Sunday, December 8, 2019

Tư bản nhân văn

Chồng bảo mai anh phải đi dự buổi khai trương một dự án nông nghiệp, em đi cùng anh. Bảo thôi, mai em phải làm nhiều việc, đi cùng anh mất nguyên ngày, rồi việc dồn lại mệt lắm. Ông vẫn cứ năn nỉ đi cùng anh cho vui, dự án về nông nghiệp, chắc chắn là em sẽ thích. Ông nói mãi nên cuối cùng mình đành gác lại các việc khác để đi cùng ông cho có bầu bạn.
Dự án nông nghiệp này nghe thì thấy rất có ý nghĩa. Người Ý bỏ tiền khai khẩn đất hoang thành ruộng vườn, dẫn nước từ sông vào để tưới, mua giống cây và hạt mang tới, mang tới cả công nghệ chăm sóc cây trồng. Phần dân làng là ra lao động trên đồng. Nông sản thu hoạch được họ thoải mái dùng theo nhu cầu, cải thiện bữa ăn vốn nghèo dưỡng chất. Số còn lại người Ý lại tìm kênh bán hộ, tăng thu nhập cho dân làng. Sau một thời gian cho mọi thứ vào guồng, người Ý cuối cùng sẽ rút đi, giao lại đất cho từng người để họ tự canh tác, sinh nhai.
Nghe xong mình đã nghĩ ngay làng ngay đấy, bãi đất thì ngay cạnh làng, sông lại ngay cạnh bãi đất, mà bãi đất cũng bằng phẳng, toàn cây bụi nên việc phát quang không phải việc khó khăn, nhất là thấy rất nhiều đàn ông khỏe mạnh trai tráng đi lững thững trong làng, vậy thì tại sao lại phải đợi người Ý đến họ mới có vườn trồng rau?
Lúc ra đến ngoài đồng, nói chuyện với một ông kỹ sư nông nghiệp người Ý, ông ý bảo “Khó lắm chị ạ. Mới đầu có 25 người làng đăng ký muốn tham gia hưởng lợi từ dự án. Bây giờ họ trốn hết, chỉ còn mỗi 10 người mà thái độ cũng có vẻ ngần ngại. Họ quen được người da trắng cho tiền rồi, giờ bắt họ lao động mới ra thành quả thì họ không thích”.

Ở đây, dân thành thị còn đỡ một chút chứ dân quê vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ. Đói thì đi quanh quanh kiếm cái ăn, sắn khoai mọc đầy ra, mọc lẫn ngút đầu với cỏ dại nên nhìn cũng không hiểu là do người trồng hay tự mọc, chỉ biết là rút lên là có cái ăn. Quả ăn xong vứt hạt, hạt lại mọc thành cây, xoài chuối mọc khắp nơi, đói bụng mà không muốn nấu nướng thì làm quả xoài quả chuối là xong bữa. Ăn xong đi kiếm chỗ ngủ. Ngủ thì kiếm một gốc cây nằm là đủ mát mẻ, nhà cửa chả quan trọng lắm. Trời đất ấm áp quanh năm nên khỏi lo chuyện sưởi ấm, thậm chí chẳng cần quần áo. Điều kiện thiên nhiên dễ chịu nên con người không có động lực phấn đấu. Đang ăn sắn mãi chả sao mà giờ để có rau tươi ăn, ngày nào cũng phải ra đồng toát mồ hôi gẫy lưng cày cuốc tưới nước nhặt cỏ bắt sâu, thì họ chả muốn ra là phải rồi.

Trong buổi lễ khai mạc, ông trưởng làng lên phát biểu, nói đi nói lại xin các vị da trắng cho nốt tiền nạo bùn khúc sông. Nghe xong ngài chả nói gì. CEO của công ty tài trợ dự án cũng chả nói gì. Lúc nào cũng chỉ muốn đi xin, còn việc bày ra trước mắt đấy thì không chịu làm. Không tự thân vận động, sự trợ giúp nào từ bên ngoài sẽ là đủ?

Ngài đi dự lễ khai mạc về, cả chặng đường mặt nhăn như bị rách. Không phải nói gì chứ tư bản Ý nhân văn hồi mới đến châu Phi hăm hở lắm, đầu toàn những điều vĩ cuồng thay đổi thế giới. Chả bù cho Việt nam cộng sản, vài tháng là đọc vị ra ngay, bị tư bản Ý quở “cô đầu óc suy nghĩ tiêu cực”. Giờ sau hơn 3 năm, tư bản Ý xẹp lép như cái bánh tráng, tiêu cực còn hơn VN cộng sản, đặc biệt độ nhân văn cũng không còn nhiều, nếu không nói là chả còn giề.

Lại quay lại ông kỹ sư nông nghiệp cau có và vườn rau sạch cho còn không đắt, sau khi ca cẩm một hồi, ông ấy bảo “Giá như ở VN thì chắc chắn mọi việc đã khác”. Ông này đã đến làm việc ở VN rất nhiều lần chứ không phải nịnh suông cho vừa lòng cún.

