Wednesday, December 18, 2013

Nhân chuyện bảo mẫu đánh tát trẻ

Mình không xem video, biết là những gì trong đó sẽ làm cho tâm trạng mình căm giận và u tối. Nhưng mình có mấy điều này muốn nói với các bạn:

Nhiều bạn có khi chỉ có 1 con, mà chăm, cho ăn, cho ngủ, cho học, còn nhiều khi phát điên. Có bạn nào chưa bao giờ đánh quát con chưa? Mình thì mình thú nhận mình có đánh con rồi, dù mình đảm bảo mình đánh và quát con ít hơn so với mặt bằng chung rất nhiều. Đánh con một cái rồi hối hận cả năm trời. Nhưng lúc đó nhiều lý do lắm, sắp đến ngày period nên tâm trí nóng nảy hơn ngày thường, rồi hàng trăm nghìn thứ phải lo, rồi thiếu ngủ, mệt mỏi, đói run chân tay mà phải nhịn để cho con ăn trước trong khi con thì ngúng ngoảy hò hét và làm đổ đồ ăn tứ tung vào quần áo lại phải thay phải giặt phải là phải gấp, mẹ kiệt sức lắm rồi mà chỉ với một cú hất tay vào bát canh, con lại thêm cho mẹ 2 tiếng lao động công ích nữa vv và vv.

Thế con đẻ của mình, mà chỉ có 1, 2 đứa, mà mình còn thế, thì các bạn tưởng tượng họ phải chăm một lúc mấy chục đứa, không phải con họ, đâu phải đứa nào cũng ngoan ngoãn dễ ăn dễ ngủ dễ bảo, thì sẽ thế nào? Hay là con tao thì tao có quyền đánh còn không phải con mày và tao trả tiền cho mày thì mày không có quyền động đến lông chân nó? Mình không bênh vực họ nhưng mình chỉ muốn hỏi nếu ở vị trí họ, các bạn có chắc mình sẽ không làm gì để phụ huynh của bọn trẻ nếu nhìn thấy thì sẽ bất bình, thậm chí nổi điên lên, không?

Nhiều bạn sẽ bảo nếu không yêu trẻ thì chuyển nghề đi. Là mình, nếu cảm thấy không yêu thương đủ, thì mình sẽ không làm cái nghề đó. Nhưng với tư chất của mình, không làm nghề đó mình làm nghề khác. Thế còn những người không có lựa chọn khác, thì sao???

Họ ác quá, nhưng tận cùng cốt rễ của vấn đề không phải là cái sự ác của họ. Vì đã nói rồi, biết đâu mình vào vị trí ấy, ngày nào cũng chừng ấy stress, thì còn vô cảm xuống tay ác hơn họ. Tận cùng cốt rễ của vấn đề là ở chỗ mình là cầu, họ là cung, họ cung cái mà mình cầu. Có bố mẹ nào đã từng thở ngắn than dài rằng con đi nhà trẻ tiền ăn đóng đầy đủ mà cô giáo cho ăn kiểu gì mà còm nhom, không lên cân tí nào, thà ở nhà còn hơn? Có bố mẹ nào đã từng cứ gặp cô giáo là hỏi hôm nay cháu có ăn không, cháu ăn mấy bát, và ra về vui sướng nhẹ nhõm khi cô bảo cháu giỏi lắm ăn hết suất? Có bố mẹ nào đút phong bì cho cô giáo để cô đút cho cháu ăn, thế tức là thời gian chính ra phải cho tất cả các cháu ăn thì cô tập trung cho con mình ăn để kiếm thêm, kệ những cháu khác? Có bố mẹ nào đã từng thấy con lên cân thì vui mừng khen nhà trẻ tốt, rằng chỉ cô giáo mới cho ăn được còn ở nhà bố cầm roi mẹ đút ông vỗ tay bà múa mà vẫn chịu chết không cho con ăn được? Suốt ngày ăn ăn ăn thì đấy, họ cho ăn kiểu như thế.

