Monday, August 26, 2019

Thương mến tặng thầy

Hồi bé tôi học trường Văn Chương. Hồi ấy nhà ở đâu thì đi học ở đấy. Cả lũ trẻ con xóm Nhà Dầu, khu đường tàu, phố Khâm Thiên, ngõ Khâm Thiên, ngõ Cống Trắng và cả ngõ Văn Chương đều đi học ở đấy. Trẻ con cả phố cả ngõ biết nhau hết, tan học là đi ríu ran thành từng nhóm trước khi tản về nhà từng đứa.
Trường tôi có một tòa nhà gạch xây 4 tầng; một tòa nhà hai tầng nhưng không xây bằng gạch mà ghép bằng chất liệu gì đó nhẹ nhẹ với cầu thang bằng sắt; một tòa nhà hai tầng nhỏ hơn có chỗ để xe đạp của thầy cô ở dưới và phòng ban giám hiệu ở trên, cầu thang đi lên cứ đến mùa là bên dưới lổm ngổm đầy sâu róm đen xì; một dãy nhà cấp 4 lợp ngói dột nát dành cho các lớp bổ túc. Nhà vệ sinh của trường lúc nào cũng trong tình trạng bẩn kinh khủng và lũ học sinh toàn phải đái bậy trên bờ cống nằm phía sau toà nhà ban giám hiệu, hoặc nhịn cả buổi. Lớp học chỉ có bàn ghế, thậm chí còn chả có quạt trần. Hơn 40 thậm chí 50 học sinh chen vào một lớp. Mùa hè nóng ngốt, mùa đông lạnh cóng vì cửa sổ trống hoác.
Thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 của tôi là thầy Hợp. Thầy Hợp gầy gầy, mặt tròn, hay mặc quần âu với áo jersey ngắn tay, giọng nhỏ nhẹ, giảng bài hay và dễ hiểu. Tôi không nhớ có lần nào thầy nổi cáu. Gặp hôm nào trò dốt quá, nghịch quá, mặt thầy chỉ nhăn nhăn tí. Hôm nào vui quá, thầy chỉ cười tủm tỉm. Hồi đó lũ học sinh chúng tôi cuối năm thường được thưởng vở. Cứ đạt danh hiệu gì đó thì lại được thưởng vài quyển. Những quyển vở mỏng mỏng bìa xanh lục ráp ráp. Tôi nhớ có học kỳ được thưởng cả một chồng vở cao ngất ngưởng.
Thầy Hợp muốn khen thưởng để khuyến khích học sinh thường xuyên hơn nhưng trường không có kinh phí. Mà thầy cũng không muốn học sinh phải nhận thêm vở. Thế là thầy rút tiền túi tự thưởng trò. Cứ cuối tháng, đứa nào ở vị trí nhất nhì ba là thầy rút túi thưởng. Tôi nhớ có lần được thầy rút túi thưởng luôn 5000 đồng. Tiền đấy để đi ăn bánh chuối.
Thầy Hợp rất tận tình với học sinh. Trong lớp đứa nào có năng lực vượt trội đều được thầy giao thêm bài khó hơn cho làm. Lũ chúng tôi cứ thế phấn đấu thật nhiều, thi đua với nhau thật nhiều, để hoàn thành những bài tập khó, để giành được phần thưởng của thầy mà chẳng biết rằng thầy cũng nghèo lắm, muốn khích lệ trò mà rút tiền túi ra vậy thôi.
Nhớ các ngày 20/11, lễ nọ tết kia, lũ học sinh lếch thếch đi bộ từ trường Văn Chương lên phố Phan Đình Phùng rồi quặt vào cái ngõ nhỏ tên Đặng Tất. Nhà thầy ở đó. Nhưng thầy chẳng bao giờ tiếp. Hoa mang đến lại mang về, tranh khiêng đến lại khiêng về. Có lần thầy ốm, cả lũ học sinh đến thăm thầy cũng không tiếp. Đường sữa học sinh khui ra ăn vã luôn trên vỉa hè. Tết mang rượu lúa mới biếu thầy, thầy chả tiếp, thế là một đám học sinh mở ra uống luôn, say bí tỉ. Đúng là nhất quỷ nhì ma. Thế mà rồi tất cả chúng em đều khôn lớn, thầy ạ.
Tôi nhớ đến thầy Hợp, khi mấy ngày nay trên mạng rần rần vụ học sinh tử vong ở trường quốc tế. Tôi nhớ cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi, mắng mỏ, đe nẹt, để lũ học sinh đang vào tuổi mơ mộng không được xao nhãng học hành. Tôi nhớ cả thầy giáo dạy toán cấp 2 của tôi, nói gì cũng thêm từ ạ, “Các anh các chị không chịu học hành thì về sau ăn cám ạ”.
Cám ơn thầy cô, cám ơn mái trường nghèo mùa đông lạnh mùa hè nóng, cây cối trụi không mọc nổi vì trẻ con nghịch quá (trừ những cây đã mọc sẵn).
Ở đâu đó vẫn phải còn chứ, những ông giáo bà giáo khắc khổ mô phạm nhưng hiền từ tận tâm với trẻ, ở những mái trường xoàng xĩnh nhưng giờ ra chơi vẫn rộn rã tiếng cười, để lũ trẻ 30 năm sau vẫn muốn về thăm...

