Saturday, March 31, 2007

Người nhập cư ở New York

Tớ chẳng tin những bác tuyên bố là tôi yêu đất nước nên tôi quay về phục vụ cho đất nước tôi. Thật vớ vẩn. Ở thời đại này chẳng ai yêu nước trước khi yêu chính bản thân mình và gia đình mình cả. Cứ thú nhận thế cho nhanh.
Tớ không dám nói là tớ đã đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng tớ có thể nói rằng tớ đã đi khá nhiều nơi và có cơ hội quan sát khá nhiều cuộc sống của những người nhập cư ở các nước phát triển, đặc biệt là ở New York.
Ở New York có sự phân hóa rất rõ ràng. Nếu không ở đây tớ sẽ không thể hình dung được nước Mỹ, tượng trưng của dân chủ, lại có sự phân biệt đối xử và mâu thuẫn trong nội bộ dân cư đến thế.
Ở New York, người Ý mở nhà hàng, người Trung Quốc vừa mở nhà hàng vừa buôn bán nhỏ tại khu chợ Tàu, người Hàn Quốc làm móng tay móng chân hoặc mở hiệu giặt là, người Pakistan lái taxi và làm chủ hiệu bán khung ảnh kiêm luôn chụp ảnh hộ chiếu, người Philippines trông trẻ, người Nam Mỹ làm bồi bàn, người da đen làm bảo vệ, lái taxi và phu khuân vác, phụ nữ da đen thì làm công việc trông trẻ, chăm người già và dọn dẹp thời vụ, đặc biệt mấy công việc khuân vác nặng nhọc thì chỉ có mấy anh Nga, Rumania vv to khỏe làm được.
Còn người Việt Nam ở Manhattan chủ yếu tập trung buôn bán ở khu chợ Tàu. Tớ nghe nói trên Boston thị trường làm móng tay móng chân chủ yếu do người Việt chiếm lĩnh, nhưng tớ chưa lên đó bao giờ.
Mặc dù dân Mỹ nói sâu xa thì ai cũng là người nhập cư, chứ còn người bản xứ thực ra là người da đỏ, mà tại Colombo nhầm lẫn gọi là Indian nên bây giờ nhiều người cứ lẫn lẫn lộn lộn, kể cả tớ, nhưng có rất nhiều loại nhập cư. Những người nhập cư từ châu Á, Nam Mỹ, châu Phi đa phần làm những công việc tay chân nặng nhọc, thu nhập thấp. Còn những người nhập cư châu Âu thì khỏi phải nói.
Bây giờ trở lại vấn đề có nhiều người Việt trở về Việt Nam lập nghiệp, tuyên bố rằng họ yêu quê hương và muốn cống hiến. Xin lỗi nhé, nghe giọng tớ có vẻ hơi thực dụng hoặc chê bai hơi bị nhiều, nhưng mà tớ cứ nói thẳng, chẳng ai từ bỏ cái chỗ tốt hơn tương lai hơn để đến cái chỗ kém hơn. Vậy thì tại sao cứ phải nhân danh này nọ để che dấu bản chất của vấn đề? Sự thực là người Việt ở New York tỷ lệ thành công cực kỳ hiếm. Bởi vì nếu mình giỏi một, và so với trong nước thì mình cũng đã lỗi lạc lắm rồi, thì thiên hạ họ giỏi mười. Ngay cả khi mình giỏi ngang dân bản xứ thì cơ hội công việc của mình cũng kém dân bản xứ rất nhiều. Để có được công việc ngang hàng thì mình sẽ phải giỏi hơn họ 10 lần. Thế thì cứ nói béng là tôi về vì ở nhà tôi có cơ hội hơn và được trọng vọng hơn có phải hơn không.
Lâu lâu rồi tớ đọc một bài báo có một anh chàng học ở Mỹ xong được mời công việc lương 50,000USD một năm nhưng anh đã dứt khoát từ chối mức lương đó để trở về Việt Nam đóng góp. Nghe đến là chết cười. Nếu anh này được mời mức lương này ở New York hoặc các thành phố lớn thì anh ấy về là phải, vì lương tháng có hơn 4000USD thì chỉ bằng ở Việt Nam thu nhập 400USD/tháng. Còn nếu anh ấy ở các bang khác thì anh ấy về cũng là phải, vì mức lương anh ấy được mời mọc rất thường, trong khi cuộc sống ở đó có khi buồn như trấu cắn, đi mua ít đồ ăn cũng trèo lên xe lái nửa tiếng mới ra được đến siêu thị. Ngược lại, nếu về Việt Nam anh ấy sẽ được trọng vọng, có khi lên thành đại gia sau vài năm cũng nên.
