Tuesday, May 2, 2023

Chuyện kể tháng 1

Thằng con mình vào trường mới giữa năm lớp 12, trường mới học nghiêm chỉnh chứ không lêu têu như trường cũ, nó lại khuyết mất 2 năm IGCSE trước đó, tức là nó thiếu rất rất nhiều giờ học Toán Lý Hóa so với các bạn trong lớp, mà lại thiếu toàn phần khó. Ví dụ như thiếu toàn bộ phần Hóa hữu cơ. Cái sự thiếu này cũng là do trường Ý học nặng về các môn xã hội và không học nhiều các môn tự nhiên. Từ một học sinh đứng đầu lớp nhận điểm A còn không vừa lòng, nó trở thành học sinh ngồi cắn bút trong các bài kiểm tra, thậm chí bỏ trắng bài làm, điểm nhận về B, C thậm chí cả D. Mình thì cũng biết nó thiếu nhiều kiến thức nhưng cứ tưởng còn 1 năm rưỡi nữa mới vào đại học, con mình đuổi kịp thừa sức. Ai dè tuy chúng nó học A level 13 năm nhưng cuối năm lớp 12 đã có cuộc thi AS, khi đã học được nửa chương trình A level. Dựa vào điểm của cuộc thi AS, các thầy sẽ dự đoán điểm thi của từng học sinh vào cuối năm lớp 13, tức là dự đoán kết quả A level. Học sinh sẽ dùng dự đoán này để nộp hồ sơ vào các trường đại học. Các trường đại học sẽ xem xét và phản hồi, ví dụ “nếu kết quả A level của thí sinh được đúng như dự đoán này, thì thí sinh sẽ được nhận vào trường của chúng tôi”. Các học sinh lớp 12 vì vậy phải cố hết sức để đạt kết quả tốt trong kỳ thi AS nếu muốn được trường đại học ra hồn nào đó cân nhắc.

Thế là thay vì có 1 năm rưỡi để đuổi kịp bạn bè, thằng con mình chỉ có 4 tháng. 4 tháng để bật lên từ điểm B, C, D trở lại về điểm A, mà 3 môn chứ không phải 1 môn.

Một tuần sau khi vào trường mới, nó về nhà bảo mẹ “các thầy bảo Lê thiếu nhiều quá, có khả năng phải học lại 1 năm”. Nó kể với mẹ, giọng đều đều, mắt nhìn xuống đất. Phải là hai con bé lắm lời nhiều nước mắt kia thì chúng nó đã lăn đùng ra đất gào khóc ăn vạ buộc tội bắt đền tại ông bà mà đời tôi dang dở. Nhưng thằng Lê là con trai, khả năng ngôn ngữ e chừng hơi cọc cạch, nó chỉ nói được đến thế, rồi ngồi cúi đầu im thít không nói gì thêm. Nhưng mình biết nó rất buồn. Nó xưa giờ học toàn A*, chơi thể thao giỏi, đi đâu cũng được già trẻ lớn bé khen đẹp trai, lại đang tuổi 17 ngựa non háu đá lòng tự tôn vốn cao như quả núi. Thế mà giờ phải chấp nhận khả năng học đúp như này.

Mình xót nó quá. Phải là lười như con La hoặc không quan tâm sự đời như con Na thì mình cũng đành chấp nhận. Ở đời không phải lúc nào cũng có đủ sức để bơi dòng nước ngược, có khi cứ để xuôi dòng dưỡng sức rồi làm việc khác có ích hơn. Nhưng chăm chỉ cầu tiến lúc nào cũng muốn hoàn thiện bản thân như thằng Lê thì khác. Không, mẹ sẽ làm mọi thứ để giúp con.

2h sáng, mình vẫn ngồi mò mẫm trên mạng. Đã chẳng có kinh nghiệm gì, thời gian lại gấp quá không hỏi được ai, cái gì cũng phải tự mò. Sáng hôm sau, khi đưa chúng nó xuống nhà đi học, mình bảo nó “chỉ cần con nói là con sẵn sàng chấp nhận thử thách phải học đêm học ngày trong ít nhất 4 tháng, mẹ sẽ thuê gia sư giỏi nhất cho con”. Nghe đến tiền công gia sư, nó lè lưỡi. Mẹ nó bảo “con đừng lo, chỉ cần con nói con muốn, mẹ sẽ thuyết phục bố”. Nó gật.

