Wednesday, January 23, 2019

Bất mãn với bản thân là bất mãn với cả thế giới


Chồng hỏi “Em còn nhớ R mình quen hồi còn ở New York không? Con trai ông ý vừa tự tử. Nó cho hai đứa con nhỏ đến trường rồi quay về nhà tự tử”. Người có chỉ số IQ thiên tài, kỹ sư máy tính cực giỏi và cực nhiều tài lẻ, bị trầm cảm đã lâu và cuối cùng tự kết thúc cuộc đời hình như bằng một phát súng vào đầu.

Vài năm nay, mở Internet là thấy người người trầm cảm, nhà nhà trầm cảm. Xung quanh, bạn bè, người quen, cũng suốt ngày nghe chữ trầm cảm.

Trầm cảm thì rõ ràng là một bệnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ai trên đời này chả có xu hướng bị một bệnh gì đó. Người thì có xu hướng bị mỡ máu cao, người thì có xu hướng bị thiếu máu, người thì có xu hướng bị ung thư chỗ nọ chỗ kia, người thì có xu hướng béo phì. Tương tự, có người có xu hướng trầm cảm.
Vậy câu hỏi ở đây là: chẳng nhẽ không có biện pháp để chặn cái xu hướng kia trước khi nó phát triển thành bệnh thực sự? Chẳng nhẽ đang đứng chênh vênh bên bờ vực mà không có cách nào bước lùi lại một hai bước cho an toàn, lại để mình rơi tõm xuống? Chẳng nhẽ không có cách nào tự cứu mình trước khi phải viện đến sự giúp đỡ từ bên ngoài? 

Mà tại sao mình không thấy nông dân bị trầm cảm, toàn thấy trí thức trầm cảm? Không thấy con nhà nghèo ăn bữa nay mà không phấn đấu tiếp thì đói bữa mai bị trầm cảm, chỉ thấy con nhà giàu hoặc chí ít cũng phải người đủ ăn đủ mặc, bị trầm cảm. Mình đặc biệt hay biết những trường hợp không phải làm gì, chỉ ăn chơi hưởng thụ, bị trầm cảm. Là tại sao hả các bạn, mình không hiểu?

Có phải trầm cảm là bệnh của xã hội hiện đại thừa ăn thừa mặc, con người không cần phải cố gắng nhiều nữa, không phải lo lắng những nhu cầu cấp bách nữa, nên mất đi kỹ năng sinh tồn, mất đi ý chí chiến đấu, kỹ năng giải quyết vấn đề kém và do đó có khả năng miễn nhiễm kém, cứ gặp vấn đề là không biết giải quyết ra sao? Người được rèn luyện, gặp vấn đề hay thử thách dù có suy sụp cũng phải đứng lên chiến đấu. Người không được rèn luyện, gặp thử thách là cứ buông xuôi tuột dốc dần.
Hoặc trầm cảm là kết quả tất yếu của những người đã có xu hướng trầm cảm còn suốt ngày ngồi lỳ trong nhà, dính với máy tính và điện thoại thông minh, thay vì tự cứu mình bằng cách tăng cường các hoạt động thể chất lành mạnh bổ ích ngoài trời?

Không phải là mình không thông cảm với những người thực sự bị trầm cảm. Mình chỉ tự hỏi liệu chúng ta có đang lạm dụng chữ “trầm cảm” hay không? Liệu trong số những ca trầm cảm kia có bao nhiêu ca là thực sự bị bệnh cần phải chữa trị, và có bao nhiêu ca đơn giản chỉ là vì lười, tùy tiện, thiếu ý chí và do vậy tuột dốc dần rồi rơi xuống hố trầm cảm lúc nào không biết? Trong số những ca thực sự bị bệnh cần chữa trị, có bao nhiêu ca chính ra đã có thể thoát ra được, nhưng vì không có kỹ năng sống và kỹ năng giải quyết vấn đề, nên thành bị nặng?

