Sunday, January 11, 2015

Mare Nostrum

Hơn một năm trước, sau khi xảy ra mấy vụ tàu chở người di cư đắm ngay ngoài khơi một hòn đảo thuộc Ý khiến hàng trăm người chết thảm, chính phủ Ý khởi động chiến dịch Mare Nostrum nhằm tìm kiếm và cứu nạn người di cư bất hợp pháp tìm đường đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, tháo chạy khỏi những nước Hồi giáo loạn lạc từ sau mùa xuân Ả rập. Những người này vượt biển trên những con thuyền nát, nhiều thuyền trông không hơn cái mủng là bao, thậm chí có chuyến còn bị bọn buôn người chủ động đánh đắm, nói chung tỷ lệ chết đuối rất cao.

Đây là một hành động có thể coi là “nghĩa cử” của Ý nhưng cuối cùng lại không được sự ủng hộ của các nước EU. Lý do là họ không muốn người tị nạn thấy bở là ồ ạt kéo tới, gây thêm gánh nặng trợ cấp cho xã hội vốn đang vật lộn với đủ vấn đề của nước họ. Họ có lý của họ. Dân họ làm mửa mật đóng thuế mà thời buổi khó khăn còn bị cắt giảm bao nhiêu phúc lợi, đời nào họ cho mang tiền thuế đi cưu mang những người chẳng liên quan, nhất là những người Hồi giáo nhập cư vốn không phải nức tiếng tốt đẹp gì. Còn Ý thì có lý của Ý vì ở vào thế khó do vị trí địa lý, hàng ngày tiếp nhận thông tin tàu đắm người chết ngay vùng biển nước mình, mang tiếng là nước văn minh, nhân quyền, nhân đạo cao, không thể nhắm mắt mặc xác cho chúng mày chết tao chỉ làm nhiệm vụ vớt xác.

Thế là hải quân Ý gồng mình gánh sứ mệnh nhân đạo cao cả, tìm kiếm, cứu trợ, cho ăn uống, thuốc men y tế, và lai dắt hoặc thậm chí chở người nhập cư tới đất liền, cứu được gần 150,000 người như vậy, mặc dù cứu xong thì hình như cũng chẳng biết làm gì tiếp???? Chưa kể còn có nguy cơ khủng bố trà trộn để thâm nhập vào châu Âu. Sau vụ Charlie Hebdo ở Pháp, cảnh sát Ý giờ cũng đang sốt vó lùng sục vì nghi có khủng bố Hồi giáo cực đoan trà trộn vào đám dân tị nạn ở Sicily.

Chiến dịch đó rút rất nhiều sức của hải quân và một khoản kinh phí khổng lồ hàng tháng lấy từ ngân sách vốn cũng đã rất eo hẹp của Ý. Sau một năm, Mare Nostrum đã buộc phải dừng lại.

Có hay không có Mare Nostrum, hàng ngày, rất nhiều người Hồi giáo tuyệt vọng vẫn vượt biển trên thuyền nát, hy vọng được đổ bộ lên xứ sở tự do giàu có bên kia bờ Địa Trung Hải. Mình thực sự không hiểu những nước Tây Âu, nhất là Pháp, sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Cộng đồng Hồi giáo trong xã hội ngày càng đông, vừa muốn có quốc tịch, vừa muốn giữ bản sắc, nhưng giữ bản sắc thì lại khó hòa nhập, tức là có quốc tịch nhưng vẫn cảm thấy mình đứng ngoài rìa xã hội, chả ai coi mình ra gì, rồi việc thì khó kiếm, kết hôn thì sớm, con thì đẻ sòn sòn, túm lại vẫn loanh quanh trong vòng đói nghèo lạc hậu, mãi rồi thành tâm lý hoang mang bất mãn thù ghét xã hội. Lại cộng thêm truyền thống sùng bái tôn giáo, đúng là con đường ngắn nhất dẫn tới cực đoan, tạo thành rất nhiều những quả bom nổ chậm trong xã hội.

Gặp những vụ khủng bố cực đoan kiểu Charlie Hebdo, chính phủ làm được gì ngoài bắn chết? Nhưng chết thế không vấn đề gì với chúng nó. Chúng nó tin rằng tử vì đạo là được lên thiên đường và được tận 70 trinh nữ phục vụ, thế chắc chắn là ngon hơn sống ở dương gian có khi chả có ẻm nào mà kiếm sống lại vất vả.

Mình chỉ biết sau vụ này rất nhiều người Hồi giáo sẽ bị vạ lây dù họ chẳng có lỗi gì. Cá nhân mình biết nhiều doanh nhân Hồi giáo rất thành đạt, ở Dubai nhà như cung điện, ra đường mọi người cung kính, nhân viên nhìn thấy chủ thì sợ xanh mắt mèo, mà sang tới hải quan phương Tây, giơ quyển hộ chiếu ra là bị hạch hỏi, quát tháo, thậm chí trả lời không thỏa đáng một cái là có khi bị tạm giam chờ xác minh xem có liên quan tới khủng bố không ngay. Người Việt Nam mình cũng bị kỳ thị phân biệt, nên chắc không khó tưởng tượng cảm giác của họ.

Còn về đạo Hồi, một thứ tín ngưỡng rất khó tả, mình sẽ viết ở entry sau.

39 comments:

  1. Nhưng em phải công nhận là có mấy cái biếm họa mà mình chả phải đạo Hồi, xem xong còn thấy nếu mình là họ thì cũng điên gan lắm. Theo em chả việc gì phải choc ngoáy như thế, biết rằng đụng vào một tổ kiến lửa mà vẫn thích đụng thì thôi. Trên đời, thiếu gì thứ để các ông biếm họa!!! Cái chính là làm sao quản lý đầu nhập cư vào lẫn nâng cao đời song xã hội, chứ võ mồm võ ảnh thì giải quyết được gì đâu mà họa hại không lường!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em sẽ đúng nếu phát biểu với tư cách cá nhân. Trong xóm có thằng vừa điên vừa liều, người thường như mình tất tránh xa chứ dây với hủi không phải đầu cũng phải tai.
      Nhưng những người làm nghề dùng ngòi bút của mình để châm biếm, để chiến đấu, thì họ sẽ không suy nghĩ như mình. Bởi nếu chiến đấu mà gặp thằng hiền thì chiến triệt để cho nó không ngẩng mặt lên được, còn gặp thằng ghê gớm thì thôi tránh đi cho nó lành, thì sao gọi là chiến đấu? Hôm nay phải tránh cái này, ngày mai nó lại thêm yêu sách phải tránh cái khác, rồi thằng hiền thấy cách phản ứng mọi rợ của thằng ghê gớm hiệu quả nên cũng phản ứng mọi rợ theo, cuối cùng thì chẳng ai dám nói cái gì nữa.
      Họ vẽ biếm họa, chỉ được dùng ít từ ngữ trong khi thông điệp phải mạnh, thì một thủ thuật thường gặp là phải dùng hình ảnh ép phê. Cá nhân chị không thích nhiều bức biếm họa mông đít vì nó không hợp nhãn chị. Nhưng không hợp nhãn thì chị không xem và không mua báo, chứ vẫn tôn trọng những nhà báo dám dùng ngòi bút của mình để chuyển tải thông điệp lên án chế giễu những điều lố bịch, tệ hại, hủ lậu của xã hội. Họ lên án sự vật, hiện tượng, chính sách, câu nói, hành vi lố bịch nào đó chứ đâu có chửi bới cá nhân hay kỳ thị tôn giáo. Chị lấy ví dụ có bức nhà tiên tri ôm mặt và bảo “đến khổ vì bị bọn ngu nó thờ”, thì với chị thông điệp của họ là “những kẻ cực đoan chỉ lấy tôn giáo làm bình phong để đi gây rối chứ thực ra nhà tiên tri Mohammed không hề dạy chúng nó như vậy”, như vậy với chị đây là một thông điệp minh oan cho những người theo đạo Hồi tử tế và phân biệt họ với những thằng cực đoan mượn tôn giáo để làm loạn.

