Mùa hè vừa rồi,
cả nhà mình vừa đến ngôi nhà ngoài biển ở Tuscany thì thấy một con mèo. Con mèo
đen, gầy xác xơ, cứ đến kêu meo meo xin ăn. Bọn trẻ con đặt tên con mèo là
Luna. Cứ mình ở nhà là Luna xin ăn cả sáng cả trưa cả chiều. Mình đi vắng thì
chỉ cần về đến cổng là nó từ đâu cũng chạy lại xin ăn ngay. Ăn xong rồi vẫn còn
đói là chạy ra xin ăn tiếp, no rồi mới thôi. Mình vừa về, nhiều việc phải làm, chạy
đi chạy lại giữa thành phố nọ thành phố kia suốt ngày, mấy ngày đầu hầu như
không ăn ở nhà nên tủ lạnh rỗng không, nhiều lúc tối về muộn vắt óc chẳng biết
phải cho Luna ăn cái gì. Mấy ngày sau đã ổn ổn, buổi sáng sớm trước khi đi mình
trộn cho Luna một đĩa đồ ăn to cho Luna ăn cả ngày. Tối mình về cho Luna ăn lần
nữa là vừa.
Mấy ngày đầu,
Luna sợ, chỉ thập thò ngoài cửa gọi xin ăn. Mấy ngày sau, đã quen, Luna vào tận
bếp quấn chân đòi ăn, còn chưa cho nó ăn thì đừng hòng nấu nướng gì được với
nó. Ăn xong thì trèo lên sofa trong phòng khách, nằm cuộn tròn kêu gừ gừ. Mình
dọn dẹp xong ra sofa ngồi là Luna xán lại gần ghé cái mông nằm xuống bên cạnh.
Ai đụng đến thì cuộn vuốt vào rồi mới tát tát. Luna là một con mèo cảnh đúng
nghĩa.
Mình cứ tưởng
Luna là con mèo lạc, mỗi lần xuống thị trấn đều ngó nghiêng xem có chỗ nào nhận
nuôi mèo lạc không để mang Luna đến, và lèo nhèo bắt ngài gọi điện chỗ nọ chỗ
kia xem có ai muốn nuôi Luna không. Hóa ra cậu trông nhà bảo con mèo là do nhà
bên dưới mang đến rồi bỏ lại đấy chứ không phải mèo lạc. Nhà đó giàu lắm. Chồng
là dân kinh doanh, sở hữu công ty lớn. Chị vợ sợ chuột vô cùng nên mang con mèo
đến bỏ ở đấy cho nó bắt chuột. Khốn nỗi chuột thì khôn, Luna mèo cảnh thì dại,
làm gì có chuyện bắt được chuột. Không bắt được chuột, lại chả có ai cho ăn,
nên Luna ăn tất cả những gì có thể ăn được. Bình thường cái nhà ngoài biển
nhiều cuốn chiếu lắm. Cuốn chiếu to tướng, bò lăng quăng như đúng rồi. Thế mà hè
năm nay cuốn chiếu, và các thể loại bọ, tuyệt nhiên không thấy mống nào. Chắc
Luna đói quá đã ăn tiệt cả.
Còn Simba thì là con mèo con của một cậu người làm
trong dinh đại sứ. Cậu ấy xin Simba về sau khi con mèo cũ của cậu ấy một hôm
bỗng biến mất tăm dạng. Lúc mới về, Simba còm nhom, da bọc xương, lông lá bết
bát, ai đụng đến mà chạy trốn không được là úp mặt vào đâu đó run rùng rùng
từng đợt. Bọn trẻ con hay bế Simba lên nhà chơi. Chỉ sau mấy lần, Simba đã trở
nên dạn dĩ. Mỗi lần được bế lên nhà là đi khắp các xó ngó nghiêng, mắt to
tướng, tai dỏng lên, ai vuốt má vuốt cằm một cái là kêu gừ gừ vẻ khoái chí ngay.