Như mình thì có một đặc điểm: năm nay phải tốt/giỏi hơn năm trước, tức là cứ phải có thành tựu nào đó để hài lòng với bản thân, thì mới vui vẻ. Cứ khoảng thời gian nào toàn phải làm những việc không khiến mình giỏi hơn tốt hơn, thì tâm trạng bắt đầu xấu đi. Là ví dụ sinh động nhất của “bất mãn với bản thân là bất mãn với cả thế giới”. Thế cho nên giải pháp với mình là lúc nào cũng phải liên tục đặt ra một mục tiêu nào đó phải vượt, hoặc liên tục học hỏi một cái gì đó, cái gì cũng được, ít hay nhiều cũng được, miễn mang lại cho mình cảm giác năm nay mình đã hơn năm ngoái. Với tính cách ấy, lại trong điều kiện sống ấy, mà không có giải pháp ấy, thì chắc đã gia nhập đội quân trầm cảm từ lâu roài.
Ảnh: giờ lại thêm vấn đề mới, càng có tuổi, hình thức càng giảm điểm như một quy luật tất yếu. Vậy thì để duy trì cảm giác hài lòng với bản thân đó, thì buộc phải tăng cường nội dung. Vấn đề là, phải bổ sung cái gì thật hoành tráng cho nội dung, để có thể bù lại sự mất mát lớn lao nhường kia? Câu hỏi này hiện chưa có câu trả lời.
But I’ll cross the bridge when I get there.

35 comments:

  1. Kiểu nhà có 1-2 con rồi bao nhiêu kì vọng của cha mẹ đặt lên hai đứa con đó đâm ra trầm cảm. Mà em bị một thời gian như vậy xong nói ba mẹ em thì ba mẹ em bảo “ có tí cũng than” chị hiểu cảm giác người thân không appreciate mình đó chị.. rồi em cũng ko biết giãi bày với ai hết. Em qua nhiều chuyện cũng phải tự carry on vì con cái mình ko bỏ được, nhiều lúc cũng stressed tới mức muốn ôm con nhảy sông cho rồi nhưng lại cố.
    Lâu rồi chị viết entry một bà điên lên là tung hê hết. Chứ như em tung hê xong lại quay lại làm tiếp vì mình ko làm thì ai làm. Với quan điểm của em là cứ giữ mặt bằng chung ổn ổn: body ổn, con cái bình thường, nhà cửa gọn, đủ ăn 3 bữa chứ chả đặt mục tiêu gì lớn lao. Vì em sợ cái áp lực phải làm trọn vẹn việc đó chứ dở dở ương ương thì ko hay. Như xây nhà chẳng hạn, em là ko follow 3,4 năm cái nhà to như c đc rồi á :-D bởi nhà em bé tí, lâu lâu renovate cho đỡ mất giá

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ối ối, cái ý nghĩ nhảy sông là phải bỏ ngay nhé, nhất là lại định ôm theo con.
      Chị cũng bị mắc tính ôm đồm, việc gì cũng sợ mình không làm thì ai làm. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của mình thôi, chứ thực tế là mình ỳ ra không làm thì sẽ có đứa ngứa mắt chịu không nổi phải đi làm. Hoặc giả dụ việc không làm, cứ để đấy, thì cũng chẳng chết ai cả. Thế cho nên chị kể cũng vất vả, nhưng khi nào chị thấy sức chịu đựng của mình sắp cạn là chị quăng luôn, vì biết là có quăng đấy cũng chẳng chết ai.
      Chị làm nhà to cũng là cực chẳng đã thôi chứ chị cũng không phải là người ham hố. Giữa việc có tiền để ông kia hoang phí hết vào xe cộ đồng hồ và việc dùng tiền đó để xây nhà, thì chị phải chọn cái đỡ dở hơn.
      Quan điểm của em theo chị là rất ổn đấy. Có con cái khỏe mạnh, nhà cửa gọn ghẽ tươm tất, bản thân mình thì duy trì được sắc vóc. Luyện thêm tí kỹ năng kemeno nữa là được.