      Delete
    2. Không, theo em, các ông muốn biếm họa cái gì thì biếm trừ vấn đề cứ link Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố. Suy cho cùng, mục đích các ông là gì qua những bài biếm họa đó? Để bọn đạo Hồi cực đoan tỉnh ra ? Không phải vậy, rõ ràng là chúng cứ sẵn sang liều chết. Để các ông chính trị ra 1 biện pháp gì hiệu quả ? Cũng không phải, vì chả đâu, chỉ thấy dân thường chết chóc, các ông hô hào vài tiếng lấy lệ , gục mặt vò đầu trong vài shoot hình rồi đâu lại vào đấy. Để chúng ta xem chuyên mục rồi phì cười ? E rằng nụ cười đó quá nhạt vì ai chả biết tong bản chất . Biếm họa là thứ rất nguy hiểm, có sức mạnh bằng ngàn lời nói, nhưng rất khó để vẽ ra được 1 bức cho thấy rõ nguồn cơn vấn đề. Thành thử, biếm họa chỉ tổ đem lại hận thù, chứ chả giải quyết được gì cả. Phe đạo Hồi, ngay cả người tử tế, hỏi họ có thích đem Ala ra làm biếm họa không, thì rõ là không. Không một tín đồ của ngoan đạo nào, từ Chúa, tới Phật, tới Ala lại muốn nhìn thấy mấy cái biếm họa đem thần thánh họ ra đùa cợt. Em chỉ đánh giá cao các anh nhà báo, lăn xả ra chiến trường, viết các bài phóng sự phơi bày sự thật. Các anh ấy quả là can đảm. Còn các anh ngồi văn phòng yên ấm, lại đi ngồi đả phá phần ngọn mà ai chả biết rõ mười mươi, trong khi chính phủ chả bảo vệ mình hay mình cũng chả tự bảo vệ nổi mình trước một lực lượng hiếu chiến, thì theo em, hơi bị ngông. Thay vì các ông biếm mấy ông này, các ông biếm các chính trị gia vĩ đại của đất nước mà chả nghĩ ra biện pháp nào hiệu quả để đối phó với vấn đề này thì lợi ích hơn. Giờ lăn ra đấy, chỉ khổ gia đình!!! Cái biếm họa chị kể là còn nhẹ nhàng, nhiều bức nhìn chỉ có nước lắc đầu tự hỏi, một đất nước phát triển và nhân đạo thì có cần phải cay nghiệt thế không? Đến nỗi giờ cứ nhắc đến đạo Hồi là đi kèm chữ khủng bố to tướng.

      Delete
    3. Chỉ đơn giản 1 điều là luật nó không cấm thì chả ai làm gì được các ông vẽ tranh biếm họa cả. Cũng giống như làm phim về các lãnh tụ tôn giáo, hay về anh Kim Jong Ủn chẳng hạn có người thích, có người không thích và phản đối nhưng về luật thì không ai làm được gì các ông đó cả.

      Còn người ta đã làm thì dám chơi, dám chịu rồi.

      Ngoài đời thực có những cái cay nghiệt và chua xót hơn nhiều, biếm họa đã là cái gì. Những cái biếm họa chỉ phản ánh một phần nào đó, để cho người ta biết, người ta thấy cái đạo đó nó như vậy đó. Vậy nếu như có ai đó thuyết phục bạn vào đạo thì hẳn bạn sẽ nghĩ kỹ hơn.

      Bạn có biết Pháp luân công của Trung Quốc không? và bạn thử so sánh giữa đạo Hồi và Pháp luân công thì thế nào. Nếu như thay vào Pháp bằng Trung Quốc thì bạn nghĩ đạo Hồi có được ở trên đất nước không?
      Nói vậy để bạn biết là biếm họa còn nhẹ chán và đạo Hồi đa phần những ai ở ngoài đạo đều lắc đầu về tư tưởng và lối sống của nó mà nó vẫn có cơ hội tồn tại ở Châu Âu thì cũng phải có những người chán đến tận cổ những thói của nó mà đả phá chứ.

      và người ta làm việc của người ta, ngông đến mấy thì cũng chả bằng mấy ông cảnh sát, chết lúc nào không biết, và cái quan trọng là người ta cho người khác thấy được cái điểm lạc hậu, tối tăm có trong xã hội.

      Delete
    4. Ơ, ngoài đời thì là ngoài đời , còn lên báo là phương tiện truyền thông đại chúng, sức ảnh hưởng mạnh hơn nhiều lần chứ bạn. Thế mới có chuyện để bàn!!! Nói như bạn thì đạo Hồi gớm lắm, nên tuyệt diệt nó đi à?
      Mình có biết những bạn đạo Hồi rất nice. Malaysia cũng là đất nước Hồi giáo đấy, Brunei cũng thế...mà có chuyện gì đâu??? Bọn bạn mình đi du học tiếp xúc với dân đạo Hồi nhan nhản ra, chúng đều nói phương Tây làm người ta định kiến đạo Hồi quá nặng!
      Còn vụ bạn so sánh Pháp với Trung Quốc thì thôi quá khập khiễng rồi. Mà tớ nói nhé, ông cộng sản vừa tiến lên từ phong kiến, tư tưởng thì áp đặt gặp thằng liều mạng coi mạng mình như cỏ rác, thì không biết mèo nào cắn mỉu nào đâu.
      Biếm họa là nhẹ nhàng đối với người chả liên quan gì, như chúng ta mua báo đọc, cười nhẹ tênh. Nhưng lại được trả giá bằng mạng sống của những người vô tội. Vậy có nên không?
      Tớ nghĩ, khi sử dụng đến sức mạnh truyền thông, thể hiện bất cứ vấn đề gì cũng cần mềm dẻo và trung thực. Chứ ca nào cũng giáng tội xuống đạo Hồi, thì dầu có nói rằng chúng tôi chỉ nói các phần tử cực đoan thôi nhé, cũng chẳng khác nào cô lập một cách gián tiếp những ai theo đạo Hồi.
      Tớ cũng không phản đối dùng biếm họa cho các điểm tối tăm trong xã hội, nhưng cái kiểu quy chụp thế này chả trách bọn gàn dở thêm cái cớ để liều chết.
      Mà sao sau mấy vụ này, chả có ông thủ tướng, tổng thống nào đứng ra thừa nhận mình bất lực trong việc bảo vệ con dân nhỉ?!

