Friday, September 8, 2023

Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy ...

Hồi còn là sinh viên, không hiểu sao tôi được các thầy cô gạo cội trong khoa tiếng Anh rất quý. Hồi đó trong khoa có hai thầy giáo gạo cội ngang nhau, là thầy Đ và thầy H. Thầy Đ và thầy H không thích nhau.

Thầy H là trưởng khoa, dạy lớp tôi. Tôi hào hứng với thầy ngay vì thầy rất giỏi và dạy cả môn Lễ tân ngoại giao là môn tôi rất thích. Môn này mở ra trước mắt tôi một thế giới thực tiễn sống động, khác hẳn mớ lý thuyết khô cứng mà các môn học thường mang lại mà tôi thường học theo kiểu đối phó. Thầy rất kiên nhẫn với mọi câu hỏi vặn vẹo xuôi ngược của tôi. Thầy cho tôi cả số điện thoại nhà riêng cho tôi gọi hỏi thầy tiếng Anh và lần nào tôi gọi thầy cũng bỏ thời gian giải thích tận tình. Bạn bè tôi không hiểu tại sao tôi lại có được đặc ân đó. Chính tôi cũng không hiểu tại sao.

Còn thầy Đ là phó khoa và đã nổi danh từ rất lâu. Thầy hay đi qua lớp tôi và bảo “Bao giờ học xong mày sang lớp kia đợi thầy, thầy trò mình đi ăn trưa”. Thế là mỗi tuần một lần, hai thầy trò tôi đi ăn trưa ở một quán cơm bình dân gần trường, vừa ăn vừa đàm đạo. Tôi vẫn nhớ quán đó có món chả lá lốt rất ngon mỗi tội hơi ít lá.

Không chỉ ăn trưa, thầy còn bảo tôi “Mày đến lớp thầy dạy thêm mà học”. Lớp dạy về Hợp đồng của thầy rất nổi tiếng, rất đông người học và học phí tiền triệu, toàn những anh chị đã đi làm chứ sinh viên như tôi tiền đâu. Tôi từ chối. Thầy bảo “Mày cứ đến học, thầy không lấy tiền của mày”. Thế là tôi lóc cóc đạp xe đến học. Thầy rất chu đáo. Cuối buổi học đầu tiên trong khi các anh chị trong lớp lục tục lên xếp hàng mua sách còn tôi đang định ra về, thầy gọi tôi lại đưa tôi quyển sách Hợp đồng mới toanh vừa in. Thấy tôi ngần ngại không muốn cầm, thầy bảo “Thầy tặng mày”. Quyển sách đó do thầy viết rất khó mua vì cứ in ra là bán hết sạch và giá rất đắt. Sinh viên nghèo như tôi lấy đâu tiền mua. Thế là ngay từ năm thứ 2 tôi đã học xong chương trình tiếng Anh Hợp đồng của năm thứ tư như thế.

Không chỉ thế, có lần thầy còn bảo tôi “mày đến nhà thầy cho biết nhà”. Tôi đến, hai thầy trò ngồi chiếu uống trà ngoài hiên. Thầy khoe cho mày uống trà với mật ong rừng một học sinh cũ của thầy vừa biếu thầy. Tôi mật ong là chính chứ trà chỉ là phụ. Rồi thầy dẫn tôi sang cho tôi xem một lớp học rất to rất đẹp thầy vừa cho xây ngay trong khuôn viên nhà, thầy hỏi mày thấy đẹp không, thầy xây để dạy luôn ở nhà cho tiện khỏi phải đi thuê địa điểm ở đâu. Thầy Đ lúc đó có thể nói là điển hình thành đạt thức thời của các giáo viên trường Ngoại thương, vừa có chức vị giảng viên hàng đầu của một trường đại học danh giá, vừa có thu nhập khủng từ dạy thêm và các lời mời hợp tác từ giới kinh doanh, rồi còn in sách, toàn những đầu sách thị trường rất khát vì chưa từng có. Giờ không biết sao chứ hồi đó dân Ngoại thương đắt giá lắm.

