Monday, November 18, 2024

19/11/2024

Cuối cùng thì mình cũng vượt qua giai đoạn bận điên đảo từ cuối tháng 8 đến giờ mà không lăn quay ra ốm.

Tháng 9 tổ chức 2 sự kiện tại nhà. Xong lại lao vào chuẩn bị cho sự kiện từ thiện diễn ra tại Gum vào cuối tháng 10. Gum là trung tâm hàng hiệu số 1 của Moscow, nằm ngay trên quảng trường Đỏ. Sự kiện bao gồm ăn tối và đấu giá. Riêng việc gửi thư xin tài trợ, rồi phân bổ tài trợ, tiền thì chuyển cho các tổ chức, hiện vật thì đưa vào đấu giá, bán vé, thu tiền, gần 300 khách, phối hợp với các đầu bếp, thực sự trong hoàn cảnh hòa bình bình thường đã là một khối lượng công việc khổng lồ. Trong hoàn cảnh hai nước đang ở trạng thái thù địch, thì độ phức tạp nhạy cảm khó khăn càng tăng lên gấp bội. Trong quá trình chuẩn bị, vài người vì sợ gặp rắc rối nên đã rút lui. Có lúc cảm thấy đơn độc và chết ngộp trước khối lượng công việc phải làm, thú thật quả cũng có khóc một tý. Xong rồi lại gạt nước mắt, cắn răng tiếp tục cố gắng. Mới đầu mình chỉ ngồi văn phòng 5 tiếng một ngày. Sau mình ngồi từ sáng tới tối mới làm hết việc. Suốt hơn một tháng như thế. Điện thoại réo loạn xạ từ sáng tới đêm. Email nhiều đến mức mất kiểm soát, không nhớ nổi cái nào đã đọc đã xử lý và cái nào chưa.

Kết quả là một sự kiện thành công mỹ mãn. Số tiền thu về đạt mức kỷ lục, xấp xỉ 12tr rúp. Với số tiền này, rất nhiều người vô gia cư sẽ không bị đói, nhiều trẻ em mồ côi sẽ được ăn uống, sưởi ấm, trẻ em nghèo được tiếp tục đi học, được chữa bệnh, trong hai năm tới. Họ cần số tiền này lắm, vì từ hồi Nga đi xâm lược và vấp phải phản ứng mạnh mẽ của thế giới, nhiều nước đã rút tài trợ. Chóp bu chính trị đi xâm lược mà những người ở dưới đáy xã hội lại phải trả giá. Đời cứ buồn cười thế. 

Xong sự kiện, mình lên máy bay bay về Salento. Lại những ngày khổ sai, vừa làm vườn vừa trông thợ khởi công xây nốt cái nhà bé. Nhiều lúc cảm thấy kiệt sức đến nơi rồi, lê vào nhà ăn vội một cái gì đó rồi lại quay trở ra, tiếp tục công việc kẻo trời mùa đông mau tối. Vừa làm vừa tâm niệm lao động thế này thì thân hình càng fit chứ sao. Làm gì có chuyện lười biếng tiện ích dễ chịu mà lại gọn ghẽ đẹp đẽ cho được.

Về lại Moscow, ngay lập tức phải đi xem nhà mới. Mấy bố con nhà kia muốn nuôi mèo mà bà chủ nhà đang đồng ý tự dưng lại đổi ý, nhất quyết không đồng ý nữa. Thế là ngài nằng nặc đòi chuyển nhà. Ô kê, chuyển thì chuyển, nhưng là các người tự chuyển, thùng hộp tự mở tự xếp. Mèo muốn nuôi thì cứ việc nuôi, nhưng ăn uống ị đái phá phách thì mấy bố con tự thu xếp, đi bác sĩ này nọ thì mời bố tự nghỉ làm mà bế mèo đi. Đừng có hy vọng như thường lệ cứ nảy ra ý tưởng nào là chỉ cần ngồi phán suông còn thân con lừa là tui vừa càu nhàu vừa phải cong đít chạy đi thực hiện nhóe.

P.S 1: Hôm bầu cử Mỹ, mình quên biến, đang mải bê gạch và nhổ cây hết mùa trong vườn. Tình cờ mở blog thấy comments của bạn đọc mới biết công cuộc đếm phiếu gay cấn đang diễn ra.

Khi nào mà chỉ cạnh tranh trên năng lực và đừng lôi màu da với giới tính vào để khè nhau và kiếm phiếu, thì lúc đó hãy nói chuyện. Còn cứ bấu víu vào màu da với giới tính như hiện giờ thì vũ khí duy nhất sẽ chỉ là múa mép và tìm đủ mánh khóe để tiếp tục lòe được ai thì lòe.

P.S 2: Nhổ đám hoa bướm hết mùa, thu được một mớ hạt mẩy căng, tãi ra đầy cả một cái mẹt con. Vừa làm vừa nghĩ năm sau sẽ gieo một khoảnh toàn hoa bướm ở đâu cho đẹp. Và nghĩ tới một người, một người đã nói với tôi rằng “Có một người yêu em như thể em là người đàn bà cuối cùng còn sót lại trên trái đất này”. Bỏ mợ, có khi nào, tuổi trẻ thì ơ thờ nước đổ lá khoai với mọi tấm chân tình, lúc về già lại thành ra hay bâng khuâng hoài niệm, một cái lá rơi cũng buồn không hử các cụ???

Saturday, October 26, 2024

Đời rất dở, có nên tiếp tục niềm nở???

Sáng sớm, mắt nhắm mắt mở mở điện thoại. Tin nhắn của anh bạn đến từ đêm nhưng mình đã ngủ nên không nhìn thấy, “vợ anh lại đánh anh”.

