Sunday, September 25, 2016

Vật khinh hình trọng



Sau khi nhà mình chuyển ra khỏi biệt thự Jumeirah ở Dubai thì có gia đình chuyển vào ngay. Anh chồng đang làm tổng quản lý một chuỗi khách sạn hạng sang và sẽ là tổng quản lý của một khách sạn đang xây, tương lai sẽ là một trong những khách sạn xịn nhất Dubai, tọa lạc ở vị trí cũng xịn nhất Dubai. Ở được đúng một tháng, anh ấy gửi thư kêu cứu mình, cc cho cả ngài “G ơi hóa đơn điện nước nhà tao tháng trước là từng này, thế này thì có bình thường không hả G”. Hóa đơn điện nước cho 5 người cộng 2 người làm, gấp đôi nhà mình mà nhà mình còn nhiều người ở hơn.
Mỗi khi làm việc nhà, mình hay nhớ tới bà ngoại. Bà ngoại hay bảo “vật khinh hình trọng”, ý là có nhiều thứ nhìn thì xoàng xĩnh nhưng rất hữu dụng, chớ có khinh thường.
Trên sàn bếp, dưới chậu rửa mình luôn để một cái khăn. Nước văng ra là dùng ngay khăn đó lau đi. Xào rán cái gì bắn tung tóe là để cái khăn ngay đó để hứng mỡ khỏi bắn xuống sàn. Sàn bếp do vậy giữ sạch được lâu hơn. Nhiều nhà để sàn bếp ướt nhem, dầu mỡ bắn tung tóe, đi qua đi lại vài lần là bẩn nhoe nhoét. Không lau thì bẩn mà lau thì tốn sức, tốn nước, tốn xà phòng.
Lúc nào nấu ăn trên mặt bàn bếp mình cũng để một cái túi nilon. Ở Ý dùng túi biodegradable thì còn tốt nữa. Mọi thứ rác nhà bếp trong khi nấu ăn đều cho vào đó, ăn uống dọn dẹp xong xuôi mới cuộn cái túi lại và vứt vào thùng rác bên dưới chậu rửa. Làm như thế vừa gọn ghẽ vừa đỡ công phải cúi xuống mở tủ ra vứt rác vào không biết bao lần trong khi nấu ăn, khỏi làm rỏ nước bẩn xuống sàn nhà, sàn tủ và xuống cánh tủ bếp, nhất là khỏi phải đóng mở cánh tủ liên tục. Các bạn cứ để ý, nhiều nhà cánh tủ bếp bên trong có thùng rác lúc nào cũng có nước bẩn dính thành vệt, không lau chùi là lên mốc, và cánh tủ này sẽ bị xệ hoặc gỉ sớm hơn những cánh tủ khác, là vì lý do ẩm ướt và đóng mở liên tục này chứ đâu. Hơn nữa, việc rác buổi nào cuộn gọn vào túi nilon buổi đó rồi mới vứt vào thùng rác cũng giảm thiểu vụ mùi hôi và ruồi muỗi vo ve.
Sáng ngủ dậy dọn phòng ngủ xong là tắt điều hòa khóa cửa phòng lại. Phòng ngủ cả ngày không dùng, đóng lại để hạn chế diện tích nhà phải dùng điều hòa làm mát. Lúc nào cần ngủ, bật trước 10 phút là đủ mát. Động tác đơn giản vậy thôi nhưng tiết kiệm được rất nhiều điện năng, nhất là khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh nhau đến 20 độ.
Khăn tắm nhà ai giặt liên tục mình không biết, chứ khăn tắm nhà mình có khi 10 ngày mới phải thay một lần mà vẫn không bị hôi. Lý do là dùng khăn lau người xong thì ngay lập tức treo lên và phải treo banh ra cho khô thoáng. Khăn tắm dùng xong mà chỉ mắc thõng thượt lên mắc, không có động tác phơi banh ra này, thì chỉ 1, 2 ngày là có mùi hôi ẩm giặt bao nhiêu cho vừa.
Hồi ở Dubai, sau khi thấy cảnh giúp việc có 3 cái mảnh quần áo cũng ném vào máy giặt rồi bật cho chạy ầm ầm, ngày nào cũng giặt như thế, nói mãi không chuyển, và vài vụ giúp việc giặt hỏng những món đồ đắt tiền, thì mình tự giặt đồ lấy. Mẻ quần áo màu mạnh, mẻ quần áo màu nhạt, mẻ đồ trắng tinh, tuần giặt 1 lần. Ai lỡ tàu thì ráng chịu đợi tới tuần sau mới có lần giặt tiếp theo. Các loại khăn tắm và đồ trải giường giặt cùng nhau nhưng không giặt chung với quần áo, nhất là quần áo trẻ con lấm bẩn, nên không cần tốn tiền mua chất tẩy trắng mà đồ vẫn trắng tinh. Các loại thảm nhà tắm thay hàng tuần nhưng gom lại tháng giặt một lần. Các loại tạp dề, khăn lau tay, trải bàn, thay ra gom lại giặt riêng 2 tuần 1 lần. Đồ nào xịn quá thì phải giặt tay bằng xà phòng nhẹ. Và vì hạn chế giặt giũ và hạn chế hóa chất nên đồ rất ít hỏng, có sứt sẹo thủng lỗ một tí thì bỏ thời gian ra ngồi mạng lại tí là xong, rất ít khi phải mua đồ mới.
Xà phòng dầu gội dùng hạn chế. Báu gì mấy loại hóa chất mua thì hại túi tiền, bôi lên người thì hại da tóc, xuống cống thì hại môi trường.
Đồ hộp thủy tinh ăn hết rửa sạch giữ lại cái lọ. Đựng đồ ăn vào lọ thủy tinh chả tốt hơn vạn lần đồ nhựa độc hại, lại đỡ khoản tiền phải mua hộp nhựa.
Ở xứ sa mạc, xăng rẻ chứ nước lã lại đắt vô cùng. Chậu nước rửa rau xong, sao lại đổ tuột xuống cống trong khi bồn hoa ngoài cửa đang khô khỏng sau một ngày nắng nóng bốn mươi mấy độ. Chịu khó đi vài bước chân, có mất công sức gì đâu. Hoa lại được uống nước ngọt, sáng hôm sau tươi tắn hoa nở rộn ràng. 
Cứ chịu khó như thế, hóa đơn điện nước giảm đã đành, mà ngay cả hóa đơn đi chợ cũng giảm vì không phải mua nhiều xà phòng, chất tẩy rửa hay các thể loại đồ linh tinh bọn sản xuất chúng cứ vẽ ra chứ thực ra không có cũng chẳng sao.
Thế cho nên mình đảm bảo không ai có thể tưởng tượng mình có thể quản lý một căn nhà lớn với chi phí thấp như thế.

