Monday, January 30, 2012

Dựng lều ngàn dặm mở tiệc…(2)

Tôi không nghĩ mình gây ấn tượng tốt với bà mẹ quyền uy của chàng. Buổi sáng lúc chàng sang phòng bố mẹ vấn an thì tôi vẫn ngủ. Tôi ngủ thông luôn bữa sáng và chỉ xuống chào mẹ chàng lúc gần trưa. Mẹ chàng gầy, nhỏ tí, ăn vận rất lịch lãm, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sofa, tay gối lên một bộ lông thú. Bữa trưa tôi khều từng cọng mỳ Ý khô khốc một cách vất vả và chán nản, ăn cho phải phép rồi tót lên phòng ngủ tiếp đến tận bữa chiều. Thảm cảnh tương tự tại bàn ăn chiều. Đến ngày thứ hai thì tôi ốm và ốm luôn đến tận ngày cuối cùng. Trong những ngày ở nhà chàng, vì ốm nên tôi ngủ suốt, những lúc nào thuốc mẹ chàng nhờ người đi mua làm tôi bớt ốm thì tôi đi lang thang vơ vẩn trong ngôi biệt thự không một bóng người. Thư viện nhà chàng rất hoành tráng, các giá sách cao lên đến tận trần phải dùng thang lấy xuống. Sách quyển nào quyển nấy đóng bìa da rất đẹp và đều đóng dấu Thư viện nhà F. Phòng ăn chính treo chiếc đèn chùm pha lê tuyệt đẹp, chiếc đèn có thể được đưa vào trưng bày trong bảo tàng. Thực tế là trong một lần đi xem bảo tàng Metropolitan ở New York city tôi có thấy trưng bày một chiếc chandelier tương tự như thế.
Dưới tầng hầm ngôi biệt thự, nửa bên này là hầm rượu rất lớn. Mẹ chồng có thời gian tự trồng nho và làm rượu vang ở countryhouse của gia đình (về ngôi nhà này thì sẽ kể ở một entry khác). Trong hầm rượu, sau mấy chục năm vẫn còn những chai rượu in chữ CF là tên bà. Nửa bên kia là quầy bar, phòng chơi bi a thông sang phòng đánh bài. Ăn tối xong các quý ông chơi bi a và các quý bà đánh bài. Vào thời điểm cực thịnh, mẹ chàng rất hay mời khách. Vì ko đi làm nên bà rất thích mời mọc khách khứa để ra dáng bà chủ lịch duyệt hiếu khách gu thẩm mỹ cao. Nhà chàng giờ vẫn còn giữ một quyển sổ dày nơi bà ghi chép tỉ mỉ từng buổi ăn tối, thực đơn, danh sách khách mời, thậm chí cả chỗ ngồi của từng người.
Phòng khách là cả một không gian rộng lớn ấm cúng, nhìn ra vườn cây cắt tỉa rất đẹp mắt. Mùa đông lò sưởi đốt bằng gỗ thông lấy từ ngoài vườn kêu lách tách rất vui. Mẹ chồng là nghệ nhân làm vườn và cắm hoa. Bà có cả một nhà kính trồng hoa ở một góc vườn, nơi mùa đông người làm vườn sẽ mang cây vào sưởi ấm. Người làm vườn giỏi nhất nước Ý Porcinai cũng đã từng đến làm ở vườn của bà.
Người giúp việc ở một khu riêng ngay cạnh bếp và khu giặt là. Làm việc xong là họ lui vào trong khu của họ, đóng cửa, mình ko bao giờ thấy mặt, trừ người nấu ăn và phục vụ bàn. Trong ngôi biệt thự còn có hai phòng nhỏ rất đặc biệt. Một là studio của bố chàng, lưu giữ những giấy tờ quan trọng của gia đình. Phòng kia là nơi mẹ chồng cất những món đồ giá trị. Căn phòng này có cánh cửa bằng thép chống đạn, lúc nào cũng đóng im ỉm. Cánh cửa này được lắp từ sau vụ nhà chàng bị trộm đột nhập năm 1973, khoắng sạch sành sanh, khi cả gia đình đi nghỉ mấy ngày. Kẻ trộm tỏ ra biết ngôi biệt thự rất rõ, biết chính xác nên đến phòng nào và nên lấy đi cái gì. Biết nhà chàng mất trộm, cả thị trưởng và tỉnh trưởng cảnh sát cùng đến, rắc bột, lấy vân tay, huy động rất nhiều nhân lực điều tra mà cuối cùng toàn bộ số đồ mất vẫn ko thấy bóng chim tăm cá. Chàng thỉnh thoảng hay bảo tôi “cứ tưởng tượng gia đình anh ko bị mất trộm lần đó xem, em sẽ có thêm bao nhiêu là đồ trang sức và áo lông thú”
Đến tận bây giờ tôi vẫn không nhớ hết những khu những phòng trong ngôi biệt thự, chỉ vì kiến trúc lắt léo khó hiểu của nó, và những đoạn hành lang vắng tanh ko người, im ắng như thể không tiếng động nào từng lọt vào được, đi qua cứ rờn rợn.

Ảnh: đố ai biết bố chú Bình Nguyên ngồi đâu?

No comments:

Post a Comment