Vội vã nhắn lại “Anh ổn chưa? Sao anh không đi báo cảnh sát?”. “Anh ổn. Thôi em ạ, anh không muốn cô ấy gặp rắc rối. Anh lựa chọn sai lầm, anh sẽ phải tự chịu trách nhiệm đến cuối...”.

Anh lấy vợ đâu như mười mấy năm nay. Cô vợ hơn 2 tuổi, có 1 con riêng. Họ có cùng nhau thêm 2 đứa con. Anh nuôi vợ con, cả con riêng của vợ. Cô vợ ở nhà chăm con, chồng kiếm được bao nhiêu cô ấy tiêu hết bấy nhiêu.

Ngay từ hồi mới cưới, cứ có cái gì không vừa ý là cô ý động thủ. Chồng đến chỗ làm mặt mũi chân tay xây xước như nhà có nuôi mèo, không phải mèo thường mà là mèo có máu điên. Cố chịu đựng không ly dị vì quá yêu con. Cũng vì mỗi lần anh làm căng lên thì cô ấy lại hứa thay đổi. Anh dịu xuống thì cô ấy lại đâu vào đấy. May quá cuối cùng thì cô ấy cũng quyết định không đánh anh nữa. Vì anh đi làm xa nhà. Và cũng vì cô ấy ngại họ hàng làng xóm đồng nghiệp bàn ra tán vào vì chồng luôn trong tình trạng mặt mũi chân tay xây xước, hiển nhiên là bị vợ đánh chứ còn ai vào đây.

Bẵng đi lâu lâu, chả hiểu có chuyện gì mà cô ấy lại đánh anh tiếp. Sau khi bị cô ý tấn công, anh bị một vết cào sâu trên trán và một vết khác trên mặt, cánh tay thì cơ số vết cào khi cố giơ lên che mặt trước những đòn tấn công của vợ.

Anh bảo con anh lớn rồi, anh không sợ bị mất quyền nuôi con nữa, anh sẵn sàng để lại hết cho cô ấy, vật chất mất rồi lại kiếm lại được em ạ, anh chỉ cần tự do, anh muốn hạnh phúc, anh thấy bạn bè xung quanh anh họ đều hạnh phúc, mà anh thì không...Nhưng kỳ lạ là cô vợ, đối xử với chồng như thế, mà khi chồng yêu cầu ly dị thì lại nhất định không chịu hợp tác, ngay cả khi chồng sẵn sàng để lại hết và ra đi tay trắng.

Có những người như vậy, họ không tha cho bạn đi vì mất bạn thì họ tiếc quá. Nhưng giữ bạn lại họ cũng không đối xử tử tế.

Hồi mình ở New York, vợ chồng mình có một anh bạn người Mỹ. Nhìn điểm nào cũng ổn, mỗi tội chả hiểu tại sao cứ ế. Bẵng đi lâu lâu, anh ý khoe mới có cô người yêu làm nghề người mẫu quần áo. Tức là cô ý có các chỉ số cơ thể hoàn hảo để các nhãn hàng dựa vào đó mà may quần áo theo size công nghiệp. Quần áo bày bán trong các cửa hiệu là may trên số đo của các người mẫu quần áo, không liên quan gì đến các cô người mẫu trình diễn thời trang.

Mình gặp cô kia đâu 1 hay 2 lần, thấy hơi đậm người nhưng cân đối khỏe mạnh. Hội người mẫu trình diễn thời trang nhìn lộng lẫy thế thôi chứ nhiều khi chỉ được cái chân dài, còn lại cả cơ thể nhìn ọp ẹp ốm o. Người thường ních vào quần áo có số đo của các cô người mẫu trình diễn thời trang thì chỉ có mà khóc ra tiếng mán, mà xem tạp chí thời trang nhiều quá nhìn bản thân thấy xấu xí cũ kỹ quá có khi cũng sinh trầm cảm.

Bẵng đi một thời gian, gặp lại, anh ý kể đã bị người yêu bỏ. Cô ý có một thằng cháu 19 tuổi nhưng cứ yêu người cô đã 35 tuổi tha thiết. Người cô 35 tuổi một hôm thức dậy, cảm thấy rung động với tình cảm của thằng cháu, bèn quyết định cho nó cơ hội. Nghĩ là làm, là xách vali đi luôn.

Lại bẵng đi một thời gian, gặp lại, anh ý khoe « anh mới có người yêu. Em ơi, buổi sáng cô ấy chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh, bưng vào tận giường… ». Thế là cả buổi cứ trầm trồ hoan hỉ việc được cô người yêu làm bữa sáng mang vào tận giường vì đời chưa bao giờ được cô nào chăm sóc thế. Cô này hình như người Nga thì phải.

Thế cún tôi đố các cụ hai cô trên kia thì là đàn bà nước nào?

Thế còn đàn bà Việt nam thì sao? Từ đầu tháng 9 tới giờ bận túi bụi hai events ở nhà, xong một cái, không kịp thở lại lao vào chuẩn bị cho một event rất lớn ở ngoài. Cái nhà ở quê năm nay khách thuê đến tận giữa tháng 10, hôm nay khách ới vụ này, ngày mai khách ới vụ kia, khách và đại lý quay mình như quay dế, nhân viên thì ngáo ngơ làm bao lần rồi mà lần nào cũng phải hướng dẫn lại như mới, không kiểm tra là y như rằng quên cái nọ cái kia, chưa kể lại còn phải phân xử khi họ cãi nhau. Mà mọi việc nhà cửa hàng ngày đi chợ giặt giũ nấu ăn ở đây thì mình vẫn phải làm chứ có phải bận việc kia thì được miễn việc này đâu. Tóm lại, stressed muốn đột quỵ. Chồng trong khi đó thì đi chơi theo đúng nghĩa đen, đi hẳn 2 tuần, lại vác xe địa hình trèo đèo lội suối tưởng mình thanh niên, nhờ gọi một cuộc điện thoại cũng không được vì bận chơi quá.