      Delete
  2. Em nghĩ lý do của trầm cảm thời đại ngày nay là sự mất kết nối và cô đơn chứ ko hẳn hoàn toàn là thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
    Dùng khoa học mà lý giải, thì con người là một thực thể xã hội, nhưng thực thể đó hiện đang ko thích ứng được với sự thay đổi quá nhanh của các mô hình sống mới. So sánh về khoảng thời gian con người từng sống và phụ thuộc vào cộng đồng suốt từ thời nguyên thủy tới cách đây vài trăm năm, với thời đại ngày nay khi mà kinh tế phát triển như vũ bão và các sản phẩm “mới” về mặt tâm lý xã hội phát sinh là chủ nghĩa cá nhân, tình yêu, sự tư hữu...thì sẽ thấy con người hiện đại với các tiêu chuẩn và quan điểm thời đại có một lịch sử khá mỏng manh và ngắn ngủi. Về mặt cơ chế sinh học lẫn tâm lý học họ chưa tiến hóa đủ để thích ứng nhanh được với sự thay đổi đó, bởi thế gần như việc nảy sinh trầm cảm là tất yếu và ko phải ngẫu nhiên nó được coi là bệnh, vì nó có đầy đủ các biểu hiện về cả mặt thể chất đơn thuần (thể hiện sự ko thích ứng được).
    Sự giàu có thành đạt ngày nay ko thể là tác nhân mà đem lại hạnh phúc và hoan lạc cho người ta được nếu vượt qua tiêu chuẩn thu nhập đủ sống (có ông nào đó là qua 75k$ hay 100k/năm là max, em ko nhớ). Thay vì đó càng nhiều thành tựu thì tự ngã lại càng thổi phổng, cái tôi càng to ra trong khi đó kết nối với xã hội ngày càng đứt gãy, người yêu người hiểu thì ít kẻ thù kẻ ganh tị thì nhiều. Chị thấy đó sản phẩm của sự thành đạt đôi khi ko gì hơn ngoài sự tự phụ và cô đơn. Ai mà nhận thấy sai sai, tự questioning thì sẽ đặt ra các câu hỏi hiện sinh, ý nghĩa cuộc sống, hạnh phúc là gì hi hi hi, sao tôi ko thấy hạnh phúc dù tôi đã theo đuổi đủ thứ lấp lánh mà ai cũng nghĩ có được nó là happy.
    Lý thuyết cũ rích về hạnh phúc đích thực là tình thương, sự trao gửi và kết nối, từ bỏ sự chiếm hữu để đạt đến tự do tâm hồn thực ra ko bao giờ cũ. Các trend tâm linh hiện tại như buông bỏ tối giản tu tập, làm từ thiện tìm về tự nhiên....cũng chỉ là một dạng thực hành sau khi questioning chán chê mà thôi, ko có gì khó hiểu. Một số questioning xong mà bế tắc quá, ko có ai trợ duyên, ko có đường đi thì sẽ cảm thấy thực tại là hữu hạn, và thế là họ tìm đến cái chết
    Em ko đồng ý lắm với việc cứ phải đặt ra một mục tiêu để phấn đấu hay thành tựu gì thì mới hạnh phúc được. Như vậy mình sẽ trở thành nô lệ của việc “phải làm gì đó”, và khi tâm trí chỉ hướng tới hoàn thành trong thì tương lai thì ta ko sống ở hiện tại, lúc nào cũng như cắm mô tơ vào đít mà chạy thì không sao thấy an lạc được hehe. Có rất nhiều người đến tuổi trung niên hay bị khủng hoảng, ko hẳn là do sắp sang kia dốc của cuộc đời, cảm thấy insecure, mà là vì họ đạt được đủ thành tựu nhưng có lúc lại thấy vô nghĩa vô cùng, chạy theo chúng mải miết chả để làm gì, chẳng thấy đó là cứu cánh tối thượng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Để cho mình mất kết nối và rơi vào cô đơn cũng là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề đấy em. Mà sao cô Dứa siêu hình thế, chị phải đọc comment mấy lần mới hiểu hehe. Nói thật với em, suy nghĩ và lý giải mọi thứ theo hướng trừu tượng, phức tạp, siêu hình, triết lý hóa mọi thứ, cũng là một vấn đề của xã hội hiện đại. Kể ra suy nghĩ thế thì cũng không sao, như kiểu chán thơ vần vè giản đơn chuyển sang thích thơ trúc trắc tối nghĩa đọc nó mới đã ý. Nhưng nếu suy nghĩ như thế rồi khiến bản thân lâm vào bế tắc, ngõ cụt, thì lại không nên.

