Tuesday, February 20, 2018

Hồi bé và hồi lớn



Hồi bé, thích tết lắm. Tết được mặc áo mới, được đi chơi, được tiền mừng tuổi, được ăn giò chả.
Hồi bé, tôi ở với bác. Nhà bác ngay cạnh chợ. Chợ Khâm Thiên. Chợ Khâm Thiên lại có một cái miếu con con. Nhà bác tôi ở trong ngõ miếu chợ Khâm Thiên, để phân biệt với ngõ chợ Khâm Thiên. Chợ không thiếu thứ gì, rau củ, mấy hàng cơm, hàng bán giò chả, hàng bán cá, hàng bán chả cá, hàng chuyên bán các loại rau thơm, hàng bán các loại quà bánh, đồ ăn sáng, hàng chơi điện tử, không thiếu thứ gì. Thậm chí có cả một cửa hàng mậu dịch chuyên bán thịt và thỉnh thoảng lại bán kèm thêm cả đậu mơ.
Sau này hàng quán mới có thói quen mở ngay từ mùng 2 chứ hồi đó chợ sau tết cứ phải sớm nhất là mùng 5 mới họp. Thế là các lều chợ suốt 5 ngày tết cứ vắng hoe gió lộng, trẻ con tha hồ lấy làm chỗ chơi.
Hồi bé tôi nhớ tự dưng có dạo các bà đi chợ cứ xì xào kháo nhau về một ông già ăn xin mới đến, không hiểu con cái gia đình như nào mà ông ý lại đi ăn xin. Ông già ăn xin trải một cái chiếu rách ngay cạnh đống rác, ngày ngồi, đêm ngủ ngay tại đấy. Mới đầu, ông già xin được nhiều lắm. Mọi người thương ông già một thân một mình nên rất hay cho. Nhưng rồi quen đi, chẳng ai cho nữa. Có hôm đi học về, tôi thấy ông ý ngồi trệu trạo móm mém nhai mấy cuộng bắp cải già. Thứ lá bắp cải người bán hay chặt bỏ trước khi cân cho khách. Lá bắp cải già này thì vô thiên lủng. Lần nào tan chợ cũng thấy vun thành đống. Tôi hay đi xin lá bắp cải già về băm rồi trộn với cơm cháy bóp vụn cho gà ăn.
Rồi tôi nhớ, một hôm tết, anh họ tôi chạy về báo tin sốt dẻo “Ông già ăn xin sắp chết rồi, ra mà xem”. Thế là cả lũ trẻ con bọn tôi chạy ùa ra xem. Ông già mặc cái áo bông rách bươm nằm còng queo trên manh chiếu rách, cạnh đống rác hôi thối ở một góc ngôi chợ tết vắng hoe, hơi thở đứt quãng khò khè rất khó nhọc, bọt sùi ra ở hai bên mép. Bọn tôi đứng xem một hồi lâu chả thấy tình hình thay đổi gì bèn kéo nhau về.
Tôi còn chạy ra xem ông già hình như vài bận nữa. Ông ý vẫn nguyên tình trạng như vậy, nằm mê man, thở rít lên từng cơn, và bọt sùi ra ở hai bên mép. Tôi không nhớ cảm nghĩ của mình lúc đó. Nhưng nếu tôi có thương ông già thì chắc chắn là chẳng thương lâu. Trẻ con, lại đang Tết, đang được ăn đồ ngon, mặc áo đẹp, được tiền mừng tuổi.
Hình như sáng hôm sau thì ông già mất…
Lớn lên, tôi không thích Tết nữa. Tết lãng phí và quá nhiều thủ tục, trong khi tôi lại là người ưa tự do. Tôi nhớ người lớn thường hay hỏi trẻ con được khách mừng tuổi bao nhiêu để còn áng chừng mừng tuổi lại cho con cháu khách bấy nhiêu kẻo sợ mất lòng. Tôi nhớ người lớn phải lo dành dụm tiền tiêu tết từ mấy tháng trước. Tôi nhớ những mâm cỗ ngày tết ê hề nhưng chỉ có mỗi món su hào cà rốt hoa lơ xào của bà tôi là chạy nhất. Tôi nhớ những khuôn mặt đàn ông đỏ gay chếnh choáng cả ngày vì rượu. Uống ít nhưng ghé chỗ nào cũng phải uống một ít, nên thành ra nhiều.
Tôi chỉ thích quãng thời gian mấy ngày trước tết tranh thủ dọn nhà, bỏ đi những thứ lưu cữu cả năm. Rồi đi chợ hoa. Rồi đun nồi nước lá mùi già để tắm gội và thảnh thơi đi chùa với bạn. Lên chùa cho có không khí thế thôi chứ tôi không phải người ngoan đạo. Bạn tôi khấn vái lâu lắm, còn tôi nhoắng cái là xong, trừ những khi thất tình. Tôi có con bạn khác, nó khấn vái còn nhanh hơn cả tôi. Lý do là vì nó chỉ xin xỏ đầy đủ ở đúng ban thờ thứ nhất, còn từ bức tượng thứ hai trở đi nó sẽ ngắn gọn “Con xin Phật những điều giống như con đã xin ở ông bên kia”.
Không hiểu sao cứ tết là tôi lại nhớ tới ông già ăn xin, đến cơn hấp hối nặng nhọc trong tiếng trẻ con hiếu kỳ bàn tán trên đầu.
Nhiều khi rất muốn mình bé lại, mà nhiều khi lại thấy mừng vì mình đã lớn lên…