Chồng mình mà có cô vợ như ở đầu entry thì chuyện gì sẽ xảy ra các cụ nhẻ.

Saturday, September 28, 2024

Một ngày ở Cordova


Một ngày trời xanh nắng vàng ở Cordova, hai vợ chồng đi lang thang trong khu phố cổ. Ngõ nhỏ, phố cũng nho nhỏ, những mảng tường quét vôi trắng, mái ngói thời gian đã làm thâm cả lại, cánh cổng gỗ nâu gắn đinh sắt đồ sộ, hàng cam quýt đang mùa quả chín rộ, kiến trúc kết hợp giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, tất cả tạo cho Cordoba một vẻ nên thơ khó tả. Mình đang đứng trong một bảo tàng dành để tưởng nhớ những người Do Thái kiệt xuất nhìn qua khung cửa nhỏ phủ tường vi xanh um xuống khoảng sân nhỏ um tùm các loại cây nhiệt đới, thì chợt nghe thấy từ dưới đường vọng lên on a wagon bound for market, there’s a calf with mournful eyes. Bài hát nghe hồi 14 tuổi. Đó là một trong những bài hát tiếng Anh đầu tiên mình học, có lẽ chỉ sau bài Ding dong bell. Hồi đó con bạn thân rủ mình tuần hai buổi lóc cóc đạp xe lên trường Ams học lớp tiếng Anh của cô Tú, để chuẩn bị cho kỳ thi cấp 3 vào trường Ams. Cô Tú gầy mong manh, tóc demi garcon, hay mặc áo đỏ, đeo kính cận rất nặng, giọng nhẹ như hơi thở, hay bật bài hát Dona cho lũ học sinh học tiếng Anh. Hồi đó tiếng Anh mình dốt nhất hội bạn thân 5 đứa. Thấy bạn bảo trường Ams là số 1 thì cứ đi thi thôi chứ ngoài lớp học thêm của cô Tú thì chẳng ôn luyện gì. Mà cũng chả có sách gì mà ôn ngoài quyển sách tiếng Anh phổ thông lớp 9. Chưa kể còn học hành chểnh mảng. Đi học chỉ mong mất điện. Mất điện là kéo vội nhau đi chỉ sợ ra đến cửa đèn lại sáng cô lại bắt quay vào học. Thi đỗ vào A2 trường Ams chỉ vì điểm toán và điểm văn cao chứ điểm Anh được có 5 ¼. Ba năm cấp 3, mang tiếng chuyên Anh mà tiếng Anh vẫn dốt nguyên như cũ, rặn chả ra nổi một câu. Có lẽ mình dốt một cách khó hiểu lại còn lười ra mặt nên không được cô giáo tiếng Anh quý. Đến lúc xem điểm thi tốt nghiệp lớp 12, cô bảo mình ngay trước mặt cả lũ bạn “Mang tiếng chuyên Anh mà điểm Anh tốt nghiệp chỉ được có 8 rưỡi, quá kém”. 8 rưỡi cho bài thi tiếng Anh phổ thông của một học sinh chuyên Anh thì công nhận kém thật. Mình tự ái quá, về nhà lôi sách ra học. Chỉ sau vài tháng, vào đại học, lũ bạn đại học của mình có nghe kể cũng không tin quá khứ dốt tiếng Anh huy hoàng lại còn mới toanh của mình kia, lại cứ tưởng mình nhận dốt cho khiêm tốn.

Thế mà từ hồi đạp xe đi học tiếng Anh của cô Tú đến giờ cũng đã vèo cái 30 năm rồi. Nhóm bạn 5 đứa con gái ngày nào giờ mỗi đứa một nơi, có đứa 30 năm rồi không gặp. Quá nhiều nước đã chảy qua dưới chân cầu.

Nhân chuyện tiếng Anh kể sang chuyện khác. Mình từ hồi gia đình con cái vào mới chấn chỉnh đội hình đội ngũ chứ hồi trước tính tình léng phéng không ai bằng. Đỉnh điểm là thi cuối năm lớp 12, môn toán, mình ngủ quên không đi thi. Bạn bè tá hỏa tưởng mình bị cái gì đó khủng khiếp lắm, kiểu như bị xe cán bẹp dí, nên mới bỏ thi như vậy. Thế nên thi xong một cái cả lớp lo lắng kéo nhau đến nhà mình. Nghe tiếng gọi ơi ới ngoài cổng, mình ngái ngủ đi ra mở cửa hỏi chúng mày đi đâu thế. Cả lũ chưng hửng.

Mình chẳng biết khắc phục hậu quả thảm họa ngủ quên bằng cách nào nên cứ để kệ đấy, cũng chẳng nói gì với thầy dạy toán. Chưa xin xỏ gì ai bao giờ nên cũng không biết phải xin xỏ thế nào. Gần hết năm học, thầy gọi mình lên. Thầy càu nhàu “kỳ thi quan trọng như thế mà cô ngủ quên, tôi cũng chịu chả hiểu đầu óc cô làm sao”. Mình đứng im chả biết nói gì. Thầy thở dài rồi bảo “Thôi tôi cho cô điểm thi bằng điểm trung bình các điểm trong năm của cô”. Lâu rồi mình không nhớ thầy cho mình điểm 9 hay 9 rưỡi. Lúc đó mình cũng chỉ biết lí nhí cảm ơn thầy rồi về chỗ. Nhưng thật sự em đội ơn thầy, chẳng có trường nào sẽ tổ chức thi lại cho thể loại học sinh ngủ quên không đến thi, trường Ams lại càng không. Mà không có điểm học kỳ lớp 12 thì em sẽ không tốt nghiệp, không được thi đại học, sẽ phải học lại một năm và đời em sẽ rẽ sang nẻo khác...

