Sunday, June 7, 2009

Những chuyện tẽn tò (phần 4)

Khỏi phải nói con bạn mình nó hét lên như còi thế nào sau khi được mình tường thuật lại chuyện mình dạy đại sư phụ ở trên. Từ ngày đó mình được gọi đến với cái tên “bạn của H” làm con bạn mình tên H cứ giật thon thót. Đến ngày thầy cô giáo, cả lớp võ đến thăm đại sư phụ, mình đã phải chọn chỗ ngồi ngoài cửa, nấp sau lưng một anh to béo, mà vẫn nghe giọng đại sư phụ sang sảng “cái cô dạy tôi Vĩnh Xuân đâu rồi?”. Lúc đó nếu đất mà nứt ra một lỗ thì chắc mình cũng nhảy vào đó quá. Híc híc

Con bạn mình sau vụ đó cạch mình, nó bảo mình đi đâu chỉ tổ làm nó xấu mặt, nó âm thầm đi học Vĩnh Xuân ở hai chỗ một lúc để lên trình và kiên quyết ko khai báo nơi học thứ hai cho mình biết để mình còn đi theo, chỗ cột cờ này thì vì mình biết rồi nên tiếp tục lên ám quẻ nó thì nó đành chịu.

Đó là tình huống tẽn tò thứ 3. Kể nốt chuyện, sự nghiệp Vĩnh Xuân của mình ko biết có phải vì khởi đầu quá tẽn tò hay ko mà chả cất cánh được. Bài quyền khởi động, người càng giỏi thì có khả năng đi quyền và điều khiển hơi thở càng chậm. Nghe nói các sư phụ tập xong bài này có khi mất 1 tiếng rưỡi, đại sư phụ có khi còn lâu hơn, các môn sinh trong lớp mèng ra thì cũng được 15 phút, thì mình nhoắng một phát 2 phút xong luôn, thở hồng hộc, biết là càng chậm thì càng tốt mà ko chậm được. Được mỗi cái đứng tấn giỏi, và tập đến bài quyền mô phỏng các thế báo, hổ, mèo, vạc gì đó còn được các anh khen thế đẹp hình đẹp, tức là mô phỏng hình báo vồ thì quả thật cũng ra vuốt báo, dáng vạc bay thì quả thật cũng ra thế vạc, chứ ko phải ra mai thế đào thế.

Tình hình trở nên trầm trọng khi đến bài học ngã, tức là phải ngã thế nào cho ko đau, thì mình ngã sai tư thế thế nào mà cả hai vai đều thâm tím nhấc cánh tay lên cũng đau. Cao trào của sự trầm trọng là đến bài học đấm, mình đấm sai tư thế thế nào trẹo luôn cổ tay bên trái, thế là bỏ. Mấy năm sau đi học nhảy Rap và Hip hop trẹo nốt cổ tay bên phải, từ đó chấm dứt hẳn những trò điên rồ.

Vĩnh Xuân là môn võ tự vệ, mà lại là kiểu tự vệ mềm, nhất là với những môn sinh léng phéng như mình thì tự vệ được đã là quá cả sự mong đợi, còn để tấn công hoặc đánh trả thì có khi nội công phải lên tới mức thượng thừa như đại sư phụ, người như đã nói khi vận công lên có thể dùng ngón tay chọc vỡ một cái chum, nhưng thượng thừa đến mức thế rồi thì lại chả có khát vọng oánh ai. Một lần, một thằng cu tóc rẽ ngôi giữa ở lớp học nó cho mình đánh nó thoải mái để nó biểu diễn các món tránh né linh hoạt. Mình vốn tức thằng này từ lâu vì nó gọi mình là bánh mỳ cháy. Trước khi mình xuất hiện thì nó đen nhất lớp, từ khi mình xuất hiện thì nó trở thành đen nhì lớp. Được lời như cởi tấm lòng, mình thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nó ko khách khí gì.Thế mà mình ko thể chạm được vào người nó, vì tất cả những đòn đấm đá thậm chí cả cù và dứt tóc rất tiểu nhân của mình đều bị nó uốn éo gạt ra hết.

Vậy nên, mình thích triết lý của Vĩnh Xuân, nếu có phải phản ứng thì chỉ là để tự vệ, mà cũng chỉ tự vệ để vô hiệu hoá một sự tấn công, làm kẻ tấn công phải phát điên phát rồ lên vì bất lực. Còn đệ tử Vĩnh Xuân lúc bình thường chỉ thấy đứng quay quay tay điệu bộ rất vô hồn, tuyệt nhiên chả thấy đấm đá sát thương ai bao giờ

4 comments:

  1. cun beo vào đây xem loạt bài anh viết về Vịnh Xuân nhé:
    http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=816
    Anh có học chút VX, nhưng bốc phét là chính, nếu ai đánh mình chạy tức thì ;)

    ReplyDelete
  2. À, mà cun beo học nhánh của Việt Nam nhỉ, nên mới có Ngũ Hình (rắn rết). Nhánh Diệp Vấn bên Hongkong bỏ sạch :)

    ReplyDelete
  3. Mới có phim Diệp Vấn về Vĩnh Xuân đấy, em đã xem chưa?

    ReplyDelete
  4. Phim oánh đẹp phết, nhưng chuyện về Diệp Vấn (như kể trong phim) thì huyền thoại là chủ yếu. :)

    ReplyDelete