Thế là mình vào mạng liên lạc với hai gia sư mình đã chọn để gia sư cấp tốc cho nó 3 môn Toán, Lý, Hóa. Trầy trật hàng trăm tin nhắn qua lại mới khớp được lịch của thầy bận và trò bận vào với nhau và mới thống nhất được cách thanh toán trong tình cảnh ngân hàng cấm vận ngặt nghèo. Hệ thống giáo dục Anh đã biến thành một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, đi một bước trả tiền một bước. Ngày 11/1 nó vào trường mới, ngày 21/1 nó bắt đầu học giờ đầu tiên với gia sư.

Thu xếp gia sư cho nó xong, mình tiếp tục đến trường nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Nhưng mình cũng biết là các thầy cô ở trường bận, họ giúp được đến đâu hay đến đấy chứ mình cũng không đòi hỏi họ giúp mình toàn bộ những thứ con mình thiếu. Thầy hiệu trưởng cũng nhiệt tình. Các giờ học bổ túc được các thầy cô giáo bộ môn sắp xếp ngay lập tức.

Rồi mình về nhà sắp xếp lại phòng của nó, giúp nó tổ chức thời gian, lịch học, mua chồng vở cho nó viết nhãn Vở tự học toán, vở tự học lý, vở tự học hóa, mua bút và bảng rồi gọi thợ treo lên tường ngay trước bàn học để cần ghi gì thì có thể ghi luôn và những thứ cần phải ghi nhớ, kế hoạch muốn làm, thì luôn ở ngay trước mặt, hàng tuần xóa đi viết mới. Chuẩn bị đến cả tập giấy nháp để cho nó lúc làm bài cần giấy nháp là có luôn. Lại in cả danh sách những phần kiến thức nó cần phải đuổi kịp và đính lên tường “con học xong phần nào con đánh dấu tick vào cho mẹ”. Bình thường mình không can thiệp tận nơi thế này đâu nhưng thời gian gấp rút, phải chuẩn bị sẵn sàng để nó có thể hit the ground running. 

(còn tiếp)

32 comments:

  1. Chỉ có những người mẹ mới làm được như vậy với con mình phải ko chị! Hết lòng vì con! Yêu chị❤️

    ReplyDelete
    Replies
    1. Là nó muốn chạy nước rút để không bị học lại nên chị mới giúp nó, chứ nó không muốn thì chị cũng đành chấp nhận chứ không ép.

      Delete
  2. Lòng mẹ bao la 💗 chú Lê ngoan giỏi lại có mẹ tuyệt vời chắc chắn sẽ là chàng trai tài Đức vẹn toàn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thằng Lê thương nhất là ở cái chí của nó. Bao lần chuyển nhà chuyển trường nó đều bị kéo tụt lại, thậm chí về mo luôn, mà nó vẫn phấn đấu không ngừng để khôi phục vị trí của nó. Được cái nết ấy thôi chứ tài đức vẹn toàn thì là nói quá.

      Delete
  3. Đọc mà ngán ngẩm con mình, lười như hủi, chỉ lo chơi và vẽ vời chẳng có động lực học hành phấn đấu vào trường đại học tử tế gì. Quan trọng là con nó máu học, chứ nó mà lười thì ép nó stress cả mẹ lẫn con. Rất nể Giang và anh Ale, nghe tả như là một cuộc chiến, vượt sướng để học đúng là khó hơn vượt khổ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nó thích vẽ thì cứ để nó vẽ, biết đâu rồi sẽ thành danh họa. Chứ ép uổng lợi bất cập hại. Nhà mình có thằng Lê tự giác thôi chứ hai con kia thì cũng chấm chấm. Con Na nhà mình có khi còn không muốn đi học đại học.

      Delete
  4. Hay quá chị Giang ơi, post lên cho mọi người cùng tham khảo cách học cùng con và dạy con của chị đi, em có 2 đứa đang học tiểu học cũng đang muốn dạy nó vào nề nếp mà chưa biết làm sao.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thằng Lê nó có quyết tâm nên chị tạo điều kiện cho nó chứ nó mà không muốn thì có giời bắt em ơi. Còn về vấn đề dạy con, em như nào thì em sẽ dạy con em như thế, sách vở và các khóa học chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Ngày xưa ở trường con chị có cô giáo tâm lý chuyên dạy bố mẹ cách làm thế nào để con không bắt nạt bạn trong trường, thế mà con cô ấy thì ai cũng sợ vì hơi tí là bị nó đánh. Nhiều người, con họ giỏi giang thành đạt là nhờ tố chất của nó, chứ mà nếu họ nói họ dạy con họ thành được như thế thì khả năng cao là họ chuẩn bị mở lớp kiếm tiền.