Nhiệm vụ đầu tiên, sau khi ổn định trường lớp và các khóa học thêm cho con, là giảm chi phí cho tư dinh đại sứ ở đây. Nhà khá lớn, cộng vườn khá rộng, lại nhiều người làm, chi phí nhiều khủng khiếp. Lại một đống việc chất lên bàn. Đời chả bao giờ thong thả được đâu.

 Trở lại vụ email ở trên, mình bảo ngài “Giờ mà tháng nào cũng phải trả từng này tiền điện nước thì chắc anh chẳng bao giờ dám bảo vợ anh “cứ thư giãn đi, học cách tận hưởng cuộc sống đi” đâu anh nhỉ”. Ngài im thít. Ngài thường chê vợ ngài không biết tận hưởng cuộc sống khi thấy con vợ ngài thay vì ngồi vểnh râu cho ra dáng phu nhân thì lại cứ luôn tay luôn chân sát sao quản lý mọi thứ trong nhà rồi nhiều việc quá làm không xuể nó còn sai ngài chạy như con lật đật.

PS: Mình gặp nhiều phụ nữ, tiền không làm ra mà lãng phí phát kinh. Có cặp vợ chồng mình biết, chồng kiếm tiền cũng khó, nhiều lúc tiền kiếm chẳng ra lo sốt vó phải vay chỗ nọ đập vào chỗ kia. Thế mà vợ thì chuyên đời để đồ ăn mốc meo trong tủ lạnh. Mua toàn đồ ngon, đồ gì cũng chỉ ăn một lần rồi bỏ xó. Bỏ xó đến lúc nào tủ lạnh đầy ặc, đồ mới mua về hết chỗ để, thì mới lôi đồ cũ ra thẳng tay vứt vào thùng rác. Vừa vứt vừa chửi chồng không vứt để cho nó phải động tay vào. Sợ quá. Thôi ông Ale ạ, lớn lên có ế thì về ở với mẹ, chứ đừng rước một con tây vừa lười vừa hỗn vào nhà mình ông nhóe, mẹ xin ông. 

57 comments:

  1. Đúng là phải có kế hoạch sử dụng từng thứ thế này, thì mới tiết kiệm được chị nhỉ.
    Nhưng phải học và thực hành thì mới thành thói quen được, chứ gặp ai làm biếng là lãng phí biết bao nhiêu.
    Nhà em cũng có cách giặt đồ và phơi khăn giống chị.
    Ở SG mùa này sáng và trưa nắng vỡ đầu, nhưng chiều lại mưa. Đồ em phơi mất hết mùi nắng rồi chị ơi. À! chị có kinh nghiệm dùng máy sấy thì cho em hỏi chút: Máy đó có tốn điện không chị? Và dùng tiện hơn phơi đồ phải không chị? (cám ơn chị G trước)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không có nắng thì phơi bằng gió còn bền đồ hơn, em ạ, nhất là đồ màu. Em có thể tạo ra luồng gió bằng cách mở thông hai cửa.
      Chị có dùng máy sấy một thời gian vì hồi đó không có kinh nghiệm nhưng nhiều năm nay có kinh nghiệm rồi thì không dùng nữa. Ở nơi xứ lạnh, mùa đông dùng sưởi nên không khí rất khô, quần áo giặt xong phơi trong nhà mấy tiếng là khô cong. Còn chỗ chị ở bây giờ, không khí rất ẩm ướt nhưng đồ giặt buổi sáng xong mang ra sân phơi cũng khô ngay.
      Máy sấy tốn điện chỉ là một phần thôi, chủ yếu là nó cực hại quần áo và tạo ra rất nhiều bụi vẩn trong không khí. Em cứ dùng máy sấy một thời gian sẽ thấy quần áo cũ rất nhanh và khu vực quanh máy sấy bụi hơn nơi khác rất nhiều.

      Delete
  2. hehe, comment mỗi câu cuối thôi. Nhỡ ông ý không ế, lại có một đàn các con Tây vừa lười vừa hỗn cứ bu vào ông thì mẹ phải làm sao?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì mẹ ông sẽ tìm cách đuổi khéo hihi. Nhưng nếu ông cứ quyết thì mẹ ông cũng phải chiều ý ông thôi, tự làm tự chịu. Cứ bập vào, không nhá nổi thì sẽ phải nhả ra haha.
      Nhưng chị thấy trước tương lai thằng con trai duy nhất giống ông chồng mình rồi. Rằng thì là giỏi thì cũng giỏi đấy, nhưng tính tình như người giời. Vớ được con vợ chăm chỉ khéo léo thì còn êm ấm, chứ vớ phải con vụng lười đoảng mồm lại quàng quạc bình đẳng nam nữ thì kéo nhau ra tòa sớm thôi.

      Delete
  3. Đọc bài của chị ngại quá, vì em đã từng rất phung phí như thế, một phần do hồi bé bố mẹ ít ở nhà, đươc chiều, một phần do tự bản thân không quan sát rèn rũa.

    Lớn rồi ra đời tự kiếm tiền tự tiêu mới thấy cuộc sống không đơn giản. Cứ học hỏi hoài để sao không phung phí, để có thể mua những món đồ có giá trị dài lâu, để tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, là một người gọn gàng sạch sẽ giản dị.

    Thỉnh thoảng thấy nản mà nhìn list chị nêu trên thì thấy còn phải cố nhiều.

    Đọc xong lại thấy chị là người làm gì cũng thành công. Chắc chắn vậy :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chỉ cần em chú ý quan sát học hỏi và liên tục cải thiện công việc em làm, thì em sẽ phải giỏi chứ dốt làm sao được. Đặc biệt là năm nay em giỏi hơn năm ngoái, năm sau lại giỏi hơn năm nay. Càng già càng giỏi hehe. Cẩn thận đừng để giỏi quá em nhóe.
      Chị thì bị cái may là cứ 4 năm lại liểng xiểng một lần, phải bắt đầu lại từ đầu, lại phải học hỏi mày mò lại từ đầu, nên khả năng giỏi quá là hoàn toàn không có. Chị mới đến đây, lớ ngớ, đang phải trả một cơ số tiền ngu đây.

