thăm trúng thưởng và đấu giá, được thì được mà chả được thì thôi. Nhưng không ngờ khách đặc biệt hào phóng, raffle tickets để rút thăm trúng thưởng 1000 vé bán hết veo. Đến phần đấu giá, đấu giá xong 4 món thì mình đã yêu cầu MC dừng vì đã thu được quá số tiền cần thiết, nhưng thực khách nhao nhao phản đối đòi đấu giá nốt 2 món còn lại. Và đến gần nửa đêm vẫn cười nói rổn rảng không chịu ra về. Trong đám thực khách có cả Marcel Desailly. Sau bài phát biểu của mình cậu ấy ra bảo mình “Em cần bất cứ giúp đỡ gì về kinh nghiệm làm từ thiện và xin tài trợ thì em cứ bảo tôi”, và cũng là người trả giá cao ngất ngưởng cho một chiếc lọ thủy tinh Murano trứ danh của Ý, một món đồ trong chương trình đấu giá của mình.
Hơn 1h sáng mới về tới nhà. Hôm sau cô con gái út sáng sớm đã đòi “mamma nấu phở cho Na”. Thế là lại lò mò dậy nấu. Cả tuần mình bận điên cuồng, bỏ con cho người làm, chắc họ để lũ Lê La Na chơi điện tử đến run tay mờ mắt. Khổ thân lũ con ngoan của mẹ. Thân này ví xẻ làm trăm được.
PS: Cả tuần mình bơ phờ hốc hác, tay liên tục bấm điện thoại. Gặp mình ở một event, một bà, phu nhân đại sứ lớn tuổi hơn mình nhiều, bảo “Hồi trước tôi cũng như em, làm rất nhiều việc. Nhưng một hôm, đang trên đường lái xe đến đại sứ quán, tự dưng cảm thấy không chịu nổi nữa, tôi òa khóc rồi quay xe về nhà, không làm nữa”. Chắc mình cũng sắp đến ngưỡng đó rồi.
Ảnh: hỉ hả sau một event thành công. Trong ảnh mồm ông lại đang há ra, chắc lại đang chỉ đạo cái gì đó. Để yên cho làm thì làm cái gì cũng dở, nhưng cứ người khác làm thì lại chỉ đạo rất nhiệt tình. Là sao? 

Monday, November 6, 2017

Linh tinh



Anh chị bạn mời sang ăn tối nhân dịp mới có bộ đĩa Herendi. Bạn nào ở Hungary sẽ biết danh tiếng của đĩa Herendi. Bộ đĩa trắng, hoa văn vẽ tay màu xanh lá cây cực kỳ tinh xảo. Dùng đĩa đẹp ăn quả cũng thấy ngon miệng hẳn lên.
Ở nhà mình dùng bộ đĩa của Richard Ginori. Richard Ginori là hãng đồ bát đĩa cực kỳ nổi tiếng của Ý. Những bộ đẹp, giá có thể lên đến vài trăm euro hoặc nếu đặc biệt nữa thì vài nghìn euro một món. Mà một bộ hoàn chỉnh để phục vụ một buổi ăn tối 12 người chẳng hạn, thì cần đến cả trăm món, từ bát, đĩa sâu, đĩa nông, đĩa to, đĩa nhỏ, cốc, tách, bát tô, thìa, liễn vv và vv. Chắc vì đắt đỏ quá mà khâu tiếp thị lại hơi kém nên sản phẩm đẹp thế, tên hiệu nổi tiếng thế, mà suýt phá sản. Mấy năm trước hồi mình vẫn còn ở Dubai, một lần ăn tối với mấy sếp của Gucci, các anh ý bảo mình Gucci vừa mua lại Richard Ginori, sẽ phục hưng lại nhà máy và tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Có lần mình chạy qua một mall ở Dubai, thấy có cửa hàng của Richard Ginori. Dù bụng quả cũng tò mò sản phẩm gửi sang bán ở thị trường Ả rập sến rện như này thì không biết phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp ra sao, nhưng vội quá không kịp rẽ vào xem.
Lại nói vụ đĩa bát, các ladies thừa tiền nhưng thiếu sành điệu ở Dubai rất hay dò hỏi các tên hiệu nổi tiếng để tậu về. Từ bát đĩa, quần áo thời trang, đồ trang sức vv và vv. Quần áo thời trang thì dễ rồi, vì quảng cáo đầy ra. Nhưng bát đĩa thì khó hơn. Có lần mình nhớ một chị người Ấn độ, chồng có lẽ là một trong những doanh nhân giàu nhất Dubai, ngồi ăn tối thích bộ đĩa của chủ nhà quá nên lật cả trôn đĩa lên xem hiệu gì để còn đi mua. Một quy tắc tối thiểu trong giao tiếp ứng xử, là có tò mò mấy hay thích đến mấy cũng không lật cổ áo người khác ra xem hiệu gì, nhòm vào lòng giày người khác xem hiệu gì, hay lật trôn bát đĩa cốc chén đồ bạc nhà người ta lên xem hiệu gì.