Được nửa tháng, nhìn Simba khác hẳn, tròn trịa, ức trắng phau, chân cẳng không
yên phút nào. Mình ngồi viết blog còn thấy nó trèo cả lên tường đứng ngó
nghiêng điệu bộ vừa tò mò vừa rảnh rỗi. Mình mở cửa sổ gọi “Simba”, nó ngẩng
lên thấy mình vẫy nó từ cửa sổ thì co cẳng chạy mất. Muốn vồ chim thì vồ cái
con chim đen xì thỉnh thoảng lên cơn lại gõ mỏ cộc cộc vào cửa sổ phòng ngủ của
tui lúc 5h sáng, chứ lại vồ mất đôi chim xanh và chim cu trong vườn thì bỏ mịe
tui. Mình cũng chẳng muốn gắn bó với Simba. Dân ở đây ăn cả thịt mèo. Mình chả
tin hội người làm lo thân còn chưa xong lại thừa hơi chăm bẵm một con mèo cảnh.
Simba lớn, béo tốt, thì lại mất tích ngay không có lời giải đáp như những con
mèo trước chứ gì.
Mùa đông đến
rồi. Hôm qua xem nhiệt độ thấy ở thị trấn nhỏ bên bờ biển đó nhiệt độ đã xuống
đến 16 độ. Ngôi nhà nằm trên núi chắc còn lạnh hơn. Trước khi đi mình hỏi cậu
trông nhà “Theo anh nó có sống qua được mùa đông ở đây không?”. Cậu ấy bảo
“Được mà, signora. Mùa đông năm ngoái người ta đã bỏ nó lại đây rồi. Thỉnh
thoảng tôi cũng mua đồ ăn cho nó. Signora đừng lo. Nó sẽ không chết đói chết
rét đâu”. Mình để lại cho cậu ấy ít tiền, để góp thêm vào mua đồ ăn cho Luna,
chứ cậu ấy nghèo, tiền đâu ra cưu mang một con mèo của một người giàu khác.
Hồi trước, khi
kinh tế Ý còn khá giả, các gia đình có tiền thường chỉ chồng đi làm, vợ ở nhà
chăm con. Cứ đến kỳ nghỉ là các bà vợ sẽ mang chúng đến một ngôi nhà nào đó của
gia đình, hoặc là trang trại, hoặc là nhà ngoài biển, hoặc là nhà trên núi, để
ở. Chồng chỉ đến với vợ con 2 ngày cuối tuần rồi vào tuần mới lại về thành phố
làm việc. Giờ lối sống thay đổi, các gia đình thường phải cả vợ cả chồng đi làm
mới đủ chi tiêu. Đã đi làm tối mặt cả tuần, cuối tuần còn ai hơi đâu chuẩn bị
đồ đoàn rồi lếch nhếch kéo nhau ra ngoài biển chỉ để nghỉ được có hơn một ngày.
Thế nên cụm 6 nhà ngoài biển giờ hầu như bỏ không, chả mấy khi có người đến ở.
Càng không có người đến thì khả năng chết đói của Luna càng cao.
Dù sao thì hè
năm sau mình vẫn mong gặp lại Luna.
Những dòng văn kể về Luna và Simba trong veo đáng yêu quá đi! Em lại càng mong chị thực sự xuất bản một cuốn sách cho trẻ em. Một ngày nào đó, em sẽ đọc cho con nghe. Hihi :)
ReplyDeleteLuna nấp ở ngoài sân tối nhìn vào trong ngôi nhà hôm nay sáng đèn: bà chủ bận rộn trong bếp, trẻ con chơi bên lò sưởi, có món gì đó trên bàn đang bốc khói, hẳn là thơm lắm. Luna lại đang đói, cả ngày hôm nay Luna chỉ bắt được mỗi 2 con bọ bé tí. Luna nhớ gia đình cũ của nó, chỗ ngủ êm ái của nó, trước khi nó bị người ta bỏ lại trên đỉnh núi lạnh lẽo hầu như không có bóng người này.
