Wednesday, August 14, 2024

Hiện thực sinh động và tư duy trừu tượng, hay Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ

Trong các trường quốc tế học theo chương trình của Anh, khi phỏng vấn xin học bao giờ học sinh cũng phải làm bài thi CAT theo độ tuổi, để kiểm tra khả năng nhận thức. Với kết quả này, các thầy cô có thể biết mặt mạnh yếu của từng học sinh, hướng cho học sinh học các môn phù hợp nhất với khả năng và do vậy cũng hướng nghiệp luôn. Nhất là quyết định được phương pháp sư phạm nào sẽ là tốt nhất nếu cần phải can thiệp trong từng trường hợp riêng lẻ. Ví dụ, học sinh có đứa có khả năng tiếp thu theo mọi hình thức, dù là nghe bằng tai, đọc chữ hay nhìn hình vẽ, dạy kiểu gì cũng tiếp thu được. Có đứa lại nghe tai này ra tai kia, cứ phải viết xuống mới tiếp thu được. Có đứa viết xuống đọc cũng không hiểu, càng viết nhiều càng phải đọc nhiều càng lùng bùng không hiểu, nhưng dùng hình ảnh minh họa một cái lại hiểu ngay, vv và vv.

Ở ngoài đời dù không có bài thi CAT nhưng nguyên lý hoạt động thì cũng tương tự. Có người tiếp thu được bằng tư duy trừu tượng, chỉ cần nói qua là họ mường tượng được. Lại có người nói cách gì cũng không hiểu mà cứ phải để cho hiện thực sinh động bày ra trước mắt, thì may ra mới vỡ vạc được điều gì đó. Có người chỉ cần nghe cảnh báo kinh nghiệm của người khác là đủ để thất kinh tự học được bài học. Lại có người cứ phải trực tiếp bản thân đầu rơi máu chảy mới ủ ôi cảnh báo đúng nhẻ.

Có người chỉ cần nghe một thông tin là trong đầu tự động nảy ra một chuỗi các hành vi hậu quả liên quan, gọi là có tư duy bắc cầu tốt. Tuy những người này thường có đức tính tự giác chả cần ai ủn đít nhưng nhược điểm là nếu không biết tự tiết chế thì nhiều khi thành suy diễn thái quá, trầm trọng hóa vấn đề, cầm đèn chạy trước ô tô. Lại có những người quan tài chỉ còn cách mỗi một khúc quanh, kèn trống đã nghe inh ỏi, nhưng còn chưa thấy thì còn chưa nhỏ lệ. Mặc dù những người này nhìn qua sẽ có ấn tượng họ rất điềm tĩnh ôn hòa chả cáu gắt lớn lối với ai bao giờ, nhưng nếu không tự biết tiết chế thì sẽ thành người sống chết mặc bay, nước đến chân mới nhảy, ì ạch, dựa dẫm.

Xác định được người đối diện thuộc kiểu tư duy nào và tiếp thu được theo cách nào, từ đó xác định được cách truyền đạt, cách chuyển tải thông điệp hiệu quả, là một việc đòi hỏi nhiều tâm sức.  

Nói ra rả như đài phát thanh với người có kiểu tiếp thu không bằng thính giác mà bằng thị giác chẳng hạn, thì không khác gì nói với cái đầu gối.

Nhiều khi người có tư duy toán lý hóa không nên mất công phải trái với người có tư duy văn sử địa, nếu không muốn tự mua sự ức chế.

Làm bất cứ việc gì, hay phải liên đới với bất kỳ ai, nếu người kia có tư duy giống mình thì sự giao tiếp trở nên dễ dàng và do vậy mọi sự kết hợp đều nhẹ nhàng, dù là một sự kết hợp vô thưởng vô phạt kiểu như tranh luận vô danh trên mạng hay là một sự kết hợp nghiêm túc hơn như hợp tác kinh doanh, tình bạn, hôn nhân. Ngược lại thì kể như xui. Nhiều khi thấy mất công quá mà việc người kia có hiểu hay không cũng đâu có ảnh hưởng gì đến mình đâu, thế nên thôi. Càng già càng thấy mình kiệm lời.