Các bạn cứ nói ở bên Tây họ thế nọ thế kia. Cái gì cũng có lý do của nó hết. Mình lấy ví dụ mình chứng kiến tận mắt: ở sân chơi, một đứa trẻ bạo lực đánh tất cả những đứa đứng gần, mẹ tây thấy con bị đánh giận lắm nhưng lẳng lặng bế con đi chơi chỗ khác, mẹ Việt thì thấy con bị đánh thì nổi xung lên, xắn tay can thiệp luôn đẩy luôn vào ngực thằng bé bạo lực kia ai cho mày đánh con tao. Với dân ta, cái sự xâm phạm thân thể trẻ con, rất tiếc, lại là cái chuyện rất thường. Tùy vào tình thâm mà sự xâm phạm này ít hay nhiều mà thôi.

Mắng chửi người khác thì bao giờ cũng dễ mà.

PS: mình biết nhiều bạn đọc blog mình ở Mỹ. Mình kể thêm một chuyện khác: hồi trước ở NY giai nhà mình có biết một cậu người Ý có đứa con trai nhỏ hơn 3 tuổi nhưng rất nghịch. Một hôm mẹ nó đi vắng để con ở nhà với bố. Bố trông con kiểu gì để con ị ra nhà và tệ hơn là đã kịp bốc phân bôi nhoe nhoét lên tường. Bố phát hiện ra, điên quá phát cho con một cái chắc là cũng cháy mông. Hôm sau con đi học, cô giáo phát hiện mông có vết đòn liền báo luôn cho cảnh sát. Cậu này lúc đó đã đang đi công tác nước ngoài, nhận được điện thoại của cảnh sát thì hết hồn phải liên lạc ngay với lãnh sự quán nhờ giúp đỡ, nếu không đi công tác về đến sân bay New York thì có khi bị bắt ngay ở sân bay.

37 comments:

  1. Em so doc nhung to bao co dang tin nhu the nay lam. No lam minh nang dau - khong co cai gi met bang hanh ha tinh than con nguoi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giờ báo chí nhan nhản những tin cướp giết hiếp hành hạ, nói thật nhiều bài báo chị chỉ nhìn tiêu đề là đã không dám đọc. Trong tất cả các tin bài chị tránh nhất là những bài liên quan đến bạo hành trẻ em

      Delete
  2. conf em thif lại rất thắc mắc, sao các bé bị bạo hành bao lâu mà bố mẹ ko biết, chứng tỏ cũng ko để í đến con, nếu ở lớp có j đấy khác thường thì khi đón về con thường có biểu hiện ngay mà, chắc các bố mẹ này cũng bận cơm áo gáo tiền quá ko để í con nhiều

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng nghĩ rằng nuôi con điều quan trọng nhất là phải quan sát những biểu hiện khác lạ và lắng nghe những gì con mình cố gắng nói với mình. Nói “cố gắng nói” vì không phải đứa trẻ nào cũng có kỹ năng nói phát triển sớm, nhưng nhất định nó sẽ có ngôn ngữ cơ thể hoặc những từ ngữ rời rạc lẫn lộn để thể hiện điều nó muốn mình biết.
      Con chị mà thấy cô giáo là ôm chặt mẹ khóc thét lên, hoặc buổi sáng khóc lăn lộn không muốn đi nhà trẻ, là chị đặt câu hỏi lập tức.

      Delete
  3. họ đánh và phần mềm, vào phổi của các con chị ạh. em em chỉ xem dc 1/3 thì tắt vì chịu ko đc, cái con cô giáo 19t đút cả đầu của bé vào cái bồn nước mặc dù bé nó ôm chân van xin vì sợ. giận run. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đồng lương chết đói thì làm sao người ta tòan tâm tòan ý vào công việc đc khi trong đầu còn nghĩ tới hôm nay, ngày mai ăn gì sống ra sao. Bố mẹ thì mải bận đi làm, mà chắc cũng thu nhập ít hoặc nhập cư từ nơi khác tới, ko có chỗ nào gửi thì mới phải gửi con ở đấy chứ trường công thì...ko có hộ khẩu giấy tờ phong bì ...vân vân và mây mây thì làm sao tranh được với con nhà khác. Trường tư có chất lượng thì làm sao có đủ tiền. Nói rộng ra thì tại cái cơ chế, các quan chỉ biết ấm thân rồi hạ cánh an tòan hoặc có tâm nhưng cũng lưc bất tòng tâm. Mở báo Việt Nam lên là thấy rầu, hôm qua hôm kia gì em đọc ngân sách chống ngập lụt tăng từ 11 NGÀN TỶ lên 58 NGÀN TỶ ( mèn ơi tiền mà làm như vỏ sò vỏ hến )mà cả cái SG xóa 9 điểm ngập cũ thì có thêm 12 điểm ngập mới. Nản.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chỉ sợ nhất là cả xã hội bị cuốn vào vòng xoáy tiền, sống gấp, kiếm gấp, chèn ép nhau, hằn học với nhau. Chị nhớ ngày xưa cuộc sống cũng khó khăn thiếu thốn lắm mà sao thầy cô giáo chị chẳng ai đánh học sinh theo kiểu tra tấn, hành hạ. Ngày xưa hư lắm thì bị đứng góc lớp, hoặc bị một thước kẻ vào tay mà hầu như chỉ giơ lên dọa cho sợ chứ không đánh đau. Cái con bảo mẫu 19 tuổi này chị nghĩ nó có vấn đề về thần kinh.