Rồi thầy lại bảo tôi mày phải đến dự buổi thầy bảo vệ quyển từ điển Thị trường chứng khoán thầy vừa soạn. Buổi bảo vệ diễn ra trong trường. Thầy và thầy H tranh luận rất gay gắt. Tôi ngồi được nửa buổi chán quá chuồn mất, lại còn thấy thầy H có lý, thế mà thầy cũng chẳng giận tôi.

Lần cuối cùng tôi nói chuyện với thầy là khi hai thầy trò đi ăn trưa như thường lệ, đang nói chuyện vui vẻ, tôi không nhớ về chủ đề gì, tự dưng thầy nói một câu đại loại “mày thấy thầy có giản dị không, không giản dị thì sao lại đi ăn trưa với một con sinh viên vớ vẩn…”. Tuổi trẻ, tự ái cao, tôi không gặp thầy nữa…

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao thầy lại tốt với tôi như thế? Tuyệt nhiên không có chuyện tình cảm trai gái gì từ cả phía tôi và phía thầy. Tôi không phải sinh viên lớp thầy và cũng không phải là đứa con gái có hình thức nổi bật. Lũ con gái trong khóa đứa thì da trắng tóc đen môi đỏ mắt lay láy, đứa thì phổng phao như người lớn, ăn diện sành điệu. Tôi vừa gầy vừa đen, ăn mặc quê mùa. Có khi thầy đơn giản chỉ muốn có người trò chuyện cùng, mà tôi, sáng dạ và không có tật lúng liếng, rõ ràng là một sinh viên phù hợp?

Còn một cô giáo cũng gạo cội trong khoa tiếng Anh, dẫu không bằng thầy Đ và thầy H, là cô L. Cô L dạy lớp tôi năm thứ tư, lúc đó cô đã là phó khoa thì phải. Buổi đầu tiên cô L vào lớp, cho cả lớp bài tập rồi đi mất. Cô đi thì tôi cũng đi. Còn dỗ cả con bạn nối khố đi cùng cho vui. Con bạn tôi thực ra ngoan ngoãn chăm chỉ chứ không vớ vẩn như tôi, nhưng chuyên bị tôi lôi kéo tha hóa. Thế nên mới xảy ra cơ sự cô L đi có tí đã quay về, bắt quả tang tôi đang ngồi đung đưa chân trên một cái bàn bỏ không ngoài hành lang, tán chuyện như pháo rang. Nhìn thấy cô từ xa, hai con co giò chạy về lớp hộc tốc giở sách ra. Nhưng đã muộn, cô tinh mắt đã nhìn thấy. Cô lừ lừ đi vào lớp, mặt lạnh như tiền. Rồi cô cất giọng chậm rãi gằn từng tiếng một “Cô nào lúc nãy ngồi đung đưa chân ngoài hành lang bây giờ lên bảng chữa bài”. Cả lớp im phắc, cô L nổi tiếng hắc xì dầu trong khoa. Tôi chậm rãi đứng lên. Tôi chữa bài xong, cô cho tôi về chỗ. Tôi cũng chẳng nhớ cô có mắng vốn thái độ vô kỷ luật của tôi thêm câu nào không, chỉ nhớ từ đó cô rất tín nhiệm tôi…

Hôm nay ăn trưa cơm nguội với chả lá lốt, thế là nhớ đến quán cơm bụi thời sinh viên có món chả lá lốt rất ngon. Cơ mà chả của tôi ngon hơn, mỗi miếng tôi quấn hẳn 3 cái lá to tướng chứ có phải đùa đâu hihi. 

Đã hơn 20 năm rồi, các thầy cô tôi có ai ngờ cô sinh viên ngày ấy lại thành nội trợ toàn phần viết blog toàn chuyện con cá lá rau như này không nhỉ...

Ảnh: Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác

         Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay...