      Đời có phức tạp thế đâu em ơi. Mọi sự phức tạp đều do con người tạo nên. Chúng ta cứ gây ra vấn đề, rồi sau khi tập trung nguồn lực để giải quyết được MỘT PHẦN vấn đề đó, thì chúng ta đã tự chúc tụng nhau rằng thì là thế giới hôm nay tốt hơn thế giới hôm qua.
      Chị thì suy nghĩ đơn giản lắm. Chị không dùng khoa học lý giải gì hết, chị chỉ dùng tư duy động vật để lý giải thôi. Ăn những bữa ăn nhẹ nhàng để giữ cơ thể lanh lẹ nhẹ nhàng; vận động nhiều cho khí huyết lưu thông khiến sảng khoái đầu óc và cho cơ bắp mệt mỏi khiến tối ngủ cho ngon. Ăn được ngủ được thì là tiên rồi. Nhưng vì con người là động vật bậc cao, nên phần “người” cũng nên củng cố một tí. Thế thì cứ làm tốt những công việc được giao vào tay mình; và liên tục có những dự án, kế hoạch, để khiến mình hài lòng với bản thân đi. Đâu cần phải đội đá vá giời hay vác đá xây thành mới gọi là dự án kế hoạch đâu. Với chị, chỉ cần là tháng 5 chị ngồi thiền song bàn được có 10 phút nhưng tháng 10 chị đã ngồi được 20 phút; hoặc tuần trước nhìn một bản nhạc như cái đít nồi tuần sau đã võ vẽ đánh được; hoặc lần trước gặp sự việc nào đó mình cư xử theo cách mình không thấy tự hào về mình, nhưng lần sau lại gặp sự việc tương tự mình đã cư xử theo hướng tốt hơn, là đã đủ để chị hài lòng. Chị không tin người liên tục trau dồi bản thân lại là người buồn bực bất mãn chán nản.
      Còn nhà cửa, xe cộ, đồ nọ đồ kia, chức vụ, chỉ là vật ngoài thân. Việc ai nấy làm, sức và sở thích đến đâu thì làm đến đấy, không chạy theo kỳ vọng hay chuẩn mực của người khác được. Những trường hợp chỉ chuyên tâm chạy theo những thứ này mà không chịu làm cho phần nội tâm của mình ngày càng phong phú, thì nếu có bị khủng hoảng cũng không có gì là khó hiểu.

      Delete
    2. Chị thích đoạn này của cô Dứa: "Em ko đồng ý lắm với việc cứ phải đặt ra một mục tiêu để phấn đấu hay thành tựu gì thì mới hạnh phúc được. Như vậy mình sẽ trở thành nô lệ của việc “phải làm gì đó”, và khi tâm trí chỉ hướng tới hoàn thành trong thì tương lai thì ta ko sống ở hiện tại, lúc nào cũng như cắm mô tơ vào đít mà chạy thì không sao thấy an lạc được hehe. Có rất nhiều người đến tuổi trung niên hay bị khủng hoảng, ko hẳn là do sắp sang kia dốc của cuộc đời, cảm thấy insecure, mà là vì họ đạt được đủ thành tựu nhưng có lúc lại thấy vô nghĩa vô cùng, chạy theo chúng mải miết chả để làm gì, chẳng thấy đó là cứu cánh tối thượng." Nói chung còn chụp selfie như ảnh G ở trên là còn enjoy the moment rồi ;-). Tuy nhiên với tính cách G rất mạnh mẽ, driving/ dominant (mình nghĩ thế sau 1 thời gian dài đọc blog của G) nên việc G nói ở trên phải làm gì đó để hôm nay mình hơn ngày hôm qua thì mình nghĩ là G rất hiểu bản thân, với tính cách của G thì G cần những thứ challenge như thế để thỏa mãn nhu cầu cá tính.

