Wednesday, December 3, 2008

And Grandma would...

Bà ngoại hay mua cà cuống ngoài chợ, mang về thả cái bọc xuống nền nhà đất nện, 3,4 con cà cuống đen đen mình khô xác chân tay nghều ngoào bò ra lổm ngổm, vừa bò vừa ngã.

Rồi bà ngoại sẽ cẩn thận lấy cái kim băng nhể vào ngực con cà cuống, lôi ra một cái bọng nhỏ như hạt đỗ xanh, trong trong, cho vào một cái lọ thủy tinh màu vàng nhỏ như ngón tay, nút kín. Đó là tinh dầu cà cuống. Bà ngoại quý cái lọ đó hơn con ngươi mắt mình. Những bữa cơm xuyềnh xoàng chỉ cần bà ngoại lấy cái đầu đũa, cẩn thận chấm vào cái lọ thuỷ tinh đựng phép mầu, rồi chấm vào bát nước mắm, là thành thơm lừng ngon miệng.

Rồi bà ngoại châm bếp nướng cà cuống.

Khi mùi cà cuống đã thơm lừng mái nhà tranh, tôi, lăng xăng trợ lý, cuối cùng cũng được bà ngoại cho chiến lợi phẩm là xác con cà cuống nướng để mút mát. Cái xác khô xác, chả có gì, nhưng giòn và thơm. Tôi nghiến ngấu đến từng đốt chân khô.

Bà ngoại hay dậy sớm đun nước pha trà, tôi ngửi thấy mùi trà sen thơm thơm là cũng lồm cồm bò dậy, chui ra khỏi chiếc chăn bông rách, đến ngồi co ro bên cạnh. 5h sáng. Chiếc đài nhỏ của bà sẽ vọng ra tiếng một chú hát vang lừng “Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người”. Mà phải rất nhiều năm sau tôi mới thủng. Chứ lúc nghe thì cứ tưởng “mãi mãi đi VẸO người”, băn khoăn lắm mà chả dám hỏi ai.

Rồi bà ngoại sẽ nhâm nhi chén trà nóng, tôi ngồi cạnh chơi con búp bê nhựa biết chớp chớp đôi mắt xanh ngọc, nhưng lại bị gãy một tay.

Rồi bà ngoại lảy Kiều,

Bà ngoại giàu có phong lưu, đến tận khi Đảng kêu gọi dân tình tự nguyện đóng góp cho kháng chiến, ai mà ko tự nguyện đủ thì đến trấn cho đủ. Bà ngoại chỉ còn giữ được thói quen uống trà sen tự ướp và tinh dầu cà cuống, như là một trong những thú vui thanh cao của mình.

Gần 30 năm sau, tôi vẫn nhớ tiếng nước sôi thỉu đổ vào ấm trà sen.

Mùi cà cuống thơm lừng trong mái nhà tranh vách đất

Dáng bà ngoại nhỏ nhắn, thắt đáy lưng ong và nước da bánh mật

Và câu hát mà đang làm gì, ở đâu, nghe thấy “Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người”, là tôi cũng đưa mắt tìm quanh quất, có phải bà ngoại?


Tôi ko bao giờ hối tiếc những điều mình đã làm. Chỉ duy nhất, khi bà ngoại ốm nặng, khi phải đối mặt với sự hằn học nhỏ mọn của chính họ hàng mình, một người đàn ông tóc hoa râm và khuôn mặt khắc khổ, đứng chắn giữa tôi và bà, ko cho tôi lại gần, chỉ với một mục đích duy nhất là làm cho đứa con gái kiêu bạc và bất trị là tôi phải cúi mặt, phải đau đớn. Phải chi tôi đã dám chống lại, thay vì bỏ đi để giữ cho lòng tự trọng của mình khỏi bị tổn thương. Bỏ đi trong tiếng khóc gọi của bà “G ơi”. Lúc đó bà đã lẫn, mà chỉ nhớ tên tôi trong tất cả các đứa cháu của bà.

Trong hành trình xa xứ của mình, tôi mang theo hình ảnh bà ngoại, môi nét, và nụ cười nửa miệng…

5 comments:

  1. @ Hà nội: hihi cậu dân phố, ko biết con cà cuống là chuyện thường mà :-P
    @ Hà Thuỷ: buồn. Thỉnh thoảng lại nhớ bà ngoại. Những ký ức dịu dàng nhất là về bà ngoại
    @ Hoàng Linh: thật mà anh. Chúng nó kéo đến nhà em, vứt va li hòm xiểng ra ngoài sân để lục lọi. Bà em đặt mẹ em lúc đó mới 3 tuổi ngồi lên một chiếc va li, hy vọng chúng nó sẽ tha cho cái vali ấy, thế mà chúng nó cũng chẳng tha. Sau vài vụ chúng nó tay dao tay thước đến nhà lục lọi như thế thì bà em sạch bách, phải đi đội than để nuôi mẹ em đấy :-(

    ReplyDelete
  2. Cậu làm tớ nhớ bà tớ :(( Mà tớ vừa lên mạng để xem con cà cuống hình dáng nó thế nào cậu à, tớ quê quá!!!

    ReplyDelete
  3. Sao buồn thế nhỉ?
    Tao cũng hay mơ về bà ngoại lắm, mặc dù hồi bà còn sống thì mình nhiều khi hay hỗn láo với bà. Nhưng bà ở chung nhà với mình gần 20 năm, nên lúc bà mất thì gia đình nhà tao có lẽ hụt hẫng nhất trong tất cả đám con cháu. Bà ngoại mất chỉ 1 tháng sau khi tao về thăm VN hồi 2006. Bây giờ vẫn hay mơ thấy bà đấy.

    ReplyDelete
  4. "Bà ngoại giàu có phong lưu, đến tận khi Đảng kêu gọi dân tình tự nguyện đóng góp cho kháng chiến, ai mà ko tự nguyện đủ thì đến trấn cho đủ." :((

    ReplyDelete
  5. Thì biết là thật mà. Vậy mới rầu cả người...

    ReplyDelete