Chờ mãi mới ra được mấy cái hoa be bé, nhưng cún tôi vốn tính lạc quan tếu vẫn hy vọng một mùa mướp bội thu 🥰

25 comments:

  1. Chị ơi Ngoại Thương chị học khoa nào ngành nào vậy ạ! Em thấy hai môn học chị kể hay quá😁, sau đó đi làm chị có dùng tới mớ kiến thức trường dạy ko ạ😁

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bọn chị chỉ có mỗi một khoa gọi là khoa Kinh tế ngoại thương.
      Môn Lễ tân ngoại giao rất hay. Còn phần tiếng Anh hợp đồng thì nhìn qua thấy khó chứ thực ra là dễ. Tiếng Anh chuyên ngành tưởng khó mà thật ra rất dễ, quanh đi quẩn lại chỉ có từng ấy. Tiếng Anh trong văn học nghệ thuật mới khó vì bao la bát ngát học không bao giờ đủ.
      Chị ra trường không dùng tới mớ kiến thức về kinh tế tài chính vv học ở trong trường, tại chị làm trong lĩnh vực hoàn toàn không liên quan tới những gì chị học.

      Delete
  2. Cô giáo dạy dịch mà gọi Giang lên để xem mặt ý, có quý Giang không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không, haha. Mà hình như cô không ưa cả lớp mình, vì cái tội tinh vi hay sao đó. Là mình nghe bọn bạn bảo thế chứ mình cũng không biết thực hư. Cô dạy có mấy buổi gì đó rồi cô bỏ. Thế nên mới có sự vụ trong khi các lớp khác học hành tử tế thì lớp A7 cứ giờ tiếng Anh là các nữ sinh khoác tay nhau đi dạo lăng quăng trên hành lang, dưới sân trường, dáng vẻ rất bơ vơ vì không ai dạy :-))))))

      Delete
  3. Thầy mà nói câu ấy sau 20 năm thì chắc e cũng chả muốn gặp thầy nữa. Em nghĩ câu đó thiếu tế nhị á chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có thể thầy đang nói chuyện hăng say bị lỡ lời và không có ý coi thường chị, nhưng dù sao thì the damage was done.
      Nếu trò phục thầy vì thầy giỏi, thầy mến trò vì trò ngoan và ham học hỏi, thì thầy rủ đi ăn là chị đi. Còn nếu để tô điểm cho hình ảnh của thầy là một người nổi tiếng nhưng giản dị vv và vv, thì chị không đi. Chị không có kế hoạch nhờ vả thực dụng gì với thầy hay ôm mộng làm đệ tử chân truyền điếu đóm vinh dự gì, dù thầy nổi tiếng trong trường còn chị thì vô danh.

      Delete
  4. Em học khoá nào? Trước đấy trường có khoa kinh tế ngoại thương và phiên dịch. Anh học K30.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ em học K35 ạ. Nếu em nhớ không nhầm thì trường mình bỏ khoa phiên dịch đúng năm em vào. Mà em nghĩ bỏ là đúng ạ. Nếu học 4 năm rưỡi đại học để có bằng phiên dịch thì nên học để thành thạo và phiên dịch từ 2 đến 3 ngoại ngữ, nếu không thì giỏi tiếng để làm chuyên môn sẽ hữu ích hơn.

      Delete
  5. Vậy à em? Anh tốt nghiệp thì vào Sài Gòn 6 tháng và sau đó qua Mỹ, chưa có dịp về trường lại vì lần nào về cũng lu bu đủ thứ việc. Hồi anh học K30 thầy Lưu là Hiệu trưởng. Trưởng phòng Đào tạo là thầy Khanh. Thời bọn anh thi vào khối A thì học kinh tế Ngoại thương, khối D thì học Phiên dịch. Có lớp tiếng Anh, Pháp và Nhật. Hồi đấy bọn anh thích các bạn khoa Phiên dịch vì nhiều bạn gái xinh đẹp, dễ thương lại giỏi, anh nhớ rất nhiều bạn học chuyên ở Ams lên Đại học học Ngoại thương. Anh nhớ mỗi trận mưa to, đường vào trường ngập nước, nhớ con dốc Láng nối lên Đê La Thành, nhớ U giữ xe và các anh bảo vệ. Thời anh học khá là rén cô Mơ dậy Luật. Vậy mà ra trường, lênh đênh thế nào lại thành corporate lawyer - M&A. Cách em viết blog thấy em rất thông minh, tiếng Anh và tiếng Việt đều mượt mà. Dù em không dùng các kiến thức đã học nhưng anh tin nó là nền tảng giúp em trên con đường sau này. Anh đi nhiều nơi, sống ở nhiều nước, đến tuổi này bắt đầu thấm câu “Trong tim là cả quê hương”.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Những lời chia sẻ của anh ngọt ngào quá, làm em cũng nhớ lại kỷ niệm, thầy cô lúc học Ngoại thương. Em là K36. Thật vui vì có các tiền bối như anh và C. Giang

