Sunday, October 6, 2019

Thôi kệ

Con La đi học về, nó ngồi bệt xuống đất, mồ hôi mướt mải, khóc hu hu. Tiền nó để trong cái ví, đầu tuần vẫn còn nguyên, thế mà giữa tuần đã không cánh mà bay gần hết, còn lại nhõn một tờ.
Con La giàu lắm. Là giàu so với thằng anh và con em. Thằng anh chả tiêu gì đến tiền, thỉnh thoảng xin mẹ vài đồng mua sách, thừa trả lại. Mẹ bảo con cứ giữ lấy, nó bảo mamma giữ không Lê làm mất. Con em thì chả biết giá trị của tiền, thích gì là xòe tiền mua liền, hết chạy ra xin mẹ. Mẹ chả cho thì thôi, chả mua chả sao.
Con La thì khác, nó rất thích tiền, đời nó chỉ quan tâm nghề nào làm ra nhiều tiền để nó phấn đấu vào nghề đó. Nó lại học giỏi, giành hết giải này giải nọ, nên lại càng hay có tiền thưởng. Rủng rỉnh tiền nên nó cho vay lấy lãi, 9 xu đổi lấy 1 hào, lại càng giàu hơn. Tiền bạc giành dụm được từng đồng nó chắt bóp, đổi tờ cũ lấy tờ mới, nâng niu, vuốt phẳng phiu và cho vào một cái ví đẹp. Đấy là tiền giấy. Còn tiền xu, nó đòi mẹ sắm cho nó một cái hũ sành có khoét một cái khe nhỏ. Cứ có đồng nào là nó nhét ngay vào đó. Có một dạo tiền xu của mình hở ra đồng nào là biến mất tiêu đồng nấy, còn cái hũ tiền của nó thì ngày một nặng trịch lên.
Thế mà giờ mất thế này, nhìn nó ngồi xoạc cẳng khóc lóc mũi dãi thảm thiết thật là xót, nhất là vì biết số tiền nó dành dụm được là tiền thưởng nó học giỏi chứ không phải ngồi không rồi tiền từ trên trời rơi ịch xuống đầu.
Như ngày trước thì mình sẽ nổi giận, sẽ gọi đám nhân viên ra xạc cho một trận tơi tả, chuẩn bị sẵn tinh thần đuổi việc cả đám, và âm thầm đền vào chỗ tiền con bé bị mất. Nhưng giờ thì mình chỉ ôm nó vào lòng và bảo “Nếu em bé không muốn mất tiền thì em bé phải cẩn thận”.

Xong rồi thấy quyết định không làm lớn chuyện của mình là đúng đắn. Dù sao thì họ vẫn còn chút lương tâm chừa lại một tờ chứ không lấy cả. Số tiền bị mất kia, mình mà bắt đền thì họ sẽ đói cả tuần. Mà nếu mình lên cơn điên đuổi việc ai đó, thì tức là nhà họ con họ sẽ đói đến khi nào có việc mới. Còn con La, đời nó êm đềm đầy đủ quá, cho mất mát tí cho biết. Vả lại, nó khóc lóc cho 2 ngày, sau đó lại tươi hớn như không có chuyện gì xảy ra. Mà nó sạch túi là mình mừng, vì tiền bạc rủng rỉnh nó toàn tiêu vào mấy món ăn linh tinh toàn phụ gia ở canteen trường, trong khi cơm nhà mẹ gửi ngon lành tử tế thì nó bỏ mứa.
Cái đàn guitar của mình, không phải loại xịn sò chuyên nghiệp nhưng là một cái đàn tốt, nhất là so với các thể loại đàn địch kém chất lượng ở đây, năm ngoái bị đứt phựt một dây. Cậu thầy giáo hăng hái bảo để cậu ấy thay dây cho, rồi mang đàn của mình đi mất. Một tuần sau cậu ấy mang lại, lúc đó mình chỉ hơi ngờ ngợ là tại sao đàn của mình đứt mỗi một dây mà cậu ấy lại tháo tất cả các dây ra và lắp lại sai trật tự như vậy. Mãi gần đây lúc sờ đến đàn lại mình mới phát hiện một chi tiết trên đàn đã bị rút mất. Chi tiết đó không biết tiếng Việt gọi là gì còn tiếng Anh gọi là bridge, để cách ly dây khỏi thân đàn cho tiếng không bị rè. Hèn gì mình đã băn khoăn tại sao đàn mình bị rè và được trả lời rằng tại ngón tay mình bấm phím không đủ mạnh!
Như ngày trước chắc chắn mình sẽ nổi giận, thậm chí sẽ gọi một cuộc điện thoại nói luôn không nể nang. Ở đây lạ lắm, nhiều người cao to đẹp trai nam tính lồng lộng, mà ăn cắp như ranh. Nhưng bây giờ thì mình chả giận. Họ thế, mình bất cẩn tin người không phải lối thì mình mất, thế thôi. Mà cũng chẳng mất cái gì đáng giá. Vấn đề chỉ là giờ phải thu xếp thời gian đi mua lại. Với tình trạng ách tắc giao thông suốt ngày như này, chắc phải đợi cuối tuần đi cho vắng. Trên các đàn loại tốt, chi tiết này làm bằng xương, bằng sừng. Nếu là đàn rẻ tiền thì sẽ làm bằng nhựa. Ở đây chắc chắn sẽ chỉ mua được nhựa. Vại là trong lúc đợi đồ nhựa thay thế, tiếng đàn của mình nghe lại càng giống tiếng bật bông hơn bao giờ hết. Chả sao, bình thường nó cũng đã giống tiếng bật bông lắm rồi.
Nhiều người rất kém trí tuệ. Mình giả vờ không biết, bỏ qua, hoặc nhịn, chỉ bởi vì mình cảm thấy đã đủ may mắn và do vậy không cần phải so đo tính toán với đời, đời có bao gồm cả họ, thì họ lại hân hoan tưởng họ khôn.
Nhân gian có câu giật gấu vá vai. Những kẻ còn nghĩ mình đủ khôn để lỏi với đời, thì sẽ còn phải tiếp tục giật giật vá vá chứ đố mà lên được tầm vóc nào cao hơn.
Nhưng mà chả phải diện thân tình, nên thôi kệ. 