DeleteCòn chuyện về Simba thì chắc phải như sau: Simba không hiểu sao đám người sống trong ngôi nhà lớn đó có màu da sáng và mái tóc dài, Simba chưa nhìn thấy người như thế bao giờ. Có lẽ họ không phải là người. Simba cũng chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi nhà lớn như thế. Ở làng cũ của Simba, tất cả mọi người đều nấu nướng ngoài trời, giặt giũ ngoài trời, và nói chuyện với nhau. Còn ở đây, những "người" da sáng tóc dài này nấu trong căn phòng họ gọi là bếp, bếp cao Simba lại bé, muốn ngó nấu cái gì mà không ngó được. Họ giặt đồ trong một con quái vật màu trắng có cái bụng khổng lồ. Nhất định khi nào về làng Simba phải kể cho thằng bạn thân của Simba nghe...
Mình thấy giọng văn này trong trẻo, dễ thương và cô đơn.
DeleteMèo cô đơn chứ tui thì đang muốn cô đơn mà không cô đơn được đây.
DeleteMình để ý, Giang rất là thương mèo. Nhiều bài viết của Giang về mèo rất là dễ thương, chẳng hạn như bài này. Tui cũng là mèo nè, tuy hơi to xác nhưng cũng dễ nuôi, ăn cơm chao hay đậu hủ chiên tẩm nước mắm hành cũng được, Giang đã có lòng yêu mèo thì thương tui luôn cho trọn hehehe. Thật ra ngẫm nghĩ một hồi, tui thấy mèo nó cũng giống người lắm, mỗi con mỗi cá tính và có số phận khác nhau, có đứa đi ra đi vô, ăn no rồi lại ngủ, vô tư an hưởng tuổi già, có đứa chết tức tưởi không kịp lời trăn trối, có đứa mất tích không để lại dấu vết, cứ như bị bốc hơi, thiệt lạ...Nhà tui có 5 con mèo, mà nhờ nhà đông mèo như vậy tui mới có dịp chứng kiến catfight nó như thế nào? Nội mà nghe tụi nó nhe răng gầm gừ, giương móng vuốt chuẩn bị phóng tới cào đối thủ mà tui sởn gai ốc. Bình thường thì tụi nó đi nhẹ nói khẽ, nhiều khi nó đứng lù lù sau lưng mà mình không hay, ăn thì cũng gọn gàng, từ tốn mà sao lúc đánh nhau thì khiếp quá! Thảo nào đàn bà mà đánh nhau thì ở Mỹ nó gọi là catfight cũng có lý do. Có lẽ nào đàn bà chúng mình lại như thế nhỉ?
ReplyDeleteTui thích chó mèo. Tui lớn lên cùng với một con mèo mướp, bạn đồng hành tuổi thơ của tui. Con mèo cứ thỉnh thoảng lại đẻ ra một lũ mèo con. Mèo con chỉ bú tí mẹ rồi sau đó ăn cơm trộn với đầu cá mà béo tròn, nghịch ngợm, rận lúc nhúc. Tôi hay thả chúng nó lên một cái chiếu hoa, tưởng tượng đó là vườn hoa, và ngắm chúng nó chơi đùa. Tôi hay bắt rận cho chúng nó đến mức còn nghĩ ra một công nghệ bắt rận vô cùng hiệu quả: thấy rận thì không đuổi theo cố chộp rận làm gì vô ích, mà phải ngay lập tức túm cả nhúm lông có rận ép xuống, rận sẽ bị kẹt không chạy được nữa, thế là tha hồ bắt.
DeleteTui chưa từng dính líu vào bất kỳ catfight hay hensfight nào. Ai thích chiến với tui thì cứ chiến một mình tự nhiên. Tui thà đi bắt rận cho mèo còn hơn dính vào mấy chuyện đàn bà tranh giành mấy thứ vặt vãnh.
