Friday, April 14, 2023

14/4/2023

Tối hôm nọ đi xem vở ballet Anyuta của Chekhov. Người mời nghe nói từng là vũ công ballet rất nổi tiếng, giờ ông ý chỉ làm công việc giảng dạy và chỉ đạo nghệ thuật các chương trình. Mình nghe thế thì biết thế chứ cũng không tìm hiểu. Nhiều người lúc đến làm quen với mình toàn giới thiệu nổi tiếng nọ nổi tiếng kia có quan hệ này nọ khét lẹt ra mà cuối cùng có nổi tiếng quái đâu. Cuối cùng, hóa ra ông ta nổi tiếng thật. Mình ngồi trong lô, lô ngăn với bên ngoài bằng lớp rèm nhung, thế mà người hâm mộ vẫn nhoài vào xin chữ ký ông ý. Lúc hết vở, các diễn viên ra chào, khán giả vỗ tay ầm ầm. Ông ý ra cuối cùng, khán giả vốn đã vỗ tay cả chục phút không ngớt, thấy ông ý bước ra thì cả rạp ồ hết cả lên rồi đứng lên vỗ tay muốn vỡ rạp. Lúc cả hội đi ăn, từ nhà hát đến quán ăn, người hâm mộ cứ chặn đường để xin chữ ký. Đang ngồi ăn cũng có người đến bày tỏ lòng hâm mộ. Hơn 80 tuổi rồi mà trông trẻ hơn tuổi nhiều và rất đẹp lão, mỗi tội đi khập khiễng vì bệnh nghề nghiệp nhiều năm phải bật cao nhảy xoáy và khuân vác vũ công nữ. Bà vợ của ông ý bảo mình vũ công ballet nữ ngày xưa chỉ cao 1m50 thì còn nâng đỡ được chứ bây giờ toàn các cô 1m70 nhìn thì đẹp nhưng đồng nghiệp nam chật vật. Sau buổi biểu diễn, bà vợ dẫn mình vào sau cánh gà để đi tìm ông chồng. Mình trố mắt thấy các vũ công đóng mỹ nam mỹ nữ trên sân khấu thì lộng lẫy thế mà nhìn gần thì vêu vao như người nhịn đói lâu ngày, son phấn dày cộp vẫn không che nổi vẻ hốc hác.

Một bà bạn của nghệ sĩ, cũng ngồi cùng trong lô, lúc mình mới đến đã nhìn mình chăm chăm và bảo cô đẹp quá. Từ hồi đến Nga, đi đâu cũng được các cụ bà khen đẹp. Đến lúc xem xong, bà ấy lại ra hỏi mình “cô đẹp quá, cô có biết điều ấy không?”. Ơ kìa, cụ hỏi thế cháu biết trả lời sao. Bèn ngập ngừng “cháu cũng…không biết lắm”. Lại hỏi tiếp, câu này còn cắc cớ hơn câu trước, “trước tôi không có ai bảo cô là cô đẹp ư?”. Nếu là đàn ông thì mình sẽ trả lời tắp lự “chưa ai bảo tôi hết, anh là người đầu tiên” nhưng đây lại là một cụ bà đáng kính nên mình cũng không dám giở trò. Mình ngắc ngứ “dạ, cũng có vài người”. Cụ chưa ưng cái bụng, cụ lại hỏi tiếp “chồng cô có biết cô đẹp không?”, mình trả lời ngay “không ạ”. Ngài mặt mũi chán đời quay sang than thở thanh minh với ông bạn đi bên cạnh :-))))

Một nơi vừa gửi cho ngài toàn bộ chương trình biểu diễn của nhà hát Bolshoi trong tháng 4 và tháng 5 cho ngài chọn. Có nhiều vở mình rất muốn xem, Người đẹp ngủ trong rừng, Don Quixote, Kẹp hạt dẻ, Hồ thiên nga, Ruslan và Lyudmila và nhiều chương trình hòa nhạc thú vị khác. Nhưng mình và ngài bận đến mức chỉ nhận lời mời 2 buổi, mà cũng phải tận cuối tháng 5 mới đi được.