PS: Con tôi đi học bao năm rồi, tôi có thể tự tin mà nói rằng quan trọng nhất là người thầy. Năm nào được vào lớp có thầy giỏi là biết ngay. Gặp thầy giỏi giang, tận tâm, có trách nhiệm, thì có học trường làng cũng nên người. Phòng ốc có sáng choang, đủ thứ trang thiết bị hoành tráng, thì cũng chỉ được cái vỏ thôi. Quan trọng thứ hai là gia đình. Quan trọng thứ ba là bạn. Bạn bè với những đứa trẻ chăm ngoan giản dị hiếu học, chắc chắn sẽ khiến con mình học được nhiều điều có ích. Cơ sở vật chất kém tí có sao. Trẻ con kiểu gì chả vui. Vui là một đặc ân của tuổi trẻ. Chỉ là người lớn cứ mang những cố chấp của mình mà sợ thay cho trẻ con, cứ dốc sức mua cho trẻ con một cái vỏ…
Xã hội trọng hình thức quá, thế nên những thứ có nội dung nhưng hơi thiếu hình thức dường như càng ngày càng không có chỗ đứng. 

24 comments:

  1. Rất tâm đắc với Giang về quan điểm chọn trường học cho con, chỉ cần 1 ngôi trường mà có thầy cô làm đúng chức năng giáo dục, có đám bạn chăm chỉ học hành thì còn mình cũng sẽ thành nhân. P và bạn Pat đang bàn việc sẽ cho Abigail học ở trường làng hay trường tư, quan điểm của P là muốn con học trường làng, nơi mà nó biết bạn bè của nó từ lúc nhỏ, nơi mà cha mẹ ông bà biết hết nhau. Bạn Pat thì muốn Abigail học trường tư, nghĩa là nó sẽ đi học chung với những đứa trẻ không ở cùng trong làng với nó. Trường công thì mọi đứa trẻ đều học cùng nhau, còn trường tư họ có quyền từ chối những trẻ đặc biệt.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình nghĩ trường làng, trường công, trường tư đều được. Miễn khi bố mẹ chọn trường đừng nhìn cơ sở vật chất đầu tiên.
      Nói thật mình nhìn chung không thích trường Mỹ. Trường Mỹ ở những nơi mình từng ở, ngáo lắm, ngáo dân chủ ý, và giáo dục trẻ con cái kiểu tự tin rất ngớ ngẩn. Hy vọng trường Mỹ ở Mỹ, nhất là trong các cộng đồng vẫn còn đơn thuần, thì bình thường hơn.
      Mình cũng không thích trường học từ chối nhận trẻ vì trẻ hư hay hơi chậm phát triển này khác. Dĩ nhiên trường họ có lý do của họ để không nhận nhưng cá nhân mình thấy bất nhẫn. Trẻ có đứa này đứa kia, đứa nào cũng ngoan ngoãn sáng láng học giỏi thì ngành giáo dục chả còn mấy việc để làm. Bác mình làm giáo viên, bác bảo những đứa học sinh cá biệt có khi lại là những đứa tình cảm nhất. Tất nhiên trừ trường hợp trẻ vị thành niên nghiện ngập bạo lực và đủ lớn để gây nguy hiểm cho bạn bè.