      Delete
    5. Cái nhìn về quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ nơi mình sống, rất khác với cách nhìn của người Việt trong nước. Mình thấy họ, những thanh niên rất trẻ, bảo vệ quyền đó bằng bất cứ giá nào.

      Trong một cuộc tranh luận trong lớp học của mình, leader nêu giả định rằng có một người (nhà văn) đang trốn tránh sự truy sát của một tổ chức khủng bố. Một người khác post lên Facebook rằng anh ta thấy nhà văn này ở nhà hàng xóm. Vậy có nên yêu cầu Facebook xóa thông tin này đi vì ảnh hưởng đến tính mạng của nhà văn? Hầu hết sinh viên trong lớp bảo vệ quyền thông tin và yêu cầu Facebook không được can thiệp vào nội dung đưa trên trang. Mình là người Việt nam duy nhất trong lớp đề nghị cần phải tháo dỡ thông tin đó vì ảnh hưởng đến sự an tòan tính mạng của nhà văn kia (mình vẫn không tẩy được tư duy kiểu VN). Các bạn trẻ đó phản đối vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên là làm sao biết được đâu là điểm dừng, nay họ đòi cái này mai họ sẽ lấn tiếp cái khác. Thứ hai là người này đưa lý do này để đòi rút thông tin này xuống, người khác sẽ đưa lý do kia để đòi rút thông tin nọ, mọi thứ sẽ lọan lên.

      Trở lại nước Pháp, thay vì buộc tội bọn khủng bố đã không hành xử trong khuôn khổ luật pháp, thì nhiều người Việt nam mình lại đi trách người vẽ biếm họa. Thế thì sợ khủng bố, sợ cảnh sát, sợ chính quyền, sợ những người có thế lực rồi cuối cùng ... thành nhà báo Việt nam tối ngày đi soi showbitch mất (trừ những nhà báo VN chân chính dám nói).

      Delete
    6. Vậy là Trâm vẫn suy nghĩ dưới góc nhìn an toàn cá nhân và quan niệm Charlie Hebdo kỳ thị đạo Hồi trong khi thực ra họ làm nghề và châm biếm tuốt tuột không từ ai cả. Đã là ngòi bút châm biếm thì phải không từ ai cả, chứ nếu phải chọn lọc cái gì ngon mới châm biếm cái gì khoai khoai thì thôi tránh đi thì tự bản thân họ sẽ làm cho thương hiệu châm biếm của họ không còn ý nghĩa nữa. Nhà nước không cấm hình thức này vì họ chấp nhận tự do ngôn luận cho xã hội phát triển và chấp nhận cái giá phải trả cho điều đó.
      Châm biếm là một trong những phương thức đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Phóng viên chiến trường, nhà văn, các nhà hoạch địch chính sách, họa sĩ châm biếm, mỗi người một việc trong việc đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Thế nên không thể nói thà làm phóng viên chiến trường còn có lý hơn làm ông họa sĩ châm biếm ngồi vẽ lăng nhăng chọc giận kẻ khác.
      Vấn đề ở đây không phải là chuyện châm biếm. Vấn đề ở đây là trong cộng đồng đạo Hồi có những thành phần thích giải quyết mọi chuyện bằng bắn giết, trong khi những cộng đồng khác, cũng từng bị Charlie Hebdo châm biếm, họ không chọn cách bạo lực mọi rợ như vậy.

      Delete
    7. @Bạn Anonymous + chị Giang : mọi người không đọc kỹ bài mình viết rồi, mình không phản đối biếm họa, nhưng việc cứ link giữa khủng bố và đạo Hồi là điều rất buồn cười. Các ngài vẽ biếm họa, khả năng sáng tạo bị bó buộc, nên cứ lòng vòng chỗ ngài Mohammed, thành ra không tránh khỏi việc đem thánh của người ta ra làm trò cười .
      Tớ đồ rằng bạn anonymous và chị Giang không theo tôn giáo nào hay dù có theo 1 tôn giáo nào cũng chỉ là hình thức vì không một tín đồ ngoan đạo của bất kì đạo nào lại thấy việc đem thánh của người khác ra đùa cợt là điều phải, dầu biết rằng đó là tự do ngôn luận.
      Ví dụ cụ thể luôn, tớ theo Phật giáo, trên mạng đầy hình ảnh chế tác từ Đức Phật,và chưa bao giờ tớ thấy việc đem Đức Phật ra cười cợt là điều dễ chấp nhận, huống hồ một số phần tử cuồng tín.
      Hôm nay, báo có bài đưa tin người sáng lập ra CH phát biểu " Tổng biên tập kéo cả đội của mình vào chỗ chết " , mọi người có thể tham khảo thêm. Là một leader, trước khi hành xử phải nghĩ đến rủi ro mà các nhân viên của mình phải chịu, chứ không phải cứ theo chủ nghĩa lý tưởng của mình.
      Theo tớ, vì mục đích thương mại, báo ngày càng phải càng giật gân thì mới hút người xem, nhưng chuyển tải thông điệp hình ảnh gây tổn thương tới nhiều người theo Hồi giáo chân chính qua việc xúc phạm tới thánh của họ thì về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, không nhà báo đứng đắn nào có thể làm được dù có viện dẫn về quyền tự do ngôn luận.
      Hôm qua, TV ở nhà có tường thuật tình hình từ châu Âu về thái độ của người Hồi giáo tại Pháp phản ứng như thế nào sau vụ việc vừa rồi. Họ bảo, họ phản đối vụ việc vừa rồi, nhưng hỏi vì sao họ không cùng tham gia phản đối ,thì họ nói rằng họ cảm thấy họ không thuộc về nơi đó. Điều đó cho thấy tớ đã đoán đúng tình thế. Rằng những bức tranh biếm họa đã góp phần gián tiếp cô lập người Hồi giáo tại quê hương mới , làm họ rất khó hòa nhập cộng đồng. Sau đó, thì cũng chính mọi người quay sang thắc mắc tại sao họ lại không hòa nhập xã hội mới?!
      Sau vụ CH, chắc chắn chủ nghĩa bài đạo Hồi sẽ lên cao . Vì thế bà Merkel đã phát biểu chặn họng : Đạo Hồi cùng với các đạo khác góp phần tạo nên nước Đức!
      Còn chuyện vì sao những thành phần bị châm biếm khác không phản ứng gì thì việc đã rõ ngay từ đầu, đã là cuồng, là si mê thì chuyện gì cũng dám làm. Ví dụ như 2 người yêu 1 cô. Ngày nọ ,cô kia đi lấy chồng. Một người thấy bình thường, thôi nó không lấy mình thì lấy đứa khác. Một người lên cơn điên, nó không lấy mình thì nó sẽ không được lấy ai cả, mình phải giết nó, 2 đứa cùng chết. Thế thôi!
      Tớ cũng biết các nước phương Tây chuộng quân tử, tự do. Nhưng để đối phó với các thể loại bụi rậm trong bóng tối, coi mạng người như rơm rác thì cần đường lối chiến lược thâm hiểm hơn mới trị được chúng.
      Còn các ngài biếm họa cứ nhè thánh người ta ra sỉ nhục thì chịu hậu quả đã nhìn thấy ngay từ đầu. Tớ không đánh giá cao sự dũng cảm ( ai mà biết trong đó có tính tới yếu tố thương mại giật gân không ), cũng như khả năng đánh giá tình hình của các ngài vẽ biếm họa đó!
      Một con chó điên muốn cắn người thì điều chúng ta cần làm là nhốt nó lại, rọ mõm hay thậm chí giết nó đi, chứ không phải nhảy múa tung tăng trước mặt nó bảo tao có chân tao cứ nhảy thì hậu quả đi chích vaccine rõ ràng quá là gì! Còn nó mà cắn rồi, không lo đi chích vaccine mà đi cắn lại nó thì chẳng khác gì đem củi chữa lửa!