Hôm nay mở cái laptop mua từ lâu không dùng mới thấy entry này. Viết xong bỏ đấy nên quên. Đời quá bận rộn. Tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12, xất bất xang bang với đủ thể loại events phải tổ chức ở nhà và ở bên ngoài. 

Tự dưng nhớ những phố thị nhỏ, thưa người, giấc nghỉ trưa thật dài, những nẻo đường quê chỉ có gió và những cánh đồng toàn hoa dại, và khu vườn, mở cửa ra là thấy xanh như kia...

Tuesday, August 27, 2024

Not mine not mine not mine

Hôm nọ ngồi tán chuyện với mấy cậu người Ý độc thân. Các cậu ý vui mồm kể chuyện hẹn hò với các cô gái Nga làm mình được trận hóng đã đời.

Một cậu, tên D,  hẹn hò cô gái Nga đầu tiên, cô ấy bảo muốn đi ăn nhà hàng Ý. Chả hiểu cậu ý đặt nhà hàng Ý nào mà đến nơi cô ấy chê. Chê rằng nhà hàng không đủ xịn. Cậu này nghe thế thì nổi đóa lên, xịn hay không do tôi quyết định, mới buổi đầu mà chửa chi đã đòi nọ đòi kia. Thế là chuyện tình đứt từ vòng gửi xe.

Cũng lại cậu ý hẹn hò cô gái Nga thứ hai, là mẹ đơn thân có đứa con nhỏ. Đi đâu cô ấy cũng mang con theo đã đành, mà mời cô ý đến ngủ giao lưu cuối tuần, cô ấy mang cả vali đến và ở mãi không về. Cô ấy bảo cả căn hộ của em cũng không rộng bằng phòng ngủ của anh. Khi cậu ý bảo cô ý về, cô ý tự ái. Thế là họ chia tay. Cậu ý than thở G ơi quen đứa nào chúng nó cũng muốn dọn vào ở chung với mình luôn là sao là sao.

Vụ thích dọn vào ở chung này thì mình biết. Có cậu, hai vợ chồng lục đục, vợ bỏ về Ý. Chả biết bao lâu sau đó cô vợ quay lại. Hạ cánh ở Istanbul, trước khi lên máy bay bay nốt chặng Istanbul-Moskva thì nhận được điện thoại của chồng bảo vợ đừng lên máy bay. Sau khi biết thêm một chút về các cô gái Nga thì mình đoán cô vợ bỏ đi một cái thì cô bồ đến ngủ lại luôn. Ngủ lại luôn rồi nhất định cô ấy không chịu chuyển ra nữa. Thế là cậu kia thà đuổi vợ còn hơn đuổi bồ. Mà toàn bộ đồ đạc tư trang của vợ vẫn ở trong nhà chứ nào phải đã dọn đi. Ta nói đó là một người đàn ông vừa bạc nhược vừa bạc bẽo.

Quay lại chuyện hẹn hò của cậu D, sau khi đứt với cô gái Nga thứ hai, cậu ý lại tiếp tục hẹn hò với cô gái Nga thứ ba. Hẹn hò đâu được 3 hay 4 lần thì tự dưng cô ý biến mất. Điện thoại và tin nhắn đều không trả lời. Bẵng đi đâu đó hơn 1 tháng thì cô ấy lại liên lạc lại. Có lẽ lựa chọn số 1 không thành nên cô ấy lại quay lại với cái lốp dự phòng. Nhưng cậu kia cũng chả vừa. Cậu ý không đồng ý cho cô ý quay lại. Thời gian của tôi quý báu, đâu phải thích đến là đến thích đi là đi như thế được. Thế là chuyện tình thứ ba cũng lại tạch nốt.

Lại thêm vụ một cậu bạn của cậu ý, cũng đang có cô bồ người Nga, trước khi về Ý nghỉ hè còn tâm lý hỏi nàng em muốn quà gì anh mua, và cô bồ đòi một chiếc túi Hermes giá tiền đâu mấy chục nghìn euro chứ mấy. Cậu kia chả mua được Hermes, hình như thay bằng cái Fendi. Cũng không biết cô bồ có bằng lòng không. Cậu D nghe xong chuyện của cậu kia, cộng với quả hat trick của bản thân, thì hốt lắm. Từ đó thà chịu cảnh đi sớm về khuya một mình chứ nhất định không cặp với gái Nga nữa.

Trái ngược với vẻ bi quan phê phán thất bại toàn tập của cậu D, cậu G thì lại vô cùng thành công và hào hứng. Gái Nga qua tay cậu ý cứ gọi là tấp nập. Cậu ý bảo gái Nga rất dễ xử, chỉ cần có tiền và chịu chi là xong, chả cần gì thêm. Chịu chi là dẫn đi ăn nhà hàng hạng sang, thỉnh thoảng mua quà. Mình bảo tại sao anh lại có thể bằng lòng với những mối quan hệ như vậy. Bảo anh có bằng lòng đâu, em không thấy anh vẫn độc thân à, nhưng chơi bời vui vẻ thì mất gì của anh đâu.