Nghe Giang kể mình cũng hiểu được vì sao Giang có kỹ năng ở một mình hoặc có thể im lặng không nói chuyện trong một thời gian dài (mình nhớ có lần nào cũng lâu lắm rồi G kể đức lang quân cứ là ôm điện thoại suốt ngày canh bạn gọi vì không thể ở yên một mình, mình nhớ mang máng là như thế!). Hồi còn ở bên nhà, gia đình tui có nuôi một con mèo tam thể, lúc cả gia đình lên xe buýt ra phi trường đi Mỹ nó còn chạy theo đuôi xe. Xe tới đầu ngỏ mình với ông anh kế nhảy tót xuống bế nó lên chào tạm biệt lần cuối rồi nhờ chú trong xóm lúc đó đang đạp xe từ đâu về giao lại cho nhà hàng xóm đổi diện nuôi dùm. Tới giò mình vẫn nhớ như in mặt nó buồn hiu kêu mấy tiếng meo meo rồi rúc đầu vào tay mình như tìm chốn nương tựa. Thú vật mình nuôi nó, thương nó, nó cũng quyến luyến tình cảm như người...
DeleteMình cũng không thích tranh giành Giang ạ, nên mình chọn né sang một bên nhường đường cho họ tiến lên, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững bền. Nhưng tiến qua rồi thì cứ tiến tiếp, đừng quay lại kiếm chuyện với tui, tui mà nổi cơn điên thì trời long đất lở, mà chắc không chỉ riêng tui, phụ nữ mà dồn họ đến đường cùng là họ táp hehehe. Mà tui thấy tranh giành vặt vãnh chỉ là mấy đứa con nít thôi, chứ đàn bà mà đã muốn tranh giành thì thường là có chủ đích và họ tranh lớn cho đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng dĩ nhiên đàn bà thì cũng có người hiền lành và kẻ ghê gớm. Và đối tượng mà tui đang nói là những kẻ ma mãnh.
Tranh nhỏ hay tranh lớn kệ mịe đời. Tui vừa phát hiện Simba có rận nên tui cần phải tổng vệ sinh nó hehe.
DeleteĐùa thôi, khôn ngoan sân si ma mãnh lắm rồi lại chả lại với giời đâu. Cứ thật thà, đơn giản, thiệt tí cũng được, thì có khi mới sống tốt.
Ước mềnh là con mèo luna lúc đc ở với chế Giang đó haha
ReplyDeleteTức là ghé cái mông toàn xương ngồi cái ịch vào đùi tôi ý hả?
DeleteHá há, chuẩn ko phải chỉnh ạ. Mà mèo iem hơn năm chục ký thì...căng
DeleteĐọc Luna và Simba chị kể làm em nhớ truyện cái Tết của mèo con từ ngày nào. Em chưa từng nuôi mèo bao giờ nhưng lớn lên với bọn chó con và yêu chúng lắm lắm.
ReplyDeleteTruyện Cái Tết của mèo con hồi bé chị đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Nhớ nhất đoạn mẹ đi chợ về, hai chị em chạy lại lật cái vỉ buồm lên và thấy con mèo con mẹ mới mua cho. Nhớ cả đoạn mèo con dũng cảm tát cho con chuột đầu đàn rách mõm hehe.
DeleteVậy là người cũng mê mèo chẳng kém gì tui hihi. Hồi bé tui cũng có một em mèo calico (tiếng Việt gọi là gì nhỉ?), nuôi từ khi còn là em bé cho đến khi em làm mẹ, đẻ tì tì liên tục, thế nên trong nhà luôn có mèo con cho đến khi tìm được người để cho đi. Tui khoái cái đoạn chuyên gia bắt rận mèo của người quá, hihi, tui nhớ rồi, bọn rận cực nhanh, rượt đuổi vô ích, nhưng ta chỉ cần díu hai ngón tay túm phần lông có rận lại còn tay kia luồn vào bắt là thu hoạch được cả rổ :-))))). Ngày xưa tui cũng chẳng có búp bê để chơi, thế nên bọn mèo con sẽ được tui quấn khăn khắp người, chỉ chừa cái mặt ra, bế đi khắp nhà! Tính ra thì từ bé đến giờ, năm nào tui cũng có ít nhất một em mèo trong nhà. Năm nay thì có 2 em, và được đặt tên Ý cả, kêu lắm: Paco và Pino :-))).
ReplyDeleteCalico là mèo tam thể.
DeleteCông nghệ bắt rận của tui bắt rận bách phát bách trúng, chỉ trừ có đúng 1 chỗ rận mà chui vào đó trốn là tui chịu chết. Đố người đó là chỗ nào.