      Delete
    2. Haha, màn chuẩn bị mở lớp kiếm tiền này chuẩn đó. Các cụ nói cha mẹ sinh con trời sinh tính kể cũng có lý đúng. Cũng hên xui chị nhỉ. Bố mẹ tất nhiên cần nhìn ra tố chất của con sớm để bồi dưỡng và những nét nào chưa được để còn căn chỉnh lại. Tỷ tỷ cha mẹ thì cũng có tỷ tỷ cách nuôi dạy con, tuỳ thuộc vào bản thân bố mẹ, môi trường, và chính đứa con.

      Delete
    3. hehe vụ mở lớp kiếm tiền chuẩn đó nàng :))) mình thấy nhiêù mẹ quen mình kể đọc đủ các loại sách nuôi dạy con, cả kiểu như "làm thế nào để con vào Harvard"...mình chỉ bảo chỉ có mình thương con mình nhất hiểu con mình nhất và giúp nó tốt nhất, sách vở rảnh đọc cho vui chứ chả giúp được gì nhiều đâu. Đời mình chưa đọc sách dạy con bao giờ, mỗi đứa trẻ là một cá thể cá tính khacs nhau, đọc lắm tàu hoả nhập ma rập khuôn lợi bất cập hại. Không có gì bằng sát sao với con để hiểu con nhất. Mình phải chiến đấu cùng với con đầu bị bệnh AD(H)S nặng, IQ mức trung bình. Bác sĩ bảo muốn con được kết quả nhận thức như trẻ cùng IQ thì bố mẹ phải đầu tư thơif gian công sức gấp 8-16 lần. Mình đã phải bỏ hết công việc để đồng hành cùng con. kèm con dạy con đến tận lớp 12, để nó đậu tú tài với điểm số các môn tự nhiên hạng A, và điểm trung bình tú tài hạng khá. Bác sĩ cũng phải ngạc nhiên và khâm phục. May sao thằng hai sáng dạ nhanh nhẹn nên mẹ nó cũng đỡ vất. Cờ đến tay ai người đấy phất nàng nhỉ. Qua rồi thì thấy mọi thử thách nếu mình còn cố được thì hãy cố, nhất là cố vì con.

      Delete
    4. Chúc mừng hai mẹ con. Con rất may mắn có được người mẹ kiên cường như bạn. Mà bạn còn kèm được con đến năm lớp 12 chứ mình năm ngoái vẫn kèm được toán cho thằng Ale mà năm nay nhìn vở toán của nó như nhìn cái đít nồi, còn lý hóa thì như đít nồi từ lâu.
      Mình thán phục những bà mẹ có thể vượt lên mọi nghịch cảnh để sát cánh bên con mình. Như mình đây hoàn cảnh tuy cũng vất vả nhưng mọi thứ nói chung đều thuận lợi, thế mà nhiều lúc chỉ muốn bỏ đi thật xa. Không hiểu những người mẹ như bạn còn phải mạnh mẽ hơn những người mẹ khác bao nhiêu lần.

      Delete
    5. Cảm ơn nàng nhiều. những lời chia sẻ động viên của nàng tiếp sức cho mình rất nhiều 💗 Còn chặng tiếp khó khăn vất vả hơn nhiều lần nàng ạ. Con bệnh vẫn bệnh(ADHS, tự kỷ nhẹ,EQ rất thấp, dễ rơi vào trầm cảm,…), tuổi đã là người lớn mà cảm xúc hành vi vẫn như một cậu bé mới lớn. Giờ cùng con để mong sao con học xong được một bằng cấp nghề nghiệp, làm việc hoà nhập tự lo được cuộc sống của nó tối thiểu khi không có mình.
      Mong mọi nỗ lực của chú Bình Nguyên và mẹ Cún cuối cùng được quả ngọt như mong đợi nhé 😍

      Delete
  5. Cách làm của chị hệ thống, khoa học, logic và rất nhanh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vì thời gian quá gấp nên chị buộc phải làm mọi thứ để nó chỉ việc ngồi xuống học ngay chứ bình thường không có chuyện chị dọn sẵn như thế đâu. Phải trải qua bất tiện của việc thiếu quy củ thì may ra mới học được quy củ.

