Lãng tử cho tôi xem bài phỏng vấn lãng tử gần đây trên báo. Tôi phì cười. Tôi vốn thích kiểu hài hước của người Anh. Nhưng tôi hơi phật lòng. Lý do là vì trong bài phỏng vấn, cô phóng viên hỏi lãng tử đại loại tại sao anh lại lang bạt đến đây và nảy ra ý tưởng này. Câu trả lời của lãng tử là “tôi đến VN vì được mời làm giảng viên học viện ngoại giao Hà nội. Tôi tưởng mình sẽ được thảo luận các vấn đề chính trị với những vị đại sứ tương lai của Việt Nam, ai ngờ lại phải dậy những kỹ năng giao tiếp cơ bản cho những cô cậu sinh viên 18 tuổi lúc nào cũng cười khúc khích.…”.
Tôi thừa sức quật lại lãng tử một câu thật đau.
Chuyện là, lãng tử đã rất yêu tôi, và theo lãng tử tôi chê lãng tử nghèo. Lúc biết tôi chuẩn bị lấy chồng, lãng tử còn đến gặp tôi để bảo “nếu em lấy chồng anh sẽ rời khỏi VN”. Tôi lấy chồng. Lãng tử rời khỏi VN, đến đất nước kia, lập nên cái tờ báo kia, và do đó có bài phỏng vấn nọ.
Lãng tử là nhà văn. Có lẽ hơn chục năm nay lãng tử ấp ủ cuốn tiểu thuyết để đời. Các bạn biết đấy, bọn văn nghệ sĩ rất sướng, cả đời ung dung chỉ cần ra một bài hát để đời, một bài thơ để đời, một tiểu thuyết để đời, thậm chí là một truyện ngắn để đời, là chúng nó thành để đời, chứ ko vất vả như lũ dân đen bọn mình, tong tưởi cả đời mà cuối cùng cũng chả có cái gì để đời hết cả.
Cuốn tiểu thuyết của lãng tử cứ trục trặc lên trục trặc xuống mặc dù đọc thì cũng thấy máu hận tình thù ra phết. Lúc thì lãng tử chán vì ko có bạn gái (kiểu ko có bạn gái ko có cảm hứng viết lách thế nào được), lúc thì bất đắc chí (kiểu muốn bay cao mà gánh nặng cơm áo nó cứ trì mình xuống), lúc có bạn gái thì bận ko viết được (kiểu lu bu với bạn gái lấy đâu ra cảm hứng viết tiểu thuyết có nhân vật chính là một người đàn bà khác), vv và vv. Tóm lại cuốn tiểu thuyết ấp mãi vẫn chưa nở. Từ hồi lấy chồng, có con, bận bịu tôi cũng chả còn thời gian khuyến khích hay xem và bình luận cốt truyện cho lãng tử nữa. Ấy thế mà cách đây 2 năm lãng tử vẫn bảo tôi “rồi anh sẽ ngồi vào bàn viết, hoàn thành nó, nó sẽ đoạt giải nào đó, và anh sẽ có tiền mua kim cương cho em, và em sẽ bỏ chồng để yêu anh”. Đến giờ nói chuyện thường xuyên mà tôi cũng chả dám nhắc đến cuốn tiểu thuyết ấp hoài chưa nở kia.
Thế nên tôi có một cơ hội ngàn vàng để quật lại lãng tử kiêu ngạo của tôi. Tôi đã có thể nói “thực ra, anh là đàn ông mà ko có chí, và đó là lý do mà em ko nhận lời yêu anh, chứ ko phải vì anh ko mua được kim cương cho em. Ờ dân em thì dốt thật đấy nhưng đàn ông ở nước em bằng tuổi anh đã vợ con đề huề nhà lầu xe hơi…”. Nhưng tôi quá yêu lãng tử. Vả lại, dù sao thì lãng tử cũng nói đúng.
Đúng là dân mình mãi ko chịu lớn, và rồi lại già đi quá nhanh.
Mãi ko chịu lớn, đến năm hai mấy tuổi vẫn cứ non nớt như trẻ con
Gìa đi quá nhanh, đến 30 giọng đã sặc mùi tiền.
Ngoài 30, sự mãn nguyện được đo bằng xe xịn, biển xe xịn, nhà đẹp, thậm chí khoác một cái túi đẹp, mặc bộ cánh hàng hiệu, thỉnh thoảng vô tình hay hữu ý rút ra cái điện thoại đắt tiền, hoặc cái máy ảnh xịn, thế là đã thấy mình đáng kể.
Một thực tế là nhiều cái mình cứ lăn lóc hi hóp để đạt được thì lại chẳng có một giá trị gì hoặc vô cùng bình thường trong những xã hội Âu Mỹ phát triển biết hưởng thụ theo đúng nghĩa.
Nếu mà mình còn ở nhà, chắc chắn giờ này theo tiêu chuẩn xã hội đã trở thành vô cùng un-cool
No comments:
Post a Comment