      Delete
  2. Em cũng nghĩ là thầy cô là quan trọng nhất, nhưng có vấn đề là trong 5 năm học (vd khối 1) thì ko phải năm nào cũng có thầy cô tốt (nếu như không chọn trường tương đối để họ lọc sẵn thầy cô cho mình, và quy trình/ chương trình của họ đủ nghiêm/đủ công bằng để có thể giúp các thầy cô phát triển, chứ ko phải chỉ dựa vào cái tâm/ ý muốn của họ. Trường không tốt thì cũng sẽ có một vài ngôi sao, nhưng nếu con mình ko học đúng những ngôi sao đó. Thế nên thực trạng ở vn em vẫn phải đi tìm trường tốt (theo ý là chương trình tốt, hệ thống tốt). Sau mới chọn cô (mặc dù khó để mà biết được cô nào tốt hẳn).


    ReplyDelete
    Replies
    1. Ý chị là khi chọn trường đừng nhìn cơ sở hoành tráng bóng lộn thầy cô ngoại quốc mà đổ tiền vào. Theo kinh nghiệm của chị, trong các trường quốc tế/song ngữ, thầy cô ngoại quốc có thể lịch sự nhẹ nhàng với trẻ hơn nhưng trình độ thì có khi chẳng bằng thầy cô bản xứ, và nói tiếng Anh cũng không chuẩn. Giáo viên giỏi họ không đến VN hay châu Phi đâu em ạ.
      Thế nên trừ khi tiền bạc mình vô tư học phí bao nhiêu cũng không thành vấn đề, còn lại nếu đồng tiền mình chi ra phải tính toán, thì việc gửi con vào các trường quốc tế/song ngữ theo chị là không cần thiết. Nhất là khi không biết nó quốc tế thật được bao nhiêu, và song ngữ thì cô giáo dạy toán là tây nên dĩ nhiên là nói tiếng tây nhưng lại ko biết toán và cũng không có trình độ sư phạm nên dạy không ai hiểu. Nếu phải trường hợp như thế thì thà cho con học trường công bình thường còn hơn. Mà những trường hợp như thế thì theo chị là khá nhiều, chẳng qua là không phải bố mẹ nào cũng biết.
      Con chị đi học, chị chỉ chọn trường, chưa bao giờ chọn thầy cô, cứ để cho trường họ phân vào lớp nào thì vào. Có năm được thầy tốt, tận tâm theo sát khích lệ trò, biết ngay. Có năm gặp thầy dạy lấy lệ cuối tháng lĩnh lương, cũng biết ngay. Không sao hết, đời không phải lúc nào cũng toàn trải hoa hồng. Chị thấy nhiều bố mẹ không xin được cho con vào lớp mong muốn, họ than thở bất mãn ngó nghiêng so sánh hoặc làm loạn với ban giám hiệu. Bố mẹ nào cũng thế thì trường cũng khó mà tốt được.

      Delete
    2. Để chị kể thêm cho em nghe chuyện trường cũ của con chị. Vừa vào học được mấy tuần thì trường họ có khóa học miễn phí đào tạo phụ huynh, để phụ huynh biết cách xử lý khi con hư, không nghe lời hoặc đánh bạn. Chị nghe hấp dẫn quá thu xếp thời gian đi học liền. Lớp học rất hiện đại, màn hình, máy chiếu, chương trình thì được mua bản quyền mới nhất, slide và video rất pro. Quốc tế có khác. Ngồi được đến buổi thứ 5 thì chị mới biết con của cái cô người Mỹ đang giảng cái khóa học đó nổi tiếng là hư và hay đánh bạn trong trường. Hóa ra là học phí cao, trường rủng rỉnh tiền nên tha hồ đi mua đủ thứ chương trình về lòe phụ huynh. Cô giáo được phân công hướng dẫn chỉ có mở slide và dạy như vẹt chứ thực tiễn thì có dạy nổi con cô ấy đâu mà đòi dạy mình để mình về dạy lại con mình. Mình chả dạy cô ấy thì thôi.
      Và đó là 1 trong những lý do chỉ sau hơn 3 tháng chị chuyển cả 3 đứa con chị sang trường khác, chấp nhận mất 20k euro tiền đăng ký (tiền đăng ký thôi đấy, học phí chưa tính). Thà cứ quê quê mà thật còn hơn hoành tráng tĩ tã mà chỉ được cái vỏ.
      À mà cái cô người Mỹ đó sau đó không được gia hạn hợp đồng làm việc, cô ấy tìm đường sang châu Á rồi đấy. Chị không biết chính xác là nước nào và phụ huynh nào đang phải trả tiền để được cô vẹt đấy bổ sung kiến thức làm cha mẹ cho.

