Thursday, June 30, 2022

30/6/2022

Cậu làm vườn cũ nhắn tin. Từ khi mình rời châu Phi cậu ý nhắn tin lần này đã là lần thứ bao nhiêu. Mới đầu chỉ là madam ơi chúng tôi nhớ madam. Lần cách đây hơn tháng cậu ý kể bị kết thúc hợp đồng, xin mình giúp vì đang khó khăn. Mình nghe xong để đấy. Dân ở đấy bao giờ chả khó khăn. Nhưng lần này cậu ấy bảo mấy đứa con phải nghỉ ở nhà vì không còn tiền cho đi học…

Hồi mình còn ở đấy, biết lương cậu này rất thấp mà mình không can thiệp được, tháng nào mình cũng cho cậu ấy tiền. Chưa kể còn hướng dẫn cậu ấy cách đi đứng bưng bê phục vụ để mỗi lần nhà có events lớn là cho cậu ấy làm thêm thay vì gọi phục vụ ở ngoài. Mình cũng biết mình đi là cậu ấy sẽ đói.

Có những người chủ có thể tiền chùa thì tiêu vô tội vạ, nhưng tiền từ túi của họ thì lại là chuyện khác. Có những người chủ có thể vung vãi phung phí cho bản thân họ, nhưng lại không xì nổi một xu cho người làm. Có những người chủ lúc nào cũng tình thương mến thương khen ngợi niềm nở, nhưng bằng giá nào họ cũng phải được phục vụ đầy đủ, còn nhân viên sống chết mặc bay không phải việc của họ. Có những người chủ lúc nào cũng bắt lái xe phải trong tình trạng chủ gọi lúc nào phải sẵn sàng lúc ấy, từ 7h sáng đến 10h đêm, không cần quan tâm đến việc lái xe ăn nghỉ thậm chí đi vệ sinh vào lúc nào.

Mình thì không làm như thế được. Ngay từ đầu ngày mình đã thông báo lịch làm việc của cả ngày, đầu bếp phải nấu món gì hoặc mấy giờ phải vào bếp phụ mình, trông trẻ mấy giờ phải đón trẻ và phải làm việc đến mấy giờ, lái xe cần phải lái lúc nào và đi đâu, vv và vv, cho họ được chủ động sắp xếp giờ ăn nghỉ của họ. Chưa kể còn những vấn đề kiểu họ ốm, người thân họ ốm, cưới hỏi ma chay thậm chí sắm sửa cho con cái vào năm học mới, ngày nào cũng có việc phải để tâm đến. Đi xa về thường phải tha lôi quà cáp. Rồi lễ tết cũng đều phải phong bì thậm chí giỏ quà cho họ. Giỏ quà không bao giờ mua sẵn mà lúc nào cũng là mình tự tay chuẩn bị, đảm bảo cho vào những thứ thiết thực với họ nhất. Nhiều lúc mệt cũng muốn hê hết, nhưng biết là họ mong mỏi lắm nên lại cố. Có lần họ vui mừng với giỏ quà Giáng sinh madam tặng đến nỗi họ lên nhà xếp hàng để cám ơn. Mình vô tình quay ra thấy một hàng người tối rầm rầm đang đứng nhìn chòng chọc thì giật nảy cả người tưởng họ lại cãi nhau lên nhờ mình phân xử.

Hồi ở châu Phi, thường là mỗi năm một lần, sau khi xong hết các nhiệm vụ của năm và trước khi đi nghỉ, mình sẽ tổ chức liên hoan cho hội người làm. Nói là tổ chức chứ mình chỉ đưa tiền, họ muốn làm gì thì làm. Họ thích lắm, fufu party trở thành sự kiện họ mong chờ suốt năm. Họ tíu tít phân công nhau đi chợ, rồi người đội từng thúng sắn về, người đội từng thúng thịt về, người mang rau tới. Đứng trên nhà ngó xuống dưới sân thấy họ cười nói rổn rảng nói thật cũng thấy vui vui, dù nhìn cảnh họ đồ sắn rồi bắt đầu cho vào cối giã cho từ bở tơi biến thành dẻo quánh, phải giã tay hàng tiếng như thế, mồ hôi văng tứ tung, cả mẹt sắn to tướng cuối cùng co lại thành một vốc tròn tròn bé tí, thấy thán phục cái công họ bỏ ra để ăn uống. Mà đâu có phải giã không thôi, một người giã còn một người phải liên tục thò tay vào trộn, thần kỳ làm sao không giã vào tay nhau. Chứ giã vào tay nhau một cái thì cái thân già nào phải mang họ đi bó bột các cụ tự đoán. Chẳng hiểu sao họ không ăn luôn sắn vừa đồ cho nhàn. Chả biết ăn vào được bao nhiêu chứ sức lực đổ ra để giã còn quá tội. Mà cái vốc sắn dẻo tròn tròn đó, nhìn bé thế thôi chứ lợi hại vô cùng. Cỡ mình ăn một rẻo bằng hai đốt ngón tay là cả ngày khỏi ăn gì khác.

Niềm vui của họ thô sơ đơn giản. Ăn no xong họ nhảy múa hát ca hoặc kiếm chỗ nào đó lăn ra ngủ hoặc cãi nhau. Mười mấy người trong nhà thô sơ đơn giản như thế, chỉ nói không thế này thì không thể kể hết sự mệt mỏi.

Quay lại chuyện cậu nhân viên cũ xin tiền, lại phải nhờ ngài xác minh rồi chuyển cho cậu ta một ít. Cũng chỉ là trì hoãn cơn đói của gia đình cậu ta thêm một thời gian. Và chỉ một lần thôi.