      Delete
    2. Haha cám ơn chị, em cũng đang cố như vậy, nhưng giỏi quá thì không thể vì mỗi năm em chỉ nhích được chút chút thôi chị ơi :P

      Delete
  4. Nâu nâu bác ơi, i-em ko tây tẹo nào mà vẫn vừa lười vừa vụng đây bác ạ. Nhưng cái khoản một tuần mới giặt quần áo một chuyến như bác, thì phơi phóng thế nào hử bác ơi? Hay bác có máy sấy ạ? Chứ bên em mà làm thế thì chết dở.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mỗi mẻ đồ phân loại ra chỉ giặt một tuần một lần, nhưng các mẻ đồ thì phải dãn nhau ra để còn phơi và còn điều tiết lượng công việc cho người làm chứ em. Ví dụ, mẻ đồ màu nhạt chị luôn giặt vào đêm thứ năm, là ngày học cuối cùng trong tuần của con chị. Sáng hôm sau dậy phơi. Mẻ đồ màu đậm thì luôn giặt sáng thứ 6, giặt xong phơi luôn vì đồ đậm giặt xong nằm trong máy giặt quá lâu sẽ bị lem màu sang nhau. Hai mẻ đồ này phải giặt như thế để đầu tuần trẻ con có đồ đi học luôn vì đồng phục chị mua cho trẻ con chỉ đủ quay vòng chứ không mua thừa. Mẻ đồ ga gối và khăn tắm thì thong thả giặt một ngày nào đó trong tuần, vv và vv.

      Delete
  5. rất cảm ơn em về các việc chia sẻ các kinh nghiệm hay, tiết kiệm cho gia đình. Viết them đề tài này nữa nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, chị, nếu có nhiều thời gian em sẽ ngồi tổng hợp. Làm nội trợ rồi mới biết, không chịu khó suy nghĩ và điều chỉnh liên tục thì tiền bao nhiêu cũng tiêu sạch bách được.

      Delete
  6. Em thích sự tươm tất của chị quá. Lúc nào cũng có cảm giác chị là một người rất well-grounded trong mọi chuyện, chứ không chỉ mỗi việc nội trợ. Sau này có kết hôn, em hi vọng rồi mình cũng sẽ quản lý gia đình giỏi giang như vậy.

    Em thấy với đàn bà, đẹp xấu chưa nói tới, nhưng sự tươm tất rất quan trọng. Hôm trước em có nói chuyện với một cô lớn tuổi, thấy cô ý hồn nhiên bô bô kể chuyện rằng em gái cho hai cái áo len xịn đắt tiền lắm (không rõ có phải casmere hay không), thế mà giặt tung toé đến nỗi nó co lại "nhỏ chéo như áo cho trẻ con ba tuổi mặc", thế là liệng luôn khỏi cần nghĩ nhiều. Mấy cái áo rất xịn của ông chồng cũng vài lần chịu chung số phận như vậy, can tội đi giặt khô thì tiếc tiền. Nghe xong thế cũng đành cười trừ chứ biết sao.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị thấy em rất chịu khó mày mò học hỏi và suy tưởng. Người như thế thì có thể ban đầu lạ lẫm thì chệch choạc tí thôi nhưng rồi sẽ giỏi.

      Delete
  7. cho em xin bài này về để học tập với ạ. cảm ơn chị đã viết những công việc tưởng đơn giản mà cần thiết cho các bà mẹ lắm ạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, em. Chị liên tục điều chỉnh. Làm rồi thất bại thì lần sau đổi phương pháp. Làm rồi thành công thì lần sau lại tiếp tục phương pháp cũ. Làm rồi mà chưa ưng kết quả thì suy nghĩ để lần sau làm tốt hơn. Cứ thế, cũng đã nội trợ full time mười mấy năm rồi còn gì :-)

      Delete
  8. Cảm ơn chị đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý gia đình, em học được ở chị bao nhiêu điều hay. Hai bạn La và Na tha hồ được học bao nhiêu từ mẹ thật là may mắn. Nói đến chuyện giặt đồ nhà em dùng tã vải cho trẻ con nên ngày hay cách ngày em phải giặt một lần, giờ em mơ đến ngày chúng nó toilet trained hết để em đỡ phải giặt tã hihi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tã vải hả, em dũng cảm thật hihi. Con chị cứ phải tầm ngoài 2 tuổi rưỡi mới bỏ bỉm được. Giờ lớn đùng hết cả nhưng tối đi ngủ là cứ phải hò đi đái hết lượt rồi mới vào giường. Hôm nào bất thường, kiểu ăn tối có súp hoặc uống hơi nhiều nước, là chị phải đánh thức dậy giữa đêm để bắt đi đái. Chị mà quên thì sáng hôm sau phải thay giặt hết ga giường, hoặc chúng nó trằn trọc buồn đái ngủ không ngon nên hôm sau quấy phá bất hợp tác. Nuôi con vất vả lắm, kể không thể hết được.

      Delete
    2. Bác viết về những trải nghiệm khi nuôi con nhỏ đi bác. Em hóng với. :-)

      Delete
    3. Tã vải chị ạ hihi. Nhưng khi ra ngoài em vẫn dùng bỉm cho trẻ con vì tã vải kích rích quá. Ôi đúng là vất hả chị, mà đang chỉ kể mỗi chuyện đi vệ sinh của chúng nó. Ông thứ hai nhà em giờ hơn ba tuổi ban ngày bỏ tã rồi nhưng đêm em vẫn chưa bỏ vì em thử được một thời gian bỏ tã đêm thì sáng nào cũng phải thay ga nên em thôi đành cho ông mặc tã lại.

      Delete
    4. Thồi, cô Anonymous ở trên cho tôi xin. Sợ trẻ con vãi tè cả ra quần rồi đây.