15 comments:

  1. Em có học chung lớp văn bằng 2 với nhiều bạn đủ ngành nghề. Lớp có 2 anh chị kia làm ngân hàng, rất hay nhờ vả, xin tài liệu mọi người nhưng không bao giờ xì ra được cái gì. Trong lớp, có một chị lớn tuổi - U50, chỉ hiền lắm, nên họ nhờ càng dữ hơn, thậm chí còn bày chiêu trò này nọ với chỉ, đẩy chỉ vào thế khó mấy lần. Em chưa bao giờ thấy chỉ bực tức hay khó chịu với bọn họ. Lâu lâu tám, mọi người nói về mấy người kia thì chỉ vừa cười vừa kể lại với hội chị em như chuyện tếu lâm vậy thôi.
    Một ngày đẹp chời, sau hơn 2 năm học chung, em mới biết chị U50 là kỹ sư từng thiết kế đường dây điện Bắc Nam và ngược lại. Chỉ từng chủ nhiệm các dự án điện lực cả ngàn tỷ, làm việc với các chủ đầu tư trong và ngoài nước về điện khoảng 20 năm.
    Lần đầu tiên trong đời, em cảm thấy may mắn vì mình ăn ở đàng hoàng. :d :d
    ND

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng từng gặp một cặp vợ chồng khôn như rận, mà lại được cả đôi mới tài. Chắc cái tính này thì cứ phải giống nhau mới sống cùng nhau hạnh phúc được, chứ nếu chỉ 1 người khôn thì người còn lại khổ lắm.
      Những người này đầu não họ toàn những toan tính vụn vặt và do đó không bao giờ hiểu ra rằng những cái mà họ cần kíp, ước ao, phải giở mánh khóe để đạt được, thì thực ra với những người khác chỉ là thứ vụn vặt. Và vì là thứ vụn vặt nên họ cần thì cứ để họ lấy, chả mất gì của bọ.

      Delete
  2. Thương La. Mẹ Giang của La thì ngày càng thể hiện cách cư xử quý bà. Hic, bao giờ gia đình Giang đi khỏi nơi đó? Ít ra ngày xưa ở với những người như cô Rất, nhà Giang k bị mất trộm lặt vặt nhỉ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người làm nào mà cũng chăm chỉ thật thà tự trọng như cô Rất thì đời thành đẹp như mơ mất.
      Nhà mình vẫn còn 1 năm nữa ở đây. Mà cũng không sao. Ở đây thì khổ thật nhưng được cái mỗi ngày trôi qua đều khiến mình nhớ rằng mình là một người vô cùng may mắn.

      Delete
  3. Mất rất lâu để em đạt đến trình vô thường như chị Giang.

    Kí tên: em 25t

    ReplyDelete
    Replies
    1. Năm 25 tuổi chị yêu đương loạn trào chứ không nghĩ ngợi về sự vô thường như em đâu. Giờ hơn 40 rồi thì buộc phải cải tà quy chánh thôi :-D

      Delete
  4. Replies
    1. Idol giề, đời khó sống nên buộc phải gọt mình tròn như đá cuội vậy thôi.