      Delete
    2. Anh lawyer dễ thương quá, sao anh biết blog của Giang ạ? Vietnam is not a good country, but it is our country anh nhỉ.

      Delete
    3. Hồi em học thì cô Mơ là hiệu trưởng rồi ạ. Hôm nào bỏ học mà gặp cô Mơ thì đời tàn. Còn thầy Khanh nếu em nhớ không nhầm thì vẫn là trưởng phòng đào tạo. Thầy hay hát, có dịp liên hoan văn nghệ nào ở trường thầy cũng hát. Có lần, đêm cắm trại, thầy cầm mic hát oang oang trên sân khấu, “em đi về đâu mà mắt em xanh thế, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang” thì thằng bạn cùng lớp em cũng cầm mic hát oang oang song song ở dưới “em đi về đâu mà mắt em tươi thắm, em đi về đâu mà chân bước...lăng quăng”. Hát xong thầy xuống tận nơi tìm thằng học trò phá đám :-)))))))
      Mà em thích nhất những hôm trường bị ngập. Ngập sâu nhất thường chỉ ở ngay phía ngoài cổng và trong khu tập thể của các thầy cô giáo, còn lại nước chỉ ngang bắp chân, lội rất vui.
      Còn đoạn dốc Láng nối lên đê La Thành chạy qua trước cửa trường Luật về sau thành đường Nguyễn Chí Thanh con đường thẳng đẹp nhất VN hay sao ý ạ. Hồi em đi học thì trước cửa trường Luật vẫn là một cái chợ cóc.

      Delete
    4. @ Ha Nguyen: Hà học ngay sau chị 1 năm như vậy chắc có học thầy Kiểm soát chất lượng, chị quên tên thầy, chỉ nhớ thầy già, gầy gầy và nổi tiếng liêm khiết. Sau khi tốt nghiệp và cả bây giờ, vẫn nhớ câu của thầy, càng ngẫm càng thấy đúng “Phải làm đúng ngay từ đầu”. Thầy rất hay gặp chị trong sân trường, thầy thường hỏi “em đứng đây làm gì?” và chị luôn thật thà trả lời “thưa thầy, em đang đứng chơi ạ”. Lúc viết luận văn, trong khi mọi người thích đăng ký những thầy cô dạy những môn hot nhất, chị không thấy tên thầy trên bảng nên đi tìm thầy bảo thầy hướng dẫn luận văn cho em. Nhưng thầy bảo thầy không hướng dẫn sinh viên viết luận văn. Chưa hiểu là thế thật hay thầy từ chối vì thấy sinh viên đứng chơi nhiều quá hihi.
      Hồi đi học chị học hành chểnh mảng lắm em ạ, hay bỏ học đi chơi. Cấp 1 cấp 2 chị chăm chỉ lắm nhưng đến cấp 3 và đại học thì bắt đầu học kiểu tùy hứng. Ngoài 1, 2 môn chị hứng thú thì chị học, còn lại chỉ sát ngày thi mới học. Giờ mà con mình cũng học hành kiểu thế thì mình điên lắm. Thực tế là cứ suốt ngày hò chúng nó học hành nghiêm túc nhưng giấu nhẹm vụ ngày xưa mình học hành như nào.