      Delete
  9. Đọc blog của Giang, tớ biết thêm được rất nhiều điều hay nhé. Riêng bài này, có tí buồn vì tớ không học thêm được gì mấy nhưng lại có niềm vui lớn vì lâu lâu thấy có người giống mình quá, haha. Vụ túi rác trong bếp giống y luôn ý. Bếp nhà tớ còn không có thùng rác vì dùng túi nilon, cuối ngày là vứt ra thùng rác to ngoài sân, vì tớ không thích có chỗ nào trong nhà bị tù đọng mùi hôi. Tớ rất tâm đắc vụ mở cửa tủ nhiều lần, mất thời gian và nhanh hỏng cửa tủ. Việc nhà không tên làm không xuể, nếu một ngày đóng mở cửa tủ thêm nhiều lần, và nhiều việc nhỏ khác cũng như vậy thì mình lãng phí thêm một cơ số thời gian nữa. Tớ còn hay có kiểu, nếu lên gác thì tranh thủ ngó xem có cái gì cần mang lên thì cầm luôn, đi xuống cũng ngó xem có gì cần mang xuống thì xách theo luôn, tránh đi tay không, vì cũng nghĩ có việc cần lại chạy lên hay xuống thì mất thêm chút thời gian và sức lực nữa. Ông xã và bọn trẻ nhà tớ thì rất hay bị nghe cằn nhằn vì cái tội: muốn ăn gì là automatic mở ngăn kéo hoặc tủ lấy bát đĩa, thìa dĩa ra dùng, mà không chịu ngó xem trên cái giá đựng bát đĩa - kê cạnh bồn rửa bát ý- có cái nào khô thì lấy dùng luôn. Như vậy, vừa đỡ công tớ phải xếp bát đũa khô vào ngăn tủ, vừa đỡ công mấy bố con cúi xuống mở tủ, lấy đồ rồi lại đóng tủ,... vân vân và vân vân. Ngày xưa đọc truyện "Tottochan- Cô bé ngồi bên cửa sổ", tớ cứ ám ảnh mãi vụ Tottochan thích cái ngăn bàn, mỗi lần viết thì mở ngăn kéo lấy bút viết xong là cất, sai thì mở ngăn kéo lấy tẩy ra tẩy xong lại cất, làm đi làm lại liên tục cứ thế khiến giáo viên bực mình phải phàn nàn với bố mẹ. Một lần khác, tớ đọc được chuyện pha cà phê đại loại thế này: Một người giải thích riêng việc lấy đường pha cà phê phải mất nhiều động tác như nhấc nắp lọ đường ra, cầm thìa, xúc đường, đổ vào cốc, trả lại thìa, đóng nắp. Khách ra quán ai cũng vậy thì mất một cơ số thời gian đáng kể, chưa tính đến chuyện phải dùng hết lọ đường thì mới cho thêm đường mới, không thì đường cũ cứ bị tồn dưới đáy lọ. Anh ta mới nghĩ ra cái hộp đựng đường có nút ấn dưới đáy lọ (giống bình nước Lavie), khách chỉ cần cho cốc cà phê xuống dưới, ấn nút là xong. Và nhất lúc nào cũng đảm bảo FIFO (first in first out), tức là đường cũ luôn hết trước vì nằm ở dưới đáy hộp. Câu chuyện này làm thay đổi suy nghĩ của tớ nhiều. Lúc nào rảnh một tí, ngồi không, là tự dưng trong đầu tớ luôn lướt qua mọi ngõ ngách trong nhà, ngoài vườn, công việc hàng ngày của mình,... xem có gì có thể sắp xếp, thay đổi, cải tiến được không. Thật sự, nhiều lúc muốn làm quý bà lắm nhưng với cái kiểu suy nghĩ và sống như vậy thì tớ dính với vai doer cả đời rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sư phụ của tui đây roài. Tớ cũng giống cậu khoản lên xuống cầu thang là tranh thủ mang đồ lên xuống luôn, chứ lên rồi lại nhớ ra quên cái gì lại chạy xuống thì có mà chạy lên chạy xuống hết ngày. Việc nhà đúng là ti tỉ việc không tên. Không học cách tiết kiệm thời gian sức lực thì chết. Mình không chỉ là doer, mà mình là doer kiêm thinker đấy cậu ơi. Tớ rút từ kinh nghiệm tớ ra, hôm nào lười không chịu suy tính chuẩn bị kỹ lưỡng mà cứ lao đi làm bừa, thì cả ngày cứ chạy vòng quanh như gà mất đầu, chả làm việc nào ra hồn.
      Nhưng mà tớ cũng học được cách chấp nhận rằng không phải người nào cũng có bộ não nhạy bén chính xác quy củ được như mình. Sống chung thì mình bớt một tý, họ cố một tý, thế là vui vẻ cả làng. Thế nên nhiều khi tớ hay bảo chồng tớ rằng “Em biết là làm theo cách của em thì tốt nhất, nhưng em cũng biết rằng có những người người ta không cần tốt nhất mà người ta chỉ cần tốt vừa vừa thôi, miễn là đừng bắt người ta phải suy nghĩ nhiều quá. Thế nên việc này tùy anh, anh muốn làm theo cách của anh thế nào cũng được”. Chỉ có những việc thực sự quan trọng thì tớ mới không nhượng bộ. Trong nhà tớ, có khu vực phải luôn luôn tuyệt đối gọn ghẽ, ví dụ nơi vợ chồng tớ tiếp khách, và có cả những khu tớ cho phép bày bừa trong một khoảng thời gian nhất định.

      Delete
    2. Haha, nếu tôn làm sư phụ thì phải nói đến bà của bạn, mẹ của tớ và một số phụ huynh của các độc giả trên này. Mà đọc comment có khi học được nhiều điều hơn bài viết ý nhỉ. Điển hình là trong còm trên của bạn. Tớ phải học bạn nhiều ở cái khoản ăn nói nhẹ nhàng với chồng con. Tớ cũng dần quen với việc chấp nhận là mọi người khác mình, nhưng cái tính hơi tý là cáu thì chưa sửa được nhiều. Nhưng được cái là nhiều khi cáu thì tớ im lặng, rất buồn/rất khó chịu thì đi dọn nhà, dọn vườn. Thế là sau khi nhà/vườn sạch sẽ thì nỗi buồn/bực mình cũng tan biến.

      Delete
    3. Tớ cũng tự thấy bản thân tớ rất ôn tồn nhẹ nhàng, sao chồng tớ vẫn kêu tớ là cái máy cày vậy ta? Có lời giải thích nào không ta???
      Cáu mà im lặng là khởi đầu rất tốt rồi đấy cậu ạ. Vì thường chỉ vài phút sau khi cơn cáu qua đi, mình sẽ thấy lý do vặt vãnh đấy chả đáng cáu và lại thấy mừng húm vì mình đã không nói gì trong lúc còn đang cáu.

      Delete
    4. Câu này cho phép tớ nói một chút nhé :-D. Tớ ko biết cậu ôn tồn với chồng thế nào, nhưng tớ nghĩ cậu là người suy nghĩ kỹ trước khi nói, mà người khôn ngoan sắc sảo lại luôn trong tư thế phòng bị sẵn sàng chiến đấu thế thì ông chồng lờ mờ kia không thua đậm liền tù tì và cay cú sao được?! :-)

      Delete
    5. Tớ cũng đồng ý với Baglady. Chồng bạn kêu chắc kêu cho có, chẳng lẽ lại không có điểm gì đáng chê. Vợ hoàn hảo quá thì chồng có khi lo bị lép vế.

      Delete
    6. @ Baglady và Trà Linh: Tớ nghĩ mình là người biết điều, không lấy chuyện lấn lướt bắt người khác lép vế làm vui. Nhiều lúc biết là cách ông làm không tối ưu, biết là sẽ có hậu quả hoặc kết quả sẽ không được tốt, nhưng tớ vẫn để ông làm theo ý ông. Rồi khi hậu quả đúng như tớ đã nghĩ, thì tớ chỉ nói nửa đùa nửa thật “không nghe vợ là không thể có good ending được đâu”. Cứ tiêm vào đầu ông dần dần như thế cùng với những bằng chứng sinh động trước mắt, sẽ tạo được một rãnh trong não. Đó là một quá trình chậm nhưng không thể đảo ngược haha.