Mình có anh người quen. Yêu đương bao em chán chê chả nghiêm túc gì, cuối cùng lại mê mẩn một hot mum đơn thân có đứa con trai nhỏ. Thấy kể G ơi con bé này không tham tiền G ạ. Anh đưa cho nó thẻ của anh để nó đặt kỳ nghỉ cho bọn anh, muốn đặt chỗ nào cũng được. Thế mà nó chỉ chọn một khách sạn 4 sao. Đi nhà hàng nó cũng không đòi những nhà hàng quá sang trọng, em ạ. Thế là nó không tham tiền, em nhỉ.

Cuối cùng, hóa ra em thả con săn sắt bắt con cá rô. Em bảo em cần sửa nhà nhưng không đủ tiền, thôi anh góp vào tí đằng nào rồi mình cũng sống chung, chìa khóa nhà em đưa anh một chùm rồi còn gì. Thế là cậu kia ngây thơ mang tiền đến góp. Không chỉ sửa nhà, em ý còn thuyết phục được cậu ý chi tiền thay mới toàn bộ nội thất phòng khách, mà toàn đồ xịn. Xong xuôi mọi thứ, em chẳng nói chẳng rằng thay khóa nhà và không trả lời điện thoại nữa.

Có những người đàn bà có thể bất chấp tất cả vì vài tiện ích cỏn con như vậy.

Lại làm mình nhớ tới cô Phoebe trong phim Friends. Có lần cô ý bị ngân hàng trả nhầm 500usd và rất bực tức vì phải mất công đi trả lại. Chỉ vì không có thì đành chịu, chứ có mà cứ bị lương tâm nhắc nhở trên từng bước đi “Not mine, not mine, not mine” thì thà không có còn hơn.

Nhưng cũng có những người đàn ông hoàn toàn chả có vấn đề gì với việc đàn bà muốn moi từ họ, thậm chí họ còn thích như vậy hơn. Tiền họ nhiều, bỏ ra chút là xong chuyện. Gái vì tiền thì có tiền là ngoan, chả đòi hỏi anh phải nghiêm túc, phải trưởng thành, phải thế nọ thế kia, phiền phức.

Wednesday, August 21, 2024

Chuyện phiếm

Đại công tước G và công chúa V gửi thư mời hai vợ chồng tới dự lễ sinh nhật tròn 1 tuổi của hoàng tử Alexander con họ. Party diễn ra tại dacia của họ cách trung tâm thủ đô đâu tầm hơn tiếng lái xe.

Sau khi lượn lờ quanh phòng một lúc, ngài quay về nói thầm với vợ “thằng nguy hiểm nhất ở đây là thằng M. Lúc nãy anh tí va phải nó”. Mình đã nghe nói. Đại tài phiệt, nhân vật nằm trong nhóm đầu danh sách cấm vận của phương tây, kẻ chủ mưu chứ không phải đồng lõa, từ nhiều năm nay liên tục dùng tiền để mua chuộc kích động quân ly khai, phá rối đất nước của người khác. Đến nước Nga, những nhân vật bình thường chỉ nghe báo đài nhắc tới, giờ đi events cứ thỉnh thoảng lại gặp. Còn ngài cứ thỉnh thoảng đi làm về lại kể hôm nay thằng V, hôm nay em gái của thằng K, đến xin visa.

M là bạn thân của gia chủ và đồng thời là cha đỡ đầu của hoàng tử con họ. Mình nhìn thấy M lần đầu tiên trong lễ rửa tội của hoàng tử cách đó không lâu. M có dáng dấp cao lớn lực lưỡng, râu quai nón rậm rì, khá trẻ, so với đàn ông Nga thì khá bảnh trai và đặc biệt có khuôn mặt hiền, bất kể những điều bất hảo M làm. Đàn ông Nga thường có khuôn mặt hiền khô.

Mình đang ngồi trên sofa quay lưng ra sảnh chính thì tự dưng nghe thấy tiếng hát. Mấy người bạn đang bắt đầu hát để chúc tụng gia chủ. Thực khách đang nói chuyện rào rào nín bặt, quay ra nhìn, một số bắt đầu hát theo. Mình quay mặt lại và dù chả hiểu họ đang hát gì nhưng vì lịch sự cũng đứng lên theo mọi người. Thì đúng lúc đó nhìn thấy M đứng ngay đối diện bên kia sảnh, đang nói chuyện với một ai đó. M nhìn thấy mình. Thấy mắt M sững lại, rồi tiếp tục nhìn trân trối. Mọi người hát xong, mình quay lưng lại và ngồi xuống. Thế mà chỉ vài phút sau thấy M đã kịp băng qua sảnh, tiến đến gần chỗ mình ngồi. Bị ai đó chặn lại nói chuyện, M vừa tiếp chuyện họ vừa tiếp tục nhìn mình chằm chằm. Chả biết có phải M đang định tiếp cận mình mà liên tục bị hết người này tới người khác chặn lại chào hỏi hay không, chỉ biết khi thấy khoảng cách đã quá gần và M vẫn liên tục nhìn chằm chằm, mình đứng dậy và đi tận ra một góc xa của phòng tiệc đông đúc. Đệ của anh tin, có trò gì mà các anh không dám làm. Cẩn thận vẫn hơn.

Đã hơn một năm trôi qua. Cặp đôi hoàng gia kia đã đi định cư nước ngoài để thoát cảnh cấm vận. Thế nên mình cũng không có dịp gặp lại M nữa.

Chuyện khác. Hồi đâu như năm ngoái, một buổi sáng ngài bảo “Em ơi, thằng BẠN em đã thành nhân vật quyền lực thứ 2 trong chính trường Ý”. Vợ ngơ ngác “Bạn nào?”. “Thì thằng...đấy”. À, Trương Chi người thì thậm xấu hát thì thậm hay phiên bản Ý. Là ngài cứ thậm xưng lên như thế chứ quen biết gì đâu.