      Delete
    3. Mình bình thường thì tính cách không thuộc diện driving/dominant đâu. Bình thường trong tập thể, ai bảo gì mình làm nấy, chỉ muốn đóng vai phụ. Mình chỉ bị cái tính là nếu mình đã nhường cho làm, nhường cho làm lãnh đạo, mà làm không ra gì, buộc mình phải nhúng tay vào, thì lúc đó mình sẽ rất dominant. Dominant lúc đó chỉ là để cho xong việc cần làm, chứ không phải vì muốn thể hiện hơn người gì đâu.

      Delete
    4. Em thấy tính cách chị Giang không dominant, phải dùng đúng từ là self-motivated thì đúng hơn, những người như vậy rất trân trọng bản thân, vậy nên việc cố gắng làm mới mình mỗi ngày bằng những điều nhỏ nhặt để không trở nên tụt hậu, nhàm chán, ì ạch, thậm chí chỉ để tâm trạng tốt lên, yêu đời hơn là chuyện rất logic.

      Delete
    5. Em thích cách chị đơn giản hóa vấn đề, để tập trung vào giải quyết, đạt được mục tiêu lắm chị ạ.
      Em nghĩ xã hội phương tây hiện đại, lắm vấn đề cũng vì hình thức hóa nhiều thứ, phức tạp hóa nhiều thứ.
      Việc đặt ra mục tiêu cho mình, từng tí một cố gắng để đặt được và cảm giác hài lòng, nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nhưng may thay là có thể đào tạo được, nên em hay hướng các bạn nhỏ phải hiểu và làm được như vậy.

      PS: cái bridge của bác chắc còn lâu lắm lắm lắm

      Delete
    6. @ beu: con người xã hội phương tây quen hưởng thụ không quen phải gắng sức, gặp vấn đề thay vì nhìn vào trong mình để tìm cách giải quyết thì lại hay tìm sự trợ giúp từ bên ngoài vì xã hội có đầy đủ các hình thức trợ giúp (nhiều khi còn miễn phí). Vấn đề là ở chỗ khi mỗi cá nhân không tự nỗ lực, thì đến 1 lúc nào đó tập thể có tài thánh cũng phải vỡ trận.
      Còn về chị thì chị nghĩ đơn giản thế này: nếu mỗi ngày chị đều chiến thắng một battle nho nhỏ, thì chị sẽ tránh được một battle to to mà khả năng nếu chiến chị có thể thua.

      Delete
    7. @ Giang: baby steps em ơi, cứ kiên trì với baby steps thì sau 1 thời gian ngoảnh lại mình cũng đi được xa phết chứ không vừa. Chị cứ nhìn những người gần 70 tuổi mà còn học thêm ngoại ngữ mới, và chỉ mong sau này mình cũng được như họ.

      Delete
  3. "Như mình thì có một đặc điểm: năm nay phải tốt/giỏi hơn năm trước, tức là cứ phải có thành tựu nào đó để hài lòng với bản thân, thì mới vui vẻ. "

    Em cũng nghĩ i hệt chị chị ơi :) Vui quá :) À còn câu hỏi ở phần cuối, chị tìm được chị cũng bảo em nghe :P

    Yêu chị.

    Em H.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn nếu em tìm được câu trả lời trước thì em cũng nhớ bảo chị đấy nhé :-D

      Delete
  4. Mình bị trầm cảm sau khi đọc blog của bạn vì ghen tỵ với sắc đẹp, trí thông minh, sự duyên dáng của bạn. Khó chịu lắm, kém miếng khó chịu nên sinh trầm cảm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hehe bạn này comment duyên quá! đúng thế G vừa quyết đoán, vừa biết ăn nói văn hay chữ tốt, lại nhanh nhẹn chỉnh chu, đã thế lại còn đẹp và hát hay! tui cũng muốn bị trầm cảm đây! :)

      Delete
    2. Mình trầm cảm cùng hai bạn nhé

      Delete
    3. Cách chữa cơn trầm cảm của các người rất đơn giản: hãy gặp tui ngoài đời. Da đen, bé tí, chân ngắn, trong lúc mọi người nói chuyện thì chỉ há hốc mồm nghe vì chả biết gì chuyện thế sự, chân tay lóng ngóng vì thực ra có biết nấu nướng gì đâu. Nói chung là ở ngoài đời tui cũng hơi giống người giời chứ không được như mọi người tả ở trên đâu, thật đấy.