      Delete
    3. Em cũng nghĩ như chị. Trừ khi thuận lợi để học tiếng anh ở British Council, còn không thì em cho đi học các cô giáo ng Việt theo các chương trình phù hợp. Còn trường thì em cho học trường Việt chất lượng cao thôi chứ ko ham hố vào trường quốc tế. Môi trường làm việc của em có rất nhiều ng Việt giỏi, và em thấy không có lý do gì lúc nào cũng phải sính quốc tế cả.

      Delete
    4. Một kênh quan trọng cho trẻ học tiếng Anh là xem phim, nghe các bài hát và đọc truyện bằng tiếng Anh. Trẻ con học nhanh lắm em ạ chứ không có vật vã vào tai nọ ra tai kia như người lớn mình đâu. Có đứa chỉ có xem phim bằng tiếng Anh thôi mà nói làu làu. Cho đến lớp để củng cố thêm ngữ pháp nữa là ngon lành luôn.

      Delete
  3. Hi chị, em Hạt nè, đọc phần p/s của chị mà thấy được động viên nhiều lắm chị ạ. Em giờ chuyển sang dạy tiếng Đức. Đi dạy, mình thì muốn học sinh chăm chỉ, học hành tử tế xíu vì bản thân cái tiếng Đức nó đã rất khó, muốn hiểu được thì phải học hành tử tế ngay từ đầu, ngoài ra thì đằng nào chả phải học, sao ko học tốt luôn đi? Mà muốn học tốt thì phải chăm đi học, làm bài tập .... Mà nói học sinh nó ko chịu nghe, mấy bạn ấy cứ nghĩ là học sao cũng xong, nhiều lúc chán cũng ko muốn nói vì nói nhiều lại bị ghét ạ. Nhưng sau cùng em nghĩ, thôi mình cứ làm đúng việc của mình. Dần rồi thấy công việc cũng đỡ stress hơn. Em vẫn đọc blog của chị, ko bỏ sót bài nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị học xong cũng được trường giữ lại làm giảng viên nhưng chị chuồn, vì nhận thấy môi trường không đơn thuần như mình tưởng, và cũng vì không muốn phải chạy theo đuôi hò la sinh viên học hành tử tế. Nghề giáo khó lắm và là một nghề cao quý.
      Nhưng có những người thầy tận tâm với học trò và vì thế hàng chục năm sau học trò vẫn nhớ, vẫn biết ơn và vẫn tìm về thăm. Làm thầy, theo chị đó là phần thưởng lớn nhất. Còn muốn tiền bạc, danh vọng, thật xổi thật nhanh, thì phải tìm nghề khác.

      Delete
  4. Hôm trước có gửi comment vì chỉ đến bài viết này mình mới chắc cậu là Giang-học cùng hồi lớp 4A & 5A. Mình chẳng nhớ được nhiều và chi tiết về mọi thứ như cậu được nhưng trong ký ức còn lại về những năm hoc tiểu học vẫn còn nhớ cảnh cả lớp lếch thếch xuống bệnh viên Bạch Mai thăm thầy mà ko gặp lại kéo nhau lên Đặng Tất. Lên đến nơi nhiều đứa xấu hổ - trong đó có mình không dám vào. Hình như thầy phải ra tận nơi gọi vào. Lớp chọn của trường và thầy có vẻ cưng 2 cô học trò - Thu Hà lớp trưởng và cậu- lớp phó - đúng không nhỉ. Ui.. bạn Giang đen đen hiền hiền hồi xưa là cậu đấy sao. Hoá ra cậu vừa giỏi toán mà viết văn cũng lôi cuốn chẳng kém. Cậu hồi đó đâu quá nghịch nhỉ .. Hình như cũng ko hay chơi nhảy dây với tụi con gái. Chẳng biết mình nhớ có đúng ko chỉ nhớ bạn có vẻ hiền và hay cười tươi. Sang lớp 6 mình chuyển trường khác nên từ đó không gặp lại các bạn nữa. Không biết Thu Hà và Hồng thế nào rồi nhỉ. Bạn cùng lớp cũ chắc Giang không nhớ đâu :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cậu mà nói tên là chắc chắn mình nhớ đấy. Bạn lớp 5 ai mình cũng nhớ hết.
      Hồi đi thăm thầy rồi vụ bốc đường ăn vã và khui rượu uống mình có được đi đâu, chỉ được nghe kể lại thôi. Bác mình thường không cho đi đâu trừ ngày 20/11. Công nhận hồi đấy đi bộ giỏi thật, xuống Bạch Mai rồi lại lộn lên Đặng Tất. Bây giờ đố mà đi được như thế.
      Mình cũng hay ở lại chơi nhảy dây, nhớ lắm vì học xong rất đói phải lấy khăn đỏ thắt bụng vào cho khỏi đói. Nhưng mình thường không dám chơi lâu vì sợ về muộn bác mắng.
      Trên facebook lớp mình có một group đấy. Cậu có trong group đó không?