      Delete
    8. Nói theo lập luận của bạn Trâm vậy thì cái cô kia không nên đi lấy chồng vì biết có thằng nó điên nó đâm chết mình nếu mình lấy chồng. Ai bảo liều mạng đi lấy chồng làm gì cho bị đâm chết.

      Delete
    9. Bạn lại không hiểu ý mình rồi, ý mình qua ví dụ trên là cô kia phải lường trước được tình huống có thể xảy ra, và có có kế hoạch đối phó với nó. Ví dụ, thuê người bảo vệ một thời gian hay thuê người theo dõi động tĩnh cái thằng điên kia. Ai bảo đã giây vào thì giờ phải trả giá chứ biết làm sao!!!
      Quay trở lại vụ vừa rồi, cả chính phủ Pháp và CH phải biết được động thái phe Hồi giáo cực đoan có thể là gì để phòng tránh, chứ không phải ngồi yên chờ hậu họa xảy ra . Đến lúc cả đám ngủm hết thì ngồi bảo sao bên kia điên thế, không nhân văn thế!!! Khác nào đem tính mạng mình cược vào sự nhân đạo của người khác!!!
      Chả biết cảnh sát chìm của Pháp hoạt động thế nào, chứ tớ nghe bảo CH đã bị đe dọa trước đó rồi! Ông có nghĩa vụ bảo vệ mình thì tỉnh bơ, bản thân mình thì nghĩ nó dọa thế chứ không dám làm, nên tới lúc nó hạ đao thì là ác mộng.
      Bước một phải bảo toàn lực lượng đã, thì mới đấu tranh lâu dài được. Chưa biết tới đâu mà toàn team đi toong hết thì còn nói làm gì!!!

      Delete
  2. Sức cuốn hút của chị thật khó tả chị Giang ạh. Từ những entries rất đời thường cho đến những entries về thời sự chính trị... lúc nào em cũng thấy thấp thoáng hình ảnh một người phụ nữ nhân hậu, thông minh, hóm hỉnh, bản lĩnh, hiểu sâu biết rộng, chắc chắn về mọi vấn đề.
    Chị đã làm như thế nào để tôi luyện được cho mình trở thành một người như ngày hôm nay vậy chị?
    P/s: Em làm trong môi trường tiếp xúc với rất rất nhiều con người, đặc biệt là phụ nữ (toàn high-end class) nhưng thật sự là chưa có ai để lại cho em ấn tượng đặc biệt như chị, dù em chưa gặp chị bao giờ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị ấy là người phụ nữ hoàn hảo duy nhất trên quả đất này mà bạn. Hiếm có khó tìm luôn. Bạn cứ thử gặp chị ấy một lần ngoài đời xem. Đảm bảo bạn sẽ chết ngất vì ngưỡng mộ :)
      Đau cả ruột vì còm với "fan". Cứ như chuyện tiếu lâm.

      Delete
    2. @Soicon mến: đôi khi chỉ cần nhẹ nhàng kiểu "e thích bài này và thích chị" là đủ rồi, vì antifans của chị Giang sẽ dựa vào những lời "khen cho chết luôn" như trên để mà tung hoa cứt lợn đấy

      @Anonymous: bạn quả là một vị "Thánh" của antifans, nhưng lại chẳng được ai chào đón, ngoài việc tự viết và tự sướng

      @chị Giang mến: e thích những bài viết của chị, và mong được cập nhật nhiều hơn về Lê La Na của chị

      Delete
    3. @ Soicon; chị nghĩ rằng những người phụ nữ mà em gặp trong công việc, có thể em chỉ gặp họ hoặc quen họ sơ sơ, họ chỉ nói những chuyện sơ sơ chứ không bàn vào chuyện nào nghiêm túc nên em khó biết kiến thức của họ đến đâu. Hơn nữa, ở nhà mình giờ có quan niệm rằng nếu một người đồ hiệu từ đầu đến chân, tóc tai hợp mốt, kiến thức thời trang cập nhật, ngồi nhà hàng sang chảnh, đi nước ngoài như đi chợ, ngôn ngữ thì luôn có từ công việc, hợp đồng, đối tác, quan hệ vv và vv, thì là high end. Nếu định nghĩa high end như thế thì chị không phải là high end ;-)
      Chị không nghĩ mình hiểu sâu biết rộng như em nói. Với chị hiểu sâu biết rộng chắc là từ phải dành cho các học giả. Chỉ là chị hay gặp gỡ nhiều người, từ nhiều nền văn hóa, và gặp vì công việc, nên có thông tin và có cái nhìn đa chiều. Và chị là Gemini em ạ, đặc điểm của Gemini là bao giờ cũng nhìn sự việc từ cả hai phía.

      Delete
    4. @ Anonymous mến; chị không cổ vũ Sói con khen chị vì bản thân chị cũng ngại ngùng với lời khen. Nhưng nếu đó là những thiện chí thật lòng của bạn ý (và hoàn toàn vô tư không vụ lợi) thì chị nghĩ bạn ấy có thể bộc lộ như bạn ấy muốn. Đời có người điềm đạm, dè dặt, có người nồng nhiệt, rộng mở. Nếu phải thay đổi thói quen hay tính cách của mình thì chắc phải có lý do gì rất đáng, chứ mấy lời ì xèo cú cẩm của bạn Anonymous trên kia thì không đáng ;-)

      Delete
    5. @ Chị Giang: Em không nói những người em tiếp xúc họ không hiểu sâu biết rộng chị ạh, nếu nói về kiến thức chuyên môn, sự hiểu biết về lĩnh vực của họ thì họ rất đáng nể. Có những người không hề nhìn luxurious tí nào nhưng họ vẫn thuộc high-end class. Còn em nói về chị là nói về sự ấn tượng.

      Các bạn Anonymous ném đá thoải mái vì đây là ấn tượng cá nhân, các bạn không có quyền can thiệp vào chuyện em yêu ai, em ấn tượng với ai và em thích bộc lộ điều đấy với ai. Chẳng khác gì chuyện tự nhiên chạy ra đường bắt người dưng không được làm điều mình ko muốn.

      Quay trở lại với chị Giang, em ấn tượng ở chị là cách giao tiếp truyền đạt thông tin, ngắn gọn mà thâm thúy, hóm hỉnh nhưng vẫn sâu sắc. Về khả năng giao tiếp thì có những người mặc dù làm giỏi nhưng nói không hay/ ko giỏi. Em thì thích những người thể hiện được tư duy, tình cảm bằng ngôn ngữ mạch lạc như chị. Bên cạnh đó còn có những cá tính rất đặc biệt khác. Nên nếu em có ấn tượng với chị thì cũng ko thể nào nói giống ếch ngồi dưới giếng, nhìn thấy mỗi 1 khoảng trời.