      Được cái là có nhiều thứ mình cũng phải học ông. Một vài thứ có không hoàn hảo thì cũng chả ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả, thế nên mình cũng phải học cách take it easy. Bây giờ con lớn hơn rồi, cứng cáp hơn, có nhiều kỹ năng sống hơn, tớ lại càng có thể take it easy hơn.

      Một điều nữa mà tớ cho rằng sẽ khiến mọi sự tôn trọng, thuần phục, nghe lời, của họ, trở nên tự nguyện, đó là khi họ thấy vợ họ là người có good heart. Không gì chán ngán bất mãn bằng việc phải sống cùng một người đàn bà có tâm địa xấu xí. Họ đã chán ngán bất mãn coi thường mình rồi thì mình đúng cũng thành sai với họ.

      Delete
  10. Nhà bố mẹ đẻ em sống đơn giản, tiết kiệm; bố em lại khéo tay hay sửa đồ hay chế đồ, bản thân thì có thói quen làm thế nào để mất ít sức nhất mà lại có hiệu quả nhất, nhưng nói thật là cũng phải đến khi đi học ở nước ngoài em mới thế, chứ trước đây khi ở nhà thì hay cáu mẹ vì suốt ngày nhắc (hê hê). Em thấy ở VN thì rất là khó để tập được ntn vì mình hay thuê gv, mà gv thì .... Em đang chờ đến lúc con đi học hết để cắt vụ gv đây.

    SS

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo như kinh nghiệm của chị thì chị thấy giúp việc người VN hầu như không có kiến thức về công việc. Đã thế nhiều người lại còn tinh vi ai chỉ cho còn khó chịu, và nhất là hay phát ngôn sai thẩm quyền. Chị mà ở nhà thì chị sẽ thuê giúp việc theo giờ của công ty. Dù sao đã được qua đào tạo của công ty rồi thì họ sẽ phải chuyên nghiệp hơn do vậy mình cũng dễ thở hơn.

      Delete
  11. Chị Giang khéo vậy hèn chi cung nô bộc không phất nổi là phải. Nội việc hướng dẫn người giúp việc làm được như ý mình cũng đủ mệt mà cũng hiếm người để ý được vậy.
    Má em cũng kỹ và tiết kiệm kinh hoàng lắm chị. Má em có 2 thùng nước ở ban công cùng tầng nhà bếp để chứa nước rửa rau dùng tưới cây ban công. Trời mưa thì lo đem giẻ lau nhà, đồ chùi chân ra chỗ ống nước từ ban công xả xuống mà giặt, mưa Sài Gòn thì nước đủ chèo xuồng luôn đó chị. Chảo chiên xào đồ ăn trước khi rửa thì lấy cơm chuẩn bị cho chó mèo ăn trộn cho dính hết những dầu mỡ, gia vị còn trên chảo để rửa chén đỡ cực mà tụi chó mèo có cơm ngon ăn.
    Em là một đứa vô cùng làm biếng nên em luôn chú ý giảm thiểu động tác thừa trong những việc em làm để làm lẹ xong còn chơi. Đồ đạc phải để đúng vị trí để em không phải mất công tìm, nên có ai đụng vào đồ em là em biết liền. Điên tiết nhất là có người lấy đồ của em mà không nói, làm khi em cần tìm đỏ cả mắt mới ra. Cũng tại làm biếng nên cái khoản khi đi lên đi xuống tiện tay xách đồ theo của em lại thành xách nhiều quá thành ra hay bị rớt.
    Em nghĩ có một vấn đề mà những người kỹ lưỡng đến mức hay bị nói là khó tính gặp phải là sự bê bối của những người sống chung. Em đi du lịch ở chung phòng với mấy đứa bạn. Có đứa cực kỳ chăm chút cơ thể nó, nhưng xung quanh nó thì như đống rác vậy. Tẩy trang xong bông dơ vẫn để trên kệ wc, gội đầu thì vỏ bịch xà bông quăng thẳng xuống sàn wc, ngủ dậy không dọn giường. Em ở chung phòng với nó phải cun cút đi dọn, kẻo phục vụ phòng họ lại tưởng là mọi rợ ở đâu tới. Thường thì chị sẽ cư xử thế nào với những người như thế vậy chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoan hô mẹ em. Xét ra chị cũng đã làm hết những thứ giống mẹ em. Chị nhớ hồi bé có lần chị mang giẻ lau nhà để dưới máng xối vì lực nước xối xuống một lúc là khăn sạch bong chị đỡ phải vò hehe. Hồi ở Dubai chị cũng hay vét nồi vét chảo vét đĩa trước khi rửa, kiểu gì cũng được một nửa bát con con vụn thịt vụn cá nước sốt, rồi lấy đồ ăn trộn thêm vào, mang cho bọn mèo hoang ngoài cổng. Chúng nó đói meo chả có gì ăn, mình lại vứt thùng rác hoặc xả tuột xuống cống sao đành.
      Trong con mắt người chỉn chu thì người xung quanh kiểu gì cũng phải “bê bối” ở một mức độ nào đó. Chị cũng đã học được cách thỏa hiệp vì chị biết mỗi người có một năng lực não bộ khác nhau. Sống chung thì phải cố tìm ra điểm mạnh để mà bấu víu vào thôi em.
      Còn riêng vụ bạn em, chị cũng biết nhiều đứa con gái như thế. Chưng diện váy áo giày túi đi ra ngoài long lanh lắm, nhưng đến nhà, vào phòng một cái là biết nhau ngay. Mình thực sự quan tâm thì góp ý. Chả quan tâm thì thôi, cứ tránh được chung đụng thì phải tránh hết sức có thể. Đời sẽ dạy họ, không đến lượt mình đâu em.

      Delete
    2. Dạ, em rút kinh nghiệm là sau này du lịch không ở chung phòng với nó nữa. Tại có lần em đến nhà chơi thì thấy phòng nó cũng gọn, nên đâu có biết là nó bừa vậy. Chắc ra ngoài ở khách sạn thì nó nghĩ có người dọn phòng cho nên bày sao cũng được.
      Vài năm trước, em vừa khó tính, vừa nóng tính, thấy cái gì không vừa mắt là chê ầm ầm. Má em còn bảo: mày khó vậy thì lên núi ở một mình chứ sao ở với con người được. Từ ngày em học được cách không áp đặt những tiêu chuẩn của mình cho người khác thì em phẻ hẳn ra. Ai làm gì thì làm, miễn em không bị ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng lâu dài thì em kệ. Còn sống chung lâu dài thì em chưa thông được nên em đã cân nhắc nghiêm túc là không lấy chồng, không có con. Đợi khi nào em học được cách thỏa hiệp như chị thì em sẽ xem xét lại, chứ chưa chi mà sống chung chắc em lật nóc nhà mất.