      Delete
    5. Cảm ơn các em nhiều. Những tên người, những khuôn mặt, các Thầy Cô…quá khứ hiện về nôn nao, “Thầy đó, trường kia, bạn hữu đâu rồi?”…Em ở trên hỏi tại sao anh biết blog của Giang. Anh có chị bạn cũng là luật sư. Chị ấy cũng là độc giả của Giang. Một lần ngồi uống nước nói chuyện ở New York cả hai gặp một anh bạn chung. Anh ấy dính vào vụ một em gì ở Việt Nam và anh cũng không rõ đầu đuôi nguồn cơn thế nào lại liên quan đến blog của Giang. Sau khi anh ấy đi chị bạn anh mới giới thiệu blog của Giang. Anh đọc được vài bài rồi, thấy cuốn hút và thú vị, không ngờ cũng là dân Ngoại thương. Thế giới đúng là nhỏ bé. It’s a small world after all.

      Delete
    6. Chắc người anh luật sư nhắc đến ở trên là anh đu quay. 😀

      Delete
    7. Cám ơn anh đã trả lời em. Thì ra là vậy, blog G thu hút được nhiều người hay thế :). Vụ em gái ở VN có lần vào blog G (anonymous) dạy dỗ các chị phải sống như em ấy, phải tìm giai già, giàu & có vợ rồi cũng được để săn và xài tiền của giai. Không ngờ loằng ngoằng thế nào mà chị luật sự chị biết em ấy và cả giai mà em ấy đang giăng bẫy để săn con mồi và có thêm một anh ngoại thương biết cả sếp em ấy ở Sài Gòn thế mới tài, làm em ấy xin lỗi trối chết ạ.

      Delete
    8. Vụ đấy thật hài. Lúc đầu mọi người còn bảo hay anh nắng vào troll chị em chứ có nhẽ đâu thế. Lúc thấy chị luật sư và anh đu quay ra tay em đoán thể nào cũng có lúc chị Giang ẩn bài đấy đi nên đã lưu lại bài, thỉnh thoảng buồn buồn lôi ra đọc cũng giải trí phết!

      Delete
    9. Drama em này công nhận vui nhỉ. Em vật vã với lắm thủ đoạn để đưa anh U70 vào tròng với vòng giả Cartier và cả bùa ngải. Việc gái trẻ chài tiền các bác già thì rất là classic rồi, lấy tình đổi tiền. Em này tội to nhất là nói bậy lại nói rất to và hỗn hào, không hiểu sao khi bị chị việt kiều luật sư nhận ra, em ấy dám gọi điện cho chồng của chị luật sư ở tận bên Mỹ để nói lếu láo và còn dám hăm dọa chị ấy trong khi hai bên đã biết nhau bao nhiêu năm nay trên facebook & cả ngoài đời? Thế khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Lại còn hăm dọa mồi chài chồng Giang vì em thích dân ngoại giao được đi đây đó sang chảnh haha. Nam chính của drama làm cho các chị em ngất ngây lại là anh đu quay 😊. Anh ơi dạo này anh khỏe không ạ? 😊 Giai đọc blog của Giang toàn nhân sự chất lượng thế này 😊.

      Delete
    10. Chết thật, nghe các em kể anh tò mò quá không biết chuyện gì. Cuối tuần anh có chuyến bay đi Copenhagen họp. Ít nhất anh có blog của Giang để đọc rồi. Hồi anh học Ngoại thương có Thầy Dũng hình như là trưởng phòng quan hệ quốc tế cũng rất giỏi. Thầy Khanh hát hay, khoa tiếng Anh có Thầy Đàm. Anh nhớ có Cô Loan đi Úc về nữa. Lần trước anh về Việt Nam có người bạn giới thiệu một bạn K31 là chủ của Phúc Sinh. Anh nghĩ trường nào cũng luôn có nhân tài nhưng tại mình học Ngoại thương nên cứ gặp cùng trường là thấy như người nhà. Ở New York cũng nhiều dân Ngoại thương lắm. Lần trước nói chuyện với chị bạn là độc giả của Giang quanh chủ đề trà xanh, anh có đùa là có cung thì sẽ có cầu. Những người thành đạt muốn thay vợ đổi chồng thì ắt sẽ có những trà xanh trà đen. Anh không có ý kiến gì. Chỉ có điều làm thằng đàn ông muốn theo con đường đấy thì về giải quyết với bà cả, minh bạch tài chính, có thể chịu thiệt một chút đổi lấy tự do rồi sau đó làm gì lấy ai cũng kệ. Đừng nhùng nhằng muốn được tất như Cá Mập hay anh em nương tựa, xấu mặt đàn ông. Anh Tr. cả đống vợ, cả đàn con nhưng không bà vợ nào nói xấu cả, phận ai nấy làm, các con anh khôi ngô đẹp đẽ. Đợt này không biết anh có còn cơ hội. Thấy sự gian lận trên chính trường mà nản. Hy vọng lần sau anh nào sang thôi lảy Kiều đi. May lần này gấp quá anh chưa kịp ăn bún chả hay ăn phở gì.