      Delete
    2. Trời chị ơi hồi xưa em đi học mẫu giáo nhà nước hẳn hoi mà không ngủ trưa bị cô lao vào đánh điên loại giống trong clip. Em không nhớ là đánh đau không nhưng mà chỉ nhớ là gào khóc tuyệt vọng mà cô cứ tới tấp đánh mãi, cái cảm giác bất lực thì khó quên hơn là đau, nên bây giờ xem clip giận sôi người.

      Hồi đấy em đang bị cô đánh thì bố mẹ đến đón sớm, nhìn thấy cô đánh và hôm sau em cũng từ chối đi học vì sợ quá, chắc bị bắt quả tang nên hôm sau em không đi học thì cô có đến nhà nịnh xin lỗi, mẹ em cho em nghỉ vài ngày rồi lại đi học chứ cũng không làm ầm lên, cô sau đấy cũng thôi không thù hằn gì em, nhưng mà đấy là chuyện gần 30 năm trước... Hôm xem clip xong em hỏi mẹ em là hồi xưa thấy con bị đánh thế mà vẫn dũng cảm gửi tiếp được ạ, thì mẹ em đủng đỉnh là cô cũng còn trẻ chưa có kinh nghiệm và nói cô rồi thì "đố dám"... tự tin như thế mà rơi vào thời này thì chắc em tan xương rồi...

      Delete
  4. Em cũng thấy làm nghề nào ăn nghề đó. Bọn Tây phân biệt rất rõ giữa "fact" và "emotion". Chưa bàn đến đạo đức hay lương tâm, đã lấy việc trông trẻ làm nghề thì bắt buộc phải nắm được những nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp cơ bản, trong đó bao gồm việc không được phép hành hạ thể xác trẻ con. Lí do "cả giận mất khôn" đưa ra trong hoàn cảnh này, theo em là không thể thông cảm được, cho dù đó là tâm lý chung của con người đi chăng nữa. Nó cũng buồn cười y chang tình huống một ông bác sĩ phẫu thuật la làng rằng hôm đấy tôi điên máu vì bị vợ cắm sừng nên cắt nhầm mất cái này cái kia của bệnh nhân, thế nên tôi đáng được người khác đứng vào vị trí của mình mà thông cảm giúp, kiện cáo làm gì.

    Mà gốc rễ của vấn đề chính ra nằm ở chỗ người Việt Nam mình quá yếu về kỹ năng làm cha mẹ. Em thấy ngày nay làm cha mẹ là một việc cần phải học chứ không thể dựa dẫm mỗi vào bản năng và tình thương rồi kêu "yêu cho roi cho vọt" như xưa được nữa.Sử dụng bạo lực lên trẻ con là một hành động chứng tỏ sự bất lực của người lớn.

    Có lần em nhìn thấy một đứa bé sơ sinh làm động tác ngoảnh đầu khi nằm trong xe đẩy, nom vụng dại yếu ớt rất thương vì xương cổ chưa đủ cứng cáp. Nghĩ đến cảnh đó, không hiểu tại sao lại có bảo mẫu điên máu đến mức đạp vào ngực trẻ 18 tháng đến chết được, thật kinh khủng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nghĩ hai con bảo mẫu này nó chẳng giận gì mà mất khôn, mà đó là phương pháp sư phạm hàng ngày của chúng nó để đạt được mục đích cho trẻ ăn (do đó khiến bố mẹ hài lòng) mà không phải mất thời gian nhẹ nhàng thuyết phục năn nỉ. Trong mọi trường hợp, nhẹ nhàng kiên nhẫn bao giờ chẳng tốn nơ ron thần kinh hơn là quát thét và thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
      Bạo lực nếu được dung thứ trong gia đình, thì chẳng có lý gì để tin rằng ở trường cô giáo không dùng bạo lực. Cô giáo đánh trẻ hôm nay rất có thể hồi bé đã bị bố mẹ đánh lên bờ xuống ruộng. Đứa trẻ bị đánh hôm nay rất có thể lớn lên sẽ trở thành bảo mẫu đao phủ.