PS: cô hiệu trưởng trường Lê La Na lại còn gửi hẳn thư riêng chúc mừng năm mới. Viết hoành tráng Happy Chinese New Year. Nhã quá. Nghĩ từ hôm nọ tới giờ mà chưa biết phải trả lời sao.
Ảnh: trên đầu thấy cây me. Bèn trèo hái quả ăn. Chua muốn té đái. Thế này sao hồi bé ăn lại ngon thế nhỉ.

19 comments:

  1. Chị Giang ơi, em chúc chị và gia đình sang năm âm lịch mới luôn mạnh khỏe và lạc quan yêu đời nhé. Mỗi lần đọc những trang viết của chị, em thấy rất lòng bình yên kì lạ. Em cảm ơn chị lắm . Yêu chị Giang rất nhiều (^_^)

    ReplyDelete
  2. Em ko có kỉ niệm nhiều về Tết. Chỉ nhớ lúc cận Tết, trời se se lạnh, ngoài đường nhà nào cũng có thêm mấy chậu hoa và nhà bếp thì nhiều đồ ăn. Tết về, đường phố Sài Gòn vắng hoe, yên ả. Em thích cái này nhất. Hết mùng 5, SG lại đón người tứ xứ về. SG mùng 1 và SG mùng 6 như 2 thế giới khác biệt, đôi lúc làm mình xót xa. Một thành phố bé tý lại gồng gánh quá nhiều cư dân, xa hoa và đắt đỏ. Trong khi từ SG chạy xe 5 tiếng về các vùng ven, mấy vùng đó cả năm đông đúc đc mươi ngày Tết.
    Em ko trách gì ai. Em hay bị người lớn nghĩ theo ý khác mà lúc nào em cũng nói nghĩa đen, hy vọng em viết cái này ko bị các anh/chị khác đọc rồi diễn nghĩa sang cái khác hihi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở đâu chả thế em, cứ gì Sài gòn hay Hà nội đâu. Thành phố lớn, có nhiều cơ hội việc làm, thì bao giờ chả đông đúc quá tải. Nếu mà cơ sở hạ tầng tốt thì dân đỡ mệt hơn. Như chị ở Accra, cơ sở hạ tầng kém, đường tắc từ sáng tới đêm. Nói chung cứ ra khỏi nhà là phải lên kế hoạch cụ thể và chiến lược để đối phó với giao thông, chứ cứ thích đi lúc nào là xách xe đi lúc ấy thì đảm bảo ngồi ít nhất 3 tiếng trong đám tắc đường.

      Delete
  3. Chúc mừng năm mới nhe chị, Chúc gia đình mình lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ.
    Ai ma chúc CNY là lạc hậu lắm đó, chị chỉ cần gửi lại happy LUNAR new year la tự động nhột luôn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ờ, xứ châu Phi này chả lạc hậu thì giề. Chị ngạc nhiên vì cô ấy biết tết âm lịch. Chắc cô ấy tự hào lắm vì tưởng đã gây ấn tượng mạnh lắm đây :-)))))
      Chúc em năm mới vui vẻ.

      Delete
  4. Thấy xót xa cho ông già quá chị. Em thì thấy càng ngày em càng ít tình cảm đi thì phải, mặc dù chồng em vẫn bảo em chắc chỉ ít nhạy cảm hơn cái sensor tân tiến nhất thế giới!
    Nhớ hồi bé, cứ gặp ăn xin là em cho tiền. Đi chợ mua rau cho mẹ bao giờ cũng vác về cả đống, có khi toàn rau quả héo, lại còn ăn mướt mải không hết. Thỉnh thoảng cũng bị mẹ mắng vì mua đồ không tính toán.
    Giờ em gần như không bao giờ cho tiền ăn xin, chỉ thỉnh thoảng mua đồ giúp mấy người bán dạo, nếu đồ mình mua mình có thể dung được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng chẳng muốn làm giàu cho các đại gia siêu thị nên hay ưu tiên mua rau cỏ củ quả của người bán bên ngoài, với điều kiện là họ cũng phải thật thà một chút. Nhiều người ma mãnh lắm em ạ, họ biết mình thương người nên nhiều khi mồm mép liến thoắng bán đắt cho mình hoặc giúi cho mình toàn đồ hỏng. Chị trước khi mua bao giờ cũng giao hẹn là muốn chị quay lại mua tiếp thì tốt nhất làm ăn cho trung thực.
      Chị cũng không cho tiền ăn xin. Bọn trẻ con nhà chị muốn cho thì tự lấy tiền riêng ra mà cho. Ông cụ ăn xin ở trong bài của chị thì hồi đó bà chị thỉnh thoảng bảo chị mang đồ ăn cho ông ấy thôi, mà cũng không nhiều vì hồi đó chẳng có mấy nhà dư dả.