      Delete
    11. Một buổi sáng em mở báo ra đọc, ngay trang nhất là Biden lảy Kiều. Ôi mẹ ơi lại lảy Kiều haha. Vụ bún chả, tuy anh không đi ăn bún chả nhưng có điều tay chân đi uống cà phê, có cái ảnh Blinken ngồi clueless trước tách cà phê nếu em không nhầm :-))))))
      Còn về chính trị, tầm này cứ phải một là đầu chày đít thớt hai là ngáo nặng mới ăn tiền. Người thường không có hai phẩm chất trên thì đành ngậm miệng cho lành. Anh Trump đáo để không chịu ngậm miệng nên gần chục năm nay anh gần như bị hành hình.

      Delete
    12. Đứa nào tư vấn cho tổng thống mà lần nào cũng lẩy Kiều, làm Việt Nam như là gái lầu xanh không bằng :).

      Delete
    13. Thực ra khi soạn diễn văn, việc dùng các trích dẫn/hình tượng văn học kinh điển của nền văn hóa nước sở tại hòng chạm vào trái tim người nghe là một thủ thuật thường gặp, mặc dù thủ thuật này cũ rồi.
      Người viết diễn văn giỏi phải là người biết giấu cái tôi để tôn người đọc diễn văn lên, để gây cho người nghe ấn tượng rằng người đọc diễn văn không phải là một tay bù nhìn chả hiểu mô tê gì chỉ biết cầm giấy đọc như máy bài diễn văn hiển nhiên do người khác soạn.
      Viết diễn văn trình cao thì phải đạt được độ thành thật, mặc dù có thể tìm hiểu tâm lý dân nước sở tại để hiểu họ thích kiểu diễn văn nào để đánh trúng được tâm lý đó mà vẫn đảm bảo độ “integrity” của mình. Chỉ có chân thành mới chạm được vào trái tim người khác. Nếu không thì tốt nhất chỉ nên đơn giản, stick to business, tránh các thể loại văn chương màu mè sáo rỗng. Lảy Kiều là một ví dụ.

      Delete
    14. “lẩy Kiều mãi, làm như VN là gái lầu xanh không bằng”. Bạn này bình luận hóm ghê :-) Kiểu, qua tay hết anh (TT) nọ đến anh kia, xin lỗi em vẫn chỉ là một con ĩ :-))) Tác giả (hẳn nhiên người Việt) cho vụ lẩy Kiều này chắc định làm quả triology bất hủ. Nhưng bổn cũ soạn lại, càng lẩy càng khiên cưỡng, nhạt và nhảm. Thật là một quả mastermind đi vào lòng đất.

      Delete
  6. Chị học K29 Giang ơi. Cũng 2 khoa như anh gì ở trên. Thuỷ, CEO Vinfast, cũng dân Ngoại thương em ạ. Tự hào phết em nhỉ? Cả một trời thương nhớ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khóa em cũng nhiều bạn nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các tập đoàn. Khóa em đã như vậy thì các anh chị khóa trước còn phải hơn thế. Sinh viên NT nhiều người giỏi lắm chị. Nhưng như em thấy thì những người giờ thành đạt nhất lại không phải là những người đứng đầu lớp ngày xưa.

      Delete