      Delete
  5. Chị chưa xem clip nên bài của chị nghiêng về thông cảm nhiều quá ,thử tượng tượng nếu con chị là nhân vật trong clip liệu chị có can đảm viết bài kiểu này ko nhỉ ? .Tất cả lý do chị noi là đúng ,thần thánh cũng phải nổi điên lên và phát vào mông tụi nhỏ .Nhưng trong chuyện này ,phẫn nộ ở chỗ : gần như là hành hạ,tra tấn .Em hết hồn khi nghe chị vd nếu mình ở trường hợp đó liệu có vô cảm xuống tay ác hơn họ ko ?.làm cho em cảm giác ngoài 2 nhân vật chính đó ra thì cuộc sống ngày nay người có máu man rợ cũng nhiều phết,chỉ đợi hoàn cành và thời cơ là bộc phát ngay .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị không thông cảm gì hết và không bàn tới sự tồi tệ của hai cô kia, chị chắc chắn mọi người đã nói đủ. Cái chị quan tâm là làm thế nào để chấm dứt được tình trạng đó. Trong khi chưa thay đổi được xã hội vì còn cơ cấu cồng kềnh đổ lỗi cho nhau, tham nhũng, sức ép tài chính, thì thay đổi khả thi nhất, trong tầm với của mình nhất, là thay đổi chính quan niệm về nuôi dạy con của mình (trong đó có chị).
      Chị hỏi câu hỏi đó vì trẻ em VN lúc nhỏ bị đánh, đứa bạn hàng xóm cũng bị đánh, đến lúc lớn lên có gia đình thì đánh con (dù chỉ có ít con và là con mình dứt ruột đẻ ra), hàng xóm cũng thấy đánh con ầm ầm. Vậy thì lấy gì đảm bảo nếu làm cô trông trẻ sẽ không ngần ngại ít thì bạt tai trẻ, nhiều thì hành hạ trẻ (nhiều trẻ và không phải con đẻ của mình) khi mà cái sự đánh trẻ nó diễn ra hàng ngày quanh mình? Chỉ tay vào người khác là cái việc dễ nhất, chỉ tay vào mình mới khó. Đấy là ý chị muốn nói, chứ không phải là thôi đừng lên án họ quá vì nếu mình vào vị trí họ có khi mình còn tệ hơn.

      Delete
    2. E cũng chẳng bao giờ đủ dũng cảm để xem mấy cái tin cướp giết hiếp bạo hành thắt cổ chặt khúc....hay click vào những cái ảnh mà chỉ mới liếc qua đã thấy lạnh cả người. Nhưng theo em thì việc chấm dứt tình trạng đó khó lắm bác ạ, gần như là không thể. Giữa xã hội mà người ta ai cũng xử ác với nhau như này thì việc đánh một đứa trẻ đã nhằm nhò j. Người trồng rau thì người phun thuốc sâu, thuốc kích thích cho đẫm ko quan tâm đến tác hại; bác sĩ thì chỉ chăm chăm vòi phong bì, khám ở bệnh viện chỉ qua qua quít quít rồi tìm cách dẫn bệnh nhân về phòng khám tư; công an cứ nhằm người lành hiền là tuýt còi để vòi tiền chứ cấm có dám sờ đến bọn đầu gấu tóc xanh tóc đỏ.... khi mà quanh mình sự vô tâm, tàn nhẫn xứ xờ xờ và ngang nhiên ra đấy thì bảo người ta thay đổi nan giải lắm bác ạ.