      Delete
  5. Em gì ơiiiiiii
    P/S: Chị Giang cứ tự chê nhan sắc xuống dốc xong rồi lại up ảnh trẻ đẹp thế này thì dân tình biết đường nào mà lần :p
    Chúc gia đình chị năm mới yên bình và gặp nhiều may mắn.
    À, em mà là chị, em sẽ không trả lời thư cô hiệu trưởng ngay mà đợi sang 2019 gửi thiệp chúc cô "Happy Roman New Year" ahihihi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông trời ơi nếu mặc quần đùi và buộc tóc đuôi ngựa là thành trẻ đẹp thì con xin mặc quần đùi và buộc tóc đuôi ngựa suốt đời. Ameng!
      Chúc em năm mới vui vẻ. Mà thôi em ạ, vụ cô hiệu trưởng chắc chị đành phải tha thứ thôi, cô ấy là hiệu trưởng oai vệ nên chị quả cũng không dám nham nhở quá.

      Delete
  6. Cô chúc G và gia đình năm mới nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui và hạnh phúc nhé! Cô cũng có lúc nhớ tết xưa như G và giờ cũng không thích tết nữa!
    P/s: hái me với đôi chân dài miên man! Hì

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chân dài là nhờ Iphone chứ không thì đúng một mẩu cô ơi. Chúc cô và gia đình năm mới vui vẻ.

      Delete
  7. Lại có bài đọc rùi ạ. Em chúc chị và gia đình năm mới mạnh khỏe bình an ạ
    Bên đó tết nóng vậy à chị 😁

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chúc em năm mới vui vẻ. Ảnh này cũ rồi em ạ, hình như chụp gần 1 năm trước hay sao đó.

      Delete
  8. Hái me mà không có chiến hữu đứng gác để báo động khi chủ nhà xuất hiện đột ngột là mất nửa niềm vui rồi nhỉ :-D. Ờ, hồi bé mình dễ vui, dễ hài lòng, được cái bánh cái quà là xem như cả ngày đã vui như hội chứ đừng nói gì đến Tết. Mà ở ngoài Bắc, Tết lạnh thế thì trẻ con mang giày gì hở cậu? Tớ thì mang guốc gỗ sơn bông hoa lòe loẹt và chiếc quai nhựa trong, cứ bước đi cồm cộp trên nền gạch suốt ngày thích lắm :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ không nhớ vụ giày vớ. Nhưng tớ đoán hồi đấy làm gì có giày, chỉ có dép lê thôi. Cứ tất và dép lê diện thôi chứ tiền đâu mua giày. Hồi bé tớ cũng mấy lần được mua guốc. Eo ôi được xỏ chân vào đôi guốc gỗ cứ sướng tê cả người :-))))

      Delete
  9. Chị à, chị vừa lên sóng truyền hình quốc gia nhân dịp cô Jessica Minh Anh trả lời phỏng vấn về các show diễn của cô ấy hehe. Cô ấy bảo dự định trong năm nay là hướng đến châu Phi. Biết đâu nhân dân cần lao lần này lại gặp chị trên sóng truyền hình trực tiếp. Chúc gia đình chị năm mới vui vẻ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sao chị lại lên sóng truyền hình quốc gia, chị không hiểu? Cô ấy mà đến châu Phi thì chắc đến Nam Phi chứ xứ khỉ ho cò gáy chị ở cô ấy đến làm giề.
      Cám ơn lời chúc năm mới của em. Chúc em năm mới vui vẻ.

      Delete
  10. Đọc cứ bị ám ảnh hình ảnh ông già ăn xin :((. Quê em ngày xưa cũng nhiều lắm. Mẹ em ít khi nào cho em giữ tiền khi đi chợ :(( vì nhà cũng nghèo rớt. Quả thật mình may mắn hơn rất rất nhiều người. Em cao bằng chị mà sao nhìn chân chị thon dài miên man thế này, em thì ốm mà quả đùi và mông thì to, còn lại lép hết hiu hiu

    ReplyDelete