P.S1: Hồi còn ở Dubai, một lần mình lên facebook bảo Dubai lắm ruồi. Mình nói sự thật khách quan thôi mà ngài nhảy vào chặn ngay “Vợ tôi cái gì cũng nhìn thấy khuyết điểm. Ruồi ở đâu ra mà ruồi. Từ hồi sang đây tới giờ cả năm thấy đúng 1 con ruồi”. Ủa ông ở trong không gian kín có máy lạnh cả ngày, ông không thấy ruồi tức là không có ruồi hả. Ông lại cãi đi events ngoài trời suốt có thấy con ruồi nào. Events toàn buổi tối, tối thì ruồi đi ngủ mọe rồi, ngày xưa môn sinh học được mấy điểm mà không biết tối thì ruồi đi ngủ hả hả hả. Ông nghe xong vẫn chả tin. Nhưng chẳng bao lâu sau, một buổi sáng trong lành cuối tuần, hai vợ chồng ngồi trong vườn đọc sách. Một con ruồi quái ác ở đâu hiện ra, tấn công ông quyết liệt, mà nhất định cứ phải đậu bằng được lên mặt ông mới chịu. Sau khi cực khổ xua ruồi bu vào trán, vào mũi, vào mép, đậu cả lên tai, lên lông mày, vo ve, ngứa ngáy, thì ông cáu sườn chửi toáng lên “cái nơi chết tiệt này lắm ruồi thế”. Vợ ngẩng lên khỏi trang sách, giọng bình thản “em tưởng anh bảo không có con ruồi nào”. Ông im thít. Cộng thêm mỗi lần cùng hội bạn đi vào sa mạc chơi mang theo đồ ăn uống, ruồi bu đến cả đàn đen đặc phải vác theo cả quạt công suất lớn để xua, con vợ ông lại đay nghiến “thấy ruồi chưa”. Cứ phải hiện thực sinh động bày ra trước mắt may ra mới vỡ vạc được cái gì đó.

P.S2: Mời các cụ đọc lại loạt hai entry “Ký sự rửa bát” cún viết cách đây chục năm. Tinh thần cũng y hệt, cứ là phải hiện thực sinh động bày ra trước mắt, nếu không thì còn cãi rất khỏe.

Mình có cái ảnh thảm cảnh fine dining mà tìm mãi không ra để minh họa cho bài viết. Con Anna ngủ gục trên bàn, con Lila ngủ dựa đầu vào lưng ghế mồm há hốc, còn ông Ale thì nằm nửa trên ghế nửa trên đùi mẹ, cũng ngủ say sưa nốt. Sau khi đã phá tàn canh giá lạnh và chả thích đồ ăn nên đình công không ăn mà lăn ra ngủ. Ngay giữa nhà hàng fine dining có khổ thân tôi không trời. Hồi đó phải chụp cái ảnh lưu giữ hiện thực sinh động, để từ đó mỗi lần ông chồng rồ lên fine dining là phải mở ngay ảnh cho ông xem cho ông nghĩ lại.

31 comments:

  1. Tiêu đề nghe phức tạp. Đọc không hiểu gì. Viết dối dắm. Đọc mãi không hiểu chủ blog định viết cái gì, truyền đạt thông điệp gì. Hồi xưa Giang mấy phẩy văn thế?