      Delete
    4. Cô ơi, anh học cùng trường cô nhé. Cô nhỏ nhắn nhưng không bé tí. Cái cần tròn rất tròn và cần cong rất cong. Da không đen mà nâu sáng cô nhé! Mắt cô hồi xưa luôn long lanh đa tình. Nụ cười và hàm răng của cô thì thôi rồi. May anh đàn ông không anh lại trầm cảm theo vì ghen tị. Nhưng anh cũng trầm cảm vì tiếc hùi hụi. Nhà cô hình như trước ở mạn Khâm Thiên? Mấy lần anh nhìn thấy cô ở đấy.

      Delete
    5. Anh cứ mô tả như thế nhưng mấy năm đại học em ế sưng thì anh chả ngó ngàng. Giờ may quá có người Ý trầm lặng hốt đi cho thì anh lại bảo anh tiếc hùi hụi. Đãi bôi thì cũng vừa vừa thôi nhóe.
      Hồi bé em ở Khâm Thiên, lúc lên lớp 12 thì chuyển về Láng Hạ nhưng em vẫn hay về Khâm Thiên vì có bà với bác ở đấy. Mà mắt đa tình bao giờ, anh chắc lại nhầm em với ai.

      Delete
    6. Cô ế sưng bao giờ? Điêu!

      Delete
  5. Bác dùng case màu hồng hello kitty kia thì vẫn còn xì tin chán. ;-) em mê vòng 2,3 của bác ghê. Ko tập tành gì mà mông vẫn cao và tròn huhu.

    Mà em nghĩ trầm cảm phải đi bác sĩ kê thuốc uống & social life nhiều thì mới cải thiện chứ không tự chữa được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Điện thoại chồng mua, vỏ điện thoại con mua, bác chỉ biết dùng chứ có biết cái gì đâu.
      Vòng 3 của bác nguyên thủy rất tròn. Từ hồi bác lo có tuổi nó sẽ bị sệ thì bác bèn tập mấy động tác để giữ nó cao. Thế là từ tròn tròn nó trở thành méo méo. Chả hiểu.
      Social life chính là một cách tự chữa. Mình phải tự vực mình lên và tham gia vào các hoạt động xã hội, chứ không ai có thể đến và khiêng mình đi tham gia social life được.

      Delete
    2. Nhưng mà chị ơi, người đã bị trầm cảm dù nặng hay nhẹ đều không có xu hướng tham gia social life, thậm chí chán ghét việc phải tiếp xúc với mọi người. Họ chỉ thích một mình suốt ngày, chui vào xó thôi. Trừ khi có người thân hoặc bạn bè đủ tử tế, quan tâm, nhận ra mình bị bệnh, cố gắng giúp đỡ, khuyên nhủ điều trị và kéo họ ra khỏi bóng tối thì còn may, nếu không là trượt dài luôn.

      Delete
    3. Ai có giúp mình, kể cả là người thân, thì cũng chỉ có tính thời điểm chứ ai theo mình suốt đời được. Người đã có xu hướng trầm cảm thì suốt đời phải quẫy đạp để không bị chìm. Đành chấp nhận, cũng như trên đời có người suốt đời phải bóp mồm bóp miệng vì sợ tăng cân, và có người ăn gì cũng phải soi thật kỹ không thì tăng mỡ máu.
      Là chị đang nói những người có xu hướng trầm cảm một cách tự nhiên. Ngoài ra còn có những trường hợp bình thường thì không sao, chẳng may có biến cố mới bị trầm cảm. Trong trường hợp này thì em đúng, sự giúp đỡ từ bên ngoài rất quý giá.