      Delete
  6. có người mẹ tận tình chu đáo thế này, kiểu gì anh Ale cũng đạt A cả 3 môn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nó còn 3 bài thi môn toán vào cuối tháng 5 nữa nhưng mình nghĩ nó ổn rồi. Mình chỉ cần nó nắm hết được những kiến thức cần phải học, còn lại A ngay lần này cũng được mà nếu không A lần này thì sẽ có A lần sau.

      Delete
  7. Đọc mà tội Lê quá! Con gái chị học Stanford, chị biết chút ít thông tin về mấy trường tốt bên Mỹ. Lúc nào rảnh chị em mình tám chút xem có thông tin gì giúp ích cho Lê không ha?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ơ chị ơi, hay quá. Con em hai cháu một cháu học Stanford và một cháu học Harvard. Em cũng như Giang lọ mọ lo cho con vì các cháu cũng phải chuyển nhà qua vài nước, làm quen từ A level sang IB và AP. Em thấy điều quan trọng nhất vẫn là ý chí của mỗi cháu. Cháu út nhà em (bằng tuổi em Na) chỉ thích máy tính và cờ vua nên em cho học trường làng. Em thấy với khả năng và nỗ lực của Lê và Giang em Lê sẽ tiến xa. Mong tin tốt lành từ entry tới.

      Delete
    2. @ Thuy Ng: chị ơi em nhắn tin cho chị bên fb nhé.

      Delete
    3. @ Anonymous: bạn ơi bạn cho mình hỏi thông tin và kinh nghiệm về việc xin vào các trường đại học Mỹ như Stanford và Harvard nhé. Là bọn trẻ con cứ vào trang mạng của trường và tìm hiểu thủ tục apply hay như nào? Mà con bạn chuyển sang IB lúc học lớp mấy? Vì A level là lớp 12 và 13 rồi thì như mình biết là các trường không cho chuyển nữa.

      Delete
    4. Các chị ơi, bé nhà em muốn học animation ở Mỹ, các chị biết trường nào tốt và dễ xin vào không ạ? Em xin cám ơn.

      Delete
    5. Giang ơi mình đến tận trường gặp admission office Giang ạ. Họ rất nhiệt tình hướng dẫn. Con mình từ Anh đang học 4 tháng A level thì gia đình qua Canada do công việc của chồng mình. Lại học IB ở Canada, song song tự học theo AP ở Mỹ. Mình đưa các con đi 1 loạt University tours, bắt đầu từ Wharton ở U Penn, sau đấy đi tàu xuống New Haven thăm Yale, rồi đi Boston gặp Harvard và MIT trong một ngày. Mình có đặt lịch hẹn trước, họ gộp mình vào một nhóm phụ huynh và học sinh cùng tìm hiểu thông tin, cực kỳ chuyên nghiệp và chu đáo. Sau đó mình và các con bay xuống gặp Stanford. Hai con mình chọn ED nên mình nhớ tầm trước Noel là có acceptance rồi. Mình cũng không biết chồng mình là Harvard Alumni có ảnh hưởng gì không, mình chỉ thấy mọi việc không khó khăn hay kinh khủng quá đâu. Các con apply nhẹ nhàng, không phải thuê tư vấn hay gì cả.

      Delete
    6. Mình cám ơn bạn nhiều. Nhưng như vậy hai bé nhà bạn nộp học phí theo biểu sinh viên quốc tế hay sinh viên Mỹ? Con mình có hộ chiếu Mỹ nhưng không sống ở Mỹ nên như mình hiểu là học phí sẽ phải trả theo biểu sinh viên quốc tế. Mình xem qua mấy trường thì thấy học phí cho sinh viên quốc tế toàn tầm 80k/năm. Học phí như thế thì bố mẹ nào theo được, nhất là sau đứa này mình còn 2 đứa nữa. Mình cũng chắc chắn là con mình sẽ không được xếp vào dạng sinh viên được nhận ưu tiên tài chính.

      Delete
    7. Giang ơi mình và gia đình quốc tịch Mỹ. Mỗi năm mình đóng khoảng hơn $100 nghìn tiền học và ăn ở cho mỗi cháu. Các cháu học hè làm việc thêm trong 3 tháng được tầm $40-$50 nghìn mỗi mùa hè. Mỗi tội học phí mình trả, các cháu làm thêm tiết kiệm riêng nên không có gì khác. Các con mình không cháu nào được financial aid do thu nhập của cha mẹ. Lê định học ngành gì hả Giang? Mình có thể giúp được gì không?