Tui thương Luna. Tui sợ mùa đông năm ngoái lúc mới bị bỏ lại nó vẫn còn béo khỏe nên trụ được. Chứ mùa đông năm nay, nó đã đói khát gầy gò như thế cả năm rồi, sợ không chịu được lạnh và đói thêm nữa.
Nhà anh chồng tôi có con mèo béo đến mức lúc chạy bụng lắc phần phật sang hai bên. Lý do là nó ăn đồ của nó đã thừa mứa lắm rồi mà còn ăn vụng thêm cả đồ ăn của chó. Tôi ghét cái con dở đấy vô cùng.
Bọn rận này rất đáo để, đôi khi chúng chui vào tai mèo nữa, nhưng tui vẫn có thể dùng giấy khều chúng ra được, chỉ khi chúng chạy vào cái "lỗ đen vũ trụ" là tui chịu chết :)))), không biết có trùng khớp với nỗi sợ của người không!
DeleteTui cũng lo cho Luna. Thà không biết, chứ biết rồi thì lại không yên. Hai em mèo nhà tui đều từ trung tâm nuôi mèo cơ nhỡ. Mấy nhân viên ở đấy ai cũng mang về nhà ít nhất là một em, người nhận nuôi 3 em không hiếm. Nhìn chúng buồn bã khi mình đi ngang là chịu ko nổi!
Con mèo cũ nhà tui chẳng phải tam thể, vì tam thể thì phải có đủ 3 màu rõ rệt vàng đen trắng, trong đó trắng là chủ đạo, và các đốm phải to từng mảng. Con mèo tui thì lông cũng đủ 3 màu nhưng nó trộn lung tung lẫn vào nhau chứ chẳng ra đốm, chắc phải gọi nó là tortoiseshell mới đúng, chứ calico cũng nhiều chủng loại. Chẳng lẽ gọi nó là mèo mai rùa? :)))
Tui chịu, người ơi. Mèo thì ngoài mỗi một màu ra thì tui chỉ biết tên mèo mướp, nhị thể, tam thể.
DeleteTui nói thật là chả muốn dính líu với chó mèo gì đâu. Tui thích chúng thật nhưng nuôi chúng nhiều trách nhiệm quá tui kham không nổi.
Chị ơi đang Simba lại Luna...Câu ấy có nhầm tên không ạ?
ReplyDeleteỪ, chị nhầm. Đoạn in nghiêng là chỉ viết về Simba. Còn lại thì là về Luna.
Deleteđọc đoạn văn dịu dàng trong tiết trời thu miền bắc thật dễ chịu. Cảm ơn giang và yêu Giang nhiều :)
ReplyDeleteNgười ơi trời thu miền Bắc là phải ra đường đi chơi chứ không nên ngồi đọc văn của nội trợ, nhóe ;-). Đùa thôi, cám ơn người đã đánh giá cao những suy nghĩ lãng đãng của cún béo.
DeleteMèo cảnh nó lù đù đỡ quậy, chứ mèo biết bắt chuột nó quậy khủng khiếp lắm chị. Nhà em mới đầu nuôi con Ù. Lúc nhỏ nó cũng có bắt chuột; sau này càng lớn, càng mập thây thì toàn nằm ngó chuột. Chuột chạy nhanh thì còn dí, chuột chạy chậm thì Ù thủng thẳng đi theo sau đít.
ReplyDeleteÔng già em ghét lắm, nhưng cả nhà ai cũng mê Ù nên không làm gì được. Ông kiếm một con khác về bắt chuột. Con Lơ, giờ sắp đổi tên thành con Quậy rồi. Lơ đúng ý ông già em, chân dài như người mẫu, lanh lẹ, không bao giờ ở yên một chỗ. Từ hồi có Lơ, Ù chuyên tâm làm việc ăn với ngủ của nó hơn. Quậy, phá, ăn vụng, đánh lộn với chó,... đã có Lơ lo. Ngày nào, em cũng nghe má em mắng vốn con Lơ gây chuyện. Cái gì trong nhà nó cũng phá được. Trứng cút luộc rồi để trên nhà bếp thì cắp xuống lầu ăn với con chó. Trứng cút sống thì quậy rớt, má em luộc xong, em phát hiện thấy có một quả còn sống rớt trên sàn, đếm lại trứng đã luộc thấy mất hai quả. Túi lọc trà trong thùng rác cũng lôi ra cắn, bánh bột lọc sống còn gói lá cũng cắn, giấy ăn trên bàn cũng cắn. Có bữa, Lơ na nguyên bịch rác ra phòng khách để. Các thể loại dây nhợ lòng thòng là lên đường với Lơ.