      Delete
    3. Ờ, ngày xưa chị cũng như em, định không lấy chồng và ngoài 30 tuổi thì đi xin con nuôi. Năm 18, 19 tuổi, bạn bè xung quanh có period hết, mình chả có gì cả, ai cũng khuyên đi khám vì sợ vô sinh, mà chị thì chả lo lắng gì vì nghĩ mình có định lấy chồng đẻ con đâu mà sợ vô sinh.
      Ấy thế mà giờ chồng con một đống ngồi trên đầu thế nào thì em biết rồi đấy.

      Delete
    4. "không lấy chồng và ngoài 30 tuổi thì đi xin con nuôi." - chị ơi em cũng đang trong giai đoạn này nè =)))

      Delete
    5. Ôi ôi, sao thực tế của chị và tiên đoán của con bạn em giống nhau thế. Con bạn thân chơi với em chục năm lần nào nghe em bảo em sẽ không lấy chồng đều cười nói: mày sẽ lấy chồng sớm nhất đám há há.

      Delete
  12. ôi! "cô này" phải là con, cháu tui mới phải! hi hi! sao mà có người hợp ý cô quá điiii! đảm đang và giỏi lắm G ơi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế mà vẫn bị chồng chê đấy cô. Cứ thỉnh thoảng cháu lại phải mang con số cụ thể và các ví dụ người thực việc thực cho chồng cháu xem cho ông tâm phục khẩu phục. Chứ không ông cứ thỉnh thoảng lại bảo đời là mấy tí mà cứ phải vất vả thế.

      Delete
  13. Chị Giang ơi yêu entry này của chị quá :) Nhà em cũng có nhiều thói quen giống như vậy, tưởng như nhỏ thôi nhưng tiết kiệm được nhiều lắm.

    Hồi bé em ở với bà nội, bà em không phải người Hà Nội nhưng rất sạch sẽ, kỹ tính và tiết kiệm. Có những cái nhỏ như nước rửa bát phải pha vào một bát nước con rồi mới rửa, rửa bát hay tắm giặt, đánh răng rửa mặt cũng chỉ để vòi chảy nhỏ (như kiểu vòi rửa ở Singapore và Nhật ấy chị), ngày xưa còn giặt tay thì nước giặt quần áo trắng rồi giặt đến quần áo màu, nước cuối sạch thì mang đi lau nhà hoặc cọ nhà tắm... Nói chung cái gì cũng cẩn thận, không hoang phí.

    Hồi mới sang Pháp có nhiều cái em bị shock, bạn bè người Pháp cũng hay đùa bảo vợ chồng em chi li tiết kiệm. Kiểu như đi ăn hàng gọi pizza hay kebab phần ăn không hết em mang về (bên này tụi nó bảo xin leftover mang về là không classy...), hoặc đi chợ hay lên danh sách trước đồ cần mua trong tuần, đồ ăn theo ngày chứ không kiểu vào siêu thị tiện cái gì mua cái đấy, bây giờ có con đồ ăn cho con em toàn tự nấu bỏ vào lọ thủy tinh vô trùng dùng dần.

    Em thấy điểm chung của những người thành đạt và giàu có chân chính là họ đều không lãng phí. Em từng chứng kiến một anh bác sĩ bệnh viện FV tự lắp bồn tắm vì thấy trả tiền cho thợ đắt mà chất lượng chả ra sao, hoặc một bác triệu phú người Pháp khách hàng cty em tự đơm lại cúc áo sơ mi bị rơi mà không mua cái mới. Trong thời buổi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm thế này, sự hoang phí là một tội lớn với thế hệ sau này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vụ phải pha nước rửa bát vào một cái bát con rồi mới rửa đến giờ chị vẫn làm. Bát đĩa rửa vừa đủ sạch kít mà lại tiết kiệm được tiền mua nước rửa bát, tiết kiệm được lượng nước phải dùng để xả sạch, mà đỡ xả nhiều hóa chất hại môi trường. Nhiều người cứ bóp thẳng nước rửa bát đậm đặc vào miếng mút rửa bát, rồi xả nước cho trôi cống hết, cuối tháng họ dùng một lượng nước rửa bát gấp mấy lần nhà mình.
      Chị có thời gian sống ở New York nên không ngại vụ đồ ăn thừa mang về nhà. Chị chỉ bảo người phục vụ “Tôi hy vọng anh/chị không phiền, tôi rất ghét vứt đồ ăn đi nên tôi sẽ mang số đồ ăn này về nhà”. Người ta nghĩ gì chị không quan tâm và cũng không nghĩ họ đủ tư cách để đánh giá được class của chị. Nhưng chị sẽ không mang đồ ăn thừa về nhà nếu đi ăn do người khác mời. Trong trường hợp này chị thường gọi đồ ăn rất ít để đảm bảo ăn hết.
      Chị đánh giá rất cao những người biết tiết kiệm. Cá nhân chị chứng kiến nhiều người tiết kiệm nhưng không ngần ngại giúp đỡ người khác, và rất nhiều người lãng phí cho bản thân nhưng không thể (vì đã lãng phí hết) và cũng không muốn giúp ai một xu nào. Tiết kiệm với chị là vấn đề đạo đức trách nhiệm và kỹ năng chứ không chỉ là vấn đề túi tiền.

      Delete
    2. Vâng, em đi ăn tự trả tiền với bạn thì mới lấy đồ về, còn đi ăn với khách hoặc ai mời thì cũng như chị nói, ăn ít gọi ít thôi chứ em rất ghét để đồ ăn thừa. Mà hồi đấy em còn trẻ con, sợ bọn nó đánh giá nên mỗi lần bị trêu em rất hay để bụng và thấy khó chịu :)))
      À, chị Giang nói cái vụ con dâu vụng đúng ý em quá =)) Em cũng chỉ mong sau này con trai em lấy vợ Á, hoặc vợ Âu nhưng mà phải đảm đang, khéo và sống tình cảm như người Á. Em sợ nhất kiểu phụ nữ uống rượu hút thuốc phì phèo, đi chợ thì mua đồ ăn công nghiệp hoặc đồ đông lạnh cho tiện, sau này đẻ con sợ xấu nên cũng sữa bột 100%, con ăn dặm thì lười nên cũng ăn đồ công nghiệp từ bé. Các cô vận động bình đẳng giới cứ khuyến khích phụ nữ hùng hục như đàn ông chứ em thấy phụ nữ vẫn phải chu đáo, khéo, kỹ tính và không hoang phí thì sau này bản thân và gia đình mới hạnh phúc được.