      Như em đã nói, em follow chị từ hồi chị còn ở New York, và đây mới là lần thứ 2 em comment (lần đầu là ở bài Sói Biển), em ko comment vì có những cảm xúc về chị em chỉ muốn giữ cho riêng mình, chỉ đến khi em thấy thích quá thì em phải thốt lên hoặc khi em thấy những kẻ hạ đẳng tệ quá vào ném đá chị thì em mới bức xúc mà lên tiếng.

      Em đã nghĩ về chị rất nhiều, từ thân thế, xuất phát điểm cho đến những thành công ngày hôm nay. Và vẫn phải công nhận cổ nhân nói đúng: "Tính Cách Tạo Nên Số Phận".
      Công việc cho em cơ hội đi nhiều, gặp nhiều, trải nghiệm không ít. Em hay gặp những cô gái/ phụ nữ mặc dù học cao, địa vị sang, tài chính tốt nhưng họ vẫn đau khổ. Nhiều lý do lắm: sự bi lụy, sự đố kị ghen ghét hay đôi khi là sự mù quáng khờ khạo...giết chết chính họ.

      Từ chị mà em suy ra, những người phụ nữ nào nhận thức rõ về giá trị bản thân, biết mình, biết người, thì luôn đứng vững trong cuộc sống, không bao giờ phải chạy theo bất kỳ ai và không bao giờ phải đố kị với ai và cũng sẽ không bao giờ phải chùn bước trước ai. Lúc nào cũng bất khuất.
      Những người với phong cách, thần thái và kiến thức tốt như chị sẽ luôn khiến người đối diện phải từ tốn, tỏ thái độ chừng mực, tôn trọng dù có là kẻ bất nhã đến mấy. Còn nếu không cảm nhận được điều đó từ chị thì chỉ nói rằng kẻ đó quá kém ko nhìn nhận được đúng người, kẻ nào ném đá chị thì cũng chỉ là kẻ ghen ghét lồng lộn thảm hại.

      Như vậy cũng để nói rằng nhà chị có phước đức tốt nên mới sinh ra được người con gái như chị và em cũng coi chị như một tấm gương để sau này dạy con gái. Không quan trọng thân thế ra sao, bần hàn hay giàu có, cố là phải sống thế nào để chỉ có người khác phải cúi đầu trước mình, còn mình thì cả cuộc đời ung dung tự tại. Thế là đủ!!!


      P/s: Em nói về chị là có cơ sở chắc chắn, nhà em 3 đời đều có người thân cận là thầy tướng số, bản thân bố em cũng là thầy tướng và tử vi, em có nhiều năm lặng lẽ theo dõi chị để nghiệm lý chứ không phải vừa gặp chị mà phải sồn sồn lên nên em cũng ko bận tâm ai nói gì đâu chị ạh. Em chỉ coi nó như lũ chim rảnh rỗi ríu rít ngoài sân thôi.

      Delete
    6. @ soi con: what you think of chi Giang is what I also think of her. She is a well-grounded lady. It's rare!

      Delete
    7. @ Sói con; Chị nghi ngờ cái câu “lúc nào cũng bất khuất” của em đấy nhé ;-P
      Thực ra chị cũng không biết mình có được như em nói không vì chị là Gemini. Gemini thì tính cách không cố định, hai mặt hay dở luôn luân chuyển nhau. Hơn nữa, có vẻ mọi người nghĩ chị hạnh phúc hơn trên thực tế thì phải. Chắc tại tính chị thích nhìn mọi thứ theo chiều hướng nhẹ nhàng, lạc quan, không thích thở than bi lụy bé xé ra to hay sao đó. Mà tử vi nói rằng đời chị sẽ không bằng phẳng, không biết cái sự gập ghềnh này bao giờ nó đến, em nhỉ??? Mà thôi, sống ngày nào hay ngày đấy, lo xa quá cũng không được.
      Dù sao thì cũng cám ơn em. Mỗi tội em comment thế này chắc từ giờ chị không dám giở mặt dở của Gemini ra nữa quá ;-)

      Delete
  3. em lo quá chị ạ. Nhà em đặt vé từ trước là cuối tháng 2 đi nghỉ ở Rome. Mà em thì nhát cáy cứ lo lo ở những tp thủ đô lớn thế này ko biết có khủng bố hồi giáo gì ko
    Em giờ còn chẳng dám lên Paris mặc dù có người thân ở đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị muốn bảo em là “em lo thế thì lo cả ngày” nhưng mà nói thật chị cũng lo haha. Nhưng nên lo vì nạn trộm cắp cướp giật ở Rome thì hơn, còn khủng bố thì chị không tin vì chính phủ Ý không đi đầu trong việc tuyên chiến với khủng bố như Anh, Pháp, Mỹ

      Delete
  4. Quả thật Giang viết gì cũng tuyệt hay và sâu sắc. Mình chưa hề bỏ sót 1 entry nào của Giang hết

    ReplyDelete
  5. Em thì may mắn tuy sống ở Châu Âu nhưng không làm gì đến ng đạo đó, không liên quan mà em còn thấy nhức mắt huống chi ng bản địa. Chị tưởng tượng đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta, một ngày tự nhiên dân Campuchia tự nhiên ở đâu ùn ùn đổ qua. Ng giàu thì mua đất đai, xây nhà cửa; sống trên đất nước ng khác nhưng vẫn giữ nguyên lề thói, mặc nguyên bộ đồ đen đen đi ra đường; người nghèo thì trộm cắp móc túi dân Việt. ng Việt mình gặp vậy chắc hù nhau hội đồng hết bọn tha phương cầu thực ấy rồi.
    Đi trên thành Rome, em thấy quá trời bọn ăn xin từ xứ mà chị nói đó. khiếp!
    Thật sự việc cứu trợ nhân đạo là vô nghĩa, nên dừng lại là đúng rồi. Giờ làm sao cho ngay chính mảng đất Trung Đông yên bình, ng ta không phải bỏ xứ mà đi thì mới hiệu quả thôi. ng dân ai không muốn hòa bình, mà hòa bình trên mảng đất ấy nghe chừng xa xôi quá.
    Như Vn mình yên bình thì bây giờ ai điên mà lao ra biển bỏ xứ mà đi bao giờ. Chị thấy đúng không? Em thấy Ý Pháp nhiều khi nhân đạo không đúng chỗ. nói thẳng, hơi ngu. :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu Thảo là người Việt thì lời nhận xét hơi ngu dành cho Ý, Pháp là quá lời. Nếu Thảo không phải người Việt thì tôi không có nhận xét.
      Tôi là lớp người sinh sau nên không trải qua những biến cố to lớn của dân tộc Việt. Nhưng tôi biết danh từ "boat people" là dành riêng cho người Việt, nếu không có "hơi ngu" của cá nước khác thì có lẽ người Việt mình không có ở khắp thế giới như bây giờ.