      Delete
  5. Thương con! Ki cóp cho cọp nó tha!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thôi cũng không sao. Đằng nào con mình cũng không cần tiền, còn họ thì lại cần :-)

      Delete
  6. Người ơi, người tập đàn vừa phải thôi nhé, không khéo anh hàng xóm nghe được lại khóc rấm rức vì nhớ vợ quá cố vốn từng làm nghề bật bông đấy =)))))). Đùa thôi, tui thấy người vẫn còn tập đàn có nghĩa là người vẫn ổn ha.
    Không liên quan, nhưng người chắc biết tổ chức “charity water” (charitywater.org) chuyên làm dự án nước sạch cho người nghèo phải không? Tui vừa xem cái phim tài liệu, thấy anh sáng lập từng là dân chơi khét tiếng New York, giờ cải tà quy chánh và chỉ chuyên tâm làm các dự án nước sạch cho người dân các vùng hẻo lánh toàn thế giới. Tui muốn đăng ký làm thành viên nhưng cũng muốn hỏi thăm thêm xem người có gì để chia sẻ về tổ chức này không. Cảm ơn người trước nhé!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người ơi tôi ít làm từ thiện lắm. Năm nay tôi chỉ làm việc trồng cây, phân loại rác và giảm thiểu tiêu dùng nhựa. Còn năm sau, tôi chỉ có đúng 1 dự án tiêm 3 mũi vaccine cơ bản cho 1000 người. Tôi đã xin được phần lớn số tiền cần chi. Chỉ còn một phần nhỏ nữa thì cuối năm nay tôi đồng tổ chức một event ăn tối tại nhà tôi và gây quỹ nốt luôn.
      Thế thôi. Cá nhân tôi chán làm từ thiện rồi. Người muốn làm vì bất cứ lý do gì thì cứ làm thôi, tôi đều tôn trọng hết.
      Vụ đàn điếc, tôi bỏ cũng khá lâu vì bận bịu việc nọ xọ việc kia. Tôi mới tập lại gần đây thôi. Căn bản là tôi mường tượng lúc tôi già tôi cầm đàn gảy vài cái rồi nghêu ngao hát những bài tôi thích :-))))))))

      Delete
  7. hehe trường hợp mất tiền của Lila rất giống em hồi còn nhỏ, ki cóp bao nhiêu liền nhét vào con lợn đất màu đỏ và giấu trên gác mái nhà. Nhưng mà có khác tí là chắc chỉ loanh quanh ông anh bà chị trong nhà thôi chứ hồi đó nhà em không có người giúp việc. Lúc phát hiện bị mất lợn đất buồn ghê gớm ấy (lúc đó lớp 1 chị ạ)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị hồi bé cũng có trò ky cóp tiền. Tiền ky cóp được ông anh họ của chị vay hết để mua hoa 8/3 tặng các bạn gái trong lớp ông ý. Chị nhớ ông ý hay mua hoa cẩm chướng. Ông ý vay không trả khoảng 3 năm như thế thì chị không cho ông ý vay nữa hihi.
      Chính ra cứ những người có đồng nào xào luôn đồng ấy như con Na lại hay. Chứ những người cứ tiền nong ky cóp quá cuối cùng của thiên lại trả địa, mất công ky cóp mà cuối cùng toàn người khác tiêu hộ :-))))))))

      Delete
    2. Ôi, các ông anh họ! Hồi bé em cũng có 1 ông anh họ, em có 1 con lợn đất nhét đầy tiền xu, ngày nào cũng kiểm tra con lợn bằng cách nhấc lên nhấc xuống thấy nặng tay, lắc tới lắc lui, nghe tiếng xu rủng rẻng bên trong thì yên tâm là tiền vẫn còn. Đến hôm tết đập lợn ra để lấy tiền sắm đồ thì mới ngã ngửa ra bên trong toàn nắp phén (nắp chai bia bị đập cho bẹt ra rồi nhét vào lợn giả làm đồng xu). Em lăn ra khóc làm loạn hết cả nhà lên khiến ông Nội và các chú phải vào cuộc điều tra. Sau tra ra là do thằng anh họ chết tiệt của em đã đánh tráo con lợn đất của em bằng 1 con giống hệt (lợn ngoài chợ sản xuất hàng loạt nên con nào cũng y con nấy), thêm nữa hắn chuyên sưu tầm nắp phén nên khi sự việc xảy ra hắn trở thành kẻ tình nghi số 1. Sau vài đòn tra tấn tâm lý, thủ phạm cuối cùng đã nhận tội, bị phạt vài roi vào mông và bị đày lao động khổ sai mấy tuần (gánh nước tưới rau cho bà). Còn em được ông Nội đền cho con lợn mới tinh cùng mấy đồng bạc giấy, tính ra em còn lời hơn nữa ấy chứ :))

      Delete