      Delete
  14. Chào Giang. Đọc blog của bạn /mình bằng tuổi/ phải đến 6 năm rồi nhưng hôm nay mới nhoi lên comment vì hợp ý mình quá. Tớ cũng có nhiều thói quen như thế. Nhất là vụ đổ rác, tớ cũng dùng túi nilon để rác, đến cuối ngày chỉ gói lại rồi cho vào thùng. Nhà vừa không có mùi, thùng đựng rác không bị bẩn.
    Aia

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không ngờ có nhiều người cùng chí hướng với mình đến thế hihi. Nhưng đúng là phải bắt tay vào làm rồi mới đánh giá cao những thói quen nhỏ nhưng vô cùng hữu dụng này. Tớ chỉ cần nghĩ cảnh một buổi nấu ăn không biết bao lần phải vơ rác, cúi lưng, mở cánh tủ, lôi hoặc mở thùng rác ra cho rác vào, từng đấy động tác trong khi rác có khi đang nhỏ nước tong tong xuống sàn, là đã đủ hãi. Từ hồi nghĩ ra trò để túi rác ngay trên bàn bếp này, tớ tiết kiệm được bao nhiêu động tác, vừa nấu ăn vừa dọn dẹp, xong là cũng gọn ghẽ luôn.

      Delete
  15. Em cũng sắp xếp, kỹ càng như thế Chị ạ, nhưng toàn bị nói là cầu toàn, tự làm khổ mình :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị rút kinh nghiệm chị là nếu chị thích mọi thứ phải hoàn hảo thì chị tự đi làm lấy, mệt cấm kêu. Chứ mình cầu toàn và bắt cả gia đình mình cầu toàn theo, thì có lẽ không công bằng với họ lắm.
      Tất nhiên nhà mình có nề nếp và mình rèn con cái cũng phải nề nếp ở mức độ tương đối.

      Delete
  16. G cho cô "rinh" bài này của G về bên "nhà" cô nhé ! (bản quyền vẫn giữ y nguyên !Hi Hi). Khi nào nhận được tín hiệu của G thì cô mới "rước em nó" nhóe! Thanhks!

    ReplyDelete
  17. Chị giống mẹ em (và em bây giờ) quá. Hồi trước em ở cùng bố mẹ bảo mẹ là khó tính quá, nhưng bây giờ ở một thân một mình nơi xa tự thấy (e đang đi du học) mình học của mẹ bao nhiêu thứ (và còn khó tính hơn mẹ nữa hic hic), cái vụ túi nhỏ/hoặc hộp rau, thịt mua ở siêu thị sẽ để trên bếp để đựng rác nhỏ khi nấu đỡ phải chạy đi chạy lại ra thùng rác, nấu nướng xong phải lau dọn cho đỡ tích mỡ + bụi bẩn cấn lại, nước rửa bát pha ra cho đỡ tốn và hại ... Giờ em ở với ai là phải chỉnh đốn (ví dụ bọn nó tắm xong là phòng tắm ướt tứ tung (bảo phải lau khô), bếp nấu xong như bãi chiến trường (bảo phải dọn)), bọn nó bảo mình khó tính mặc kệ, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống & tiết kiệm tốt cho mình chứ cho ai :)).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em giỏi quá. Chị hồi bằng tuổi em không biết nhiều thứ được như em đâu. Chỉ có điều những người có yêu cầu mọi thứ phải có độ chính xác chỉn chu cao như mình cần phải liên tục điều chỉnh bản thân để không quá đà trong mọi thứ. Nói chung phải xác định được điểm cân bằng tối ưu giữa 3 điều: yêu cầu sạch sẽ gọn ghẽ của bản thân, sự thư giãn cho bản thân, và sự hòa hợp khi sống cùng người khác. Nhiều khi điều 1 phải bớt đi để đạt được điều 2 và điều 3. Giờ em còn trẻ, còn nhiều sức lực, em đủ sức cho mọi cuộc chiến. Nhưng rồi sẽ đến lúc em buộc phải choose your battle chứ không thể chiến mọi cuộc chiến được.

      Delete
  18. Cậu giỏi quá nên đời cứ bắt cậu phải ở vị trí của cậu như hiện nay phải không :-). Người VN thế hệ của mình chắc đa phần ai cũng có tinh thần tiết kiệm, nhưng biết tiết kiệm và chỉn chu có hệ thống như cậu thì không phải ai cũng được vậy. Tớ tiết kiệm đến đâu thì tiết kiệm, nhưng buổi tối thì tớ thích bật đèn sáng khắp nhà, dĩ nhiên khi mình không ở trong phòng nào thì đèn phòng đó phải tắt. Tớ cho rằng mình tiết kiệm cả ngày đã đủ rồi, ban đêm phải tự cho phép mình được hưởng thụ một chút "xa hoa" cho đời nó cân bằng :-))). Ban đêm đi ngoài đường, tớ rất thích nhìn những ngôi nhà sáng đèn, và cảm giác trầm cảm ngay khi nhìn những ngôi nhà âm u leo lét vài cái bóng điện con con. Nhưng nhớ có lần, đi chơi với đám bạn gái, khi check out phòng khách sạn, tớ quay lại phòng tắt hết đèn và khóa cái vòi nước đang rỉ rả nhỏ giọt thì con bạn cười bảo "mày thật tận tâm và có tinh thần trách nhiệm!". Thực ra tiết kiệm cho người khác cũng là tiết kiệm cho chính mình, vì khi khách sạn tránh được những chi phí như thế thì họ sẽ không phải nâng giá về sau, thì mình được hưởng lợi chứ ai!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ luôn phải quản lý những ngôi nhà lớn. Thế nên nếu không hệ thống mọi thứ thì sẽ mệt và tốn kém hơn nhiều. Nói về chuyện bật tắt đèn, tớ vừa yêu cầu quản gia tắt bớt đèn quanh nhà để tiết kiệm điện. Quanh nhà ban đêm chỉ cần bật hệ thống đèn tường là đủ ánh sáng cho bảo vệ đi tuần. Nhưng người làm họ lười suy nghĩ, đến giờ bật đèn là gạt tất cả các công tắc, cho đèn tường đèn vườn sáng trưng lên đêm cũng như ngày luôn.
      Tớ rất đồng ý với quan điểm tiết kiệm của công của cậu. Nhiều người cho rằng cứ vô tư đi, có ảnh hưởng đến túi tiền của mình đâu mà lo. Nhưng tớ thì quan niệm what goes around comes around, tất cả những gì mình làm, dù nhỏ đến mấy, cuối cùng cũng sẽ phản ánh kết quả hoặc hậu quả lên (cuộc sống của) mình, bằng cách này hay cách khác.