      Cái sự phiền hà khi có người khác đến nhờ mình thì ai cũng biết nhưng người ta vẫn giúp không phải vì ngu mà vì lẽ khác. Lẽ gì thì có lẽ tôi không biết được nhưng tôi vẫn thấy đó là hành động tốt.

      Mẹ tôi ngày trước quá cảnh sang Châu Âu vào những năm 90, không biết vì lý do nào đó mà bà phải ở lại sân bay mà không về VN được. Bà phải ở lại sân bay mất mấy hôm và nhờ có lòng tốt của 1 người nước ngoài mua vé cho bà về Việt Nam thì bà mới về được. Lúc đó tôi mới dưới 10 tuổi nhưng không hiểu sao 1 chuyện chỉ được kể 1 lần mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.

      Nhờ comment của Thảo tôi mới tự hỏi liệu mình có đủ lòng tốt để cho 1 người xa lạ 1 vé máy bay từ Hà nội về TpHCm chứ chưa nói tiền vé máy bay từ Châu Âu về Việt Nam.

      Tôi cho là người Việt nếu nói người khác ngu vì lòng nhân đạo của họ thì mình phải xem lại, bởi nếu không có cái ngu thì nhiều người Việt mình không biết xác ở nơi nào.

      Delete
    2. @ Thảo; tư bản không đời nào ngu, họ nhân đạo thì có nhưng họ không cho không ai cái gì bao giờ, nhất là đã lên đến mức quyền lợi quốc gia. Không có người nhập cư thì việc nặng việc thấp cấp ai sẽ làm? Chưa kể có thể em không để ý chứ người nhập cư đưa một khoản tiền khổng lồ vào các nước tư bản, dưới hình thức mua bất động sản (và do đó xin được visa dài hạn hoặc quốc tịch) và đầu tư kinh doanh. Đặc biệt rất nhiều nhãn hiệu thời trang đình đám vỏ ngoài có khi vẫn là của tư bản nhưng bên trong thì đã đổi chủ từ lâu, và chủ mới là người tàu, người Nga, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang cao cấp thì là người Trung Đông Hồi giáo. Không có những người này đổ tiền vào vực lại thì nhiều đế chế thời trang của lục địa già đổ từ lâu rồi đó em.
      Thêm nữa, nhiều khi họ buộc phải chấp nhận người tị nạn vì đó là phương cách sửa sai trong các chính sách đối ngoại của họ, như kiểu dám làm dám chịu và dám khắc phục hậu quả. Cũng phải là nước có tầm mới làm được.
      Đây là chị chỉ bàn từ phía lợi ích của tư bản thôi, còn từ phía người nhập cư thì công nhận nhiều cộng đồng cũng hơi khó đỡ.

      Delete
    3. bạn anomyous: thảo nói là chính sách chung bạn à. Như thảo thấy ở Pháp họ vẫn cho nhập cư nhưng̃ ng 60tuổi, đến Pháp cho đi học miễn phí tiếng Pháp. Theo Thảo đây là một chính sách không thuận lợi, nói nôm na là ngu cho ng bả xứ. Thảo đang đặt mình là ng bản xứ.
      có một chính sách khác: những kẻ móc túi ở Paris, khi bị bắt thì được mua vé máy bay vá cho hình như thêm 200euro nữa để về nước. Về đến nơo, nữa tháng sau nó quay lại paris tiếp tục móc túi tiếp, lại còn có vé máy bay đi về (Rumani, Kosovo..) vẫn đi lại ko visa được. Bạn làm cứu trợ nhân đạo nhưng giúp chẳng ra đâu mà lặp lại ̀một vòng luẩn quẩn thì không ngu thì là gì.
      Như Ý càng giúp thì người vượt biển càng nhiều, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
      như ng ăn xin, mình giúp họ 1 rồi họ cứ xin hoài thành nghề thỉ lòng nhân đạo đã không được đặt đúng chỗ.

      Delete
    4. Chi Giang, em thì thấy những ông nhà nước, nước nào cũng thế hết sức quan liêu. Chị có liên quan đến lãnh sự, em không nói lãnh sự nào cụ thể nha: ng giàu, có tiển xin đi du lịch, đi công tác, chứng minh ngược chứng minh xuôi, lãnh sự từ chối không 1 lý do. trong khi thành phần Ng nước ngoài mà ở đâu vào móc túi giật đồ thì đầy ở Khắp Pháp Ý. ng dân xin cấp visa cho ng ta đi du lịch có́ 7 ngày thôi, nó đưa thông báo chiều thứ sáu, sáng thứ hai mới đi lấy passport để đi được, máy bay thì bay sáng thứ bảy, rồi sao ng ta đi? coi như xong. mà tất cả đều viết trên giấy là đi ngày nào, mà họ nỡ nào họ trả lại passport ngày giờ như vậy.
      Không biết ngừa khủng bố hay ngừa cái gì, doanh nhân làm việc, chủ doanh nghiệp mấy ngàn công nhân, ai ở lại chui Anh Pháp làm gì, mà nó từ chối visa công tác. Ok, điều đó cũng có nghĩa ng địa phương: tài xế, agent khóc ròng hết vì kiếm khách đã khó, có khách mừng muốn chết lại bị từ chối visa. Còn lại thì đi nuôi trợ cấp ba cái gì đâu không. Em dùng từ hơi nặng, đúng, có mích lòng bạn nào thì cũng đừng giận, sự thật em thấy sao em sẽ nói thế.

      Delete
    5. Thảo phê phán nhiều chính sách nhập cư vì Thảo không nhìn thấy được sự nhân đạo trong đó. Giả sử em di cư sang Pháp, làm việc ở Pháp, đóng thuế tử tế cho chính phủ Pháp mấy chục năm. Giờ em có cơ ngơi ổn định, muốn đón bố mẹ già sang phụng dưỡng, thì ở một nơi văn minh, nhân đạo, công bằng, có đi có lại, họ sẽ công nhận cái mong muốn đó của em là chính đáng, và họ cũng công nhận chính đáng luôn cái mong muốn được hòa nhập cộng đồng của bố mẹ em, tức là tạo điều kiện cho bố mẹ em đi học tiếng miễn phí. Tất nhiên bên cạnh nhu cầu chính đáng của nhiều người thì cũng có nhiều người lợi dụng cơ chế để làm bậy. Là chị ví dụ thế chứ chị cũng không rành luật nhập cư của Pháp.
      Còn mấy người hay móc túi trộm cướp đó thì chủ yếu là tộc người Tzigane (Gypsy) từ Hungary, Romania sang. Đi lại trong châu Âu thì quá dễ với hội này. Như chị biết thì chính phủ Ý cũng cố lắm mà không thể giải quyết vấn đề này dứt điểm. Chính phủ cho nhà ở, cho con cái đi học, mà chúng nó không chịu ở và không chịu học, chỉ thích đi lang thang xin ăn và móc túi thôi em ạ. Bắt được nó móc túi, mua vé hộ tống nó ra sân bay trả nó về bản xứ, vài ngày sau lại thấy nó hành nghề ở chỗ cũ, nhưng không mua vé cho nó về thì giữ nó ở đâu, nhà tù với cơm nuôi còn tốn kém hơn. Vấn nạn châu Âu từ mấy thể kỷ nay rồi.
      Còn về chuyện cấp visa, em nói đúng khi thủ tục cấp visa rất lằng nhằng và quan liêu. Thực tế là nhập cảnh vào các nước phát triển thì không bao giờ dễ dàng cả, nhất là khi mình không có quyển hộ chiếu của các nước giàu. Bây giờ thử dễ dàng mà xem, lại một dòng nhập cư ồ ạt đổ vào. Nhưng như chị biết, nếu em tuân thủ đúng những yêu cầu của họ về giấy tờ, về thời gian, và khi phỏng vấn thuyết phục được họ rằng em không có động cơ gì ở lại cả, thì họ sẽ không từ chối visa. Cấp visa Schengen không đơn giản, vì bằng một visa người ta có thể đi rất nhiều nước. Vào mùa cao điểm một ngày họ phải xét hàng trăm hồ sơ xin visa, rất nhiều người nêu hoàn cảnh lý do đặc biệt, họ không thể chiếu cố hay xét case by case nhiều quá. Chưa kể nhiều khi hệ thống có vấn đề, hàng trăm thậm chí hàng nghìn hồ sơ bị nghẽn lại hết.
      Như chồng chị đây, công chức mẫn cán, cong đít xét case by case vì không muốn loại hồ sơ của người khác một cách bất công, thì phải làm việc suốt ngày và việc nhà phó hết cho vợ.

