Friday, August 20, 2010

Nhân chuyện Ngô Bảo Châu

Có lẽ đến vài tuần nay giở trang báo mạng VN nào ra cũng thấy cái tên Ngô Bảo Châu tràn ngập. Tự hào có, phấn khích có, rưng rưng có, vỡ òa có. Nó lại làm tôi nhớ đến những chuyện từ rất xa xưa mà chúng tôi đã quên.

Năm đó, đội tuyển toán quốc tế có lẽ gồm 6 người. 6 gia đình có con được vào đội tuyển đều hết sức vui mừng. Các gia đình đều sẵn sàng đầu tư bằng mọi cách để con mình đoạt giải. Họ mời những thầy giáo giỏi nhất đến phụ đạo cho nhóm. Tiền mỗi buổi phụ đạo rất đắt, lúc đó là 80,000đ mỗi học sinh. Nhà tôi ko có đủ điều kiện cho em tôi đi học 6 buổi một tuần như các gia đình khác. Số tiền đi học một tuần như vậy bằng mấy tuần đi bán xổ số của mẹ tôi, và hơn cả tháng tiền chợ của cả gia đình 4 người nhà tôi. Đó là khoảng thời gian hàng sáng trước khi đi bán xổ số mẹ đưa tôi 7000đ đi chợ hai bữa trưa chiều cho cả nhà. Tôi thường đứng tần ngần giữa chợ, tay đảo lên đảo xuống cái rổ con con, chả biết phải mua gì.

Thế là em tôi phải chọn một buổi học mà nó thích nhất, chỉ một buổi thôi, trong cả tuần. Đổi lại, tôi cật lực đi gia sư thêm. Một buổi học của nó bằng 4 buổi gia sư của tôi. Những buổi còn lại nó đi mượn vở của bạn về học thêm. Tôi vẫn nhớ những trưa nắng, tiếng xe đạp Phượng Hoàng lóc cóc lọc xọc của nó đạp về căn nhà 10m2, mồ hôi nhễ nhại, ko rửa chân tay, ko rửa mặt, đi thẳng vào bàn học ngồi xuống mải mê đọc quyển vở của bạn vừa mượn được. Không phải lúc nào cũng mượn được, và ko phải ai cũng cho mượn.

Ngày nó đoạt giải vàng toán quốc tế IMO 1998, và là người duy nhất trong đội tuyển toán VN đoạt giải vàng, mẹ tôi vẫn đi bán xổ số. Thực ra tôi ko hiểu vì bà chảnh và lạnh hay đơn giản bà ko thể bỏ chỗ bán hàng vì bỏ một buổi là con đói. Tôi mượn cậu tôi chiếc xe máy DreamII, chở em trai út lên sân bay, và 3 chị em kẹp 3 đi về cùng với một chiếc vali to.

Các vị nhà báo bắt đầu đến nhà tôi, tìm ra chỗ bán hàng của mẹ tôi, để phỏng vấn viết bài. Tôi ko quan tâm, ko nói chuyện với nhà báo, ko tham gia vào cuộc phỏng vấn, ko đồng ý chụp ảnh chung. Họ rất thích ý tưởng em tôi cởi trần vai trơ xương bụng lép kẹp ngồi học tại cái bàn nhom nhem vết mực trong căn nhà bé xíu có mỗi cái giường mọt và cái tủ mọt, hình như nó làm cho câu chuyện của họ thêm đắt. Bao nhiêu bài báo như vậy, mà chỉ có 1, 2 người quay lại chỗ mẹ tôi tặng bà báo.

Rồi em tôi quyết định rời nghiệp toán, vì nghiên cứu toán học đơn thuần ko có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Cuộc sống thì nhiều bon chen, nhiều gánh nặng. Nó bảo thế thì tôi biết thế, và tôi để nó đi con đường mà nó chọn.

Những trang báo ầm ĩ quá, những người hồ hởi bắt tay chúc mừng quá, có người cảm động rưng rức cứ như chính mình vừa đoạt giải Fields, những câu chữ đao to búa lớn, mấy ai biết thân phận du học sinh nước nghèo và cảnh sống bằng học bổng thiếu trước hụt sau chả sung sướng gì. Dân mình cái gì cũng quá đà, và luôn có mặt rất đúng lúc để hùa theo chúc mừng, lạ hoắc lạ hơ ra cũng nồng nhiệt như quen thân lâu lắm, có khi người quen thật họ lại chừng mực. Cậu Châu này giờ là người của công chúng rồi, cứ cẩn thận, động vào lòng tự hào dân tộc là cậu giải Fields chứ giải giời cũng chết ngay.

Mà không biết cái giải thưởng Nobel toán học này mang lại cho Ngô Bảo Châu bao nhiêu xèng nhỉ? Cái mình tò mò nhất thì lại chả thấy ai nói.

Bõ công bền gan theo nghề toán, có lẽ cậu ấy theo vì đam mê, chứ có phải ai bền gan cũng đoạt giải đâu, nhưng nếu giải này có nhiều xèng thì vẫn hay hơn chứ nhỉ. Mình mà đoạt giải như cậu Châu và giải có nhiều tiền, cái mình sợ nhất là công chúng lại trông đợi mình trích tiền (hoặc bỏ hết tiền) làm gì đó có ích cho nước nhà.

Mình có đọc lướt ở đâu đó cô hoa hậu Ngọc Hân đâu được 500tr từ giải hoa hậu và hứa mang số tiền đó đi làm từ thiện ngay. Đi thi hoa hậu tốn kém, quần áo son phấn đầu tư các kiểu, chưa lấy lại được vốn lại phải đi làm từ thiện, thế thì có mà lỗ chỏng vó à. Khổ thân hoa hậu, làm người bình thường sướng hơn, tiền mình thích tiêu vào chỗ nào thì tiêu.
Mình công nhận mình là một con người tầm thường thật đấy hic hic.

No comments:

Post a Comment