      Delete
  6. Chị Giang bận bịu ba con, cuộc sống hiện tại nói chung mọi mặt vẫn ổn thỏa (em nghĩ thế), tính tình lại mạnh mẽ độc lập sức chịu đựng cao do được rèn luyện từ những năm tháng đầu đời vất vả, lại còn thuộc kiểu người luôn chân luôn tay thì khó có nguy cơ trầm cảm lắm.

    Trầm cảm do nhiều nguyên nhân, vượt qua được hay không và bằng cách nào lại do sức đề kháng và nghị lực của từng người. Cách đây tầm 5 năm em cũng suýt bị. Thời gian ấy đầu lúc nào cũng căng như dây đàn, tức ngực khó thở, sụt cân, ngày nào cũng tầm 1 hay 2h sáng lao ra đường, đi bộ lang thang ngoài công viên gần nhà, khóc thật to rồi lau mắt ráo hoảnh về đi ngủ...Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn (tầm 2 tháng) dở hơi dở hồn như thế thôi, còn đâu vẫn phải đứng dậy perform tiếp, vì ở nước ngoài mà không tự cứu mình thì ai cứu?

    Sau đó em làm việc nhà suốt ngày luôn chân luôn tay - tự nghĩ việc này việc kia ra mà làm để giữ mình luôn vận động, và tập thể thao như điên - ngày nào cũng vác xác đến bể bơi đến nỗi từ một đứa không biết bơi giờ bơi lội siêu đẳng luôn. Ngoài ra phải tránh khẩn trương những người có tư duy tiêu cực kiểu "sad dogs", những người "unable to be happy" khỏi cuộc đời mình. Đấy là toàn bộ kinh nghiệm của em.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế tức là giờ em đã giỏi hơn 5 năm trước. Vì 5 năm trước em không biết bơi, giờ em đã bơi như cá. Chị không biết em sao chứ những thành tựu bản thân như này khiến chị cảm thấy được khích lệ và hài lòng.
      Chị đã từng nói là em rất giỏi, hơn chị nhiều. Thân phận nước nghèo, sống được ở nước ngoài không đơn giản, tự lập được về tài chính thì lại càng không đơn giản. Rồi về sau em sẽ thấy, em quen giải toán khó rồi thì lúc nhìn thấy bài toán mà người khác coi là khó, với em lại thành dễ ợt.

      Delete
    2. Em cũng đang bị rơi vào tình trạng này. Ở Vn thì đang là một người năng động, làm việc dự án, gặp gỡ người này người kia. Đùng cái kết hôn theo chồng sang Châu âu, dù em cũng là người cởi mở, khá linh hoạt, đã sống nhiều nơi, nhiều thành phố, cả du lịch Châu âu một mình.. Nhưng khi mùa đông tới, và chuyển về một thành phố nhỏ, em lại rơi vào tình trạng cô đơn trầm cảm khi suốt ngày quanh quẩn ở nhà nội trợ vì sức khỏe riêng. Em thấy mình không còn là mình nữa, cũng không muốn cố gắng nữa. Em chỉ muốn được chọn nơi mình muốn sống, chứ không phải cứ gồng sống ở trọ nơi xa mới gọi là mạnh mẽ.
      Em không biết mình nghĩ vậy là đúng hay sai nữa, mình nên sống ở nơi mình thấy hạnh phúc ^^

      Delete
    3. @ Nga: em mới kết hôn mà đã suy nghĩ thế này thì sẽ khó đấy. Em chưa vướng con cái, không lo tài chính, em hãy ghi tên vào 1 khoá học, tiếng Ý, kiến trúc, mỹ thuật gì đó. Chồng em làm việc, tức là anh ý luôn tiến lên phía trước. Em mà buông xuôi là chỉ vài năm sau em sẽ bị bỏ lại rất xa đằng sau.
      Mình phải tự tìm được động lực để vui, chứ nơi nào cũng có vấn đề hết.