Có lần, mình vừa vác xác đến một event, chào hỏi loanh quanh một lúc rồi mới đi lại bàn nơi các ladies tụ tập. Chắc đã bị soi từ xa nên vừa đến nơi một cái một chị chỉ cái quần mình đang mặc hỏi ngay “Đây là mốt mới nhất ở Paris đúng không?”. Nghe xong mình không nhịn được cười phá lên. Mốt mát gì đâu, cái quần mình tự đi mua lụa rồi ra thợ may, rẻ rề ra mà các ladies lại cứ tưởng mốt Paris. Một lần khác, cũng một chị người Ấn độ, cũng hỏi mình “Quần áo chị đẹp thế. Chị hay đi mua quần áo ở đâu? Ở Paris hả?”. Chắc chị ý thấy mình hay mặc đồ ren, mà lại chuộng ren Pháp, nên lại tưởng vợ của chàng Favilli, nô bộc của dân, cứ thỉnh thoảng lại đáp chuyến bay sang Paris, London, Milan, sắm sửa như các chị ý. Riêng chuyện ngông với tiền của dân Dubai thì kể cả ngày không hết. Trong đó có giai thoại rất nổi tiếng là có thành viên hoàng gia còn cử hẳn một chuyến máy bay riêng sang châu Âu đi về trong ngày để mua một bộ chén đĩa phục vụ cho tiệc trà vào ngày hôm sau.
Đang từ nơi xa hoa bậc nhất thế giới bọp một cái chuyển sang châu Phi, mình thời gian đầu quả cũng hơi bị loạng choạng. Thế nên là rất hào hứng nhận lời mời ăn tối vì bộ đĩa Herendi. Bộ đĩa công nhận đẹp thật. Ngồi ngắm không khỏi ăn cũng thấy cam lòng.
Mình có hai ước mơ nho nhỏ. Ước mơ nho nhỏ thứ nhất là có một ngày sẽ lập tại Hà nội một trung tâm nho nhỏ dạy mọi quy tắc về ăn uống lễ nghĩa, dạy những kiến thức tối thiểu về chén đĩa, đồ bạc, rượu, cách ăn mặc vv. Sẽ mời từng chuyên gia về dạy từng chuyên đề. Sẽ chú trọng dạy cho trẻ em. Hồi mình học năm cuối đại học, nhà trường có thêm vào một môn rất phụ, gọi là môn Lễ tân ngoại giao. Môn này phụ đến mức cho sinh viên học vài buổi cho biết chứ không thi và không tính điểm. Nhưng mình vẫn nhớ mình đã “Eureka đúng cái mình cần”, đã say mê nuốt từng lời thầy giảng, đã ghi chép lia lịa, đã hỏi thầy bao nhiêu câu thế nào. Một môn học thiết thực như thế lại là môn phụ của phụ, còn những môn vô bổ thì cứ bắt sinh viên hành xác hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ trên giảng đường. Lạ thật.
Còn ước mơ nho nhỏ thứ hai thì thôi để lúc nào có dịp thì sẽ tiết lộ.

Ảnh: Hồi lâu lâu dọn nhà tìm thấy quyển sách này. Quyển sách viết về bàn ăn của các gia đình có vai vế ở từng thành phố của Ý. Đây là bàn ăn của mẹ chồng, hoa hái từ vườn, dùng bộ bát đĩa Limoges. Trang sau là bàn ăn của nhà Ferragamo và mấy trang sau nữa là của nhà Gucci.