P.S: Tiền dự án là từ một công ty của Ý. Tư bản nhân văn tư duy như sau: nếu một công ty trong quá trình hoạt động sinh lợi gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường, tức là có dấu chân carbon lớn, thì sẽ phải lập công chuộc tội, tức là trích lợi nhuận làm các việc ủng hộ cộng đồng, bảo vệ cải thiện môi trường vv. Những hoạt động này vừa giúp thu nhỏ dấu chân carbon vừa tô điểm cho bộ mặt của công ty, tức là công ty sẽ ít bị chính quyền, đối thủ cạnh tranh, và dư luận lên án, đại loại là như thế. Thế cho nên nguồn tiền làm các dự án nâng đỡ cộng đồng này rất dồi dào, mặc dù hiệu quả thì hên xui. Mà có vẻ như hên hay xui không quan trọng, miễn giải ngân được và ghi được hoạt động đó vào trong portfolio của mình là xong việc, mặc dù dĩ nhiên họ không bao giờ công nhận điều đó. 

8 comments:

  1. rồi tiền từ Ý sẽ rơi vào túi ông trưởng làng kia hic..còn cái dự án kia mãi mãi là dự án..bài học quá quen thuộc rồi..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không có khả năng rơi vào túi ông trưởng làng đâu. Mỗi tội khả năng cao là phải van nài họ mới chịu ra làm đồng, và ngơi giám sát là họ trốn mất, để cỏ dại mọc lút lên thì lại về số 0.

      Delete
  2. Ở VN khác là khác sao chị ơi? Giờ em cũng ko biết có nước nào muốn đầu tư vào nông nghiệp ở VN. Chắc ông bạn chị may sao đó gặp người chịu khó chứ bác bạn của bố em đầu tư xong cũng chạy mất hút.

    Bắc Âu giờ lạnh rau cỏ cũng nhạt nhẽo vì trồng trong nhà kính, thiếu nắng tự nhiên nên nó chả có vị gì hết chị ơi, mà lại đắt lòi mắt. Em chỉ thấy ở VN sướng nhất là ăn rau củ trái cây. Về VN mà đúng mùa sầu riêng, vải là ăn đã đời, chưa kể rau xanh như cải ngọt, mướp này nọ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông kỹ sư kia đến VN làm nhiều dự án nông nghiệp rồi. Ý ông ấy là người VN chăm chỉ cần cù, có cơ hội là chớp lấy chứ không nằm chờ sung rụng như dân ở đây. Chị nghĩ người VN tật xấu gì không nói chứ riêng vụ chăm chỉ cần cù không ngại khó ngại khổ là ưu điểm số 1.
      Vì vụ ngày ngắn đêm dài, thiếu nắng nên thiếu rau cỏ, nên trong entry trước chị mới nói ở tây ăn để gầy tốn tiền hơn ăn để béo rất nhiều.

      Delete
  3. Thỉnh thoảng em gửi tiền về cho mẹ em bảo mẹ đưa cho mấy đứa nghèo, vừa học vừa đi móc bọc, giúp được tầm chục đứa là cũng phải cắt xén nhiều khoản chi khác nên trừ khi biết chắc họ sẽ dùng vào việc ăn học hay chỉ chờ lấy trợ cấp,, e ngại chi ra khoản lớn đầu tư canh tác lắm. em thấy đầu tư về người mà như dân VN nói một đằng làm một nẻo em mà có tiền em cũng ko muốn làm hehe.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị thấy có những người đã có sẵn rất nhiều yếu tố, như cầu tiến, chăm chỉ, thật thà, họ chỉ cần một chút trợ giúp, một chút may mắn, là sẽ thay đổi được cuộc sống của họ. Với những người này chị nghĩ mình nên giúp nếu có điều kiện. Còn lại, chị cũng gặp nhiều người suốt ngày kể lể hoàn cảnh, oán trách cuộc đời, nhưng có cơ hội còn đủng đỉnh hoặc viện cớ này cớ kia, làm việc thì chỉ nghĩ cách bớt xén gian dối than vãn. Với những người này chị đã học được cách tiễn thẳng. Đời ai nấy sống phúc ai nấy hưởng, không có gì phải áy náy.
      Đầu tư lớn thì em phải có điều kiện trực tiếp giám sát, chứ nếu mình dễ quá, quản lý lỏng quá, thì người làm cho mình ban đầu không hư họ cũng sẽ thành hư.

      Delete
  4. Em cung chán các dự án viện trợ không hoàn lại, cho vay ưu đãi này kia lắm rồi chị ơi. Chỉ nuôi béo 1 lũ đục khoét mà tác động thực sự thì ít tẹo. Chưa kể cứ được cho quen thì hư người, mất hết liêm sỷ. Cầm tiền vay mà cứ nghĩ là tiền của mình, chỉ trực tư lợi đút vào túi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em cứ lấy Việt Nam nhân lên vài lần là ra châu Phi. Chị không chỉ chán các dự án trợ giúp như em nói mà còn chán cả việc từ thiện. Nhiều người ở đây chị thấy nếu họ muốn thoát nghèo thì họ thoát từ lâu rồi chứ chả đợi mình giúp.
      Tất nhiên các dự án trợ giúp thì đều khởi điểm với mục đích tốt đẹp. Nhưng trải qua bao nhiêu khâu, bao nhiêu nấc, đặc biệt người muốn trục lợi toàn nhiều hơn người thành tâm, cuối cùng thành biến tướng hết cả. Cũng không biết phải làm thế nào.
      Chị thấy giờ ngay cả việc muốn giúp người khác trên phương diện cá nhân cũng rất khó, không phải cứ muốn giúp là giúp được. Dân ở đây lười nhác dã man lại còn mồm mép. Chị cảm thấy bận bịu như chị, chả hơi đâu chạy theo ủn đít ai. Thế nên chị có khả năng làm được nhiều hơn nữa trong lĩnh vực từ thiện ở đây nhưng chị cũng không làm.

      Delete