      Delete
  7. Đời em chắc toàn gặp nông dân nên chưa thấy ai trầm cảm cả chị ạ. Thế hệ 7x và 8x ở VN thì quả thật khó có ai trầm cảm, đã đi qua cái thời bao cấp, cơm chả có mà ăn thì dù có lúc khó khăn thì cũng vẫn thấy sướng hơn thời bao cấp nên khó mà trầm cảm được. Trầm cảm theo em nghĩ là khi mình đòi hỏi quá mà mình không có khả năng với tới. Nó đa phần gắn với tinh thần là chính, cơm đủ no, áo đủ ấm nhưng tinh thần ko đủ thỏa mãn thì sẽ sinh ra trầm cảm.
    Thế hệ vất vả với cơm áo gạo tiền thì ít bị trầm cảm, vì họ đã thỏa mãn với gì mình đã có là cơm đủ no áo đủ ấm và những đòi hỏi khác, nếu không đạt được thì cũng ko phải vấn đề gì lớn lắm.
    Tuổi thơ theo em nghĩ nó ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ quá trình phát triển và hưởng thụ của con người.
    Sếp to, sếp bé em biết tiền nhiều nhưng nếu xuất thân nghèo khổ thì cái nhu cầu hưởng thụ của họ rất bình dân nên nhân viên thường hay góp mặt mà ko cảm thấy nó quá tầm với. Còn con mấy sếp thì ăn chơi gấp 10 lần bố.
    Nghĩa là dù ông bố giàu nhưng mà cái nhu cầu hưởng thụ để thỏa mãn vì tinh thần lại ít tốn kém và đơn giản hơn ông con, từ nói chuyện,(vẫn văng dm như thường), ăn uống (ăn cùng ông nông dân vẫn ok), ăn mặc (không khoái mặc vest tử tế),...
    Còn mấy ông con giàu thì chất đầy hàng hiệu trên người vẫn chưa thỏa mãn ===> dễ trầm cảm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nghĩ thế hệ nào lớn lên trong thiếu thốn khổ sở thì họ được tôi luyện để chịu đựng, và nhất là nếu có gặp hoàn cảnh bất thuận thì họ cũng thấy đó là bình thường, chính ra mọi sự suôn sẻ quá với họ lại thành điều ngạc nhiên quá sức mong đợi.
      Còn thế hệ trẻ cái gì cũng sẵn, tưởng mọi thứ nghiễm nhiên phải được dành cho mình, tưởng đời nghiễm nhiên phải ấm êm như nhà bố mẹ đẻ, thì tất nhiên khi gặp sự không mong đợi là nảy sinh vấn đề ngay. Ở VN chị không biết chứ ở Ý, những người trầm cảm chị biết toàn con nhà giàu chỉ việc ăn chơi tiêu xài tiền của bố mẹ.

      Delete
  8. Xin lỗi vì em comment lạc đề ạ nhưng em thấy H’Hen Nie có nét giống giống chị Giang í :-) nhưng chị Giang khuôn miệng cười đẹp hơn bạn kia.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em làm chị lại phải mở ảnh cô ấy ra xem. Chị không thấy giống gì ngoài nước da. Cô này được cái thân hình đẹp, chị thích nhất cái cổ thon dài của cô ấy. Mặt cô ấy không đẹp, vì mắt cười bị cụp, miệng cười gò bó và nhất là gò má thì có nhưng lại ở vị trí quá tụt trên gương mặt. Là chị đang nói theo tiêu chuẩn mặt hoa hậu.

      Delete
  9. Giang nói chính xác

    ReplyDelete
  10. Đầu năm đọc chị thật có nhiều động lực để sống tích cực hơn dù là mục tiêu những điều rất nhỏ. Không liên quan nhưng cái hình trong điện thoại có phải chị không. Nếu đúng thì chị đẹp quá

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị đấy. Khi chụp em chọn góc cho khéo thì sẽ dễ đẹp hơn. Nếu muốn đầu óc không bị cùn mòn sa sút, cơ thể không rệu rã, thì không có cách nào khác ngoài phải liên tục đẩy mình ra khỏi comfort zone, em ạ.

      Delete