      Delete
    6. Pháp, chính sách của họ rất nhân đạo, về mặt này thì có thể nói. không một quốc gia nào nhân ̉đạo được như họ. Có nhiều chính sách rất hay. Đi đôi với nó lúc nào cũng có những điều bực mình không thể tưởng. khi nói một quan điểm chê bai thì sẽ rất đau lòng, em thấy có mấy bạn đau lòng quá nên em không dám chê nữa, sộ mấy bạn tổn thương. Em đang sống ở nước Pháp đây, sao mà không yêu nó được.

      Em từng sống ở Sing và úc nên ngồi so sánh chính sách nhập cư thành ra tức dùm cho nước pháp thui. :)

      thật ra nạn móc túi làm theo kiểu kỷ luật của Sing xem, khách du lịch đỡ bị làm phiền biết bao. họ nhân đạo quá bị lợi dụng nên em cảm thấy rất là tức. đi du lịch mà cứ sợ bị mất tiền, mà không mang tiền rồi sao mua sắm, mất vui khi cứ phải nhiǹ mệt. dân vn đi du lịch cũng dân nhà giàu không, đâu để ý đâu.
      Chúc chị và các bạn vui vẻ.

      Delete
  6. Cậu có đọc cuốn sách "Infidel" của bà Ayaan Hirsi Ali chưa? Bà ấy là người Somalia, cuốn sách là một cuốn hồi ký của bà (sau này bà di cư sang Hòa Lan và trở thành một chính trị gia có tiếng) và cũng qua đó phản ánh đạo Hồi bằng con mắt của người trong cuộc. Hồi chưa đọc cuốn này và chưa quan tâm đến tôn giáo, tớ đã từng nghĩ rằng đạo nào cũng tốt, cũng khuyên con người ta làm lành. O la la đọc cuốn này xong mới thấy cuốn kinh Koran toàn dạy những điều xằng bậy cho con cháu của Alah!

    Vụ châu Âu ko mặn mà với việc trợ giúp những người đạo Hồi di cư thế này cũng ko là việc khó hiểu cậu nhỉ. Đau đầu lắm chứ. Tớ nghĩ chính phủ Ý đã làm những việc cần làm. Dù là làm trong tư thế bị ép buộc hay với lương tâm từ thiện gì thì kết quả là họ cũng đã cứu được 150 ngàn con người khốn khổ, tớ trân trọng việc ấy. Nhưng bây giờ chính phủ phải tạm ngưng thì cũng chẳng có gì đáng trách. Giúp người là giúp trong phạm vi khả năng của mình thôi, khi nào thấy gồng hết nổi thì buông, tớ ủng hộ :-). Trong cuốn Infidel ấy, bà tác giả cũng nêu lên tình trạng lẩn quẩn của cộng đồng Hồi giáo ngay tại Châu Âu như cậu đã kể ấy. Họ bảo thủ, ghét người bản xứ, luôn kêu ca, chỉ trích cách sống tội lỗi của châu Âu ... tớ nghĩ nếu châu Âu muốn nghiêm túc giúp họ thì phải độc tài hơn, giúp phải có điều kiện. Còn điều kiện gì thì để dành cho các ông nghị quyết định :-D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thực ra tớ nghĩ lý do tôn giáo khiến cộng đồng Hồi cứ lẩn quẩn không lối thoát ở châu Âu chỉ là một phần thôi. Lý do chính là bản thân những người nhập cư này cũng không có nền tảng. Tức là chính ở nước họ họ cũng không phải dân trí thức cao hay tầng lớp tinh túy gì. Bố mẹ không có nền tảng mà bắt con phải học hành ứng xử cho thoát kiếp công dân hạng n thì cũng khó quá. Tóm lại, it’s a catch-22 situation.

      Delete
  7. Lý do là họ không muốn người tị nạn thấy bở là ồ ạt kéo tới, gây thêm gánh nặng trợ cấp cho xã hội vốn đang vật lộn với đủ vấn đề của nước họ. Họ có lý của họ. Dân họ làm mửa mật đóng thuế mà thời buổi khó khăn còn bị cắt giảm bao nhiêu phúc lợi, đời nào họ cho mang tiền thuế đi cưu mang những người chẳng liên quan"

    Đúng quá. E ở Phần , đi làm mức thuế tới 28.5% xót cả ruột. Mà tiền này thì lại đổ vào dân thất nghiệp + dân nhập cư đẻ nhiều con là chính. Chứ dân Phần thì lương bình quan 3000€ là trung bình không tính. Dân Bắc Âu coi trong nhân quyền nhưng bay giờ cũng siết lại luật nhập quốc tịch rồi c ạ. Từ hai năm len năm năm :))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trời, nhắc đến cái chuyện sưu cao thuế nặng của tư bản, nhà chị năm nào cũng liểng xiểng vì thuế. Thực ra ở các nước phát triển, dân nghèo rất lợi vì được phúc lợi xã hội. Dân giàu tuy bị đánh thuế cao nhưng vì giàu nên không ảnh hưởng mấy, chỉ bớt giàu đi tí thôi. Chỉ khổ nhất là tầng lớp trung lưu vì cao không tới thấp không xong, thu nhập không đủ thấp để hưởng trợ cấp, mà cũng không đủ cao để trả thuế ngon ơ ;-(

      Delete
    2. Nhắc đến cái vụ dân tị nạn. Chính gia đình bạn thân em là một ví dụ điển hình đối với em. Chồng bạn í là kỹ sư ở viện Vật lý, nhưng vì nhiều lý do nên tạm thời thất nghiệp ( theo em chỉ tạm thời thôi, vì hai vợ chồng bạn em cũng làm thêm nhiều công việc, kiểu chân trong chân ngoài). Ấy thế mà tiếng gọi nước Úc vẫy gọi, sang đó theo diện du lịch rồi trốn ở lại. Bây giờ anh ấy làm nhân viên trong cửa hàng bánh, lương một tháng tính ra cũng chỉ được 20t. Con số thu nhập ấy, nếu ở VN, đối với gia đình bạn em cũng rất dễ đạt được. Thế nhưng hiện tại, gia đình ban em lại đang tính kế để đưa cả 3 mẹ con sang bên ấy cùng. ( Anh kia tính là lấy vợ Úc, bạn em sang lấy chồng Úc, rồi họ sẽ bỏ vợ/chồng Úc để lấy nhau và sinh thêm một đứa con có hộ tịch Úc - Kế hoạch thế đấy chị ạ) Công thức tính cho việc mưu sinh, em thấy dựa rất nhiều vào việc trợ cấp. Chị có biết cái trợ cấp của chính phủ cho kiểu nhập cư dạng như 3 mẹ con bạn em sang như thế nào ko?