Không thể đặt tất cả vấn đề của người khác lên vai mình, phải vậy không…

Ảnh: đã chăm chỉ đi bơi hành xác chục ngày nay. Đi ngoài đường bị một ông da đen chặn lại hỏi "Chị người châu Phi à?" 🙄. Ngài mà nhìn thấy con vợ đi lượn với cái túi mở toang hoác thế kia thể nào ngài cũng xạc cho một trận. Xạc đi. 

13 comments:

  1. Tem! :)))
    Hu hu sao ng chị đẹp thế, ng 3 con mà như gái đôi mươi. Em nhìn lại e, mới 2 con mà bụng vượt ngực, mặc áo ngực nó cứ trôi đi đâu vì tí bé quá j giữ đc 🥲.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đẻ xong cũng mất rất nhiều thời gian người mới thực sự trở lại như cũ đấy em ạ. Nếu cứ mặc kệ, không tập và ăn kiêng, thì chị nghĩ cũng phải 5, 6 năm. Hồi mới đẻ xong chị cứ tưởng sau vài tháng là người chị co lại như cũ ngay, thế mà sau này nhìn lại ảnh thấy sau 2 năm bụng mình vẫn to tướng chứ có co về như cũ như mình tưởng đâu.

      Delete
  2. Đối nhân xử thế nhiều lúc cũng phải nghĩ đau cả đầu c nhể. Hồi em học cấp 3 nhà có đám, thuê nhà hàng tới nấu mà tới 23:30 họ dọn dẹp để về, mợ em vẫn khó chịu “ủa chưa ăn xong mà chúng nó dọn hết rồi.”. Sau này đi làm thêm cho nhà hàng chủ người Iran, má ơi chắc em xui gặp bà vợ của chủ ghen với tất cả nhân viên nữ trong nhà hàng, hỏi dò từng đứa có bạn trai chưa hoặc phải lesbian ko 🤣 lúc nào tới mụ cũng gọi la liệt các món ko có trong menu cho hai đứa con và ko bao giờ ăn hết, làm rớt vương vãi xuống đất toé loe, chưa kể ăn xong là xách đít đi luôn. Thà ông chủ đẹp trai còn đỡ, đây vừa hói vừa lùn vừa mập, mặc vest ko khác gì trái lựu đạn di động.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trái lựu đạn di động :-)))))) Đàn bà Hồi giáo ghen khủng khiếp em ạ..
      Đối nhân xử thế rất khó. Nếu chỉ biết đến mình thì rất dễ, nhưng làm thế nào để vừa đảm bảo được quyền lợi của mình vừa đảm bảo được quyền lợi của người khác là một điều phải mất công sức.

      Delete
  3. Chị ơi em chuẩn bị dẫn con em đi nghỉ hè ở Rome. Em đọc nhiều post bên fb về nạn móc túi/trộm cắp ở Rome nhiều. Chị có tip gì nhắn nhủ cho em với. Em cảm ơn chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở Rome trộm cắp như ranh em ạ. Em đừng mang đồ trang sức quý và nhiều tiền mặt vì để ở khách sạn/nhà thuê cũng có khả năng bị trộm đột nhập. Ở các khu dân cư thì không có hiện tượng bị móc túi nhưng ở các khu hay có khách du lịch thì hội tzigane/gypsy móc túi lượn như đèn cù. Túi phải kéo khóa cẩn thận, giữ chặt, ba lô có khi phải đeo ra đằng trước và đừng đưa điện thoại cho ai đó nhờ chụp hộ (trừ khi em chắc chắn nó sẽ không bỏ chạy với cái điện thoại của em).

      Delete
    2. Em cảm ơn chị vì em sợ nhất mất điện thoại. Còn trang sức hay tiền mặt thì em k có 😃

      Delete
  4. Hi hi, đọc các bài của chị em chỉ hóng phần kết, đều là sự ít ai ngờ tới nhưng lại rất liên quan từ đầu.
    Em đã tiếp xúc người Châu Phi, thấy cách dạy dỗ của họ quá ư là đơn giản, đầu óc ít được dùng để tính toán, nên thấy ngay cả khi ngặt ngèo với họ rồi mà họ vẫn cứ trơ trơ ra. Làm người có lòng trắc ẩn đã khổ, mà lòng trắc ẩn để ở chỗ họ thì không bao giờ hết được, trừ khi làm ngơ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị có lần chứng kiến cậu lái xe của chị, hồi mới bắt đầu làm cho chị được đâu mấy ngày, trong túi đến 2usd cũng không có, đói mặt vêu cả ra theo đúng nghĩa đen, mà nó ngồi hát nghêu ngao.

      Delete
  5. Khổ thân anh áo đỏ bụng béo quá, chắc chưa nhìn thấy gái đẹp bao giờ nên rụng hết cả thần trí🤣🤣

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cô bé đi đằng sau chụp trộm, ảnh trông rất buồn cười vì có vẻ như chị đang vun tóc lên làm điệu cho anh kia nhìn. Nhưng trên thực tế thì chị đang mải búi tóc và không nhìn thấy anh kia. Còn anh kia cũng chưa chắc đang nhìn chị.

      Delete
  6. Chắc bác trai lại phải sang kia rồi nên bác gái lại thèm xạc chị nhỉ. Chúc mọi việc an lành.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông vẫn ở đây chứ đã đi đâu đâu. Dính như sam, một ngày vặc nhau ít nhất 1 lần.

      Delete