    ReplyDelete
    Replies
    1. "AnonymousAugust 15, 2024 at 9:04 AM
      Tiêu đề nghe phức tạp. Đọc không hiểu gì. Viết dối dắm. Đọc mãi không hiểu chủ blog định viết cái gì, truyền đạt thông điệp gì. Hồi xưa Giang mấy phẩy văn thế?" Bạn bị Ai bắt phải đọc à? Xong còn bắt bạn phải diễn giải xem bạn hiểu được đến đâu à? Căng nhỉ? Tầm này Thế Giới người ta dùng những chuẩn mực đo lường vươn tầm vũ trụ rồi mà bạn vẫn cựa quậy ngo ngoe trong cái tiêu chuẩn văn mấy phẩy của nên záo zục lước nhoà các cháu đi học thêm thì được phát văn mẫu về nhà học thuộc thì thôi bạn ạ, hết cứu. Nhờ bạn nhắn ai đó đừng cố cứu bạn nữa, không ăn thua đâu, hãy cứ để bạn là chính mình vốn có đi. Cũng ghi nhận ưu điểm không giấu dốt của bạn 👍

      Delete
    2. Dối dắm? Chính tả kiểu gì thế!

      Delete
  2. Nồi nào thì vung nấy thôi. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
    Khi ai đó hiểu biết, sâu sắc, có tri thức (tri thức thật chứ ko phải mấy thứ cóp nhặt nửa vời ko đến nơi đến chốn), họ sẽ thu hút những người tương đồng với họ.
    Ngược lại, nếu hời hợt, nông cạn, không trau dồi kiến thức và học hỏi, thì đương nhiên chỉ có thể nói những chuyện ở tầm thấp với những người có cùng tầm, cùng khả năng tư duy hạn hẹp giống thế.

    Rất đơn giản và dễ hiểu ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hả?! Tức là bác trai không cùng tầm bác gái?

      Delete
    2. "AnonymousAugust 15, 2024 at 9:26 AM
      Nồi nào thì vung nấy thôi. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
      Khi ai đó hiểu biết, sâu sắc, có tri thức (tri thức thật chứ ko phải mấy thứ cóp nhặt nửa vời ko đến nơi đến chốn), họ sẽ thu hút những người tương đồng với họ.
      Ngược lại, nếu hời hợt, nông cạn, không trau dồi kiến thức và học hỏi, thì đương nhiên chỉ có thể nói những chuyện ở tầm thấp với những người có cùng tầm, cùng khả năng tư duy hạn hẹp giống thế.

      Rất đơn giản và dễ hiểu ;)" Mà với những gì bạn viết thì mình thấy bạn có hiểu cái moẹ gì đâu nhỉ 😳

      Delete
    3. AnonymousAugust 15, 2024 at 7:15 PM
      Hả?! Tức là bác trai không cùng tầm bác gái? Chán nhỉ, bạn vật vã từ sáng đến tận tối mới sáng tác đuọc có bấy nhiêu lời "bình noạn" vậy thôi hả, công nhận thời gian của bạn có ích cho đời thật đấy 👍

      Delete
    4. Bài này hoàn toàn không bàn về tri thức hay kiến thức mà bàn về cách một cá nhân tư duy và lĩnh hội vấn đề. Mỗi người có một cách khác nhau, không có chuyện hơn kém hay dở. Biết được cách tư duy của người đối diện như thế nào thì ta sẽ có cách giao tiếp phù hợp.

      Delete
    5. Chị Giang giải thích đơn giản, dễ hiểu, không chê bôi và không look down ai hết. Học được từ chị cách đối nhân xử thế rất nhiều.

      Delete
  3. Em đọc mãi cái title và chưa hiểu bác ợ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ý là có người tiếp thu bằng tư duy trừu tượng. Có người tiếp thu bằng hiện thực sinh động. Câu "chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ" là chỉ những người tiếp thu bằng hiện thực sinh động.

      Delete
    2. Em cảm ơn bác!

      Delete
  4. Nọ e đặt bàn, nhà hàng nghe nói con e 6 tuổi đã bảo luôn là không phù hợp, may để ông ở nhà, chứ mình ngồi ăn lâu còn gãy cả lưng

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có nhiều nhà hàng hạng sang họ vẫn cho trẻ em vào vì không muốn mất các nhóm khách gia đình. Nhưng quan điểm của chị là mang trẻ nhỏ theo thì nên đến những nơi bình dân thiết kế phù hợp cho trẻ nhỏ. Vừa đỡ mệt mình, trẻ con lại ăn uống tốt hơn và nhà hàng cũng đỡ bị cảnh trẻ lăn quay ra ngủ. May là con mình còn chưa chạy nhảy hò hét chứ không chắc chết vì ngượng.