      Delete
    8. Quốc tịch Mỹ mà học phí đã cao thế này thì sinh viên quốc tế còn cao cỡ gấp 2-3 lần nhỉ! Mà nếu thu nhập của cha mẹ cao thì con có vay được tiền chính phủ học kg chị ơi.

      Delete
    9. Các trường này đều có các khoản hỗ trợ rất tốt. Chỉ cần vào được, không sợ không có hỗ trợ. Học sinh quốc tế cũng trả khoảng như vậy thôi. Harvard rất nhiều loại học bổng. Mong Lê vào được trường thật tốt vì con rất xứng đáng. Phục cả hai mẹ con. Chị Thuy Ng ơi chị ở bang nào ạ?

      Delete
    10. @ Anonymous: mình cám ơn nhưng mình không cần gì, chỉ tò mò muốn biết học phí trên thực tế có đúng như con số trên mạng không hay có thể xê dịch. Lê muốn học Aerospace Engineering ở Anh nhưng từ khi Brexit thì học phí ở Anh cho sinh viên EU rất cao. Mình nghĩ nếu phải chi tiền học cho nó ở Anh thì thà cho nó sang hẳn Mỹ vì những trường tốt nhất về hàng không vũ trụ thì ở Mỹ. Nhưng sau khi tìm hiểu thêm thì thấy chi phí học ở Mỹ cao hơn. Sinh viên quốc tế như con mình sẽ phải đóng phí khoảng 80k mỗi năm, cộng thêm các chi phí nọ kia thì chắc cũng phải hơn 100k. Giờ mình nghĩ có khi cho nó học đại học trong EU cho rẻ, rồi nếu nó có chí học lên cao nữa thì sẽ tạo điều kiện cho nó học tiếp master ở Mỹ. Chứ giờ mà phải chuẩn bị một khoản tiền cả triệu đô cho 3 chúng nó đi học đại học thì các kế hoạch tài chính trong nhà sẽ rất xáo trộn mà mình thì cũng mệt rồi.

      Delete
    11. Hỗ trợ là dành cho những sinh viên Mỹ có bố mẹ đi làm đóng thuế ở Mỹ, hoặc những sinh viên đến từ các nước nghèo cần phải khuyến học. Nhà chị không thuộc diện nào trong các diện ưu tiên và con chị tuy học cũng giỏi nhưng không ở mức thần đồng, nên nếu muốn học thì sẽ phải trả mức phí cao nhất và không hy vọng có hỗ trợ gì cả. Mà thế cũng là hợp lý vì vợ chồng chị chả đóng xu thuế nào cho chính phủ Mỹ cả.

      Delete
    12. Giang ơi nếu con muốn học về aerospace engineering thì MIT tốt. MIT cách tuyển khác. Tớ không phải bạn Anonymous trên. Con trai tớ học MIT nhưng ngành công nghệ phần mềm. MIT không chú trọng bài luận. Khi mình đi gặp admission officer của MIT họ nhấn mạnh rằng khi chúng tôi hỏi chỉ cần trả lời ngắn gọn để chúng tôi hiểu thêm. Con tớ là người nước ngoài. Tớ thu nhập tính ra USD tầm $200,000. Chồng tớ thu nhập tầm hơn $100,000. Con mình apply hỗ trợ tài chính. Hiện nay con học năm thứ 3, học phí sau khi được hỗ trợ khoảng hơn $40,000/năm. Ăn ở thì sau năm thứ nhất con tự lo được do các khoản làm thêm. Tớ thấy engineering của MIT cực tốt Giang ạ. Ngoài ra trường này cũng tốt Georgia Institute of Technology. Chương trình aerospace của họ không thua kém các trường như Stanford. Aerospace của Harvard thì tớ không biết. Chồng tớ làm aerospace ở Bombardier.

      Delete
    13. Cám ơn thông tin của bạn. Tớ cũng biết MIT là nổi nhất trong các ngành học kỹ thuật đào tạo kỹ sư. Để tớ tìm hiểu thêm các thông tin bạn đưa. Tớ nghe trường nọ trường kia cho con nói thật cũng ham nhưng mà một việc lớn như này, phải chuẩn bị tài chính nhiều như này, tớ sợ nhất là phải ủn đít ông chồng tớ để ông ý hợp tác với mình.

      Delete
    14. Dù Lê học ở đâu với khả năng và nghị lực của Lê con sẽ thành công. Sao có người vừa đẹp trai vừa thông minh vừa hiếu học vừa ngoan thế hả trời.

      Delete
  8. Đọc lại mới thấy ơ tháng 1...

    ReplyDelete