Dân Nga về mặt thời trang thì hơi cổ lỗ nhưng được cái rất có trình độ văn hóa. Vụ thời trang cổ lỗ thì để hôm khác bàn, hôm nay chỉ nói đến trình độ văn hóa. Trên tàu điện ngầm, ngoài công viên, thay vì cắm mặt vào điện thoại thông minh, vẫn thấy dân tình mải mê đọc sách giấy. Các nhà hát ở đây rất nhiều và luôn có nhiều vở diễn chất lượng. Nhà hát hoành tráng như Bolshoi đã đành mà ngay cả những địa điểm nhỏ hơn cũng tổ chức được các buổi biểu diễn chất lượng cao. Người xem rất lịch sự, tôn trọng và khuyến khích nghệ sĩ, tặng hoa, vỗ tay, nán lại sau giờ biểu diễn thay vì xách đít về thẳng ngay khi màn còn chưa kịp hạ hết, trong giờ diễn cũng không quay phim chụp ảnh vô tội vạ. Những địa điểm văn hóa như nhà hát và bảo tàng ai cũng đi, từ người xoàng xĩnh nhất tới những người ăn vận cầu kỳ nhất, chứ không phải chỉ là chốn lai vãng của giới mộ điệu. Đi bảo tàng, thấy trẻ con đi cùng bố mẹ, những cô cậu tầm tuổi học sinh hoặc sinh viên đi một mình hoặc đi theo nhóm, những cụ bà cụ ông nhiều người già lụ khụ thậm chí dáng vẻ nông dân, tất cả đều mải mê ngắm nhìn thậm chí ghi chép. Cuối tuần, các bảo tàng đều đông nghẹt và giá vé vào cửa vô cùng rẻ, ai cũng có thể mua được.

Thôi thì, ngày có thời gian thì đi công viên, đi bảo tàng, hoặc thả bộ trên phố ngắm nhà đẹp. Tối thì đi dự sự kiện. Rảnh rỗi thì đi xem một vở ballet ở Bolshoi. Xem xong thì hai vợ chồng lững thững dắt nhau đi bộ về nhà. Nửa đêm ăn mặc có hào nhoáng tí cũng không sợ bị cướp giật. Phù phiếm cho ngày tháng trôi nhanh, cũng tạm quên được nhiều nỗi thấp thỏm. Chục ngày trước trường quốc tế AAS vừa bị tòa án ra phán quyết đóng cửa. Còn 3 tháng nữa là hết năm học mà không đợi được, để cho việc học hành cả năm của con nhà người ta thành dang dở. Hàng nghìn bậc phụ huynh chắc 2 tuần nghỉ Phục sinh vừa rồi lâm vào tình trạng vỡ mật vì phải kiếm trường cho con. 

17 comments:

  1. Chính trị của Nga xi ba chao nhưng văn hoá có nhiều cái hay, em cũng muốn đi qua Nga xem nhà thờ và mấy vở kịch đó mà chưa đi đã cấm vận 😃 đọc xong entry trước em cũng lọ mọ đi mua một ly chè bánh lọt nước cốt dừa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác nào ở châu Âu, cụ thể là Pháp confirm cho em giá chè bánh lọt cốt dừa giờ bao tiền 1 cốc thế ạ? Hơn chục năm trước em đi học, học bổng dè xẻn mỗi tuần tiêu 25 êu tiền chợ mà phải bỏ 3 êu mua 1 cốc chè ở chợ Á. Đêm ngủ nằm mơ toàn thấy về Việt Nam ăn bún ốc bún riêu các kiểu 😂

      Delete
    2. Thật sự là con người não cá vàng như chị đã quên vụ chè bánh lọt nước cốt dừa, thế mà em lại nhắc lại làm từ hôm qua tới giờ chị cứ liên tục nghĩ tới nước cốt dừa vừa thơm vừa sánh, đá mát lạnh, sợi trắng thì dai dai, sợi xanh thì thơm mùi lá nếp. Lần sau đi mua nhất định không để cô bán hàng dụ cho thêm đậu đỏ.

