Sunday, June 20, 2010

Đậu Hòa Lan, bóng đá và TV

Mẹ tôi vốn ko phải là người ưa nấu nướng, ăn với bà luôn luôn chỉ là nghĩa vụ, ăn để sống. Lũ con bà do thế cũng mất nhờ khoản ẩm thực, chúng ko thích ăn, và hầu như ko bao giờ khen đồ ăn bà nấu ngon.
Hôm đó bà đi chợ mua xương lợn về hầm với đậu Hòa Lan (không biết cái tên đậu này có chính xác không, chỉ biết đó là loại đậu hạt rất to, màu trắng ngà). Món cũng chẳng có gì, rửa sạch xương lợn (dính tí thịt) cho vào nồi hầm, rồi cho tiếp đậu hạt, hầm đến khi nào chín thì bắc xuống ăn. Lũ con được ăn món lạ khen ngon nức nở, đánh bay cả nồi đậu hầm no óc ách.
Thừa thắng, hôm sau bà lại làm món đậu Hòa Lan hầm xương lợn tiếp. Lũ con vẫn khen ngon nức nở và ăn nhiệt tình.
Ngày thứ 3, lại món đậu Hòa Lan hầm xương lợn tiếp. Lũ con ăn lặng thinh chả nói gì.
Ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6, trên mâm cơm vẫn chỉ duy nhất cái món mà ai cũng biết là món gì đấy.
Đến ngày thứ 7, món đậu hầm trở nên ngán ko nuốt nổi, lũ con bắt đầu kêu ca và ko đụng đũa, bà nổi giận đùng đùng “mọi hôm chúng mày khen ngon hôm nay chúng mày lại chê là thế nào”.
Tôi bắt đầu ghét ăn đậu hạt từ đấy. Niềm căm ghét này phát triển sang tất cả các loại đậu hạt khác và tất cả các loại hạt làm cho tôi liên tưởng đến đậu. Đến tận bây giờ tôi vẫn ko thể chịu nổi hoặc nhìn nổi món đậu hạt. Trên các bàn tiệc tôi từng tham dự, bất kỳ món nào chế biến từ đậu hạt, nổi tiếng đến mấy, cầu kỳ đến mấy, nể khách đến mấy tôi cũng lắc đầu từ chối.
Hồi bé, nhà các bác tôi ở cùng nghèo lắm. Cả nhà chỉ có độc nhất cái TV nhỏ xíu, rè rè, độc quyền của bác tôi muốn xem gì và xem giờ nào, tôi, bà ngoại, và tất cả các thành viên khác chỉ được xem ké. Riêng có anh họ tôi được độc quyền chiếc TV các chiều chủ nhật để xem bóng đá thường là truyền hình trực tiếp. Anh ấy bật TV cực to (cho có không khí chứ anh ấy hoàn toàn ko điếc), hàng tiếng liền, tiếng reo ồ ồ của khán giả trên khán đài, tiếng các chú bình luận viên nói nhảm, tiếng máy quay xè xè, tôi phải học bài trong sự náo loạn đó. Ngày đó làm gì có nhiều trò giải trí như bây giờ, không học bài thì chỉ có nước ra ngoài hiên nhà ngồi ngáp ruồi. Cái nhà cũng bé, vào trong buồng đỡ ồn hơn tí thì lại tối om. Không thể đi đâu để trốn được tiếng TV ám ảnh đó. Một lần, hết chịu nổi, tôi mách bác tôi cái tội anh họ tôi bật TV quá to, bác tôi mắng đôm đốp “anh ấy là con trai, anh ấy có quyền xem bóng đá, mày có quyền gì mà thưa với chả thốt”.
Tôi ghét bóng đá từ đó. Cứ nghe TV xè xè tiếng reo hò của khán giả, tiếng bình luận viên ầm ĩ là tôi cảm thấy nhức đầu kinh khủng. Nó thành một phản xạ có điều kiện.
Thế mà ngày đó các chú bình luận viên bóng đá còn chưa nói nhảm kinh như bây giờ. Gớm chết có mấy thằng trai đen đúa cục mịch mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy ào ào theo quả bóng mà các chú bình luận viên cứ mô tả nó như thơ, có chú hăng lên còn lôi cả thần thoại Hy Lạp ra mà ví von, nghe vừa khiên cưỡng vừa khập khiễng. Nhiều khi nghe các chú gân lên một câu văn vẻ hùng hồn, vừa gân vừa ngập ngừng vắt óc nghĩ, mà phát phì cười.
Lớn hơn một chút, tôi về ở cùng mẹ, bà hay có thói quen bật TV xem phim Hàn Quốc rồi ngủ quên. Bà ngủ say lắm, ngáy to rõ ràng, thế mà chúng tôi chỉ cần lén chuyển sang kênh yêu thích là bà vùng dậy ngay “ớ chuyển đi đâu thế, tao đang xem hay”. Chưa kể bà còn chuyển 3 kênh để xem 3 bộ phim một lúc, và thường phàn nàn đau khổ thế này “sao cái số tao nó khổ, xem một bộ phim cũng ko trọn vẹn”. Thế là cả TV tôi cũng thôi ko xem nữa.
Kể ra thế đời cũng bớt được nhiều ái ố hỉ nộ rất ko cần thiết
Nham nhở: Sau này một chị giúp việc của mình cũng có thói quen liên tưởng vận vào số phận mình như mẹ mình. Chị ấy vốn thích ăn món cay và món đắng, ví dụ ăn món nào cũng phải cho rất nhiều ớt, và đặc biệt thích ăn mướp đắng, rau đắng vv. Chị ấy thường ngồi rung đùi chén nhưng mắt lại rưng rưng “cái số mình nó cay đắng có khác, toàn thích món cay và món đắng”. Mình nghe mà phải cố lắm mới ko phá lên cười. Cứ thế này mà suy thì bạn nào mà thích ngọt thì đời sướng phải biết nhá.

No comments:

Post a Comment