      Delete
  19. Ôi em cũng sắp xếp giặt kiểu của chị, ga gối riêng, khăn tắm khăn tay riêng, quần áo trắng riêng quần áo màu riêng, rồi thảm với giẻ giặt riêng, thành ra nhà ít người mà list giặt lúc nào cũng nhiều, rồi để đủ load mà giặt và trong lúc giặt thì có cái dùng nên mua cũng phải nhiều, chẳng biết đường nào tiết kiệm hơn, rồi storage cũng tốn chỗ, chưa kể đức ông chồng chuyên cất cái nọ nhầm chỗ kia. Không để ông làm thì khi nào mình không có nhà ông sờ đến là lanh tanh bành, mà để ông làm thì phải thêm công đi theo để chỉnh lại.

    Vụ giặt em còn dùng dấm trắng thay cho nước xả vải khi giặt ga gối hay khăn tắm, cho thêm vài giọt tinh dầu thì vừa sạch vừa thơm vừa mêm, lại khỏi phải hóa chất.

    Em thì không nghĩ nhiều lắm đến chuyện tiết kiệm, chỉ nghĩ đồ mình mua toàn đồ tốt mà để nó hỏng xấu đi thì vừa tiếc mà lại chả muốn dùng nữa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vụ dùng dấm trắng cho thêm vài giọt tinh dầu hay đấy nhỉ. Chị cũng phải thử. Cám ơn em nhé. Chị từ lâu đã bỏ nước xả vải vì muốn giảm thiểu hóa chất tẩy rửa và mùi thơm công nghiệp.
      Nhà chị nhiều người nên cách chị chia load giặt là tối ưu cho nhà chị. Nhà em ít người dùng ít đồ hơn thì đúng là khó đủ load thật, hoặc là phải trữ thêm đồ, hoặc phải mua thêm cái máy giặt mini, hoặc đồ phải có màu trung tính để có thể kết hợp với đồ giặt khác.

      Delete
  20. Và em cũng đang nghiên cứu dùng quả bồ hòn chị ạ, vừa tiết kiệm, cừa thân thiện với môi trường, da em bé. Tất cả những kinh nghiệm của chị đều quý, cảm ơn chị rất nhiều!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vụ bồ hòn nghe có vẻ hứa hẹn đấy nhỉ, mặc dù với chị thì không khả thi vì chị chả biết tìm đâu ra bồ hòn. Chưa kể đời chị hình như cũng chưa bao giờ nhìn thấy bồ hòn. Chỉ có khái niệm là bồ hòn rất đắng và tròn, từ hai câu tục ngữ "ngậm bồ hòn làm ngọt" và "ghét nhau bồ hòn cũng méo" hehe.
      Chị luôn dùng ít bột giặt thôi nhưng vẫn cảm thấy nó vô cùng hại môi trường. Bây giờ có bán loại dung dịch giặt hoàn toàn green thân thiện với môi trường, có khi chị phải tìm mua.

      Delete
  21. Tầu ngầm theo dõi blog của chị đã lâu, nhưng hôm nay đọc được bài này em phải ngoi lên comment luôn vì thấy giống hệt mẹ em. Mẹ cũng cẩn thận tỉ mỉ y như chị, cũng có cái khăn dưới sàn bếp sẵn sàng lau ngay khi dầu mỡ nước nôi bắn ra sàn, bonus thêm cái khăn trên mặt bếp cũng với chức năng tương tự. Nước tắm gội rửa mặt cũng không cho đổ thẳng xuống cống mà dùng để dội nhà vệ sinh, cọ nhà tắm dù nước ở Việt Nam rất rẻ. Và đặc biệt cũng ghét các loại hóa chất tẩy rửa vì sợ độc hại. Vật khinh hình trọng, bà cũng biến rất nhiều thứ ve chai tưởng chỉ dùng 1 lần rồi quăng thành đồ hữu dụng cảm giác ko thể thiếu được như hộp sữa giấy loại to bà biến thành hộp ngâm giá đỗ, có hơi sữa giá lớn nhanh và bụ, một loạt hộp đựng kem thành hộp cho ngăn đá...

    ReplyDelete
  22. Em đọc blog chị lâu rồi, nay mới lần đầu comment ạ :) Chắc chắn vì bài này làm em tâm đắc lắm chị ơi.
    Em đang ở nhà chồng. 2 vợ chồng em hàng tháng trả tiền điện nước mà lắm lúc cảm thấy ngộp. Tiền điện có 1 dạo cứ gọi là tăng lên vù vù không kiểm soát được. Trong khi 2 vợ chồng đi làm cả ngày, tối mở máy lạnh cũng chỉ đôi ba tiếng là tắt. Chị chồng em tối ngủ lúc nào cũng mở máy lạnh mức thấp nhất. Xài bếp điện thì cứ mức lửa cao nhất mà dùng. Tủ lạnh thì luôn mua đồ ăn chất cho đầy ú nụ *_* Ban đầu mình góp ý thì ý người ta bảo là từ ngày mình có con, xài... quạt máy cả ngày nên hao điện, chớ người ta khi cần thì cũng không xài quạt. Ak ak, trong khi quạt thì hao bao nhiêu điện chị ơi. Cái gì kéo điện nhất là máy lạnh tủ lạnh thôi. Nói mãi không xong nên bọn em kiếm cớ đổi bếp điện thành bếp từ. Bếp từ kén nồi kén vung, không xài linh tinh được. Máy lạnh phải hạ thấp xuống, giờ nằm 23 - 25 độ. Thì ngay lập tức tiền điện giảm xuống ngay. Ác cái mình thấy mình làm đúng thôi chớ người ta thì suốt ngày càu nhàu là cái bếp từ này làm nhà tốn gas. Hic, trong khi tiền gas thì cả đôi ba tháng mới thay 1 bình 300k còn giảm tiền điện cả 300k/ tháng từ khi đổi mới, người ta không thấy chị ah.
    Trước giờ cứ mở mắt ở trên giường là em đã tính toán coi mình làm gì làm gì để đỡ mất thời gian nhất. Giờ có con càng tính toán hơn, sao cho làm gì cũng gọn gàng, để còn có thời gian mà chơi với con. Sắp tới có bé nữa chắc lại càng phải căng não ra tính toán. Đàn ông họ không như mình chị nhỉ? Chồng em vẫn cứ nhởn nhơ lắm cơ.

    ReplyDelete
  23. Chị ơi. Em cảm ơn bài viết của chị ạ. Em đang ngày càng hoang mang về việc "hóa ra chỉ có mình đoảng/lười/hậu đậu như thế" T.T em sẽ cố gắng học tập chị, dần dần sẽ tiến bộ thôi nhỉ.

    ReplyDelete