      Delete
    3. Đừng ăn đậu đỏ hay mít hay đậu xanh gì hết chị ơi. Chỉ bánh lọt và nước cốt dừa em thấy best bài

      Delete
    4. Giang ơi chè bánh lọt cốt dừa là cái chè Thái Lan hồi xưa ở Giảng Võ đấy phải không?
      Hình như ở Paris giờ bán 5.2 Euros. Hôm qua mình thấy có giá trên bảng ở nhà hàng.

      Delete
    5. Đúng là chè Thái lan nhưng ở Cát Linh cơ mà bà, có viên trân châu to đùng ngã ngửa ý. Tôi ăn chè này ở Pháp và hình như cả ở Anh rồi nhưng không nhớ giá. Ở Moscou quê tôi giá 500 rup/cốc.

      Delete
    6. Bà làm tôi không tránh nổi cám dỗ của bánh lọt cốt dừa hihi. Hôm qua ở Phở Đầu Bò Paris hoa lệ đã chén, giá 5.90E.

      Delete
    7. Cát Linh và Giảng Võ là một ạ. Bác ý bán ở Cát Linh rồi chuyển về Giảng Võ. Ôi chốn lê la những năm cấp 3 Ams của em.

      Delete
  2. À quên, mấy bà khen chị Cún đẹp mà gặp chị Cún hồi 30 tuổi chắc ngất xỉu. Nhìn qua hình đã đẹp chắc chắn ở ngoài còn mê hơn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị được cái nhìn không có nét hay đặc điểm nào xấu đến mức làm hỏng tổng thể, nhưng nếu có được khen ngoại hình thì chắc là do biết cách ăn mặc và trang điểm thôi. Bỏ giầy cao gót, son phấn và quần áo hợp vóc dáng đi một cái xem, chả ai khen.

      Delete
  3. Ôi anh Vladimir Viktorovich Vasiliev của lòng tôi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tui thì không phải lòng anh Vasiliev của người nữa bởi vì tui đã phải lòng Hvorostovsky mất rồi. Dima của tui, khuôn mặt càng có tuổi càng đẹp, dáng đứng choãi chân vững chãi trên sân khấu, mái tóc trắng như cước tung bay, và giọng baritone nghe như tiếng gầm của sư tử.
      Trong link này anh ấy hát bài Hạc trắng khi anh ấy đã ốm nặng lắm rồi :-(
      https://www.youtube.com/watch?v=bz5nzblk8Ws

      Delete
    2. Gone too soon!

      Delete
    3. :( my Siberian Tiger, gone too soon indeed :(

      Delete
  4. Chị ơi sao lại phải đóng cửa trường thế ạ? Đóng vậy rồi họ có chính sách gì giải quyết cho bọn trẻ con đang học dở dang không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thông tin chính thức thì là đoàn kiểm tra đến kiểm tra trường và họ kết luận là một số thầy cô không trình được bằng cấp phù hợp hay trường không có các chương trình ngoại khóa xứng tầm trường quốc tế như nào đó. Nhưng mấy người chị quen ở đây lâu bảo đấy chỉ là cái cớ thôi chứ thực ra là lý do chính trị, vì trường này do đại sứ quán Anh, Mỹ và Canada thành lập.
      Chính quyền họ muốn đóng thì họ cứ đóng thôi, còn việc học hành giảng dạy ở trường thì trường với phụ huynh tự giải quyết. Không kể đến số các thầy cô giáo tự dưng mất việc, hơn nghìn học sinh cũng phải tức tốc tìm trường mới hoặc phải về nước.

      Delete
  5. Khổ thân các con!

    ReplyDelete