      Delete
  5. Sao mà bạn Giang ra bài này đúng lúc mình cần nó nhất, giống như phao cứu sinh với mình lúc này. Thât cảm ơn bạn Giang lắm!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn ơi, I'm glad it helped. Nhưng vì mình không muốn viết quá dài nên trong bài mình chỉ nói tới những người thực lòng muốn hiểu và nhiệm vụ của người khác chỉ là tìm được cách truyền tải cho họ hiểu. Còn lại, mình hoàn toàn không nói tới trường hợp những người chủ ý không muốn hiểu. Gặp trường hợp này thì mình có tìm cách diễn đạt kiểu gì họ cũng không hiểu. Biết thế để đỡ mất công, bạn ạ.

      Delete
    2. Người đã trải quá nhiều chuyện (ví dụ như mình) thì sẽ càng hiểu càng thấm những gì bạn Giang viết hơn. Có những khi đọc bài bạn Giang viết mà mình chảy nước mắt vì mình cả "được" và "bị" thấy lại câu chuyện của mình trong đó. Nhiều khi lại tự hỏi nếu ngày nào đó Giang ngừng viết thì mình sẽ như thế nào?! Sợ, không muốn có ngày đó ít nhất là cho đến lúc mình còn có thể tự đọc được!!!

      Delete
  6. Đọc bài này tự nhiên nhớ chuyện Giá Như Không Có Ruồi, dù chả mấy liên quan. Thêm nữa là tối nay tớ xem ca sĩ Nga Yuri Shatunov hát bài Bông Hồng Trắng rồi toàn bộ khán giả hát theo chợt thấy nước Nga và người Nga sao dễ thương ghê dù mình không hề biết tiếng Nga. Suy ra là ... hiểu nhau không cần phiên dịch ;-) - goldfish888

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cá vàng 888 ơi, bài những bông hoa hồng hồng cũng hay lắm. Mình thế hệ 7x, học tiếng Nga rồi yêu nước Nga, văn hóa Nga. Chỉ gần đây mới bị thất vọng ghê gớm về chính sách của họ. Thấy bạn thích bài hát ý như mình, làm mình đồng cảm quá.

      Delete
    2. Trên youtube không ngờ có rất nhiều version khác nhau của bài White Rose này kể cả khi Yuri Shatunov mặt còn vương nét bụi đời của một chàng thanh niên vừa rời cô nhi viện. Rất nhiều người Việt Nam biết bài hát này và ca sĩ nhí Hoàng Thiên Nga sinh năm 2009 cũng cover bài này bằng tiếngAnh. Sức sống của bài hát lan toả quá mạnh mẽ đặc biệt sau sự ra đi của Yuri Shatunov năm 2021. Cảm ơn bạn đã chia sẻ - goldfish888

      Delete
    3. Ai nói gì nói tui chỉ trung thành với giọng baritone khổng lồ của Dima. Giọng cứ cất lên một cái là tim tui nó rớt cái bẹt khỏi lồng ngực.