      Delete
  8. Là người nhập cư ở Pháp mình rất buồn khi thấy nhiều ng Việt lên án nước Pháp khi ko hiểu rõ văn hoá, hoàn cảnh (context) trưowcs khi chỉ trích bằng những từ ngữ nặng nề.
    Khi xem cảnh phóng sự vớt xác người vượt biên mình cảm thấy đau lòng và nghĩ đến những ng Việt vượt biên hồi trc, cũng khốn khổ chịu đói rét cướp hiếp, điều này còn xảy ra ở thế kỷ này quả là đáng buồn.
    Mình có sợ ng nhập cư lũng đoạn, nhưng phải tách biệt ra việc xu lý ng nhập cư lũng đoạn và việc từ chối thẳng thừng nhập cư kệ ng ta chịu đói rét cướp hiếp, con gái bị hồi giáo cực đoan đem ra chợ rao bán là phi nhân đạo, khó có thể chấp nhận đc, nếu ko đủ khả năng giúp đỡ thì cũng ko nên phê phán ng khác là ngu. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, giúp đc ai đến đâu thì giúp, trong xã hội có lẽ điều đáng sợ nhất là sự lãnh đạm thờ ơ.
    Về việc biếm họa một lần nữa cần nhìn nhận ý trong hoàn cảnh cả văn hoá nước pháp. Từ năm 82, việc châm biếm tôn giáo đã ko đc coi là tội ở pháp, về lý họ ko làm gì sai theo luật pháp. Về tình (văn hoá), ng pháp đa số ko mộ đạo giống như người ý, TBN, Mỹ etc... Phần lớn họ có thể thấy biếm hoạ thô thiển, ko hợp gout nhưng họ ko thấy việc nhạo báng tôn giáo là sai. Chúng ta ko thể áp đặt chuẩn văn hoá của cá nhân mình lên cả một dân tộc, văn hoá khác. Ng Việt ăn thịt chó ở Vn là bình thường, ăn ở pháp là phạm tội ngược đãi, ng pháp, ng Việt vẽ hình mahomed ở pháp ở Việt là bình thường, ở nc hồi giáo là phạm luật (Chỉ vẽ thôi nhé, ng hồi giáo coi mahomed ko có hình thể, vẽ là sỉ nhục).
    chảlie hebdo nhạo báng điều xấu ở tất cả các tôn giáo, đảng phái chính trị chứ ko phải chỉ riêng hồi giáo cực đoan. Ng pháp có thể ko thích cách thể hiện đấy, bằng chứng là CH có một tg phải đóng cửa vì số lượng ng đọc quá ít, nhưng ng Pháp đấu tranh cho việc bất kỳ ai cũng có quyền đc nêu lên tiếng nói của mình trong khuôn khổ của luật pháp. Ngoài ra, mỗi bức biếm họa phải đc đặt trong hoàn cảnh nó ra đời chứ ko thể tách rời ra để phê phán vội vàng đc.
    Luật nhập cư cũng như cách quản lý dân nhập cư còn rất nhiều bất cập cần thay đổi, điều đáng nói là họ ko phải cứ ko quản đc thì cấm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ cứ nghĩ làm báo thì kiến thức xã hội phải sâu dày để điều chỉnh hành vi. Chứ bảo vì anh làm báo không mộ đạo, không tín ngưỡng, và dựa vào quyền tự do ngôn luận ,nên có quyền bôi nhọ tôn giáo lung tung dù biết nước mình là đa sắc tộc,đa tôn giáo thì cũng lạy hồn thật. Vụ vừa rồi, may là nó không điên lên vào trường học hay vào các khu đông đúc thực tập. Cháu tớ ở Đức, nó bảo Paris an ninh tệ quá, chứ ở Berlin, cảnh sát chìm khắp nơi!!!

      Delete
    2. Vấn đề là Trâm nghĩ về tình thì ko đc châm biếm tôn giáo dù về mặt pháp lý thì ko sai, còn đa số ng pháp ko nghĩ thế là sai trong khuôn khổ văn hoá của họ. Lưu ý là CH ko châm biếm tôn giáo mà chính xác là châm biếm mọi sự cực đoan của tôn giáo. Ng pháp ko hề kì thị ng hồi giáo như ng Mỹ. Và đối với sự cực đoan thì ko bao giờ nên nhân nhượng, nay nó ko cho châm biếm trên đất nc pháp, mai nó bắt trên nước pháp khu nào có nhiều hồi giáo thì bắt buộc đàn bà con gái đi quá đấy phải mặc bủqa ko đi qua nó ném đá cho chết cái tội mất nết khiêu khích chúng nó. Ko thể dùng lý lẽ bt đối với bọn cực đoan đc, cũng như ko thể áp đặt chuẩn văn hoá của cá nhân thành kim chỉ nam cho ng khác.
      Các họa sĩ bị giết đều là ng trí thức nổi tiếng, CH chỉ là một trong các tác phẩm của họ chứ ko phải là tất cả sự nghiệp sáng tác của họ, nên việc họ đc ng pháp yêu quý là chuyện dễ hiểu, khó có thể bảo là họ chưa đủ tầm kiến thức uyên sâu

      Delete
  9. Nói về ng vượt biên, hiện tại đúng là pháp cũng như các nước Châu chưa tìm ra cách giải quyết hợp lý, tình hình kinh tế cũng ko đc cường thịnh như hồi trước để giang tay với tất cả mọi người. Hồi có boat people, do vị trí địa lý nên ko có nhiều ng đến pháp, nhưng các trí thức, thường dân đã kêu gọi quyên góp tiền để gửi một con tầu đến khu vực hay có thuyền tị nạn để cứu họ. Theo luật hồi đó tầu bè cn nào vớt thì nc đó nhận thì phải). Mình kể chuyện này dù đó ko phải là động thái của cả chính phủ pháp và sự việc cũng cách đây rất lâu chỉ để muốn nói rằng mình tin và cổ vũ lòng tốt, sự nhân đạo, cho dù ở đời lòng tốt thường thiệt thòi, bị lợi dụng, chế nhạo.
    Mình cũng ko "phong thánh" cho nước pháp, ở đâu cũng có nhiều bất cập, cần nhiều thay đổi để phát triển tốt hơn.

    ReplyDelete