      Delete
  6. Em xem 2 đêm hôm trước rồi, đêm đó khóc vì xem cái video kinh khủng quá và mất vài tiếng k ngủ được, em mà gặp 2 cô đó ngoài đường là em ném đá cho chết luôn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hai con này kể như hết đời. Có bị vào tù rồi ra tù cũng khó mà sống nổi, ai còn dám lại gần những thể loại mất tính người kiểu này

      Delete
  7. Đồng ý với Giang là trông 1 đám trẻ thì dễ bực mình, nhưng một người bình thường thì chỉ bột phát ở mức phát cho vài phát vào mông. Giang có xem clip thì mới thấy đây không thuần túy là do ảnh hưởng của căng thẳng hay quá tải. Đây là tâm địa quá độc ác. Lấy hai tay đánh vào hai bên mạng sườn của bé, lỡ dập lách hay chấn thương nội tạng ngấm ngầm thì làm sao? Chưa kể là đánh liên hồi kỳ trận và ngày nào cũng đánh. Và nếu coi clip rồi thì sẽ không nói là mình có thể xuống tay độc ác hơn đâu (nhưng đừng nên coi).

    Một vấn nạn của các bà mẹ VN mình là ép cho ăn để lên cân. Mình thì không ủng hộ điều đó, thế nhưng con mình đi học trường Mỹ, cứ tới giờ họ cho ăn, 20 phút sau là họ dọn, con mình ăn chậm, đi học về là đói ngấu nghiến, cũng xót cả ruột ấy. Nhưng có điều trường đã có tiêu chuẩn ăn rồi, ăn xong thì đổ đi hết chứ không được mang mẩu thức ăn nào ra khỏi trường. Nếu trường VN mà cũng cứ để ăn thì ăn không ăn được thì thôi thì lại đến vấn nạn lấy trộm thức ăn của trẻ (đã từng có ở VN rồi). Haiz, chỉ tội mấy đứa trẻ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đồng ý hoàn toàn với bạn. Không xem thì không thể hình dung hết. Người bình thường dù bực mấy cũng không thể ra tay đánh trẻ con được. Giang nói nhiều điều đúng nhưng mình có thể khẳng định dù bực mấy cũng không đánh trẻ thế này. Uất nghẹn.

      Delete
    2. Mình nghĩ rằng ngay từ đầu mới vào nghề chắc nó không đánh trẻ lập tức như vậy đâu, nhưng vì có sẵn quan niệm đánh là chuyện bình thường cộng thêm tố chất xấu, thế nên càng giơ tay lên đánh thì mức độ tàn nhẫn càng tăng theo thời gian. Cũng như người tra tấn ý, càng lâu năm càng máu lạnh và có những biện pháp tra tấn khủng khiếp hơn. Con bảo mẫu mới có 19 tuổi tức là học nghề quá nhanh.
      Như vậy, bạo lực không nên được tha thứ ở bất kỳ cấp độ nào và bởi bất cứ ai, ngay cả khi chính mẹ là người đánh và chỉ phát cho một cái vào mông.

      Delete
    3. Bạn nói rất đúng về chuyện ăn uống. Nếu quy định chỉ được ăn 20 phút, không ăn hết cũng dọn đồ ăn đi, bọn tây áp dụng tốt, thì ở VN ta lại nảy sinh vấn nạn cô chỉ nhanh nhanh đợi hết 20 phút để bưng luôn đồ ăn của trẻ đi, sau một thời gian có khi thời gian ăn của trẻ chỉ còn 10 phút, trẻ phải một là ăn ngấu nghiến cho đau dạ dày luôn, hai là nhịn đói. Dân mình kiểu gì cũng lách được, luật lệ đề ra là để tìm chỗ hở mà lách chứ không phải để tuân thủ.

      Delete
  8. Và thêm nữa là khi đã dùng bạo lực, xu hướng là càng ngày càng tăng mức bạo lực: tăng tần suất và mức độ. Nếu bản thân người sử dụng bạo lực không tự phản tỉnh được thì phải có pháp luật nghiêm khắc hoặc sự lên án mạnh mẽ của xã hội để người ta phải thức tỉnh và e dè. VN mình thiếu 2 cái sau, như Giang nói, ai cũng đánh và xã hội thấy đó là bình thường.

    ReplyDelete
  9. Đúng là với người VN thì việc mình bị đánh lúc nhỏ, rồi sau này có con thì mình đánh con, dù mình rất thương con và không hề muốn đánh nó, nhưng đôi lúc mệt mỏi hay stress vì công việc về nhà con không ăn, quấy khóc hay phá phách gì đó thì mình đúng là khó mà kềm chế nổi bản thân mình.