Một số sinh viên tớ biết sau khi học xong cũng quyết định về Việt Nam vì hơn ai hết họ hiểu cuộc sống ở xứ người vất vả thế nào. Mặc dù trong nước họ là những sinh viên xuất sắc, ra đến nước ngoài, để không tụt hậu họ phải học bằng mấy lần những sinh viên khác, ra trường thì cũng chẳng xuất sắc hơn là bao, chưa kể còn rất chi là bình thường.
Rồi mấy vị Việt Kiều về nước làm MC (có người còn mạnh mồm tuyên bố muốn làm Oprah Winfrey của châu Á, chẳng ai đánh thuế ước mơ, nhưng ở nước ngoài mà nói thế thiên hạ nó cười cho), diễn viên, ca sĩ, người mẫu. Ca sĩ thì "tôi về tôi hát cho đồng bào tôi nghe" (thị trường hải ngoại nhàm rồi, chẳng ai thích nghe nữa, thì phải tìm thị trường mới, thế thì chả về VN thì đi đâu, chẳng nhẽ sang châu Âu hoặc các nước châu Á khác), người mẫu thì với chiều cao mét bẩy đi làm người mẫu ở các nước Âu Mỹ thế nào được, thôi về VN cho nổi, mà nổi thật; diễn viên thì ở Hollywood đóng thế đóng lót chán rồi thì quay về VN làm sao, làm đạo diễn, làm sản xuất phim.
Người ở nước ngoài thì đã vậy. Thế còn người ở nhà thì sao?
Chắc mọi người cũng thấy có một số ca sĩ diễn viên ở trong nước thì nổi như cồn mà lọt được đến Mỹ thì đúng là con số 0. Xin ví dụ, diễn viên Đơn Dương tôi chắc chắn là đang hối hận đầy mình vì đã bỏ VN ra đi. Tương tự, chàng ca sĩ có cái giọng eo éo xăng pha nhớt Bằng Kiều cũng mất hút ở thị trường hải ngoại, và cô ca sĩ Thu Phương cùng anh chàng Huy MC tóc vàng tóc đỏ. Nếu ở Việt Nam họ đã là tầng lớp thượng lưu của xã hội, xe hơi nhà lầu lái xe gác cổng, mỗi chị giúp việc phụ trách một đứa con.
Không phải tớ thích chê bai đâu, mà tớ chỉ thích nhìn thẳng vào sự thực trần trụi cho đỡ mất thời gian. Sự thực cay đắng dù có được bọc đường cho ngọt thì cũng chỉ lừa được những người ngô nghê, mà cũng chỉ lừa được một thời gian, thiên hạ khôn chán. Như Hà Trần đấy, chị ấy thẳng thắn thừa nhận cuộc sống số 0 của mình ở nước ngoài, đáng nể những người nổi tiếng dám nói thẳng như vậy. Nếu bạn đã chán làm số 0 ở nước ngoài thì bạn cứ về VN, nếu bạn hy vọng rằng ở VN sự nghiệp của bạn sẽ cất cánh được. Nhưng nên nói thật, chứ đừng giở giọng ơn nghĩa. Còn nếu bạn đã chán ở VN thì bạn cứ ra nước ngoài, đến nước mà bạn thích nếu bạn có điều kiện, vì bạn tự do và bạn có quyền làm những gì mình thích. Nhưng nếu bạn tìm cách ra nước ngoài vì bạn có những mơ mộng về thiên đường thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng. Có bao nhiêu người cả đời không dám thú nhận rằng tôi thất vọng và tôi đã ngốc nghếch, rằng tôi mơ về thiên đường bằng tư tưởng ngô nghê và hạn hẹp của tôi...

3 comments:

  1. DO Thi Quynh TrangJuly 9, 2007 at 10:51 PM

    wow, hoan toan dong y voi y kien cua chi. Nhung thang than thua nhan minh kem thi chang de ti nao. Giong nhu chi da viet o mot cai entry khac, noi phet ma nguoi ta ha hoc mom ra nghe thi cang phai tang cuong boc phet hon nua. Em viet dai y lai thoi, khong phai trich dan nguyen van nhe.
    Rat vui duoc "lam quen" voi chi. Em tim thay blog cua chi qua comment o blog chi Tra.

    ReplyDelete
  2. Em thích bài viết này quá. Rất thực tế không chỉ ở Mỹ và cả những nước phát triển khác ( ví dụ Phần Lan chỗ em ở )

    ReplyDelete
  3. :) Em thích bài này quá. Có lẽ em sẽ dành một góc trong ngày để đọc hết blog của chị.

    ReplyDelete