      Delete
  5. Ơ..mình nhớ kém thật đấy. Cái gì cũng quên và còn mang máng một chút nên có khi lại thành ra nhớ nhầm. Cậu cũng hay ở lại chơi nhảy dây mà cứ đinh ninh là không. Hồi đó đi học thì đến thật sớm để chơi nhảy dây, nhảy ngựa. Học xong lại rủ nhau ở lại chơi tiếp. Vui ơi là vui.. Mình là Bích đây. Cậu không nhớ ra cũng không sao vì tớ cũng chẳng có gì nổi bật hồi đó. Học thì làng nhàng mà nhẩy nhót chơi đùa thì luôn góp mặt. Mình không tham gia nhóm nào trên FB vì cũng lười và ngại Giang à. Thỉnh thoảng có dịp đi qua trường cũ, không vào, nhưng kỷ niệm về mái trường nhỏ bé chỉ có 1 dãy nhà hai tầng cho khối 1 & 2 có cầu thang sắt hai bên, bãi cỏ trước toà nhà khối 3, 4, 5 nơi ngày nào cũng phải dành dăm phút tìm bắt châu chấu, chuồn chuồn, cỏ gấu....vói những giờ ra chơi náo nhiệt, ầm ĩ tiếng cười đùa và hình ảnh miệt mài phấn trắng, bảng đen của các thầy cô thì luôn ở đâu đó trong ngăn kéo của ký ức để có dịp nào đó lại ùa về nhắc mình đã từng có một thời đi học có vui, có buồn nhưng đầy trong trẻo, thơ ngây.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tìm được Bích ở đây vui quá. Tớ nhớ Bích chứ. Bích hiền ơi là hiền lại ít nói. Bọn lớp mình vừa post ảnh hồi lớp 5, tớ nhận ra Bích ngay. Tớ vẫn nhớ bãi cỏ trước toà nhà khối 3, 4, 5. Gọi là bãi cỏ cho thơ mộng chứ thực ra ngoài đám cỏ bên rìa sống sót thì cỏ ở giữa trụi hết vì học sinh nghịch quá. Tớ nhớ suốt ngày chui rúc tìm cào cào và ngó lên cây phượng vĩ tìm bọ ngựa. Có lần vừa bắt được con cào cào thì trống đánh vào tiết. Cuống cà kê vì thả thì tiếc mà mang vào lớp thì không dám hihi. Bích có gặp bạn cũ nào không? Tham gia vào nhóm trên fb đi. Nếu cậu có tài khoản fb thì cho tớ để tớ add cậu vào. Bọn nó nhắc lại nhiều chuyện buồn cười lắm. Nhớ các bạn quá.

      Delete
  6. Chị nói đúng từng câu từng chữ! Và nhớ cả phần thưởng là mấy quyển tập màu nâu nâu, giờ thỉnh thoảng em vẫn mua mấy quyển tập màu đó để viết kiểu như tìm chút kỷ niệm

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị còn cả một quyển sổ trên bìa ghi Hà nội mới '98, hôm nọ mở ra ghi chép mấy thứ mới nhận ra. Tại viết chưa hết nên cứ dùng. Giời ơi thỉnh thoảng tui cũng phải bàng hoàng với cái sự cũ kỹ của bản thân :-)))))