    Giáo dục VN lại không chú trọng giáo dục mầm non, chứ lo thạc sĩ, tiến sĩ.. mà nền móng đứa trẻ lại không có được môi trường giáo dục tốt, người ta nói ở trường công thì không có đánh trẻ, nhưng em nghĩ chỉ là giỏi che dấu, làm sao có chuyện không đánh.

    Nhưng thật sự mà nói khi coi cái clip đó thì cái con bé giữ trẻ (bé đó sinh năm 1994), nó còn rất trẻ - chưa tròn 20 tuổi, mà hành động thì kinh dị vô cùng. Đứa bé gái thấy cô giữ trẻ mở cái thùng nước thôi là đã khóc thét lên, ôm chân cô nó năn nỉ.. vậy mà nó vẫn ẵm đứa nhỏ lên trút ngược đầu vô cái thùng nước.. Thật sự quá khủng khiếp khi coi hình ảnh đó.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đấy chính là điều chị muốn nói. Nếu mình bảo mình stress, việc công ty, việc gia đình, đói, mệt, kiệt sức, mà con lại hư nên ai mà chịu được, phải đánh, thì các cô bảo mẫu các cô ấy cũng bảo “chị trông có một đứa có mấy tiếng buổi tối mà chị đã thế, chúng tôi trông bao nhiêu đứa cả ngày còn mệt hơn chị, không đánh thì làm sao duy trì trật tự”. Họ nói thế chẳng nhẽ mình lại nói lại “con tôi tôi đánh, còn không phải con cô, tôi lại trả tiền cho cô, cô không có quyền đánh”, thì có phải là nực cười không. Đã không dung thứ bạo lực ở trường thì cũng không được dung thứ bạo lực ở nhà, ở bất kỳ cấp độ nào. Vì càng đánh càng quen tay sẽ càng đánh nặng hơn và với tần suất lớn hơn. Sau một thời gian thì kết quả là cái video như nhiều người đang thấy.

      Delete
  10. Thấy bác có vẻ bênh vực ,mấy cô ác mẫu đấy mà biết chắc cũng đc an ủi phần nào .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bây giờ chị ví dụ thế này nhé: ở nhà em tức em tát con một cái, con em chỉ có 1 và là con dứt ruột đẻ ra, vậy thì ở trường, cô giáo trông 20 đứa, lại chả phải con cô ta dứt ruột đẻ ra, thì sẽ thành một liên hoàn tát ít nhất 20 cái một lúc, có khó tưởng tượng lắm không? Em chấp nhận việc đánh con ở nhà vậy thì cớ gì lại ngạc nhiên khi cô giáo đánh con ở trường? Không thể nói là con tôi đẻ ra tôi có quyền đánh, không phải con cô nên cô không được đánh.
      Như vậy để chấm dứt bạo lực thì phải chấm dứt ngay từ trong nhà. Thế thôi chứ làm sao lại có thể suy diễn thành chị bênh vực được nhỉ???

      Delete
    2. Đúng vậy. Nhiều người tự cho mình nhiều quyền lắm, đánh con, bạo lực tinh thần...hết năm này qua năm khác và coi đó là chuyện bình thường.
      Hình như đa phần mọi người đọc chỉ muốn nhìn thấy cái mà mình muốn nhìn, không care chủ ý của tác giả.

      Delete
    3. Cám ơn bạn. Bản thân mình đã chứng kiến nhiều bậc cha mẹ đánh con dã man. Đánh đến mức con bò lê bò lết, van xin khản giọng, hàng xóm bất nhẫn quá không chịu nổi phải sang can mà còn bị đuổi về “con tôi tôi dạy, việc gì đến nhà bà”, cứ vài ngày lại một trận như thế. Những bậc cha mẹ này mà cho đi làm cô nuôi dạy trẻ chắc cũng không kém hai bảo mẫu trên.