Chuyện xảy ra từ hồi còn ở New York, nhẽ gần hai chục năm trước. Trong một event, lúc mọi người đã bắt đầu ngồi vào bàn và phục vụ chuẩn bị phục vụ bữa tối, tự dưng mình linh cảm có người cứ nhìn chằm chằm. Mình quay ra nhìn xem đó là ai. Bàn xếp theo hình chữ U, mình ngồi ở bên rìa còn ông ta ngồi ở trung tâm. Rất nhiều người tới bắt tay và nói chuyện với ông ta, còn ông ta vừa mồm thì trả lời mắt thì nhìn mình chằm chằm. Mà nhìn kiểu rất dạn dĩ, bị bắt gặp không hề luống cuống, kiểu như “nào thì bây giờ em đã biết tôi thích em rồi đấy, em tính sao, có chịu không”.

Bị giai đẹp nhìn còn đỡ chứ ông này xấu quá, lại già. Lúc đó mình còn rất trẻ nên ai với mình cũng già hết. Đã già đã xấu lại còn tinh vi táo tợn, tưởng nhìn thế là uy hiếp được đây hả. Thế là mình quay ra lườm cho một phát vẻ khó chịu rồi quay ngoắt đi, xoay hẳn lưng về phía ông ta.  

Lúc sau kể cho ngài, ngài hỏi trông hắn dư lào, bảo xấu lắm, nhưng giọng nói thì cực hay, ngồi ở cái bàn VIP. Ngài chìa vào mặt vợ cái ảnh “phải người này không?”. Con vợ ngài gật gù “chính xoác”. Ngài hốt hoảng “Ối giời ơi bộ trưởng Bộ quốc phòng”. Mình bị ngài xạc cho một trận. Từ đó đi events bị ai nhìn cũng thùy mị e thẹn chứ không dám cong cớn như trước.

Một dạo, giới socialite ở Dubai xôn xao lên vì sự xuất hiện của một mỹ nhân Ý có gương mặt hoàn hảo và mái tóc rất nổi bật. Tóc người da trắng mà đen dày từng lọn bồng bềnh mỹ miều trên lưng chấm xuống tận eo. Không cao nhưng cả thân hình vòng nào ra vòng nấy rất tròn trịa cân đối, y hệt một con búp bê. Lại ăn mặc lộng lẫy ngất trời theo kiểu hoàng gia Trung Đông chứ không giản dị thanh lịch như phương tây, nên trông lại càng nổi bật. Bất kể việc đàn ông Dubai chuộng gái Nga mắt xanh tóc vàng chân dài, cô búp bê có mái tóc đen lộng lẫy và đôi mắt đen dữ dội kia xuất hiện một cái là các anh điên đảo ngay. Ngài cũng điên đảo vì cô nhưng theo nghĩa khác. Chuyện quậy đục nước đúng kiểu đàn bà dễ có mấy tay của cô để hôm khác kể nếu không entry thành quá dài. Hôm nay nhắc tới cô chỉ vì có thời cô là tình nhân của Trương Chi mà thôi.

Sau bao năm, chỉ tự hỏi giọng nói của Trương Chi có còn hay như ngày nào. Giọng nói siêu trầm, siêu ấm, gợi cảm giác muốn nương náu, nghe một lần cứ muốn nghe mãi...

P.S: Mình giờ già, chả thích đàn ông quyền lực, đặc biệt kiểu quyền lực hôm nay còn vây cánh thì ngồi trên đầu thiên hạ, mai hết vây cánh thì nếu không phải trốn chui trốn nhủi thì cũng về đuổi gà còn không đắt. Tiếp xúc nhiều với giới lắm tiền lắm quyền này, trừ khi là xã giao, còn lại cứ thấy có nguy cơ dính líu sâu hơn là mình lảng.

Tầm này, không sợ ai đã đành mà cũng chả muốn ai sợ mình. Thế chứ lị. 

Wednesday, August 14, 2024

Hiện thực sinh động và tư duy trừu tượng, hay Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ

Trong các trường quốc tế học theo chương trình của Anh, khi phỏng vấn xin học bao giờ học sinh cũng phải làm bài thi CAT theo độ tuổi, để kiểm tra khả năng nhận thức. Với kết quả này, các thầy cô có thể biết mặt mạnh yếu của từng học sinh, hướng cho học sinh học các môn phù hợp nhất với khả năng và do vậy cũng hướng nghiệp luôn. Nhất là quyết định được phương pháp sư phạm nào sẽ là tốt nhất nếu cần phải can thiệp trong từng trường hợp riêng lẻ. Ví dụ, học sinh có đứa có khả năng tiếp thu theo mọi hình thức, dù là nghe bằng tai, đọc chữ hay nhìn hình vẽ, dạy kiểu gì cũng tiếp thu được. Có đứa lại nghe tai này ra tai kia, cứ phải viết xuống mới tiếp thu được. Có đứa viết xuống đọc cũng không hiểu, càng viết nhiều càng phải đọc nhiều càng lùng bùng không hiểu, nhưng dùng hình ảnh minh họa một cái lại hiểu ngay, vv và vv.

Ở ngoài đời dù không có bài thi CAT nhưng nguyên lý hoạt động thì cũng tương tự. Có người tiếp thu được bằng tư duy trừu tượng, chỉ cần nói qua là họ mường tượng được. Lại có người nói cách gì cũng không hiểu mà cứ phải để cho hiện thực sinh động bày ra trước mắt, thì may ra mới vỡ vạc được điều gì đó. Có người chỉ cần nghe cảnh báo kinh nghiệm của người khác là đủ để thất kinh tự học được bài học. Lại có người cứ phải trực tiếp bản thân đầu rơi máu chảy mới ủ ôi cảnh báo đúng nhẻ.