Chuột thì có bớt nhưng cái kiểu này thì em không biết sắp tới con Lơ còn phá tới cái gì nữa. Nhà em cứ thấy nó phá cái gì là cất, bữa sau lại lòi ra cái khác nữa bị phá.
ND
Mèo chó cảnh cũng như trẻ con, cứ phải nghịch ngợm lí lắc mới được. Chứ lại cứ ăn xong rồi ngồi hễu ra thở thì chán lắm em ơi.
DeleteCòn vụ trứng, tại trứng ngót ý mà, không phải tại Lơ đâu hihi. Mà chị thích vụ thó trộm nhưng còn chia cho đồng đội. Ngày xưa nhà chị có giai đoạn nuôi một con chó một con mèo. Chúng nó cũng chí chóe suốt ngày. Con mèo thì đồng bóng, kênh kiệu, con chó thì thật thà nhưng lại hay đùa dai. Nhiều lúc con mèo đã chán nhưng con chó vẫn muốn chơi tiếp, thế là bị nó vả cho kêu ăng ẳng. Nhưng cứ đến giờ ngủ là ngủ cùng nhau. Con chó nằm khoanh tròn, con mèo nằm gọn trong lòng con chó. Nhìn thích lắm.
Dạ, con Ù nhìn mặt đúng sầu đời luôn chị, phần do lớp lông chẻ 2 mái trên trán nó nữa. Nhưng em thấy Ù là con khôn lanh nhứt nhà. Bình thường, nhìn Ù lờ đờ vậy chứ có người lạ, có động gì thì nó chạy nhanh nhứt. Nó nhiều chuyện kinh khủng, chạy đi núp xong lò đầu ra coi. Con Lơ thì thấy người là cọ, thấy ai cũng chơi được. Em thì thấy con Ù đúng dạng quý tộc sang chảnh, quý phái; Lơ là giang hồ đầu hẻm.
DeleteCon chó nhà em cũng thật thà, đùa dai. Hồi chưa có Lơ thì Ù nằm ngửa dưới đất giơ chân cào nó. Lơ về nhà thì 2 bà đè nhau ra vật dù con Lơ bự chưa bằng cái bắp chân con chó. Được cái tụi nó hòa thuận nhau lắm ah. Ăn chung, ngủ chung được. Con Ù lúc nào ăn bữa xế, đồ ăn ít là cắp một họng đồ ăn ra ăn một mình để tránh giành lộn dù ít khi xảy ra. Ù hồi còn siêng hơn chút từng ăn vụng trứng gà chưa bóc, nó ăn mỗi tròng đỏ, bỏ vỏ và tròng trắng lại.
ND
Thích cách cậu quan sát và viết quá đi. Thích hơn nữa vì cậu viết thật. Không thích gắn bó thì viết không thích, không vờ vịt đạo đức giả. Cậu vừa giỏi vừa đẹp. Kiếp sau hoặc tớ gặp cậu sớm hơn, hoặc tớ là người Ý trầm lặng, à người Ý nhí nhảnh chứ. Còn nếu không tớ chặn ở khu Khâm Thiên, xếp gạch trước cổng trường Ngoại thương hay ngày 3 bữa lên Press Club. Kiếp này ngậm ngùi chiêm ngưỡng cậu qua blog vậy. Tớ!!!
ReplyDeleteNghe vụ chặn ở Khâm Thiên, xếp gạch trước cổng Ngoại Thương hay ngày ba bữa lên Press Club là đã thấy sợ rồi Tớ ơi ;-)
Delete