      Delete
  11. Em hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị! Mặc dù rất bực mình và sôi máu hai cô bảo mẫu này.
    Nhg ở VN có hai vấn đề cần phải xem xét lại.
    Thứ nhất là trường học thì học sinh đầy nghẹt ra, trường công một lớp 50 đứa chỉ ba cô giáo, ở trường công có đánh hay không có trời mà biết. Mà nếu không đánh thì thái độ gầm gừ chắc chắn là không tránh khỏi.
    Thứ hai, thái độ của cha mẹ, cứ chăm chăm muốn con lên kg, muốn con ăn hết suất. Từ đó việc trẻ đến trường hóa ra chỉ để ăn và ngủ, điều mà ở bên các nước khác họ không đặt nặng. Với nước mình đang ở thì việc trẻ đến trường từ mẫu giáo là bước đệm cho trẻ học hỏi kỹ năng từ sử dụng tay chân cho thành thạo, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp.....
    Thứ ba, nhà nước quản lý như shhhhhhh.. chưa kể tiêu chuẩn để mở trường mẫu giáo, rồi tiêu chuẩn để được nhận vào học cũng lắm nhiêu khê... mình từng biết bạn mình phải chạy vạy cực khổ và tốn kém để con vào học trường nhà nước chỉ vì nó không phải là công nhân viên chức. Bởi thế mà trường tư mọc lên như nấm, trẻ con thì đông, trường chả có bao nhiêu, quản lý như thế.
    Theo mình hai con mụ bảo mẫu này bị xét xử thích đáng là không bàn cãi. Nhg người dân cũng nên đòi hỏi có sự thay đổi trong cung cách quản lý và giáo dục thì sẽ triệt để hơn, chứ không phải mọc lên phù thủy này thì ném đá cho nó chết... vì sự thật là phù thủy nhiều lắm, rất nhiều là đằng khác

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị hoàn toàn đồng ý với em. Trong 3 vấn đề em nói chỉ có vấn đề thứ 2 là cá nhân mình có thể thay đổi được ngay, Vậy thì nên thay đổi luôn, giảm bớt gánh nặng không đáng có cho nhà trường. Vấn đề bạo hành trẻ trong phạm vi gia đình cũng nằm trong tầm tay mình, cũng phải thay đổi ngay.
      Công luận là cần thiết vì nó tạo áp lực khiến chính quyền phải ra tay và những kẻ có tội phải sợ hãi. Nhưng nếu chỉ tập trung vào ném đá phù thủy mà không xem lại mình thì cứ dăm bữa nửa tháng lại phải chuẩn bị đá để ném một lần.

      Delete
  12. Em cũng đã nghĩ đến tình huống như chị nói. Bệnh viện bác sỹ cau có với bệnh nhân đau ốm vì ngày nào cũng phải tiếp xúc, stress, giải thích đi giải thích lại với người nhà mà họ không hiểu,.. Giáo viên thì bất lực với lũ trẻ vì bọn trẻ chưa đến tuổi có thể hiểu và kiểm soát bản thân,.. và vô vàn lý do khác.
    Ở nhà, bố mẹ đi làm vất vả, tối đến còn cả trăm thứ việc từ cơm nước, dọn dẹp, tắm rửa, dậy học và làm việc (nếu việc cơ quan chưa xong)... Có vô vàn lý do để biện minh cho việc mình nổi cáu và mất kiểm soát.
    Nhưng xem clip mới cảm thấy đau đớn. Đau nỗi đau của một đứa trẻ còn quá bé, chưa biết nói là nó bị đau. Bị tóm cổ giật liên hồi, bị bóp mũi cho không thở được để mở mồm ra thở và ngay lập tức bị tống thìa cháo vào mồm... nói thật em chỉ xem được có thế đã không thể xem tiếp được. Máu cứ xong lên não và sợ bị tăng xông.
    Cho nên, dù biện minh thế nào, cũng k cảm thấy có thể tha thứ cho bọn cầm thú ấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng nghĩ tội ác của hai bảo mẫu kia không thể biện minh được. Chị ủng hộ hai con này bị phạt thật nặng làm gương, để cho những bảo mẫu phù thủy khác chưa bị phát hiện phải sợ và phải tìm cách kiềm chế cái ác trong con người chúng nó chứ không được đổ lên đầu trẻ con.
      Nhưng vấn đề là làm sao triệt được cái ác từ trong trứng nước. Cái ác nếu được dung dưỡng và gặp môi trường thuận lợi sẽ phát triển thành những biến thái như hai con bảo mẫu kia. Theo chị, bạo lực với trẻ là một cách tiêm cái ác vào đầu chúng, rồi có trời biết chúng sẽ phát triển thành cái gì.