      Delete
  7. Đúng là xã hội bây giờ trọng hình thức quá. Tây thì ko biết chắc ngày xưa nó thế nào, nhưng rõ là VN nhận thấy rõ rệt. Nhất là khi càng ngày càng có nhiều phương tiện để người ta phô hình thức. Bọn trẻ con kiểu gì nó cũng chơi vui được, chỉ có người lớn mới hay sợ bọn nó bị missed out thôi nhỉ. Chuyện chọn trường lớp cho con cũng lắm khi rầu lòng phết, có lúc phải vừa làm bố mẹ, vừa làm cả thầy cô giáo :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhiều khi bố mẹ cứ lo lắng chộn rộn quá nên thành ra cứ lôi con vào cuộc bon chen của mình chứ trẻ con nó có cần nhiều như thế đâu.
      Trẻ con chỉ cần được ăn đủ no, học hành vừa phải, rồi đuổi ra sân chơi. Phải thiếu thốn một chút mới học được tính thích nghi và sáng tạo, chứ thừa thãi quá thành ra lười nhác thụ động. Sợ nhất một thế hệ những đứa trẻ cứ buông smart phone và màn hình TV ra là không biết phải làm gì với chính mình.

      Delete
  8. Đọc văn của chị cũng thấy bùi ngùi. Nhờ chị nhắc em mới nhớ ra mấy quyển vở mỏng bìa xanh mặt láng ở ngoài, mặt nhám ở trong em cũng được nhận phần thưởng. Hình như hồi đó cả Hà Nội đều thưởng bằng loại vở đấy hay sao ý.

    Phố Đặng Tất chứ ko phải ngõ chị ơi, nó là một con phố nhỏ ngắn ngắn đâm từ Phan Đình Phùng ra Quán Thánh. Chắc lâu lắm rồi chị ko về VN.

    Vụ trường Gateway đó ầm ĩ lên mà vẫn chưa có kết luận chính thức như thế nào, rồi mới phanh phui ra đủ thứ là thật ra trường đó ko phải là quốc tế mà chỉ tự gắn mác quốc tế để thu học phí cao thôi. Nhưng mà cái làm dư luận phẫn nộ nhất là thái độ của trường có vẻ muốn phủi tay đổ hết trách nhiệm cho cô monitor chứ ko thành khẩn nhận lỗi và chịu trách nhiệm về mình :(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi học lớp 1, chị nhớ nhất lần làm bài tập về nhà, phải chép mấy trang câu thơ:
      Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
      Gió qua rừng Đèo Khế gió sang

      Những câu thơ đoạn văn học hồi cấp 1 cấp 2, nhiều lúc nghĩ lại thấy bồi hồi thế. Đúng là một thời trong trẻo.
      VN ta bao vụ treo đầu dê bán thịt chó mà không hiểu sao dân tình vẫn cứ lao vào. Ngay từ chục năm trước, lúc các trường song ngữ và quốc tế bắt đầu ào ào mở ra, là chị đã thấy không ổn rồi. Không biết bao nhiêu người đã phất lên nhờ kinh doanh giáo dục cái kiểu này, và bao nhiêu bậc phụ huynh chính ra đã tiết kiệm được một khoản kha khá nếu không lao vào các trường kiểu này.

      Delete
  9. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế ẩn sĩ đã nhìn thấy friend request trên fb của tui chưa hihi

      Delete
  10. Em thấy người ta đang bị nhầm lần giữa nhiều khái niệm, mang áp dụng nhiều cái từ bên Tây mà áp dụng nửa vời. Nhất là giáo dục chị ạ. Ví dụ thôi, ở các trường song ngữ, họ mua giáo trình và phương pháp quản lý vận hành của phương Tây về dạy cho trẻ, nhưng bao nhiêu năm văn minh phương Tây có khi vẫn có những người chưa theo kịp nữa là ở VN bản thân bố mẹ, họ hàng, làng xóm cũng loay hoay ko biết cư xử như nào cho văn minh lịch sự. Rồi đến cả các cô giáo,như cô chị nói ở trên ấy, lí thuyết thì thuôc mà con các cô các cô còn ko áp dụng nổi. Mà có cô nào lệch sóng bố mẹ thì bố mẹ đến tận trường "xử" cô, ko quên khoe con : mẹ cho cô giáo biết mặt. Nẫu lắm chị ạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bố mẹ nào như thế mà con ngoan được mới là lạ. Sợ cái kiểu bố mẹ xử cô giáo, người nhà bệnh nhân xử bác sĩ, nhân dân xử lẫn nhau quá.
      Nhiều khi trường dạy 1 đằng, bố mẹ ở nhà làm gương một kiểu, nói thật trẻ con không biết phải sống sao.

      Delete
  11. Rùi rùi..Giang ah. lớ ngớ tưởng trên Mesenger thấy bạn nhắn tìm mãi. hoá ra lại vẫn phải vào Ứng dụng FB lục.

    ReplyDelete