Có người chỉ cần nghe một thông tin là trong đầu tự động nảy ra một chuỗi các hành vi hậu quả liên quan, gọi là có tư duy bắc cầu tốt. Tuy những người này thường có đức tính tự giác chả cần ai ủn đít nhưng nhược điểm là nếu không biết tự tiết chế thì nhiều khi thành suy diễn thái quá, trầm trọng hóa vấn đề, cầm đèn chạy trước ô tô. Lại có những người quan tài chỉ còn cách mỗi một khúc quanh, kèn trống đã nghe inh ỏi, nhưng còn chưa thấy thì còn chưa nhỏ lệ. Mặc dù những người này nhìn qua sẽ có ấn tượng họ rất điềm tĩnh ôn hòa chả cáu gắt lớn lối với ai bao giờ, nhưng nếu không tự biết tiết chế thì sẽ thành người sống chết mặc bay, nước đến chân mới nhảy, ì ạch, dựa dẫm.

Xác định được người đối diện thuộc kiểu tư duy nào và tiếp thu được theo cách nào, từ đó xác định được cách truyền đạt, cách chuyển tải thông điệp hiệu quả, là một việc đòi hỏi nhiều tâm sức.  

Nói ra rả như đài phát thanh với người có kiểu tiếp thu không bằng thính giác mà bằng thị giác chẳng hạn, thì không khác gì nói với cái đầu gối.

Nhiều khi người có tư duy toán lý hóa không nên mất công phải trái với người có tư duy văn sử địa, nếu không muốn tự mua sự ức chế.

Làm bất cứ việc gì, hay phải liên đới với bất kỳ ai, nếu người kia có tư duy giống mình thì sự giao tiếp trở nên dễ dàng và do vậy mọi sự kết hợp đều nhẹ nhàng, dù là một sự kết hợp vô thưởng vô phạt kiểu như tranh luận vô danh trên mạng hay là một sự kết hợp nghiêm túc hơn như hợp tác kinh doanh, tình bạn, hôn nhân. Ngược lại thì kể như xui. Nhiều khi thấy mất công quá mà việc người kia có hiểu hay không cũng đâu có ảnh hưởng gì đến mình đâu, thế nên thôi. Càng già càng thấy mình kiệm lời.

P.S1: Hồi còn ở Dubai, một lần mình lên facebook bảo Dubai lắm ruồi. Mình nói sự thật khách quan thôi mà ngài nhảy vào chặn ngay “Vợ tôi cái gì cũng nhìn thấy khuyết điểm. Ruồi ở đâu ra mà ruồi. Từ hồi sang đây tới giờ cả năm thấy đúng 1 con ruồi”. Ủa ông ở trong không gian kín có máy lạnh cả ngày, ông không thấy ruồi tức là không có ruồi hả. Ông lại cãi đi events ngoài trời suốt có thấy con ruồi nào. Events toàn buổi tối, tối thì ruồi đi ngủ mọe rồi, ngày xưa môn sinh học được mấy điểm mà không biết tối thì ruồi đi ngủ hả hả hả. Ông nghe xong vẫn chả tin. Nhưng chẳng bao lâu sau, một buổi sáng trong lành cuối tuần, hai vợ chồng ngồi trong vườn đọc sách. Một con ruồi quái ác ở đâu hiện ra, tấn công ông quyết liệt, mà nhất định cứ phải đậu bằng được lên mặt ông mới chịu. Sau khi cực khổ xua ruồi bu vào trán, vào mũi, vào mép, đậu cả lên tai, lên lông mày, vo ve, ngứa ngáy, thì ông cáu sườn chửi toáng lên “cái nơi chết tiệt này lắm ruồi thế”. Vợ ngẩng lên khỏi trang sách, giọng bình thản “em tưởng anh bảo không có con ruồi nào”. Ông im thít. Cộng thêm mỗi lần cùng hội bạn đi vào sa mạc chơi mang theo đồ ăn uống, ruồi bu đến cả đàn đen đặc phải vác theo cả quạt công suất lớn để xua, con vợ ông lại đay nghiến “thấy ruồi chưa”. Cứ phải hiện thực sinh động bày ra trước mắt may ra mới vỡ vạc được cái gì đó.

P.S2: Mời các cụ đọc lại loạt hai entry “Ký sự rửa bát” cún viết cách đây chục năm. Tinh thần cũng y hệt, cứ là phải hiện thực sinh động bày ra trước mắt, nếu không thì còn cãi rất khỏe.

Mình có cái ảnh thảm cảnh fine dining mà tìm mãi không ra để minh họa cho bài viết. Con Anna ngủ gục trên bàn, con Lila ngủ dựa đầu vào lưng ghế mồm há hốc, còn ông Ale thì nằm nửa trên ghế nửa trên đùi mẹ, cũng ngủ say sưa nốt. Sau khi đã phá tàn canh giá lạnh và chả thích đồ ăn nên đình công không ăn mà lăn ra ngủ. Ngay giữa nhà hàng fine dining có khổ thân tôi không trời. Hồi đó phải chụp cái ảnh lưu giữ hiện thực sinh động, để từ đó mỗi lần ông chồng rồ lên fine dining là phải mở ngay ảnh cho ông xem cho ông nghĩ lại.

Saturday, August 10, 2024

10/8/2024

Chồng bà nông dân hàng xóm mất đột ngột dạo đầu năm. Tối đi ngủ rất bình thường, sáng hôm sau không dậy nữa. Với mấy mẹ con bà ấy, đó là một tổn thất không thể tả nổi về tinh thần và nhân lực. Việc nhà nông bận bịu, thiếu đi một đôi tay là thiếu khủng khiếp lắm.