      Delete
  13. em rất rất rất đồng tình với chị. giận mấy người đó sao nhẫn tâm độc ác. nhưng nhìn tấm hình 2 cố đứng sát tường, cúi mặt trước mấy bác lăm le máy ảnh chụp liên hồi, có người còn cười. thấy người ta coi thường đạo đức quá :(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị không hiểu lắm về luật nhưng chị nghĩ chưa luận tội thì ai dám cho nhà báo tác nghiệp cái kiểu này nhỉ???
      Chị nghe nói hình như báo chí còn lục ra cả facebook của họ. Đúng là bảo mẫu trông trẻ kiểu man rợ, nhà báo đưa tin cũng man rợ chẳng kém. Chỉ sợ nhất là dư luận mải lục facebook xem đời tư, bố mẹ, con cái, ảnh tự sướng, status, của họ, để bình phẩm suy đoán, trong khi cái cần suy ngẫm thì chẳng suy ngẫm.

      Delete
    2. Mình ko đồng tình với bạn Hà ở đây. Đó là cái giá họ phải trả cho hành độg mất nhân tính của họ. Đừng nói với mình rằng họ ko đủ trình độ/hiểu biết là hành động của mình sai trái nhé. Cả 2 người đều trên 18 tuổi, có ăn học (1 người còn đúng ngành chăm sóc trẻ), nên họ chắc chắn phải biết việc hành hạ trẻ là sai trái.

      Delete
    3. @chị Giang: cũng không nói được đám người lố nhố đó có phải nhà báo không. bây giờ mấy trang mạng nhiều quá, nhiều người giỏi giật tít đuoc phong ngay là "nhà báo" thực chất chỉ bới móc thông tin giật gân, đem ra xào nấu. thiệt không biết đặt niềm tin vào đâu.
      @bạn nào đó: thì ý kiến cá nhân mà bạn, ai cũng có quyền lên nói lên suy nghĩ của mình. mình k bênh vực 2 người kia, xã hội rủa xả họ đủ rồi. mình đang nói đến cảnh một đám người trông như kền kền chờ ăn xác thối kìa...

      Delete
    4. Mình không muốn bình luận nhiều về chuyện này vì không muốn mọi người bảo tại mình chưa xem và cũng không phải con mình nên mới bình tĩnh mà rao giảng, nhưng thực sự ở nước ngoài mà thế này thì hai cô bảo mẫu kia có quyền kiện nhà báo tội xâm phạm đời tư và làm nhục họ.
      @Thiều Thanh Hà: chị nghĩ không có thẻ nhà báo thì sẽ không được phép vào trong đó mà chụp ảnh.

      Delete
  14. Em cũng nghĩ con bé bảo mẫu 19 tuổi có vấn đề về thần kinh thật. Vì cách nó hành xử quá tàn nhẫn.
    - Em cũng đặt câu hỏi: Tại sao những em bé 3 tuổi này, biết nói rồi, hàng ngày đi học tâm lý đều sợ hãi mà ba mẹ chúng không nhận ra? Chắc chắn các bé biết "biểu hiện" ra bên ngoài, nhưng có lẽ ba mẹ thấy vẫn tròn trịa, tăng cân nên nghĩ là tốt chăng?
    - Em cũng đồng tình chị G việc: nhiều khi chăm con, làm mình phát điên và thậm chí đánh đòn chúng. Chứ đừng nói tới việc chăm cả chục đứa. Nhưng kiểu tra tấn (hàng ngày) thế này thì quá đáng quá. Chỉ có người máu lạnh mới làm thế, hoặc thần kinh không bình thường.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Toàn những người nghèo. Cơm, áo, gạo, tiền đầu tắt mặt tối nên không có thời gian để ý đến những biểu hiện nhỏ.

      Delete
    2. Mình không muốn bình luận về bố mẹ bọn trẻ mà chỉ có thể nói rằng một khi đã nuôi con, người mẹ mà nhạy cảm, chịu khó quan sát thì sẽ đỡ được cho con rất nhiều khổ sở, ngay cả trong cảnh nghèo. Còn nếu đã không nhạy cảm, không chịu khó quan sát, thì ngay cả khi tiền bạc dồi dào con vẫn khổ sở như thường.

      Delete