      Delete
  7. Đúng quá em ạ. Chị có 3 con. Cháu đầu học phải có người kèm, giảng giải, không tự học, tự đọc sách mầy mò được. Cháu thứ hai cách cháu đầu 15 tháng thì ngược lại. Mọi thứ đều tự học. Từ IB đến AP, SAT. Chương trình ở trường cháu là IB, cháu chọn HL và các môn đều 7. Năm đó cháu đạt 45/45 trong kỳ thi IB. SAT tự học thi lần đầu 1597. AP cũng tự học và thi 5 môn đều đạt 5. Cháu thứ ba thì kết hợp vừa tự học vừa có thầy cô hướng dẫn thêm, phải học thêm 1-2 lần/tuần. Ba cháu đều đã trưởng thành. Cháu đầu tốt nghiệp Stanford. Cháu thứ hai tốt nghiệp MIT. Cháu thứ ba tốt nghiệp MIT. Tất cả đều học khoa học máy tính. Chị nhìn lại chặng đường của các con thấy em viết rất chính xác. Chị ngày bé có một thói quen học vô cùng kỳ cục là phải đọc ông ổng lên mới nhớ được. Các bài học thuộc lòng chị đọc ra rả như cuốc kêu. Ba Mẹ, chị gái chị từ chỗ phàn nàn, sau quen dần. Chị không co thói quen ghi chép hay tóm tắt gì. Không có kỹ năng take notes. Nhiều khi đi họp thấy đồng nghiệp ngồi hí hoáy ghi chép chị ngại lắm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Các cháu giỏi quá ạ. Chị chắc tự hào lắm.
      Em nghĩ chị có thế mạnh có thể tiếp thu bằng tai, ngẫu hứng và có tài. Nếu học ngoại ngữ chắc chị chỉ cần nghe người bản xứ nói là học được. Em thì khác. Em học bằng mắt. Em cứ phải đọc và viết xuống, thậm chí viết xuống cũng phải trình bày rõ ràng và khoa học não em mới xử lý được. Trong các bài thi kỹ năng tiếng Anh, phần nghe bao giờ em cũng điểm kém nhất. Vào tai nọ ra tai kia.

      Delete
    2. Chị cảm ơn em. Các cháu may mắn được học trong một môi trường tốt từ nhỏ. Bố và hai chú em bố đều tốt cùng ngành và đều là cựu sinh viên MIT nên hỗ trợ được nhiều chứ chị làm phân tích tài chính, không biết nhiều về khoa học máy tính. Đọc bài em viết chị mới ngẫm lại cách tư duy của chính bản thân mình. Chị thuộc tuýp đầu tiên em nhắc đến. Em mô tả vô cùng chính xác. Đôi lúc chị biến mình thành người cầm đèn chạy trước ô tô, lo lắng thái quá. Chồng chị trong nhóm chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, mọi việc cứ bình chân như vại. Cấp thiết gì cứ ăn và ngủ đã, tính sau. Nhà có việc một người vật vã lo lắng, người kia ăn ngon ngủ yên.

      Delete
    3. Nhiều khi chị lo quá nên người kia mới thành bình chân như vại đấy chị. Giờ việc gì mặc kệ được thì chị cứ mặc kệ, không đôn đốc lo lắng nữa, cho hỏng việc vài lần, là tự khắc họ sẽ nhúc nhắc lên ngay. Họ phải điều chỉnh lên, còn mình phải điều chỉnh xuống, em nghĩ thế.

      Delete
  8. Mình thì học bằng cách tưởng tượng để nhớ. Một dạng photographic memory.

    ReplyDelete
  9. “Có người chỉ cần nghe một thông tin là trong đầu tự động nảy ra một chuỗi các hành vi hậu quả liên quan, gọi là có tư duy bắc cầu tốt. Tuy những người này thường có đức tính tự giác chả cần ai ủn đít nhưng nhược điểm là nếu không biết tự tiết chế thì nhiều khi thành suy diễn thái quá, trầm trọng hóa vấn đề, cầm đèn chạy trước ô tô“ —> Tớ chính xác là dạng này. Tớ đọc cậu viết tưởng cậu tả tớ.

    ReplyDelete
  10. Ngài có phải dạng chưa thấy quan tài không chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngài dạng kết hợp, mỗi thứ một kiểu tùy vào việc là thứ gì.

      Delete
  11. Bác Cún cho em hỏi ranking của trường Imperial College London có cao ko ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ranking thì bác không biết nhưng trường đó thì nổi tiếng rồi em. Chỉ có điều từ hồi Brexit thì các trường nổi tiếng của Anh không có nhiều sinh viên châu Âu sang học nữa vì học phí quá cao. Thay vào đó là các sinh viên Á, đặc biệt từ Trung Quốc. Như vậy thì môi trường giao lưu của sinh viên cũng không đa dạng được như cũ.

      Delete