Chồng bà nông dân, không hiểu có phải vì đôi lần thấy mình đến giúp vợ làm việc nông trại hay không mà có lần đi ngang qua nhà mình thấy cỏ mọc cao ngoài cổng bèn tự mang dụng cụ đến dọn sạch. Mình nghe người khác kể lại. Đang định lần sau về sẽ cám ơn và ngồi nói chuyện nhiều hơn, thì người đàn ông có tấm lòng tử tế thầm lặng ấy đã mất rồi.

Ruộng cà chua mình giúp bà ý trồng từ dạo tháng 4. Mỗi lỗ trồng xuống khoảng 3 đến 4 cây cà chua con mạnh cây nào cây nấy sống. Mình cũng thuộc loại xương cốt dẻo dai mà trồng xong được ruộng cà chua như vậy cũng phải đấm lưng thùm thụp như một bà già. Suốt 3 tháng nước nôi chăm bẵm, giờ đến lúc thu hoạch. Bà nông dân cùng cô bạn gái của cậu con trai thu hoạch cà chua về. Mình đến giúp họ lặt bỏ cuộng. Từng quả cà chua lặt bỏ cuộng, bỏ đi những quả thối hoàn toàn, còn những quả dập hỏng một phần thì để riêng sang bên để cắt giữ lại phần vẫn còn ngon. Sau đó đến công đoạn rửa. Gần 500kg cà chua rửa xong cũng muốn khóc ra tiếng mán. Nước rửa cà chua thì tái sử dụng để tưới vườn.

Sau đó đến công đoạn luộc sơ cà chua cho dễ lột vỏ cùng với ít lá húng cho thơm. Cô bạn gái của cậu con trai bà nông dân luộc cà chua rồi vớt vào một cái thùng to cho ráo. Còn cậu ý thì lấy cà chua từ đó cho vào máy, máy tách hột và vỏ bỏ riêng, cà chua chui ra chỉ còn lại mỗi phần thịt nhuyễn. Phần thịt chính là sốt thành phẩm, còn hột và vỏ thì cho lũ dê ăn. Đến lúc này, bà nông dân trộn hai loại thịt cà chua lại với nhau để đạt được độ ngọt cần thiết. Cà chua bi ngọt hơn các loại cà chua khác, trộn như này sốt vẫn ngọt ngon mà hoàn toàn không dùng tới đường.

Sau đó đến giai đoạn bơm sốt cà chua vào chai. Chai thì đã súc rửa và để ráo từ trước. Mình bơm, cô bạn gái cầm chai, cậu kia dập nắp, còn bà nông dân thì chạy lăng xăng mang các chai mới đến.

Sau đó đến giai đoạn luộc chai để tạo lực hút chân không bên trong chai giúp sốt cà chua bảo quản lâu hơn. Xếp chai vào hai cái thùng sắt to, đổ ngập nước và bắt đầu chất củi đốt. Như ta luộc bánh chưng ở nhà mỗi tội không đậy nắp. Bà nông dân đặt lên trên cùng mỗi thùng một củ khoai tây. Bao giờ khoai tây chín thì công đoạn này sẽ hoàn tất.

Sáng hôm sau, khi nước trong thùng đã bắt đầu nguội, mình lại đến giúp họ dỡ chai từ thùng ra. Phải dỡ ra rồi rửa từng chai một vì sau khi đun trong thùng sắt thì chai nào chai nấy nhìn khí nhom nhem. Mình rửa, bà nông dân cho chai vào từng sọt, cậu con trai xịt cái gì đó lên nắp chai cho khỏi hoen rỉ, rồi cất các sọt vào kho.

Từng đấy công đoạn, điện, nước, sức người, thành phẩm thu được khoảng 250 chai sốt cà chua, 100% cà chua nguyên chất, không thêm bất kỳ cái gì kể cả nước. Mỗi chai bán khoảng 3 euro chứ mấy.

Có bắt tay vào làm mới thấy công việc của người nông dân rất cực. Nếu làm ăn lương thiện và có lòng từ bi với đất thì may ra chỉ đủ ăn, lấy công làm lãi. Nếu cho thêm nước, độn thêm đồ giả và các loại hóa chất, thì nhiều tiền hơn nhưng thất đức. Nếu canh tác kiểu vắt kiệt sức đất, đất kiệt rồi thì quăng phân bón hóa học thúc cho đất sống dở chết dở nhưng vẫn phải tiếp tục nuôi cây, thì chả mấy chốc đất nào cũng chai hết.

Mình giờ lật đất lên, thấy đất nâu đen, ẩm, xốp, côn trùng đi lại sống động rộn ràng, lòng vui còn hơn được quà. Còn thấy đất bạc màu, chai cứng, lật lên không thấy sự sống, thì chỉ muốn mang các loại mùn phủ lên và đợi đất hồi sinh.

PS1: bà nông dân tấm tắc ủa ôi hôm nay không có muỗi như mọi hôm. Bảo bà đứng cạnh tôi rồi thì muỗi nào còn đốt bà nữa. Mình bắt đầu yêu mến côn trùng, các loại sâu bọ, kể cả sâu róm giờ thấy mình cũng lờ đi, mà lòng căm thù lũ muỗi chưa lúc nào vơi bớt. Tại sao bao người chúng nó chỉ chiếu cố mỗi mình giời ơi.

 PS2: em bé bọ ngựa, chả biết gì, ai lại đi trèo lên cái cột sắt tí nắng tới là bỏng rẫy lên. Bèn bắt em bỏ lên cây dâm bụt. Em chịu khó ăn rệp cho hoa quả tôi được mùa cái em nhé.